Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CẦN MINH TRIẾT HƠN NỮA VỀ NHỮNG SAI LẦM...

Lê Ngọc Bảo
Thứ ba ngày 20 tháng 9 năm 2011 12:34 PM

Cần minh triết hơn nữa về những sai lầm với thái độ thật sự cầu thị mới có thể đưa dân tộc đi lên phía trước.
(Đọc “Nước mắt một thời” và “Hoàng hôn lạnh” - Tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng).

Từ mùa thu 1945 chúng ta đã tiến hành không dưới hai chục cuộc cải cách ruộng đất, với rất nhiều vinh quang và cay đắng. Vinh quang nào cũng đầu rơi máu chảy. Nhưng cái khổ của người Việt Nam chúng ta là: Trước vinh quang chúng ta thường mau quên trùng trùng cay đắng. Nhưng may mắn của dân tộc là ở những giây phút hiểm nghèo thường xuất hiện những anh hùng và những vĩ nhân. Vĩ nhân và anh hùng, anh hùng và thi sỹ mới có thể lái con thuyền chúng ta vượt qua xoáy lốc, nếu không đã bị chôn vùi. Rõ ràng “Có cứng mới đứng đầu gió”, nghĩa là có anh hùng, vĩ nhân, thi sỹ mới có thể “đứng đầu gió”.
 Sau những thác ghềnh đó chúng ta mới ngồi lại với nhau để: tự phê bình và phê bình để tìm ra bài học cho chặng đường đã qua và hành trình sắp tới. “Nước mắt một thời” của Nguyễn Khoa Đăng - một nhà văn chân chính – chân chính từ máu huyết, chân chính từ trong nắn nót mỗi bước đi - nằm trong tổng thể của tư duy triết luận. Đây là triết luận tìm thấy ở Việt Nam, tìm thấy ở đồng bằng châu thổ, tìm thấy ở đất lúa Thái Bình – nơi mà vào mùa xuân năm Ất Dậu (1945) nhiều người chết đói nhất, của “sỹ phu Bắc kỳ” ngàn năm luôn vỗ ngực, “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”. Tôi nhớ không lầm ông Nguyễn Duy có câu thơ thật minh triết về một thời của đất nước: “Một người đi chật cả con đường”. Chính xác! Cũng không nên “cả vú lấp miệng em”, các ông “vua” cả thời cũ và thời mới. Có nói lên được những mất mát đau thương, máu chảy của một thời, con ta, cháu ta, hậu duệ của chúng ta mới lớn lên được, mới cường tráng mà đi tới. Nếu cứ trùm lấp đi bằng sự kẻ cả thì bao giờ mới tiến bộ. Nếu cứ át đi bằng sự áp đảo vô lối, bằng sự đểu giả, thì sự tăm tối sẽ đeo bám con ta, cháu ta, dân tộc ta là mãi mãi!
 Sống ở trên đời phải có niềm tin. Con tin ở bố, vợ tin chồng, lân bang hàng xóm tin cậy lẫn nhau, dân tin ở chế độ, thì chế độ mới mãi mãi tồn tại và mãi mãi xanh tươi.
Bác Hồ đã từng phải lớn tiếng: xé ngay danh sách này đi, nếu bỏ 240 sĩ quan quân đội là con em các gia đình địa chủ thì lấy ai lên Điện Biên! Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng sự mẫn cảm và tầm cao của một chính khách có đầy trải nghiệm, nhìn rất rõ những sai lệch của cuộc cải cách ruộng đất (1952 - 1958) mà ta đã phát động. Tôi sẽ không là kẻ bồi bút, ngậm miệng ăn tiền, mà nói rằng: cụ đã bị rơi vào thế kẹt - thiểu số phục tùng đa số!
Có nhiều người hỏi tôi: mô hình khoán hộ của ông Kim Ngọc tài như thế, thực tế như thế, máu thịt như thế sao không được thực thi trên hậu phương miền Bắc lúc bấy giờ? Bác Hồ có biết không? Có biết! Nhưng Bác Hồ và ông Ba Duẩn còn đang tập trung mũi nhọn cho: Giải phóng miền Nam…
Hôm nay chúng ta bình tĩnh hơn nhìn thẳng vào sự thật, nhìn thẳng vào mình mà cắt nghĩa, vì sao có một thời trên cơ thể của chàng trai làng Gióng, lại có những ung nhọt đau đớn đến thế. Nếu các nhà văn hôm nay không làm các nhà giải phẫu, các nhà phân tích, chỉ ra những sai lầm nghiêm trọng của một thời, chắc chắn con cháu chúng ta, sẽ dẫm phải, mắc phải như một căn bệnh mãn tính không bao giờ chữa khỏi. Trong khi thuốc lá, thuốc nam đang tràn ngập vườn nhà, mà anh em cứ mải tìm kiếm đâu đâu!
Nhà văn Nguyên Khoa Đăng không hề hổ thẹn khi tiểu thuyết của ông phải trôi nổi qua rất nhiều “bà đỡ” mà mãi nó mới được ra đời. “Nước mắt một thời”, “Hoàng hôn lạnh” là bộ tiểu thuyết liên thông, trong những lần tái bản ông nên đề là tập 1, tập 2 … Và chúng tôi đang chờ ông cho ra đời những tập 10, tập 120 của bộ tiểu thuyết trường thiên này, trong bộ sách cùng đề tài: Cải cách ruộng đất! Và phim truyền hình, sao không, ông viết kịch bản phim về bộ tiểu thuyết này, để cho đồng bào cả nước và thế giới thấy một cách thấm thía về những mất mát của chúng ta.
Chúng ta có nhiều anh hùng, vĩ nhân, thi sỹ nhưng không phải lúc nào cũng xuất hiện được. Lý Công Uẩn trước khi cầm quyền lãnh đạo đất nước đã từng chịu án lưu đầy; Nguyễn Trãi trở lại chính trường chỉ mong lo dân, lo nước trong vận hội “Duy tân”, khi đất nước đã khải hoàn. Sao ông không nhìn thấy cuộc “tái xuất” này ba họ ông sẽ bị “tru di”! Có đấy! Rồi người ta cũng minh oan, cũng chiêu tuyết  (nghĩa là cũng “sửa sai”)… Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhiều lần bị ám sát hụt, khi Người đang cầm lái con thuyền dân tộc. Nếu các anh hùng, các vĩ nhân, các thi sỹ của chúng ta ngàn năm nay, cứ ngủ yên, thì thử hỏi dân tộc này sẽ đi về đâu.
Nguyễn Khoa Đăng xứng đáng là một nhà văn anh hùng, khi cầm bút ghi lại những năm tháng đau thương mà sôi động của đất nước.
Cụ Tô Hoài viết “Ba người khác” với góc nhìn của người trong cuộc, một góc nhìn rất minh triết và khôn khéo của một “ông dế mèn” đã qua trăm trận; ông Hoàng Minh Tường vẽ thêm một bức tranh sơn mài pha thuỷ mặc về “Thời của thánh thần”; ông Nguyễn Phan Hách cho xuất xưởng “Cuồng phong”, để con cháu chúng ta nhìn rõ hơn, trang sử biên niên mà cả dân tộc đã đi qua, trong cái thời đầy bùn, máu và nước mắt; nhà văn Nguyễn Khoa Đăng cho xuất bản “Nước mắt một thời”, “Hoàng hôn lạnh” là thêm một trong những cao trào của tổng phổ giao hưởng Việt Nam đi lên từ máu lửa.
Chúng tôi rất buồn, khi có tín hiệu báo động (SOS) về hàng ngàn điểm zero trong kỳ thi đại học cao đẳng vừa qua về môn: Lịch sử! Câu thơ “Quanh Hồ gươm không ai bàn chuyện vua Lê” cua thi nhân họ Chế còn sức sống đến bây giờ.
Nếu không có các “thư ký của thời đại” đầy bản lĩnh và khí phách, đặc biệt là không thiếu tài năng “ghi lại” những năm tháng này, những ngày đã qua thì thử hỏi con cháu chúng ta sẽ học ở đâu và học cái gì?
Những kẻ ít học sẽ lảm nhảm: vết thương đã thành sẹo, lịch sử đã khép lại, không nên “đào xới”… Thưa không, nếu không có ông, có cụ, có bà kể lại cho con cháu nghe truyện cổ tích ngày xưa về: Gióng, về Tấm, Mỵ Châu, Thị Kính, Thị Mầu … thì đâu sẽ là bài học!
Khi ta áp đặt, máy móc, ấu trĩ, giáo điều, ngu dốt cho con cháu ta, thì liệu có còn “thằng chống gậy” hay đất để xây lăng mộ, hay xây rồi mà không có người “thừa tự” thì cũng hương tàn khói lạnh.
Ông Nguyễn Khoa Đăng đã hơn mười lần bản lĩnh, để giải phẫu cơ thể mình, để những lứa đến sau, biết đó mà tránh né. Một hai trăm năm nữa nếu không có những trang sử bằng văn, bằng truyện, bằng tiểu thuyết như  thế này, thì thử hỏi: văn hoá Việt Nam sẽ như thế nào đây!
 Vâng! Văn hoá là đi tìm chân trời mới, những chân trời “chưa có người bay”. Các nhà văn có tuổi của chúng ta là những người mở đường cho văn học  đi vào những vùng văn hoá chưa có người khai phá. Cũng như thế chúng tôi kêu gọi đặc biệt: Các nhà văn quân đội có một thời khoác áo lính, đã đi qua chiến tranh, tiếp tục viết và cho ra đời những tác phẩm viết về những đau thương mất mát, ấu trĩ trong chiến trận. Sẽ làm hỏng vinh quang chiến trận của chúng ta ư! Thưa một ngàn lần không! (Hãy viết và ghi lại. Hơn là ngồi bài xích, kỳ thị nhau, được giải hay không được giải là chuyện hà tất. Ông Nguyễn Du ngày xưa đâu có cần được giải này giải nọ mà kiệt tác “Truyện Kiều” còn lừng lững đến tận bây giờ. Tất nhiên cần phê bình cho con ngựa “xung thiên” nhưng cần đắc địa, đánh là đánh chết tươi, không đánh thì cầm bút viết văn đi. Những năm tháng này cần lắm những “thư ký” tài giỏi, thậm chí những “tốc ký” thiên tài, để cho người ngày hôm nay được biết, được học, được hả hê, được đọc những trang văn có ích hơn, khoái khẩu, cũng có nghĩa là thêm một ngày đáng sống, khi có mặt trên đời này).
Tôi đọc liền mạch hai cuốn “Nước mắt một thời” và “Hoàng hôn lạnh” của nhà văn lớn Nguyễn Khoa Đăng khi tiểu thuyết của anh theo “bồ câu đưa thư” bay tới ngõ nhà mình. Và ngay lập tức, tổ chức đọc cho những nhà thơ quê hương đang có đơn xin vào Hội Nhà văn Hà Nội, ngay trên ngã ba sông Đáy quê tôi. Và ngay lập tức đến trung tâm giáo dục nơi tôi đang làm việc tổ chức một cuộc ngoại khoá về thời sự văn học, trước hàng ngàn thầy và trò, để mọi người được tiếp cận, một thời bom đạn, một thời bình yên, một thời nước mắt.
Tôi đã đọc những ý kiến của những người này, của nhà văn kia, đặc biệt cả mấy câu phỏng vấn của hãng thông tấn BBC, về những tác phẩm này của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng. Họ hỏi còn hiền lành quá, mà tôi thấy anh Đăng trả lời mới ngoan đạo làm sao.
Tôi nhớ lại cách đây ít năm, khi nhà thơ Phạm Tiến Duật còn làm Tổng biên tập Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, tôi vào thăm ông và đưa bài ở 51 Trần Hưng Đạo – Hà Nội, thì gặp ngay một cuộc phỏng vấn, của hai nhà báo trẻ, của một tờ báo Văn hoá thì phải, thấy có khách, tôi định khất anh, nhưng ông Duật bảo: “Nhà thơ cứ ngồi đây!” Và tôi ngồi lại. Trước khi trả lời phỏng vấn hai nhà báo, kịp bài cho  số 30-4, nhà thơ hỏi hai nhà báo trẻ hai câu hỏi nhỏ:
- Mỹ xâm lược nước ta từ năm nào?
- Văn học nghệ thuật Việt Nam 1945 – 1975 được Đảng ta đánh giá như thế nào?
Chờ đến 5, 7 phút hai nhà báo trẻ, một trên ba mươi tuổi là nam, một dưới ba mươi tuổi là nữ, không có câu trả lời. Đường lên đỉnh Olimpia không có quán quân. Các em liền nhờ nhà thơ Phạm Tiến Duật giải đáp và ông chỉ vào tôi: Xin mời nhà thơ – nhà giáo Lê Ngọc Bảo cho đáp án. Tôi nói ngắn: Mỹ xâm lược nước ta từ 1919 và Bác Hồ cũng đánh Mỹ từ ấy, qua những thư từ, yêu sách; còn Nghị quyết Đại hội Đảng IV đánh giá về văn học ta “xứng đáng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay” (Trích Báo cáo chính trị của BCHTƯ Đảng tại ĐHĐB toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam).
Tôi tin rằng sau 30 năm nữa lại có các nhà báo phỏng vấn văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XXI đến 2025 được Đảng ta đánh giá như thế nào!
Xin thưa những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ chúng ta, dù được viết ra dưới dạng nào, cũng đều là trí tuệ Việt Nam, văn hoá Việt Nam, những tác phẩm tốt, có giá trị sẽ được lưu truyền trong tâm linh dân tộc và đưa vào sách giáo khoa cho học sinh phổ thông và đại học học tập.
Công việc của nhà văn là sáng tạo, công việc của người cầm bút là sáng tác, đi đến những chân trời mới mà chưa ai đặt chân tới. Kể cả những không gian quen thuộc (đề tài) cũng không sợ bị lặp lại, cũng không hề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Cần nói nhiều hơn nữa, thấu tính đạt lý hơn nữa…
Anh Nguyễn Khoa Đăng tôi chờ đọc tác phẩm mới của anh.
Sông Đáy 16.9.2011