Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƯ GỬI GS HOÀNG TỤY

Nguyễn Huy Canh
Thứ hai ngày 19 tháng 9 năm 2011 8:39 PM
 
        Tham nhũng, và cuộc đấu tranh chống tham nhũng có thể xem như là nỗi ưu tư nhức nhối của tất cả những lương tri, những nhà tư tưởng, những chính trị gia có tâm huyết với đất nước, với sự tồn vong của dân tộc này. Những điều trăn trở của GS HOÀNG TỤY về nguồn gốc sản sinh ra tham nhũng phải được xem là những ưu tư đầy trách nhiệm như thế đối với sự trong sạch của chế độ và sự phát triển của đất nước.(xem bài”Tôi nói, cơ chế sản sinh ra tham nhũng…”nguồn tạp chí lập pháp)
         Tôi đang là một giáo viên sống với đồng lương trong veo, nghèo túng, nhiều khi cũng rất bất mãn với cơ chế tiền lương hiện nay của nước nhà.Đặc biệt khi nhìn vào mức sống với trăm cách thu nhập, kiểu thu nhập của các quan chức trong cùng ngành và trong bộ máy công quyền tôi càng cảm nhận được sâu sắc sự bất công và sa đọa của bộ phận quan chức này. Và vì vậy tôi rất xúc động và cảm ơn những đòi hỏi của GS cho một đời sống, một chế độ tiền lương hợp lí trong hoàn cảnh hiện nay. Tuy nhiên, với một thái độ chân thành và kính trọng tôi vẫn muốn nói với GS đã hoàn toàn chưa đúng khi cho rằng đó chính là cơ chế phát sinh và nuôi dưỡng tham nhũng như một căn bệnh trầm kha của xã hội chúng ta. Nếu đây chỉ là cái cớ để GS bênh vực và đấu tranh cho quyền lợi những người làm công ăn lương, và đặc biệt cho  đời sống các nhà giáo và cùng với điều đó là sự phát triển của ngành GD thì rất lấy làm quí báu, và do đó chúng ta cần phải ủng hộ những đề xuất và suy tư của GS từ nhiều chục năm nay.
          Nhưng nếu hiểu đây là gốc rễ của tham nhũng thì đó lại là cái nhìn lệch lạc, phiến diện và có phần ngây thơ. Cũng giống như người thầy thuốc, sẽ rất là nguy hiểm khi không nhìn thấy căn nguyên thực sự của căn bệnh
           Tiền lương không đủ sống có mối liên quan tương đối mật thiết với hành vi và tư duy tham nhũng .Có rất nhiều dẫn chứng trong đời sống cho điều đó. Nhưng chúng ta cần phải nhớ rằng vì túng thiếu mà tham nhũng đó là cách tư duy, cách sống của những nông dân nhà quê, của chủ nghĩa kinh nghiệm và sản xuất nhỏ.
             Tham nhũng như đang hiện hình, nảy nở trong xã hội chúng ta đã trở thành một tư tưởng, một nhu cầu, một lối sống trên một bình diện lớn hơn nhiều
              Các doanh nhân cấu kết với quan chức nhà nước tham nhũng trong việc thu hồi đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng; tham nhũng trong đấu thầu xây dựng; trong cơ chế xin cho khi phân bổ nguồn ngân sách; trong cơ chế quản lí các doanh nghiệp nhà nước; trong quản lí thuế; quản lí giáo dục; trong việc xét bổ nhiệm cán bộ ở các ngành…Tiền bạc họ thu được từ tham nhũng đều là bạc triệu, bạc tỉ.(Nếu cần phải làm phép so sánh, thì tiền lương dù có tăng được đầy đủ cũng chỉ là thứ họ dùng để tiêu vặt mà thôi)
             Vì vậy có thể khẳng định rằng, tiền lương không bao giờ là nguyên nhân, là gốc rễ của tham nhũng cả.Cơ chế tiền lương chỉ là một hình thái che đậy ít nhiều cái bản chất đã sinh ra nó. Cái đó chúng ta phải đi tìm từ những căn nguyên sâu xa hơn.
               Một thể chế chính trị mà ở đấy toàn bộ quyền lực được tập trung, tập quyền luôn đẻ ra nguy cơ lạm quyền, tha hóa quyền lực: quyền lực phát triển thành vô hạn độ. Trong lúc tư duy về đổi mới, sửa đổi HP, GS Nguyễn Đăng Dung đã có ý kiến đúng rằng cốt lõi của HP là hạn chế quyền lực. Nhưng ông đã rất thiếu xót khi chỉ nhìn thấy quyền lực nhà nước cần hạn chế. Ông đã không nhìn thấy thực ra quyền lực nhà nước như đang hiển hiện ra trong thực tế là rất hạn chế. Nhà nước(QH) thường chủ yếu chỉ làm cái việc thể chế hóa những nghị quyết, những quyết định đã xong. Điều này nhiều vị ĐBQH khóa trước cũng đã nói ra một cách chua xót. Không chuyển biến được một cách cơ bản cơ chế, thể chế chính trị; không hiến định được khả năng quyền lực chính trị (của Đảng và nhà nước) được kiểm soát thì tôi chắc chắn rằng chúng ta vẫn chưa với tới được ngọn nguồn sâu xa của căn bệnh tham nhũng này
              Tôi ý thức rằng, khi quyền lực xã hội phải được nhân dân trao cho bằng những lá phiếu của mình (chứ không phải như được đem từ bên ngoài ấn vào xã hội thông qua quyền lực như hiện nay) và được kiểm soát, xã hội dân sự được phát triển trở thành định chế được hiến định trong lần sửa đổi HP này sẽ là cơ sở sâu xa cho một niềm tin vào quá trình phòng chống tham nhũng có hiệu quả
                                                 
                                                                                       NHC