Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa. Sự việc thế mà rồi bung bét ra... Hơn nữa, ông Bùi Đình Khoa còn là quan chức của xã, sự việc cứ um cả lên, bởi có ai bịt được mồm thiên hạ đâu. Cặp bồ với nữ công nhân khu công nghiệp, không chỉ tan cửa nát nhà, quan xã còn mất chức, mà còn là đối tượng điều tra tham nhũng đất đai…
Lá đơn li dị của bà Xuân đã được tòa xem xét. Tòa án huyện gọi hai vợ chồng ông Bùi Đình Khoa lên để hòa giải, phải rõ ràng ra. Hôn nhân một vợ một chồng, không thể có chuyện ăn ở đa thế như thế được. Cũng vì dính vào vụ “scandal tình ái”, nên con đường quan lộ của ông Khoa, Phó Chủ thịch xã tưởng như diều đang lên thì bị đứt dây. Ông Khoa đã tốn bao tiền chạy chọn để khóa này lên Chủ tịch, ấy vậy khi sát nút thì dính vụ, nên đối thủ đã vượt lên.
Mấy năm gần đây, ở vùng phía Nam của thành phố Hải Phòng, quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất nông nghiệp chuyển biến thành khu công nghiệp diễn ra phải nói là nhanh. Không khỏi ngỡ ngàng, khi cả vùng rộng lớn trước kia là cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay thì nay thành nhà máy xí nghiệp. Thế là tất yếu, từ khắp xứ công nhân kéo đến. Nông dân bị mất đất nông nghiệp, được đến bù những khoản tiền lớn mà có khi họ nằm mơ, cũng chả dám nghĩ tới. Từ những chuyển biến ấy, mà xảy ra những chuyện dở khóc dở cười ở chốn làng quê.
Khi chả còn ruộng nữa, thì đàn bà chả có chỗ mà cấy hái; đàn ông chả có chỗ mà cày bữa nữa. Người ta nói, khi nhàn quá thì dễ sinh ra những việc làm không thiện. Đàn ông suốt ngày la cà quán xá, hết đánh lô đề, bia bọt, lại nháy nhó với nhau đi chim chuột. Người dân làm nông nghiệp khi mất đất thì nhàn như vậy, nhưng hàng ngũ quan chức của xã thì quá nhiều việc. Như ông Khoa, từ ngày lên chức Phó Chủ tịch xã thì cứ đi tối ngày. Bà Xuân, vợ công cũng thông cảm cho chồng, vì công việc lãnh đạo, công tác sự vụ, nhất vì việc giải phóng mặt bằng, bên trên đốc thúc thì lãnh đạo xã phải thực hiện. Hết công việc, lại người nọ chèo người kia kéo lão đi nhậu, giao lưu. Đúng là từ ngày trên địa bàn xã mở mấy nhà mãy, lãnh đạo xã cũng bận rộn. Trong những lúc làm ăn, quan hệ giữa doanh nghiệp và lãnh đạo chính quyền, không chỉ đãi đằng nhau ăn uống nhậu nhẹt, mà cả rủ nhau đi chơi em út. Bà Xuân, khi đi chợ cũng biết, cả cái tuyến quốc lộ chạy qua làng, từ khi có khu công nghiệp mở ra, cũng mở ra hàng loạt quán cà-phê, karaoke đèn xanh đỏ nhấp nháy tới khuya, con gái con đứa ăn mặc hở hang, mắt xanh mỏ đỏ không biết ở đâu đổ về nhiều thế. Ông Khoa, đi sớm về khuya nói là do công việc nhưng theo mấy bà bạn mách thì cả “đi ngang về tắt”. Đến tai bà Xuân, bà đã vặn hỏi chồng:
- Ông liệu cái hồn đấy! Tôi nghe dư luận nói, người ta nhìn thấy ông vào cái quán karaoke của mụ gì ấy… Ông Khoa nổi xung lên, nói át cả vợ:
- Bà cứ nghe đặt điều. Bà không biết tôi đang vất vả phấn đấu vì cái nhà này à. Bà xem, Bí thư đã có ô tô đi, tôi đang phấn đấu lên Chủ tịch, năm sau cũng sắm cái Lacerti, thỉnh thoảng chờ bà đi mà chả sướng à. Giờ bọn chủ doanh nghiệp, chủ đầu tư nó đang cần mình, giúp lấy đất cho nó. Mình giúp nó, thì nó chi tiền bó túi mà chả sướng à. Mấy anh lãnh đạo huyện cũng động viên, “chú cũng phải làm cái xế hộp mà đi, vừa cho nó đẹp đội hình, mà bọn doanh nghiệp nó đỡ khinh!”. Bà Xuân nghe chồng nói vậy cũng có lí, hởi lòng hởi dạ. Thì thôi, ông ấy là lãnh đạo, quan hệ ngoại giao thì hôm về muộn cũng là đương nhiên.
Chả bao lâu sau, dù chưa lên chức Chủ tịch, nhưng ông Khoa cũng cố gắng và đã sắm được con xế hộp. Một buổi chiều hiếm hoi ông Khoa ở nhà, đang cầm cái chổi lông lau lau bụi trên mặt kính ô tô, cười híp mắt nói với tôi:
- Cũng phải cố gắng sắm chứ. Khi có việc, lãnh đạo huyện ới một cái là phải lên đường ngay. Việc ngoại giao không đùa được, nó phải tươm một tý. Chú trông anh bụng to thế này, giờ ngồi bình bịch không thể được.
- Ngạc nhiên là ông anh tiến bộ nhanh quá! Tôi khen.
- Đúng là ngồi xế hôp nó vẫn khoái! Theo các bố trên huyện cũng mệt ra trò, nhưng làm lãnh đạo cũng có cái hay!
- Hay quá chứ, mà mấy ai được cái số sướng như ông anh! Tôi khen thêm. Hôm ấy, tôi có vinh dự được lai rai với hàng ngũ quan chức của xã. Khi đã được vài chầu, câu chuyện đã thân tình, hết chuyện về đất cát, khu đồng này giải tỏa, khu đồng kia sắp có dự án, lại về chuyện gái gú. Anh Khoa vỗ vai tôi,
- “cái kia” của chú còn tốt không? Làm thằng đàn ông, “cái kia” mà yếu thì buồn lắm! Làm vua, hay làm tướng ở đâu đâu, cũng vứt đi, nếu để chị em buồn… Anh Khoa lại cười híp mắt, nháy nháy đầy ẩn ý.
- Nhưng, nếu “khỏe quá” thì “khổ vợ khổ con” chứ! Tôi nói. Anh Khoa lại vỗ vai tôi cái “bộp” một cái:
- Chú em ra ngoài, nhưng xem ra vẫn còn ngu ngơ hơn cánh thôn quê chúng tôi. Con mái già nhà anh ở nhà thì xếp xó ở đấy, phải “viễn chinh” bên ngoài chứ, chú nghĩ anh không có “căn cứ” à?
- Kiếm ở đâu thế, ông anh? Tôi thật thà hỏi cầu tiến.
- Con gái đầy. Gái ở khu công nghiệp nhà mình chứ đâu xa. Rau sạch ấy, toàn gái quê chân chất cả. Chú biết lương của nó được bao nhiêu không, hơn một triệu. Thử hỏi chú, tivi nói ấy, lạm phát thế thì sống sao nổi. Khi đó, anh cầm tiền đi làm từ thiện, anh cho mấy em xinh xinh ấy chút tiền. Em ấy vừa thiếu tình, vừa thiếu tiền mà.
À, tôi hiểu rồi. Thảo nào bà chị Xuân, khi thấy thiên hạ nói về chồng mình “đi ngang về tắt” thì cứ lồng lên, nhưng chỉ nghe thôi, có tang chứng nào đâu. Nhưng, thật ra thì tôi biết được tang chứng. Anh Khoa, Phó Chủ tịch dan díu với cô Hoa. Là người dân tộc Thái ở Hòa Bình xuống đây làm công nhân da giày. Tuổi mới lớn mơn mởn, Hoa đẹp rục rỡ như bông hoa ban sớm mai. Chỉ là “ăn vụng, ăn trộm” tý chút thôi, nhưng không hiểu do sắc đẹp, hay do bài bùa mê thuốc lú của người dân tộc mà ông Khoa không dứt ra được. Thế rồi, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, hơn nữa là dư luận làng nước, tai mắt của mọi người. Cô Hoa không muốn về miền ngược, mà muốn có tấm chồng ở miền xuôi, nên cô cứ bám rịt lấy ông Phó Chủ tịch xã. Ông Khoa ăn vụng cố chùi mép, cố dấu, còn danh dự, uy tín để lên chức chứ, còn cô Hoa thì cứ khoe bung bét ra, cô dơ cái bụng to như cái trống, đòi về tận nhà ông Khoa “ăn vạ”.
- Đây là con anh Khoa, muốn làm gì thì làm với đứa bé con anh ấy. Bà Xuân, vợ ông Khoa lồng lên như con sư tử.
– Nó cứ nằm lăn ra nhà mình, chả nhẽ giết nó à. Bà Xuân bất lực nhìn con nhỏ cướp chồng mình.
- Đẹp mặt chưa, ông quan xã ơi. Không thể có chuyện, một nhà có hai bà, đa thê được, các đoàn thể vào cuộc… Bà Xuân đưa đơn lên tòa án huyện, dứt quyết đòi li dị, còn ông Khoa sượng sùng về với cô bồ trẻ. Trong kì bầu bán đó, mặc dầu “chạy” mất nhiều tiền, nhưng vụ “scandal tình ái” đã làm ông Khoa mất chức.
Ở làng Tẩm Thượng này, không biết có phải cái hiệu ứng từ vụ ông Khoa “ăn nem” không mà thời gian gần đây, mấy bà mấy cô quan tâm đến chuyện “chỉnh trang sắp đẹp” thế. Dào, chả bù cho trước kia, làm nghề nhà nông suốt ngày châm lấm tay bụn, lội ruộng bòm bọp, bùn đất dính đầy có quan tâm gì đâu. Từ khi làng Tẩm Thượng này, gần như toàn bộ ruộng đất được giao cho khu công nghiệp, thì giờ trở nên nhàn rỗi, mấy bác nông dân cũng rủ nhau gái gú, nên mấy chị em lo lắm, bảo nhau chăm chút sửa sang sắc đẹp lắm: ngực lép thì đi bơm silicon nâng ngực, bà có nước da đen rám nắng thì mua sữa tắm về thoa khắp người, bà có móng tay móng chân trước kia hay móc cua đen cáu bẩn thì sơn màu cánh gián… Cái chính của công cuộc chỉnh trang sắc đẹp của chị em, là giữ chồng! Mấy cụ già trong làng nói:
- Hỏng hết, hư hết, trước kia đến củ khoai cũng không có mà ăn, nay khi no cơm ấm bụng đâm giập giật… Hư thân mất nết.
Làng Tầm Thượng này, không chỉ ầm ĩ chuyện “scandal tình ái” của ông Khoa, mà nơi đây đang có khiếu kiện dai dẳng gay gắt. Mấy quan chức của xã, bị người dân viết đơn tố cáo lên trên là ăn chặn tiền đền bù đất của dân. Ông Khoa và hàng ngũ quan chức xã đang lo sót vó, chuyến này không chỉ mất chức, mà công an kinh tế đang, báo chí về địa phương điều tra, theo đơn thư.
- Thế chứ. Thảo nào mà các vị ấy có nhiều tiền thế. Nhà vị nào cũng to vật vã, giàu quá trớn, thừa tiền đi bao gái. Người dân nói, còn ông Khoa ngửa cổ lên trời than:
- Không biết có phải sao Quả Tạ chiếu mệnh không mà xui xẻo cứ ập xuống đầu tôi thế này? Trời ạ!
48A- Lý Thường Kiệt- Hoàn Kiếm- Hà Nội, ĐT: 0913.474.744