Trang chủ » Tin văn và...

TRAO ĐỔI MẤY Ý VỚI ÔNG PHẠM VIẾT ĐÀO

Trường Giang
Thứ hai ngày 23 tháng 3 năm 2009 10:20 PM

Đọc bài của ông trên trannhuong .com ,tôi thấy cần trao đổi laị với ông mấy ý như sau :
1- Việc ông” xin có vài thông tin cải chính lại…” ý kiến của tôi là việc làm quá chủ quan và vội vã bởi vì trong câu chuyện này ,nếu có gì cần cải chính thì người làm việc đó không phải là ông !
2- Vấn đề tôi nêu ra là  “ mốc Km 0 đưòng Hồ Chí Minh” thời chống Mỹ cứu nước phải cắm tại làng Ho (Tây Nam Vĩnh Linh) chứ không phải là Tân Kỳ ( Nghệ An ) . Bởi vì , sự thật lịch sử chính xác là như vậy , không ai có quyền làm sai lệch chỉ vì một động cơ cá nhân hoặc cục bộ nào đó . Sự thật lịch sử thế nào ,tôi đã trích dẫn từ hai cuốn sử ,chắc ông đã đọc ?
3- Cảm ơn ông có nhã ý “cung cấp thêm thồng tin” cho tôi “hiểu thêm” nhưng đáng tiếc là ông lại thêm một lần chủ quan vì thông tin của ông còn thiếu rất nhiều so với kho tài liệu của chúng tôi ( 3 đồng tác giả biên soạn bộ “ Lịch sử Giao thông vận tải Việt Nam” ). Xin cung cấp  để quý bạn đọc và ông Đào biết thêm là : trong những năm chi viện cho miền Nam ruột thịt theo dọc Trường Sơn ,bộ đội ta có khi đã sử dụng hàng trung đoàn xe đạp thồ và thuyền khung gố lót vải nhựa ở tuyến Tây Trường Sơn ; có thời gian lại sử dụng nhiều máy bay lên thẳng vận tải kết hợp thả dù nữa cơ đấy !  Tuy nhiên , mốc lịch sử chỉ có hai loại : “Đường Trường Sơn –Hồ Chí Minh” và “ Đường Hồ Chí Minh trên biển” .Hai tên gọi đó đã được ghi vào sử sách ,chắc ông Đào đã quá biết ? Còn trên sử sách không hề ghi cột mốc Đường cơ giới như ông Đào viết ,hoặc cột mốc đưòng xe thồ ,đường bay….
4- Thời tuổi trẻ ,tôi từng sống nhiều năm ở Nghệ An nên tôi luôn nhớ và yêu xứ Nghệ . Đọc bài của ông Đào ,tôi cảm nhận được tình yêu và niềm tự hào của ông đối với quê hương .Nhưng mọi thứ phải phân minh không thể gán ghép sự kiện một cách khiên cưỡng . Nếu quả đúng như ông Đào viết rằng ở mấy làng thuộc TânKỳ có xưởng quân giới sửa chữa ôtô quân sự thì Tân Kỳ cũng chỉ có thể đươc coi là địa điểm xuất phát của lực lượng vận tải cơ giới chứ sao lại gọi là “km0 đường Hồ Chí Minh” ???.Chắc ông Đào quá hiểu từ Đường trong văn cảnh này theo nghĩa đen .  Vì vậy , các sự kiện lịch sử xa xưa và ngay cả sự kiện 4 sư đoàn bộ đội chủ lực xuất quân từ đây đều mang ý nghĩa khác
5-  Về địa danh Tân Kỳ , chúng tôi lần tìm trên 1.388 trang của cuốn “ Lịch sử  Giao thông vân tải Việt Nam” mới gặp một đoạn viết ở trang 489 như sau : “Cuối năm1972 đến1973 ,Chính phủ quyết định đưa tuyến đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn vào cải tạo,xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi , từ Tân Kỳ-tỉnh Nghệ An  đến Chơn Thành – tỉnh Bình Phước dài 1.300 km như nói trên (từ Tân Kỳ đến Quảng Bình chỉ xây dựng, chưa sử dụng.)
6- Đúng như tôi đã viết trong bài trước , Công trường 71 ( triển khai từ năm1971 ) nhưng gặp trở ngai phải tạm dừng ,đến năm 1972 Chính phủ  mới quyết định như đoạn trích trên đây . Trong thực tế , kế hoạch đó không thực hiện được như mong muốn . Cho nên , dù cho con đường ấy được nâng cấp chăng nữa thì nó là thế hệ “hậu sinh”  (sau tới 13 năm) so với con “đường mòn Hồ Chí Minh” mà đồng chí Võ Bẩm đã xoi tìm , khởi hành từ làng Ho bên Khe Hó vẫn còn kia !Ông Đào ơi ! ông nghĩ xem, ai đó ( chứ chắc chắn không phải ông ! ) quyết định đặt cột mốc Km 0 đường Hồ Chí Minh  ở đầu một con đường thi công nâng cấp rồi bỏ dở ,chưa sử dụng có nên chăng ???
                                                  *
                                             *         *                                                                                                                                                               
                       Có lẽ tôi nên dừng lại đây để khỏi làm phiền qúy bạn đọc  . Và ,chắc ông Đào cũng đã rõ sự tình làm tôi bức xúc , phải tung vấn đề lên mạng . “Bên trong còn khối chuyện …làm chúng ta phải “ “lên tiếng” vì anh linh của đồng chí Võ Bẩm và bao liệt sĩ Trường Sơn ,ông Đào ạ ! Ông cứ đi sâu hơn nữa sẽ hiểu .Chúc ông khỏe  !
                                    
                                             Phương Mai chiều 23-3-2009