Trang chủ » Tin văn và...

Thủ đô Nga kỷ niệm 200 năm ngày sinh tác gia kinh điển Nikolai Gogol

Đan Thi
Thứ bẩy ngày 21 tháng 3 năm 2009 10:11 PM

Trong vòng hai tuần lễ tiến tới mốc kỷ niệm lừng danh – 200 năm ngày sinh văn hào kinh điển Nga Nikolai Gogol (1 tháng Tư), những sự kiện văn hóa gắn với ngày kỷ niệm chẵn này được tưng bừng triển khai tại Nga.
Chỉ riêng ở Matxcơva, đó là Liên hoan phim về Gogol, là những cuộc thuyết trình giới thiệu tác phẩm của nhà văn,  là trình diễn các vở thánh kịch âm nhạc với chủ đề theo tinh thần Gogol... Không thể không kể đến triển lãm “Phố Gogol” thú vị vào bậc nhất. Tại đây, ta có thể cảm nhận thấy sự hiện diện hầu như sống động của Nikolai Gogol giữa lòng Matxcơva hôm nay.
Sinh thời, nhà văn thường ưa dạo bước dọc theo con phố ngày nay mang tên ông. Vào những năm cuối đời, ông đã đến sống trong nhà của một người bạn, ở cách không xa đường phố lớn bây giờ là trung tâm sầm uất của Matxcơva và là nơi sắp tới sẽ khai trương Viện Bảo tàng Gogol. Cũng bởi thế mà có quyết định gọi tên Triển lãm là “Phố Gogol”.
Bà Tatyana Goryaeva, Giám đốc Cơ quan Lưu trữ văn học và nghệ thuật quốc gia Nga nhận xét: “Gogol đã không chỉ một lần viết rằng ông rất yêu Matxcơva. Và chúng tôi muốn thể hiện sự gắn bó của Gogol chính với Matxcơva, mặc dù triển lãm sẽ phản ánh toàn bộ cuộc đời nhà văn cùng với bình diện địa lý đa dạng của những nơi ông từng đến. Đó là kinh thành Peterburg của Gogol, và tất nhiên, là châu Âu của Gogol, nơi nhà văn đã sống suốt 12 năm, rồi những đoạn đời Italy, đoạn đời Pháp, đoạn đời Đức, cũng như những chuyến đi của nhà văn đến Jesuzalem. Tại Triển lãm sẽ trưng bày chiếc cặp da nổi tiếng của Gogol, trong đó ông thường đựng các bản thảo và là vật bất ly thân của nhà văn trong mọi chuyến viễn du. Ở đây đã phục dựng lại bối cảnh văn phòng của ông Mikhail Pogodin, người bạn của Gogol, và có thể thấy chiếc ghế bành yêu quí mà nhà văn thích ngồi xưa kia...”.
Thu thập các hiện vật triển lãm liên quan đến Gogol hóa ra là công việc khó khăn hiếm thấy. Nhà văn không có ngôi nhà nào của riêng mình, và sau khi ông qua đời, tài sản cá nhân của Gogol chỉ còn lại rất ít ỏi.  Chiếc đồng hồ vàng, trước đây vốn thuộc về Pushkin,  một chiếc áo lông thú, một khoản tiền nhỏ, chiếc cặp da, chỉ thế thôi và chẳng còn gì hơn nữa. Nhà phê bình văn học Nikolai Aleksandrov nhận xét: “Về nhiều điều trong cuộc cuộc sống của Gogol chúng ta chỉ có thể ước đoán mà thôi”.Ông Nikolai Aleksandrov nói tiếp: “So với những văn sĩ nổi tiếng của thế kỷ 19, thì tiểu sử của Nikolai Gogol còn ẩn chứa biết bao câu hỏi. Điều đó liên quan tới những đổi thay đột ngột trong cuộc sống của Gogol. Nếu như hậu thế đã biết khá rõ về tuổi thơ ấu và những năm đầu nghiệp văn của ông, thì những thăng trầm tiếp theo trong cuộc đời Gogol, những cuộc di chuyển đầy bất ngờ, sự thay đổi trong thế giới quan, dù có thể cũng không  phải là quá bí ẩn, thế nhưng cho đến nay vẫn là đầu đề của vô vàn giả thiết”.
Trong số các hiện vật thú vị tại Triển lãm “Phố Gogol”, có những bản thảo viết tay quí hiếm, chẳng hạn như cuốn vở với những trang ghi chép tóm tắt về lịch sử cổ đại và sử thế giới. Đó là môn học mà trong những năm tuổi trẻ Gogol đã từng bắt đầu đọc bài giảng ở Đại học Tổng hợp Peterburg. Tuy không trở thành Giáo sư, nhưng Nikolai Gogol cũng đã nêu nhãn quan của ông về cách giảng dạy môn Lịch sử như sau: “Các dân tộc, các sự kiện cần được thể hiện liên tục và sinh động, như đang diễn ra trước mắt người nghe hay người đọc, làm sao để mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều gìn giữ được thế giới và bản sắc của riêng mình”.
Đan Thi dịch
Theo website đài “Tiếng nói nước Nga”
www.ruvr.ru