Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƯ GỬI NGÀI BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO VIỆT NAM

Học sinh lớp 1
Thứ năm ngày 22 tháng 9 năm 2011 3:26 PM
 
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 9 năm 2011

Thưa ngài,
Xin tự giới thiệu, con là một học sinh lớp một. Con biết còn đúng hai tháng nữa thì đến ngày vui của các thầy cô giáo, ngày toàn xã hội tôn vinh quí Thầy quí Cô. Lẽ ra không nên nói điều không vui nhưng vì bức xúc quá nên hôm nay con mạo muội viết thư này kính gởi đến ngài chỉ với một mong muốn duy nhất là xin ngài hãy chịu khó đọc hết bức thư này. Chỉ chừng đó thôi con đã thấy hạnh phúc và đội ơn ngài nhiều lắm. Con mong ngài đọc qua cho biết rồi không không nhớ đến những điều con nói cũng được (Vì lâu nay có bao giờ các ngài biết lắng nghe những gì người học chúng con nói đâu. Chúng con biết thân biết phận của mình, không bao giờ dám mè nheo với các ngài như từng nũng nịu mè nheo với bố mẹ).

Thưa ngài Bộ trưởng,
Hôm mùng 5 tháng 9 là ngày “toàn dân đưa trẻ đến trường”, năm nay con được 6 tuổi (tính theo năm trong giấy khai sinh chứ không phải theo tháng để tính tròn) nên hôm ấy con cũng được mẹ  đưa đi học. Lần đầu tiên được cắp sách đến trường đối với con điều gì cũng mới mẻ và lạ lẫm.  Được xúng xính trong bô quần áo đồng phục mới hai màu xanh trắng, được khoác chiếc cặp có quai đựng đầy sách vở  trên vai, được có thêm nhiều bạn mới ở trường… lòng con hôm ấy vô cùng thích thú. Hồi còn học mẫu giáo, thỉnh thoảng bà ngoại có đọc cho con nghe bài văn “Tôi đi học” của Thanh Tịnh, con rất thích. Con không hiểu gì nhiều nhưng lòng con xôn xao với những đoạn văn đại loại như “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”  hay “Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi vào lớp… Ông đốc trường Mỹ Lý cho gọi mấy cậu học trò mới đứng lên …  Sau khi đọc xong mấy mươi tên đã viết sẵn trên mảnh giấy lớn, ông đốc nhìn chúng tôi nói sẻ: ‘ Thế là các em đã vào lớp năm. Các em phải cố gắng học để thầy mẹ được vui lòng, và để thầy dạy chúng em được sung sướng’…  Sau khi thấy hai mươi tám cậu học trò sắp hàng đều đặn dưới hiên trường, ông đốc liền ra dấu cho chúng tôi vào lớp. Một thầy trẻ tuổi, gương mặt hiền từ, đang đón chúng tôi bước vào cửa lớp...”. Nhà văn đã giúp con nhận ra điều tốt đẹp rằng được đi học thật là hạnh phúc và con cũng nhận biết không phải đến bây giờ mới nghe hai chữ thân thiện kèm sau hai chữ trường học mà tận hồi cha mẹ con chưa được sinh ra vốn dĩ ở trường học mọi người đã luôn thân thiện và biết tôn trọng nhau rồi . Vậy mà mới sau vài tuần đầu đời làm người đi học con bắt đầu thấy hãi hùng, ngao ngán và chán nản nơi được gọi là trường học (chẳng phải là một trường học thông thường mà danh xưng của nó là “trường học  thân thiện” theo đúng khẩu hiệu của Bộ đưa ra). Cô giáo dạy chúng con không giống ông đốc hay người thầy giáo trẻ trong truyện “Tôi đi học” của Thanh Tịnh. Cô luôn la mắng, quát nạt chúng con là một lũ ngu, học hành dốt nát (Bộ trưởng nghĩ xem có tội nghiệp cho lũ học trò bé nhỏ chúng con không?). Điều đáng nói là chuyện này không xảy ra ở vùng núi cao hay hải đảo xa vắng mà ngay tại quận Tân Bình, thành phố mang tên Bác Hồ. Một thành phố lớn nhất nước ngài ạ! Khi cha mẹ đến đón chúng con về, cô giáo của con không hề gợi ý mà nói ngay “con anh chị học kém lắm, chậm lắm, đề nghị phụ huynh phải cho cháu đi học thêm, nếu không sẽ ảnh hưởng thi đua của lớp, của khối”. Ngài Bộ trưởng biết không? Cô của con đã thuê nhà ngay trước cổng trường để dạy thêm mà con thấy các thầy cô lãnh đạo nhà trường không nói gì, mọi người xem như chuyện như vậy là lẽ tự nhiên. Còn cha mẹ các bạn cùng lớp con thì mặc dù mặt ai cũng méo xệch nhưng đều gượng cười và nói nịnh cô mấy lời để thể hiện sự bằng lòng chấp nhận lời khuyến cáo của cô và cũng để không phải lo sợ con mình bị trù úm khi gởi núm ruột của mình cho cô giáo kính yêu. Thưa Bộ trưởng, khi một sự việc không bình thường đang trở thành bình thường ngay trong trường học thì đó là dấu hiệu gì của xã hội vậy hở ngài?

Ngài Bộ trưởng ơi, con nói vòng vo, thiếu mạch lạc, kém trong sáng như thế không biết ngài có hiểu ý con không? Rất mong ngài thông cảm và chia sẻ cùng con vì trình độ con mới là “Lớp Một hai tuần” ngài ạ!
Thưa ngài, con trình bày điều này có khi không phải nhưng không thể không nói đến. Ngài nghĩ mà xem, thông thường trường học là một môi trường trong lành. Ở đó mọi điều do thầy cô đưa ra đều được xem là khuôn là thước. Bộ giáo dục đã nói lời nào thì nhất định không sai. Nhưng thực tiễn cuộc sống đang diễn ra trong trường học và lý thuyết nói về mục tiêu, chương trình của ngành giáo dục lại hoàn toàn trái ngược. Nó rẽ một góc ngược không phải 90 độ mà đến 180 độ thưa ngài. Có lần con nghe ông ngoại con nói ở tận nước Đức xa xôi có ông Gớt nào đó là một triết gia từng viết trong tác phẩm của mình rằng: “ Mọi lý thuyết đều màu xám còn cây đời thì mãi xanh tươi”. Có phải vì thế mà “mọi lý thuyết của Bộ giáo dục đều màu xám, chỉ có cây đời đang diễn ra trong trường học mới mãi xanh tươi” ?

Thưa ngài Bộ trưởng, rất mong ngài không cho rằng con nói hỗn bởi con đang nói đúng những gì đang diễn ra trong trường con học và ngay tại lớp một của con. Con xin kể ngài nghe chuyện này. Trong những bữa cơm gia đình, thỉnh thoảng con có nghe ông bà, cha mẹ nói chuyện học hành ngày trước sao mà khác xa và lạ lẫm quá. Con nghe nói cách nay không xa lắm, những người bây giờ là bậc sinh thành của con bắt đầu tập viết bằng nét sổ, nét móc xuôi, nét móc ngược, rồi mới tới chữ i chữ t, chữ o, chữ a... Lúc học mẫu giáo, các cô của con nói “Ở bậc mẫu giáo, các con chơi là chính và bước đầu làm quen chữ cái chứ không học chữ. Chuyện học để khi vào lớp một mới học”. Thế nhưng vừa đặt chân vào lớp một chúng con đã được cô giáo cho tập viết chữ e, đ…e   đe và b, b… ua bua sắc búa. Mà không phải chỉ viết vào một quyển vở tập viết đâu nhé. Mỗi học sinh chúng con phải có 2 bộ tập chép: một ghi ở trường và một ghi ở nhà. Như vậy mỗi học sinh sẽ có một quyển tập chép sạch sẽ và đẹp sẵn sàng để cô nộp cho các đoàn kiểm tra, lấy điểm thi đua. Chính những áp lực học tập như vậy nên chúng con đã đánh mất tuổi thơ tự khi nào ngay chúng con cũng không biết. Cuộc đời của chúng con chỉ có học và học.  Vậy là muốn học để biết và để làm người, điều đầu tiên chúng con phải tiếp xúc là những từ vô cùng giàu hình ảnh: đe và búa. Tự nhiên con liên tưởng đến thành ngữ “trên đe dưới búa” mà dân tộc ta thường dùng để nói về sự hành hạ Bộ trưởng ơi!

Câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Chỉ hai tuần sau ngày khai giảng, tại cuộc họp phụ huynh, cô giáo thông báo “nhà trường đã chọn một số học sinh lớp một đi thi viết chữ đẹp”. Mô Phật! Con không hiểu điều gì đang xảy ra trong cách điều hành, tổ chức và quản lý của ngành giáo dục nước ta mà Bộ trưởng là người đứng đầu! Sao lại có chuyện không được học chữ ở mẫu giáo mà vừa vào lớp một đã đi thi viết chữ, phải học hành, viết lách như một thần đồng ngôn ngữ?!

Thưa Bộ trưởng,
 Ở lứa tuổi chúng con, để làm người đi học khổ lắm Bộ trưởng ơi!
Ngài Bộ trưởng có biết hiện nay mọi người đang đối phó với sự bất cập này ở lớp một như thế nào không? Con kể thật ngài nghe nhé! Thực tế mọi người đang âm thầm làm nhiều việc không trung thực để đối phó với bộ giáo dục ở nhiều góc độ: Nhiều trường mẫu giáo làm lơ lệnh cấm của ngành dọc, vẫn tiến hành dạy chữ cho các cháu để khi các cháu bắt đâu đi học là có thể thỏa mãn yêu cầu của thầy cô giáo dạy lớp đầu cấp tiểu học và cũng để cha mẹ an lòng rằng con mình sẽ không bị đày đọa khi bước chân vào lớp một; một số cha mẹ lo lắng hơn thì không cho con đi mẫu giáo mà để con ở nhà nhằm tập trung rèn chữ viết và dạy làm toán, như vậy chắc chắn đi đúng hướng, mai mốt vào lớp một con mình sẽ được xem như một thần đồng; trường hợp khác (như con chẳng hạn) khi con cái bắt đầu vào lớp một, cha mẹ theo nịnh cô giáo vài câu, dúi cho cô giáo ít tiền, cho con theo học với cô thế là yên tâm. . . lên lớp (dù có thể đến lớp ba vẫn chưa biết đọc).

Giờ thì con đã hiểu vì sao mấy năm gần đây ngành giáo dục luôn nêu cao việc xây dựng nhà trường thân thiện, chống mọi hành vi tiêu cực và chạy theo thành tích trong trường. Hóa ra, khi thiếu cái gì người ta lại thường hay đề cập và nêu cao đến vấn đề đó.

Thưa ngài Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nước CHXHCN Việt Nam, hiện nay con thấy người lớn dễ nổi nóng, thường ục nhau kể cả khi không cần thiết; ngoài đường mọi người phi loạn xạ bất chấp luật lệ giao thông; thiên hạ thi nhau khạc nhổ, đổ rác và phóng uế bừa; cảnh sát giao thông ra đường chặn xe đòi mãi lộ gần như công khai … Với tư cách người đứng đầu ngành giáo dục, ngài có thấy xót xa không? Theo con, không đổ thừa trách nhiệm cho ai nhưng rõ ràng ngành giáo dục phải có trách nhiệm. Có lẽ đã đến lúc ngành ta cần giảm bớt áp lực học tập nặng nề đối với người học để tăng thêm phần bồi dưỡng nhân cách và rèn kỷ năng sống một cách thường xuyên có hệ thống hơn, thưa ngài! Mặc dù mới học lớp một được hai tuần nhưng con đã biết ước ao trong xã hội ta thực sự chấm dứt được tình trạng sống dối trá, chay theo thành tích ảo, hành xử thiếu trung thực triền miên. Đặc biệt, ngay bây giờ con ước mong sao cô giáo của con sẽ biết yêu thương học sinh, biết nói lời ngọt ngào có văn hóa với chúng con, không còn là một hung thần, một nỗi ám ảnh kéo dài cho đến tận giấc ngủ của con. Phải chi Bộ trưởng biến hóa được để thành một tiên ông chắc ngài sẽ có thể biến ước mơ chúng con thành hiện thực. Nhưng buồn quá, cuối cùng ước mơ cũng vẫn chỉ là ước mơ mà thôi. Bộ trưởng vẫn là bộ trưởng. Cô giáo vẫn là cô giáo. Bộ trưởng thì ở xa nên không bao giờ biết chuyện gì đang xảy ra trong ngành mình đang quản lý. Cô giáo thì ở gần mà cô hung dữ như phù thủy trong những câu chuyện đời xưa. Eo ui!

Thôi, nói làm gì thêm nữa cho mệt! Mấy lời kể lể vắn tắt gởi ngài Bộ trưởng đọc cho vui và gởi đến ai là người còn giữ được lối sống có trách nhiệm nằm gác tay suy ngẫm để thấy đau đời.

Kính chào ngài Bộ trưởng!
MỘT HỌC SINH LỚP MỘT