Trang chủ » Tin văn và...

ĐÔI ĐIỀU THƯA LẠI VỚI NHÀ THƠ TRƯỜNG GIANG

Phạm Viết Đào.
Thứ ba ngày 24 tháng 3 năm 2009 10:59 AM

Phạm Viết Đào.
Sở dĩ tôi sốt sắng cải chính thay cho Tổng Biên tập Người Hà Nội điện tử là do cảm thấy tội cho anh em cùng đều là dân viết lách với nhau nhưng lại bị quy cho: Ai ? và căn cứ vào đâu ? mà bảo rằng mốc Km0 đường Hồ Chí Minh là Tân Kỳ ( Nghệ An)  ??? Sự sai lệch này có thể coi là hành vi xuyên tạc lịch sử , xúc phạm đến anh linh các liệt sĩ  đồng thời phủ nhận công lao của bao cán bộ chiến sỹ đã thầm lặng mở tuyến chiến lược tuyệt đối bí mật từ giữa năm1959 đầy khó khăn , thiếu thốn và hiểm nguy... (trích trong Sự sai lệch không thể bỏ qua của nhà thơ Trường Giang...)
Trong năm 2008, hàng loạt Tổng Biên tập đã bị cách chức, hai nhà báo đã bị tù chỉ vì can tội thông tin một số vấn đề nhạy cảm, sai sự thật về một số cá nhân đang chức, đang quyền, nghĩa là đang còn sống trong ngành công an. Nếu Người Hà Nội điện tử quả thật sai như nhà thơ Trường Giang viết thì tôi e sẽ không ít nhà báo sẽ có nguy cơ chuẩn bị phải ra hầu toà, mất việc vì sai phạm còn lớn hơn so với các Tổng Biên tập đã bị cách chức vì đã vi phạm Điều 10 của Luật Báo chí, điều mà giới hoạt động báo chí coi là điều cấm kị. Khi 2 nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải bị bắt, tôi cũng đã có ý kiến đăng trên Tuổi trẻ online và Trannhuong.com chứng minh hai nhà báo này vô tội và họ viết báo, đưa tin hoàn toàn trong khuôn khổ luật pháp cho phép.
Điều thứ hai tôi muốn thanh minh hộ Người Hà Nội điện tử để họ tránh không bị sa vào vòng lao lý nếu: bị kết cho hành vi xuyên tạc lịch sử và xúc phạm anh linh liệt sĩ; do tôi có nắm được ít nhiều thông tin về việc Bộ Văn hoá-Thông tin cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hoá Cột mốc số 0 về cơ giới của đường mòn Hồ Chí Minh tại Tân Kỳ.
Người Hà Nội điện tử không phải là cơ quan tổ chức và xác nhận Cột mốc số 0 đường Hồ Chí Minh nằm ở Tân Kỳ Nghệ An mà chỉ đưa tin theo các quyết định đã ban hành của Bộ Văn hoá-Thông tin; cũng như tôi dù là người vẫn cho làng tôi là đẹp nhất thế giới và anh hùng nhất Việt Nam nhưng việc công nhận nó là Cột mốc số 0 đường Hồ Chí Minh hoàn toàn nằm ngoài ý chí, tình cảm của cá nhân tôi. Tôi cải chính lại theo nghĩa thông thường đó.
Tôi sớm lên tiếng điều này là để nếu chẳng may có can tội xuyên tạc lịch sử thì NHN và tôi là người ngoại phạm. Còn trong bài viết  Tân Kỳ-Nghệ An đúng là Cột mốc số 0 của đường Hồ Chí Minh... tôi viết ra cái vẻ như là Cột mốc số 0 đường Hồ Chí Minh là của làng em đó, các bác động vào là em lên tiếng đấy là viết theo kiểu tếu táo cho phù hợp với khẩu khí vốn có của Trannhuong.com.
Trở lại ý xuyên tạc lịch sử của cái việc công nhận di tích lịch sử văn hoá này như nhà thơ Trường Giang viết thì theo tôi được biết: Bộ Văn hóa- Thông tin có ra quyết định cấp bằng Di tích lịch sử văn hoá cho cả địa danh Khe Hó ở Quảng Bình, Đồ Sơn-Hải Phòng chứ không vì công nhận Cột mốc số O ở Tân Kỳ mà bỏ rơi Khe Hó và Đồ Sơn? Còn tại sao lại công nhận thêm Tân Kỳ thì dưới góc độ một nhà văn, nhà thơ Trường Giang có thể đặt vấn đề xem xét lại, thậm chí phản biện lại là việc bình thường. Chúng ta hiện nay còn phản biện và xem xét lại nhiều sự kiện lịch sử cách đây hàng trăm năm, hàng ngàn năm cơ mà! Trong phản biện học thuật trình bày cặn kẽ bằng chứng, lập luận là nên nhưng tránh kết những tội danh quá lớn và quá sớm...Cá nhân tôi khi viết bài thanh minh cho NHN là căn cứ vào các văn bản pháp lý đã được Bộ Văn hoá-Thông tin ban hành để phát ngôn chứ không vì quá yêu làng tôi mà có ý kiến trở lại thiếu khách quan và cố tình áp đặt cho người khác.
Vào thời điểm Bộ Văn hoá-Thông tin ký quyết định công nhận Cột mốc số 0 đường Hồ Chí Minh về cơ giới nằm ở Tân Kỳ, tôi có đọc một bài dài gần 2/3 trang báo Quân đội nhân dân, lâu ngày tôi không nhớ tên tác giả, đã đưa ra nhiều bằng chứng, lập luận chứng minh việc cấp bằng của Bộ Văn hoá-Thông tin là không chuẩn xác. Tôi đã cầm bài báo báo cáo với ông Lưu Trần Tiêu, lúc đó là Thứ trưởng phụ trách mảng này, đề nghị ông xem lại quyết định mà Bộ Văn hoá-Thông tin đã ký ban hành việc công nhận di tích lịch sử văn hoá tại Tân Kỳ theo ý kiến mà bài báo đăng trên QĐND nêu...Ông Lưu Trần Tiêu đã trả lời với tôi rằng: Việc Bộ Văn hoá-Thông tin cấp bằng đối với một di lịch sử văn hoá trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ tại Tân Kỳ là theo  đề nghị của một số cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng như Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục chính trị chứ không phải do ngành Văn hoá-Thông tin tự lập hồ sơ và công nhận với nhau...Qua trả lời của Thứ trưởng Lưu Trần Tiêu tôi hiểu việc xét cấp bằng di tích lịch sử này là ý chí và cách nhìn của 2 bộ: Bộ Văn hoá-Thông tin và Bộ Quốc phòng; còn nhà thơ Trường Giang và nhà văn Xuân Đức có thể có cách nhìn nhận và đánh giá khác, thậm chí coi việc công nhận này là không chính xác cùng là chuyện bình thường.
Tất nhiên khi ông Trường Giang có quyền nêu chính kiến của mình từ góc độ của một nhà văn; thì Bộ Văn hoá-Thông tin từ góc độ cơ quan quản lý chuyên ngành được pháp luật cho phép cũng có quyền ban hành những quyết định theo thẩm quyền. Cá nhân tôi hoàn toàn không được vinh hạnh can dự gì vào việc ban hành quyết định này mặc dù tôi đã và đang làm việc tại Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch và cho dù tôi là người quá yêu cái làng của tôi; tôi chỉ là người đưa lại thông tin có căn cứ, có nguồn rõ ràng chứ không áp đặt ý chí, tình cảm chủ quan trong việc công nhận Cột mốc số 0 đường Hồ Chí Minh về cơ giới nằm ở Tân Kỳ- Nghệ An...Không chỉ cấp bằng mà Bộ Văn hoá-Thông tin trước đây đã 2 lần cấp kinh phí để xây dựng cột mốc này.
 Còn đằng sau việc cấp bằng công nhận này có gì đó không trong sáng khiến nhà thơ Trường Giang phải bức xúc thì tôi không được biết nên không thưa thêm...
Xin chúc nhà thơ, nhà văn Trường Giang có thêm nhiều sáng tác hay!