Trang chủ » Tin văn và...

TIN CẬY VÀO QUỐC HỘI

Bùi Hoàng Tám
Thứ năm ngày 26 tháng 3 năm 2009 4:40 PM
Bùi Hoàng Tám
Vào ngày làm việc thứ hai (20/3) vừa qua của Thường vụ Quốc hội đã diễn ra chất vấn và trả lời chất vấn của ba Bộ trưởng: Võ Hồng Phúc (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), Nguyễn Thị Kim Ngân (Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội), Hoàng Tuấn Anh (Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch). Trong phiên chất vấn này, Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Võ Hồng Phúc báo cáo về các vấn đề quan trọng như công tác đấu thầu, chỉ định thầu, về gói kích cầu 1 tỉ USD, về tăng trưởng khả quan của nền kinh tế (3,1%). Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân báo cáo về tiền trợ cấp tết nguyên đán vừa qua cho người nghèo bị “xà xẻo”, về giải pháp cho hàng trăm ngàn lao động mất việc làm, về biện pháp nào cho các làng nghề, HTX trong thời gian tới... Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh giải trình về tình trạng xâm phạm di tích lịch sử, văn hóa đang diễn ra khá trầm trọng, về sự xuống cấp của nhiều di tích cũng như nạn “chặt chém” du khách trong mùa lễ hội và cả việc thực hiện nếp sống văn hóa trong cưới xin, ma chay sẽ như thế nào khi mà ngay cả một số cán bộ có chức, có quyền lại chính là những người nêu gương xấu... Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được đánh giá là khá hiệu quả. Các câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn tương đối đúng trọng tâm và có chất lượng.
Nhớ lại những ngày đầu tiên, khi các phiên chất vấn và trả lời chất vấn được tường thuật công khai trên các thông tin đại chúng, đặc biệt là được tường thuật trực tiếp của Đài THVN, một không khí sôi động lan tỏa trong mọi tầng lớp xã hội. Ngày đó, trong khi nghị trường “nóng bỏng” bởi những chất vấn và câu trả lời chất vấn của ĐB Quốc hội và thành viên Chính phủ thì trên các nẻo đường quê, vắng hẳn người qua lại. Tại các thành phố lớn, các con đường thường ngày vốn chen chúc thì giờ đây thưa vắng bóng người đi. Cử tri và cả những người chưa đủ tuổi cử tri dán mắt trên các màn hình nhỏ. Họ theo dõi, bàn luận, tin tưởng và hi vọng. Các đường phố Hà Nội, hàng đoàn người từ các tỉnh kéo về đứng đầy hai bên đường có các đoàn đại biểu Quốc hội đi qua để chào đón và gửi gắm. Họ đến tận cơ quan và cả các nhà riêng của một số đại biểu để chiêm ngưỡng và gửi đơn từ khiếu nại... Khi đó, trong tâm tưởng của không ít người dân, đại biểu Quốc hội là chỗ dựa tin cậy, có thể giúp họ giải tỏa mọi oan khiên, ấm ức, bất công...
Mấy năm gần đây, có lẽ nhờ có việc giải quyết tốt những khúc mắc từ dưới các địa phương, có thể nhờ có nhiều chính sách hợp lòng dân đã đi vào cuộc sống, có thể nhiều nỗi oan ức đã được giải quyết thấu đáo... cộng với chủ trương không để mất trật tự, mĩ quan Thủ đô nên không còn thấy những đoàn người từ các địa phương cầm đơn chờ đợi đại biểu Quốc hội bên đường nữa. Thành phố đã trở lại yên bình và trật tự hơn. Các đường làng, ngõ xóm không còn vắng lặng, đã trở lại sự tấp nập vốn có. Người dân không còn dán mắt vào các màn ảnh nhỏ để hồi hộp theo dõi những phiên chất vấn và trả lời chất vấn nóng bỏng trên nghị trường. Đó sẽ là tín hiệu mừng, rất mừng nếu như không gợn lên câu hỏi mà hi vọng đó không phải là sự thật: Người dân đã bớt đi ít nhiều sự tin cậy ở các đại biểu do chính mình bầu ra? Hay còn “niềm tin” nhưng chưa đến mức “cậy nhờ” bởi ngay cả những kiến nghị của các đại biểu cũng không phải lúc nào cũng được tôn trọng, được các cơ quan chức năng trả lời thấu đáo? Hi vọng niềm tin cậy của nhân dân với các đại biểu của mình vẫn nguyên vẹn, không hề vơi bớt để một ngày nào đó, trên các nẻo đường của Tổ quốc sẽ vắng bóng người đi trong những phiên chất vấn và trả lời chất vấn như những năm nào. Thủ đô Hà Nội tuy không còn những đoàn người chờ đợi các đại biểu trên các nẻo đường nhưng trong tâm tưởng của người dân, đó vẫn là nơi gửi gắm trọn vẹn niềm tin - cậy.