Trang chủ » Tin văn và...

MA VĂN KHANG MỘT MÌNH MỘT NGỰA

Đinh Hương Bình
Thứ tư ngày 25 tháng 3 năm 2009 5:58 PM

 

“Thôi thì tôi cũng có tuổi rồi, tôi cũng muốn tổng kết đời mình. Còn đoạn nào mà tôi chưa viết trong cuộc đời cầm bút, thì tôi viết nốt.  “Một mình một ngựa” là đoạn đời mà bây giờ tôi mới viết nó ra để mọi người có thể hình dung đầy đủ về bản thân tôi”. - Ma Văn Kháng đã nói như vậy về cuốn tiểu thuyết mới “ra lò” mang tên “Một mình một ngựa” của ông.  

Sau cuốn tiểu thuyết “Gặp gỡ ở La Pan Tẩn” - năm 2001, những tưởng nhà văn của “Mùa lá rụng trong vườn” im lặng với tiểu thuyết. Truyện ngắn của ông thì vẫn thấy đều đều xuất hiện trên văn đàn và trên các báo. Nhưng tiểu thuyết thì cho đến 9 năm sau, tức là năm 2009, mới lại thấy Ma Văn Kháng tái xuất.  

Trước đó đã có lúc ông tâm sự, ông thôi không viết tiểu thuyết nữa vì đã đến lúc ông thấy mình yếu rồi. Thế nhưng đến khi “Một mình một ngựa” ra đời, hỏi ra thì ông bảo, cuốn này ông ấp ủ từ lâu, từ cái thời ông thôi không làm thư ký cho Bí thư Tỉnh ủy nữa ông đã có tư liệu để viết, bây giờ ông chỉ kể lại thôi. 

Vẫn biết Ma Văn Kháng là một nhà văn sung sức, khối lượng tác phẩm của ông là rất đồ sộ và những tác phẩm ấy đã “đóng dấu” trong lòng bạn đọc. Cầm bút viết văn bằng một truyện ngắn đầu tiên đăng trên Báo Văn nghệ mang tên “Phố cụt” đăng năm 1961.  

Gần 50 năm trụ vững với nghiệp cầm bút, Ma Văn Kháng đã cho ra đời trên 200 truyện ngắn và hơn chục cuốn tiểu thuyết. ông viết một cách cần mẫn, một cách chuyên nghiệp và tưởng như ông viết mãi vẫn chưa cạn cái kho vốn sống, vốn từ ngữ lúc nào cũng ngồn ngộn của ông.

 Nhưng cứ nghĩ rằng ở cái tuổi 73 trong khi lại đau ốm vì mổ nong tim, và liên tục phải đi viện như thế thì ông sẽ tự cho phép mình nghỉ ngơi, vậy mà không. Bạn bè ông bảo, trong ngăn kéo của ông lúc nào cũng có truyện, có cái là ông có thích công bố hay không thôi.  

Nhớ có lần trò truyện với PGS, Nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện, một người bạn mà gần như tác phẩm nào của Ma Văn Kháng cũng đọc, đã mách nhỏ với tôi: “Chả lúc nào ông ấy không có truyện trong ngăn kéo đâu, cứ đến xin khéo may ra là được đấy!”.  

Ma Văn Kháng đi nhiều, viết nhiều. Đi đâu ông cũng cóp nhặt, cũng quan sát, cũng ghi chép để rồi ông “ních” những chất liệu từ cuộc sống vào trong “ngăn kéo” của mình. Trong các tác phẩm của ông có thể thấy rõ hai mảng đề tài đó là miền núi và đô thị.

 

Cuốn tiểu thuyết mang dáng dấp tự truyện của ông


Còn “Một mình một ngựa” thì sao? Đây là cuốn tiểu thuyết mang dáng dấp của một cuốn tự truyện, với bối cảnh xảy ra ở tỉnh miền núi Hoàng Liên Sơn, nhưng nhân vật lại là những người miền xuôi 

Đó là câu chuyện trong những năm chiến tranh chống Mỹ - câu chuyện của 2 lớp nhân vật một là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đứng đầu là Bí thư Quyết Định và hai là lớp những người trợ lý giúp việc cho Thường vụ, trong đó có Toàn - một giáo viên dạy văn bị miễn cưỡng điều sang làm thư ký cho Bí thư. Cuộc sống những năm chiến tranh ở một tỉnh nhỏ đã lôi cuốn mọi người vào lòng nó.

Một ông Quyết Định giác ngộ cách mạng sớm, như một người tài trai “một mình một ngựa” lao vào sào huyệt của thổ phỉ chúa đất để thuyết phục họ không chống phá cách mạng - một năng lực chính trị đặc sắc nhưng cũng là một nhân cách rất phức tạp. ông Quyết Định có những mặt rất đáng tự hào nhưng lại cũng có những nhược điểm và rất cô đơn trong đời sống riêng tư.

Ma Văn Kháng đã để cho cảm giác cô đơn “một mình một ngựa” vừa hào hùng vừa cô độc luôn chế ngự ông Bí thư Tỉnh ủy. Anh hùng đấy, nhưng ông Bí thư lại bị “ngã ngựa”, bị cô đơn trong cuộc sống riêng tư. Ông không quyết định được tình cảm của mình.  

Vợ ông, một người đàn bà ở tuổi hồi xuân phồn thực luôn mãnh liệt trong tình yêu đã tuột khỏi tay ông mà ông không níu giữ được. Ông Quyết Định cô đơn và rụt rè đến mức vì muốn giữ thể diện cho ông và cho vợ, khi vô tình bắt gặp vợ  “mây mưa” với người tình, ông đã đánh động bằng cách cào vào cửa để họ kịp chuẩn bị...

 

Ma Văn Kháng đã xây dựng hình tượng văn học “Một mình một ngựa” là hình tượng đầy cảm hứng kiêu hùng và đồng thời hàm chứa trong nó mặc cảm cô đơn của mỗi người trong cuộc sống vốn là phép tính cộng giữa vẻ đẹp anh hùng cao cả lãng mạn với thói đời nhỏ nhặt, tầm thường và đê tiện.  

Trong tác phẩm, có thể thấy rất rõ, cảm giác cô đơn không chỉ có ở ông Quyết Định mà cảm giác cô đơn còn thể hiện một cách đầy đủ trong nhân vật Toàn. Toàn quá yêu nghề giáo và  bị ràng buộc bởi những kỷ niệm đẹp với nghề khiến anh luôn day dứt trong trạng thái phân tâm và không thể hòa đồng được với đội ngũ trợ lý của Ban Thường vụ mặc dù anh rất cố gắng.  

Với một nhân cách, có lòng tự trọng cao, Toàn không chấp nhận sự xúc phạm. Khi có sự nghi hoặc, vu cáo cho rằng Toàn có tình ý với Yên - vợ của Bí thư Tỉnh ủy, mặc dù biết đó là tình yêu đơn phương của Yên nhưng vẫn thấy mình bị xúc phạm và anh đã quyết định ra đi.

Toàn muốn giải thoát khỏi cái nơi mà anh không thể hòa đồng được, ở cái nơi mà anh nhận thấy vẫn có những người không xứng đáng với nhân cách của mình. Toàn muốn giữ sự cao đạo mà không muốn bị tha hóa nên đã tỏ thái độ chống lại sự ti tiện, chống lại những thói thường.

Và một điều rất thú vị khi đọc những tác phẩm của Ma Văn Kháng đó là cách mô tả và cách dùng từ ngữ rất đời nhưng lại vô cùng dí dỏm của ông.  

Ma Văn Kháng kể truyện theo trình tự của thời gian, không phá cách, không gây sự cuốn hút bằng cách tạo ra bố cục lạ, khiến người ta phải giật mình nhưng người đọc vẫn say mê, hứng thú và đi theo sự “dẫn dụ” của nhà văn (đã từng là thầy giáo dạy giỏi văn và có truyện ngắn “Một chiều dông gió” được đưa vào sách giáo khoa) bằng cách mô tả, khắc họa nhân vật với vốn từ ngữ phải nói là... rất giàu có.

 Ma Văn Kháng sắc sảo về ngôn ngữ, và rất thạo khắc họa hình tượng, ông dùng từ, chọn từ khá “đắt” thế nên ông cứ nhẩn nha miêu tả điệu bộ, hình thức bên ngoài của nhân vật mà người đọc lại cảm nhận  được cả thế giới nội tâm bên trong của nhân vật.

Nhiều người bảo Ma Văn Kháng là người “có của ăn của để” vì lúc nào ông “rủng rỉnh” về ngôn ngữ và vốn sống thì ông phân trần: “Chả có đâu, viết mãi rồi nó cũng cạn thôi”.  

Nhưng có vẻ như Ma Văn Kháng cũng thấy thích cuốn tiểu thuyết này vì theo ông nó là cuốn tiểu thuyết gần với sự thật - nó là một phần của cuộc đời ông. Có lẽ rằng khi càng về già người ta càng có nhu cầu giãi bày tâm sự với mọi người. Tôi biết trong “ngăn kéo” của ông còn có một cuốn hồi ký đã viết xong. Không biết đến khi nào, nhà văn Ma Văn Kháng mới giãi bày? 

Đinh Hương Bình
 
Nguồn: ANTĐ