Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TIỂU THUYẾT “CON THUYỀN KHÔNG BẾN ĐỖ” – MỘT THÀNH CÔNG MỚI CỦA DỊCH GIẢ LÊ THANH DŨNG

Trần Huy Thuận
Thứ ba ngày 20 tháng 9 năm 2011 6:42 AM
“CON THUYỀN KHÔNG BẾN ĐỖ”  – giải thưởng Văn học châu Á (Man Asian) năm 2009, vừa được NXB Văn Học chọn dịch sang tiếng Việt và phát hành ở nước ta. Đây là một cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh từ cuộc “Đại cách mạng Văn hóa Trung Quốc”, được Ban giám khảo gọi là cuốn “ngụ ngôn chính trị”.
                   Tác giả cuốn sách - Tô Đồng, một nhà văn trẻ, chưa đến tuổi 50, khá quen thuộc với độc giả Việt Nam qua bộ phim nổi tiếng “Đèn lồng đỏ treo cao”  do đạo diễn Trương Nghệ Mưu dựng dựa theo tiểu thuyết “Thê thiếp thành quần “ của ông. Dịch giả là tiến sĩ Lê Thanh Dũng, người đã dịch “Tâm sự tuổi già” - một bài viết đã được đông đảo bạn đọc Việt Nam đặc biệt là thế hệ người cao tuổi truyền tay nhau trong suốt những năm qua.
  Cuốn sách tập trung vào số phận của những con người sinh ra trong thời gian Trung Quốc tiến hành cái gọi là “Đại cách mạng Văn hóa” – tác giả gọi là “một thời đại lố bịch”. Xoay quanh cuộc đời Khố Văn Cán, một người đàn ông đã thành đạt nhờ vào cái “lý lịch” là con trai của một nữ anh hùng liệt sĩ, làm được đến chức Bí thư một Thị ủy. Ta hãy nghe dịch giả tóm lược câu chuyện:
 “Câu chuyện không kể tại sao Khố văn Cán được làm bí thư thị ủy, nhưng chẳng nói thì độc giả cũng đoán được, đó là vì ông ta là con liệt sĩ, có thế thôi. Nói vậy bởi vì sau này tự nhiên có một đoàn điều tra kết luận ông không phải con liệt sĩ, thế là ông ta mất chức. Chẳng có một dòng nào nói về tài năng lãnh đạo của ông và những gì ông làm được cho thị xã thời ông đương chức, cũng chẳng có dòng nào nói lí do ông mất chức...Tất cả chỉ xoay quanh chuyện ông “đã từng là” và “không còn là” con liệt sĩ mà thôi.
Khố Văn Cán từ một đứa bé không cha mẹ, sống trong cô nhi viện, đã trở thành con liệt sĩ do cậu có cái “bớt xanh hình con cá” ở mông. Chi tiết này do một nhân chứng có tên là Tứ Phong cung cấp, bởi chính ông ta là người đã phát hiện ra cậu: Sau khi mẹ cậu bị treo cổ chết, chiếc giỏ đựng cậu bị bỏ rơi bên sông và bị thủy triều cuốn đi, trôi vào lưới bắt cá của ông. Rồi từ con liệt sĩ Khố Văn Cán tiếp tục được “bồi dưỡng” trở thành bí thư thị ủy, được công chúng trong thị trấn tung hô và vì nể. Nhưng “trời đất nổi cơn dông bão bất ngờ, vào một ngày hè, trên cử xuống một tổ công tác bí hiểm... ”, thế là số phận Khố Văn Cán thay đổi từng ngày. “Tổ công tác này quyền uy ghê gớm lắm, chuyến đi này của họ bí mật không ai được biết, lãnh đạo thị trấn... không được can dự”.  Một người em họ của nhân chứng do tư thù với người đã khuất, đã cung cấp những chi tiết làm thay đổi hoàn toàn lai lịch Tứ Phong.  Tứ Phong trở thành kẻ “khác biệt giai cấp”.  Thậm chí còn có người đưa ra giả thuyết: Khố Văn Cán chính là con của Tứ Phong. Tứ Phong đã lừa “tổ chức”, đưa đứa con mình núp danh con liệt sĩ, leo lên đến chức cao chót vót của thị trấn. Đi tiếp một bước nữa, người ta dùng lý lẽ khoa học giải thích rằng, cái bớt trên mông Khố Văn Cán - căn cứ duy nhất chứng minh lý lịch con liệt sĩ của ông, không phải là cái gì đặc biệt, phàm đã là người dân vùng này, ai cũng có. Thế là nhân vật chính của tiểu thuyết rơi tõm từ vị trí bí thư thị ủy xuống thành phần tử “khác biệt giai cấp”, rồi bị cách ly để điều tra. Cuộc sống gia đình đang yên ổn, bị phá nát vì người vợ không thể chịu đựng được sức ép ngày càng tăng của dư luận đàm tiếu về tư cách cũng như lai lịch của chồng mình và bà đã quyết định bỏ nhà ra đi... Đứa con đang có cha có mẹ bỗng trở thành “con hoang”, vì bố nó bây giờ không phải là con liệt sĩ nữa, mà là con hoang! Một bi hài kịch được diễn ra trên khắp nẻo đường thị trấn: Có rất nhiều kẻ đã bí mật hoặc công khai... vạch quần tự tìm xem mình có cái bớt ở mông không, có thì là hình gì, có đúng là hình con cá không!... Một thứ “văn hóa”  bệnh hoạn đã được những người trực tiếp tiến hành cuộc “Đại cách mạng văn hóa” khuyến khích, động viên: Đó là việc lấy sự bất hạnh của đồng loại làm hạnh phúc của mình; sử dụng quyền lực gây khó dễ cho người khác trở thành một thứ khoái lạc!.. Tác giả cứ tưng tửng, “nghiêm túc” kể lể chuyện dông dài, rất ly kỳ hấp dẫn mà đọc lên không hiểu nên khóc hay nên cười (LTD).
Dịch giả viết tiếp:
Bạn đọc sẽ cảm nhận được tất cả những điều đó lẩn khuất trong câu chuyện của tác giả với nhiều tuyến nhân vật, cái bi cái hài xen lẫn nhau được tác giả “cài cắm” rất có chủ ý mà bạn đọc tinh ý sẽ thấy rất thú vị”.
Tô Đồng chia sẻ với báo giới rằng ông tự giam mình 3 tháng trong một căn hộ "yên tĩnh và biệt lập - nơi chỉ nghe duy nhất tiếng chim hót" ở Leipzig, Đức để hoàn thành tác phẩm này. 70.000 bản in đầu tiên của cuốn sách nhanh chóng được bán hết. NXB Văn học Nhân dân Trung Quốc đã phải tái bản ngay để đáp ứng nhu cầu của độc giả.
                   Tiểu thuyết “CON THUYỀN KHÔNG BẾN ĐỖ” là bản dịch thành công nữa của dịch giả Lê Thanh Dũng sau hàng loạt tập sách và tài liệu ông đã từng dịch. Người đọc Việt Nam chúng ta, qua “CON THUYỀN KHÔNG BẾN ĐỖ” sẽ có dịp “sống” với từng nhân vật của tiểu thuyết, để có thể trải nghiệm và thông cảm với một thế hệ con người bị chủ nghĩa lý lịch và cuộc cách mạng mù quáng có cái tên mỹ miều “ĐẠI CÁCH MẠNG VĂN HÓA” đầy đọa đến thui chột, đến vong gia bại sản theo đúng nghĩa đen của cụm từ này.
           Xin mượn chính lời dịch giả để kết luận bài viết này: “Không dám làm mất thời gian hơn nữa, xin để tác giả kể chuyện cho bạn đọc nghe…”./.
THT