Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GIÃI MÃ ĐỊNH ĐỀ TRONG “CÀ PHÊ HÀNG HÀNH” CỦA NGUYỄN HUY THIỆP.

Trần Huyền Nhung
Thứ hai ngày 19 tháng 9 năm 2011 2:42 PM

"Tồn tại bao gồm tất cả là duy nhất. Trong sự độc lập tự tại của nó, nó không có một cái gì bên cạnh hay bên trên nó. Ghép vào nó một tồn tại thứ hai sẽ có nghĩa là làm cho nó trở thành một cái gì không phải nó, tức là thành một bộ hay một yếu tố của một chỉnh thể rộng hơn, do chỗ chúng ta mở rộng tư duy thống nhất của chúng ta ra như một cái khung, cho nên không có cái gì phải gia nhập thể thống nhất ấy của tư duy lại có thể được tính nhị nguyên trong bản thân nó. Nhưng cũng không có cái gì có thể nằm ngoài thể thống nhất ấy của tư duy . . . Bản chất của mọi tư duy là ở chỗ hợp nhất những yếu tố của ý thức thành một thể thống nhất ... chính nhờ khả năng hợp nhất đó của tư duy mà nảy sinh khái niệm không thể chia cắt được về thế giới , và vũ trụ như bản thân từ này đã chỉ rõ, cũng được coi là một cái gì trong đó tất cả mọi cái đều hợp nhất thành một thể thống nhất ". Ông Đuy-rinh đã nói như vậy. Theo phương pháp toán học thì: “ Mọi vấn đề đều phải giải quyết bằng định đề, dựa trên những hình thức cơ bản đơn giản, tựa hồ như thể những vấn đề ở đây là những nguyên lý đơn giản của toán học vậy”. Trật tự thiết lập để tạo thành định đề là sự logic đi từ sự vật, hiện tượng tồn tại xung quanh ta. Giải mã định đề trong “Cà phê Hàng Hành” của Nguyễn Huy Thiệp là để khám phá mọi sự vật, hiện tượng quẩn quanh trong đời sống đang lệch khỏi quỹ đạo bình ổn.
     Hàng Hành nằm trong 36 phố phường thuộc khu phố cổ Hà Nội. Nếu như hàng Bạc, hàng Ngang, hàng Đào…nổi tiếng với đồ mỹ nghệ, trạm khắc kim loại quý, hàng hóa, quần áo thì hàng Hành được người Hà Nội biết đến là con phố của những cửa hiệu cà phê lâu năm. Như Nguyễn Huy Thiệp giới thiệu: “Như một cánh cung, phố Hàng Hành bên hồ Hoàn Kiếm dài hơn trăm mét có đến mấy chục hàng ăn, hàng café, gallery, shop quần áo. Nghe nói ngày xưa đây là nơi bán hành tỏi, sau chuyển sang nghề tiện gỗ. Đền thờ tổ nghề tiện gỗ ở trong nhà số 11. Nghề tiện gỗ vốn là nghề truyền thống của làng Nhị Khê quê hương Nguyễn Trãi.” . Mỗi lần ra Hà Nội, tôi cũng hay ghé hàng Hành để nhâm nhi ly cà phê buổi sáng. thưởng thức ly cà phê tại đây, cảm giác bạn cảm nhận được hoàn toàn khác. Bạn không đơn thuần thưởng thức cà phê, mà còn được nhìn ngắm con phố đã có lịch sử hàng trăm năm, với bao đổi thay nhưng vẫn giữ được những nét trầm mặc vốn có. Hơn thế nữa, bạn còn được chứng kiến nhịp sống hối hả của người dân nơi đây để bắt kịp với những đổi thay không ngừng của xã hội, của thị trường. Chính vì vậy mà cà phê hành Hành luôn là sự lựa chọn số một của một số văn nghệ sỹ đương đại.
       Tôi nhận thấy hình như Nguyễn Huy Thiệp trần thuật lại những câu chuyện của rất nhiều con người khác nhau mà có vẻ  tinh hoa “phát tiết” chỉ có thể ngồi  ở “Cà phê hàng Hành”. Sau nhiều năm gần như không viết gì, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cho ra đời truyện ngắn “Cà phê hàng Hành” khiến giới mộ điệu ít nhiều thấy nức lòng, nức dạ. “Cà phê hàng Hành” không chỉ xuất hiện trên báo mà lập tức được chọn làm tác phẩm chính cho một tập truyện ngắn chọn lọc được ấn hành bởi Nxb Hội Nhà Văn. Truyện ngắn, như một lối mở cho cả người viết đã già dặn hay mới cầm bút, trong khi những kết tinh cho tiểu thuyết còn chưa có hình hài cụ thể hoặc chưa nhờ cơ duyên mà phát lộ. Những cách tân bất ngờ của Nguyễn Huy Thiệp dựa trên tính cập nhật, tính phát hiện và chớp nhoáng của thể loại viết ngắn khiên cho “Cà phê hàng Hành” ngày càng trở nên thu hút mạnh mẽ với bạn đọc cũng như đạt tới cấp độ giải phẫu hiện thực tinh tế và trực diện.
       Trong không gian của lối trần thuật hiện thực, Nguyễn Huy Thiệp quan sát, phát hiện ra trong cái hữu hạn của đời sống con người lại có cái vô hạn bao trùm toàn bộ một xã hội loài người. Lối trần thuật đan xen bình luận trở đi, trở lại, theo lối các Cụ vừa nhâm nhi, vừa vịnh hứng khoan nhặt thuở xưa, nhưng nhịp trần thuật nhanh,liên tiếp, câu thông báo cộc lốc theo lối văn Mỹ, bình luận bỡn cợt pha vốn liếng tinh hoa hè phố…tạo nên giọng điệu vừa thâm trầm vừa báng bổ, khinh bạc xen lẫn đa cảm. Nguyễn Huy Thiệp mới hơn ở chỗ: Anh cập nhật nhiều thông tin cụ thể trong giọng điệu câu văn nhuần nhuyễn của một thứ cảm hứng đời sống đang bị lệch khỏi quỹ đạo bình yên.
     Góc phố về đêm, tôi lại rảo bước trên con đường Phố cổ quen thuộc- hàng Hành, chợt có những rung cảm thật nhẹ nhàng..lóe lên những suy nghĩ về ngay mai. Để rồi một ngày mới đến, cũng góc phố này lại bắt đầu từ những ly cà phê. Sự khởi đầu ấy đúng như Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết: “Đối với nhiều người trong đám dân chơi Hà Nội, ly cà phê hàng Hành buổi sáng cũng là bắt đầu một ngày. Ngày ấy sẽ dài hay ngắn, sẽ vui hay buồn? Tất cả đều là ẩn số bên cà phê này đây”. Thôi thì khi đến với Hà Nội, ta nên đến với cái tình cùng Phố cổ và những gì gợi nhớ đến một Hà Nội xưa mang danh Tràng An thanh lịch. Còn những chuyện không vui, cứ xem là sản phẩm “bất đắc dĩ” của một xã hội “quá độ”, để ta cứ mãi nhớ và yêu: miền đất của bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh dưới ánh mặt trời…
         Thông điệp Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gửi gắm trong “Cà phê hàng Hành” với góc nhìn đầy sắc sảo và rất chi tiết về con phố nhỏ này. Từ một nơi để nhâm nhi, giết thời gian, “cái thứ trật tự vô hình ở phố Hàng Hành” mở ra trước mắt người đọc với những thân phận, những nhịp thở đều đặn, lầm lũi có, sôi động có, náo nhiệt có, xót xa ngậm ngùi cũng có. Để rồi chớp mắt thời gian qua đi, cái đọng lại duy nhất đấy là sự yêu thương. Chính vì vậy, đã hòa vào với nhịp phố ấy rồi, người ta chỉ có thể nhớ nhung suốt đời mà không bao giờ quên được. Những câu chuyện đan cài nhau như không có cốt truyện, Nguyễn Huy Thiệp để bạn đọc tự ngẫm nghĩ về chuyện mình, chuyện đời. Chợt hiểu ra giá trị của thời gian và hiện thực. Người đến, người đi. Ly cà phê đá loãng dần. Nhạt nhẽo và vô vị một kiếp người, nếu như sống mà không mang lại được ý nghĩa thiết thực cho đời!
     Sinh thời nhà văn Nguyễn Tuân từng nói: “ Hữu ngạn sông Seine có bảo tàng Louvre, tả ngạn Sông Hồng có cà phê Lâm”, cho thấy rằng: Cà Phê cũng là thứ tất yếu không thể thiếu trong đời sống con người. Ở góc phố liêu xiêu hàng Hành, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng mỗi khi ra Hà Nội cũng thường đến ngồi để nhớ bạn văn đã ở cõi nhớ thương như Nguyên Tuân, Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm…Và như cách nói của ông là đến đây để gặp “âm hồn” bạn bè. Nhà Văn Nguyễn Huy Thiệp cũng thường lên hàng Hành vào cuối chiều, để rồi truyện ngắn “Cà phê hàng Hành” ra đời…Bên sự thâm trầm, kín kẽ mà đôi khi vẫn bàng bạc về cách cảm nhận cuộc đời, Nguyễn Huy Thiệp đưa ra các “định đề” khiến người đọc phải đau đáu, ngậm ngùi đến xót xa trước nhân tình thế thái, tình người, tình đời đen bạc. Cuộc đời là thế! Nhiều khi người ta vẫn muốn tìm quên bằng vị đắng của cà phê, để lại về với những tháng ngày hoang hoải, vô vọng, cô độc, buồn rầu… Cho dù nỗi buồn là điều bao người muốn trốn chạy.
       Những “định đề” trong trang văn của Nguyễn Huy Thiệp, tôi có cảm giác như Anh vừa rất hài hòa với không khí của những phù hoa Hà Nội cổ kính, vừa như đang lạc ra bên ngoài mọi sự đang diễn ra. Khiến tôi vừa muốn gật đầu đồng tình, lại vừa muốn phản bác. Ngay mở đầu truyện, Nguyễn Huy Thiệp lấy 4 câu thơ của Nguyễn Bảo Sinh làm lời đề từ:
“ Ngủ đi, hãy ngủ đi em,
Đời là như thế dậy xem làm gì.
Dậy đi, em hãy dậy đi,
Đời là huyễn mộng có gì mà mơ?”
( Nguyễn Bảo Sinh)
      “Khuôn mặt tinh thần của phố Hàng Hành thường thường không có nét gì là sâu sắc cả. Nó không mơ ngủ. Không nồng nhiệt. Nó không gay cấn. Không sát phạt. Có sự điệu đà, có sự khinh mạn. Có phởn phơ cùng sĩ diện. Đôi khi có những ưu tư và vô nghĩa lý... Khuôn mặt tinh thần của phố Hàng Hành thường thường ít khi thay đổi ở trong một ngày, ở trong một tháng, ở trong một năm... Có thể nhận ra những định đề gì (định đề hay châm ngôn?) từ trong nhịp sống bề ngoài đều đều, vô cảm của con phố phù hoa vào loại bậc nhất của thành phố này?” . Đôi khi cuộc sống quẩn quanh cũng dẫn đến nhàm chán như Huy Cận nói “Quanh quẩn mãi cũng vài ba dáng điệu/ tới hay lui cũng chừng ấy mặt người”. Các “định đề” mà Nguyễn Huy Thiệp đưa ra chính là những câu chuyện đến mức “tầm phào” của đủ các thành phần mà anh quan sát được. Vài định đề đầu tiên:
“* Ở đâu có trật tự thiết lập ở đấy hoặc có hiền nhân quân tử, nếu không ắt hẳn có những bàn tay tàn bạo dự vào. Ừ, có hai trong một.
* Cái gì không giết anh sẽ khiến cho anh mạnh mẽ hơn – đương nhiên, nguy hiểm hơn.
* Bạn tìm kiếm gì? Đi xem gì?
– Tìm kiếm cái chết! Đi xem người chết!
* Sự nhàn rỗi ở người này là sự bắt đầu, là sự khởi động. Ở người kia lại là đứt cước, lại là tẹt ga. May mà đứt cước, may mà tẹt ga!
* Sao đi trách tôi khiếm nhã mà chị loã lồ?
* Anh cởi mở? Hay anh toan tính xâm phạm giá trị tiết hạnh người ta?
* Tiết hạnh ư? Chỉ là quan niệm.
* Muốn hạnh phúc thì im đi, đừng suy nghĩ.
* Tất cả đều là biểu hiện của Dục vọng. Ừ thôi vậy, gọi là cái Đẹp.
* Tôi không nói gì, tôi chối. Người ta không nói gì, người ta phục tòng. Anh hãy nghĩ xem vì sao tôi chối, vì sao người ta phục tòng?”
       Ở đây ta thấy, những câu hỏi và lời đáp mang tính buông xuôi, không có sự mặn mà trong câu chuyện. Như có sự bất cần đời, có cái nhìn bàng quan về thời cuộc.  Vài định đề tiếp theo:
“* Điều ác thường vẫn khởi lên từ quan niệm thái quá về danh dự. Bởi vậy, “bọn đạo đức” vẫn là bọn đáng ngờ nhất về đạo đức.
* Không có vĩ nhân hẳn là đám đông đang tụt dốc, đang mòn mỏi... Sự tầm thường còn kinh hơn cả cái chết.
* Không có mỹ nhân không có vĩ nhân.
* “Tư tưởng chỉ đến khi người ta bước đi, khi người ta đang ở trên đường”. Đó là Nietzche. Cần nói thêm: khi người ta không an toàn, khi người ta đang “xa rời tổ ấm”...
* Tiền ư? Tình ư? Tội ư? Đấy là cuộc sống ư? Đấy là cuộc sống.
* “ Sự đơn giản là điều kiện thiết yếu của cái Đẹp đạo đức”. Lep Tonxtoi nói thế. Nhưng để đơn giản, người ta cứ phải phức tạp cái đã.
* “Chúng ta đang sống trong thời mạt pháp”. Nhiều người nói thế. Chúng ta đang già đi, môi trường ô nhiễm, sức đề kháng yếu đi. Chẳng làm sao được.
* Bản chất con người phi luân luôn miệng nói về đạo đức. Con người đạo đức cũng nói như thế. Vẫn là như thế, mãi là như thế.
* Anh dũng, can đảm, kiêu hùng: đấy là cái Đẹp.
Rụt rè, loanh quanh, bạc nhược: đấy là cái Xấu.
* Những kinh nghiệm riêng tư đích thực thường không nhiều lời. Nó nấp sau vẻ ngô nghê, ngờ nghệch, cù lần. Nó đau đớn buộc phải huyền đi...”
        Từ thời điểm 24h khi  “cánh cửa kính Hotel nhà số 14 khép lại"  cũng là lúc một cuộc phiêu lưu mới bắt đầu với người phụ nữ mảnh khảnh ở ngõ nhà số 20.
1h sáng, có nhiều tiếng động lao xao ở trước cửa đền Trúc Lâm.
2h, có tiếng reo hò ở phố Lương Văn Can, người ta đang xem một trận bóng đá ngoại hạng Anh.
3h, có tiếng gáy te te của con gà tre trong một nhà nào đó ở giữa phố.
4h, 5h rồi 6h sáng... cuộc sống của một ngày mới bắt đầu từ một thứ ánh sáng thật huyền ảo và rực rỡ hưng hửng lên từ phía Tháp Rùa ở Hồ Hoàn Kiếm…
Khoảng giữa trưa, khách uống café bắt đầu van vãn. Mấy cô sinh viên kiêm làm gái gọi đi học về, da tái mét vì đói bụng hay vì ăn kiêng, bồn chồn ngồi đợi nhân tình đi xe ô-tô đến đón.
1 giờ chiều, mấy cậu nhân viên giữ xe máy, rửa xe máy với đánh giày ngủ gà ngủ gật.
3 giờ chiều, hàng bún cua ở cạnh café nhà số 38 mở hàng. Mấy cô trên phố diện short và áo hai dây ngồi ăn khế chua trước cửa café nhà số 39. Một tay buôn bán ma tuý lảng vảng lướt qua. Một ông nhà văn trông tầm thường như tay lái xe ôm ngoại tỉnh đang ngồi đọc sách, đăm chiêu, bất động.
5 giờ chiều, một ông linh mục trong Nhà thờ Lớn đi uống café, ăn mặc như một ông giáo cấp Hai trường huyện nhà quê.
6 giờ tối, một bà thầy bói vận áo dài lụa mầu nâu mon men đi đến bên cạnh các cặp tình nhân ở quán café gạ gẫm. Phố xá đã lên đèn, bóng tối bắt đầu xoá dần đi những tia sáng ngày nhợt nhạt...
    Có chút gì đó thân quen mà lại như hơ hững về con phố của Hà Nội, khiến cho “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình không nhớ nổi một con đường…”. Ly cà phê bắt đầu một ngày mới, ly cà phê gợi lên những suy nghĩ miên man tưởng chừng như bất tận…. Nhưng đằng sau mỗi câu chữ đôi lúc khiến người ta "chưng hửng" đó, lại đang gợi cảm giác như bị quyến rũ đến mê mẩn bởi những giản dị của đời thường và cũng là giá trị đọng lại sau cùng nhất: đó là tình yêu thương. Trang văn của Nguyễn Huy Thiệp giàu tính nhân văn cao cả chính là ở giá trị hiện hữu đời thường, giản dị nhất. ““Khi trong lòng ta đầy rẫy oán thù, đầy rẫy nhỏ nhen thì đấy là đêm đen, thì đấy là bóng tối. Còn khi trong lòng ta chan chứa tình người, chan chứa tình thương thì ta cũng thấy có bong dáng Thượng Đế ở trong lòng ta.” 
    Định đề Nguyễn Huy Thiệp đặt ra ta chỉ nên xem là giả thiết. Đi giải mã các định đề chính là đi sâu vào từng khía cạnh của đời sống. Đó là màn ảnh thu nhỏ của toàn bộ xã hội chất chứa trong ngòi bút của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Tình yêu giữa người với người đó chính là ánh sáng của sự sống. Như Tố Hữu nói “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ người với người sống để yêu nhau”. Đôi khi sự kỳ thú của cuộc đời lại đến từ những ước mong giản dị, có lẽ thưởng thức ly “cà phê hàng Hành” để được suy ngẫm và lãng du cũng không phải là sự đòi hỏi xa xỉ đối với mỗi chúng ta.
                                                  Đêm 17/9/2011
                                                          T.H.N