Trang chủ » Tin văn và...

"Tôi chỉ viết bằng những xúc động tột độ"

Võ Thị Xuân Hà - Phùng Văn Khai
Thứ sáu ngày 20 tháng 3 năm 2009 9:08 PM
 

Võ Thị Xuân Hà: Bạn bè văn chương đồ rằng, Phùng Văn Khai đang quyết làm sáng tên tuổi của mình bằng cuốn tiểu thuyết mới trình làng Hư Thực? Anh viết Hư Thực  trong hoàn cảnh nào? Theo anh, liệu cuốn tiểu thuyết Hư Thực này có gánh nổi vai trò lớn lao của nó không?
Phùng Văn Khai: Tôi đến với văn chương khá lặng lẽ, chủ yếu viết truyện ngắn, sáng tác thơ, đôi khi hứng thú viết các chân dung văn học. Nung nấu viết tiểu thuyết đã từ lâu và từng bắt tay song chưa thành công. Hư Thực được viết ra khá bất ngờ. Đó là đợt rét đậm, rét hại năm 2007, nhìn thấy con người thực ra quá nhỏ bé với thiên nhiên và sự hiểu biết của con người về thiên nhiên, về chính con người còn khá nhiều bất cập. Tôi viết hầu như một mạch khoảng hơn sáu tháng là xong. Bản thảo viết tay, rồi kỳ cạch sửa trên vi tính và điều chỉnh các trường đoạn trong hai năm. Khi viết cực kỳ hứng thú và tự cho rằng nó sẽ là một cái gì đó trong đời văn của mình. Giờ bình tĩnh hơn thấy cuốn sách vẫn còn những điểm yếu. May nó là cuốn tiểu thuyết có kết cấu lỏng, hoàn toàn có thể xử lý hoàn hảo hơn khi tái bản. Còn làm sáng tên tuổi e rằng hơi quá. Đối với người viết tiểu thuyết hôm nay, một cuốn sách chưa nói lên điều gì nhiều. Chặng đường phía trước còn rất dài. Hư Thực nên hiểu là một cố gắng của tôi. Vai trò của nó nên hiểu là đã giúp tôi tự tin hơn rất nhiều khi tiếp tục cầm bút sáng tác.
Võ Thị Xuân Hà: Một thể nghiệm của tiểu thuyết ảo giác? Hay có thể anh đang đưa ra một luận thuyết mới mẻ nào đó cho tiểu thuyết hiện đại?
Phùng Văn Khai: Một người bạn văn của tôi, nhà văn Đặng Văn Sinh đã rất hứng thú khi cho rằng Hư Thực là sự thể nghiệm của tiểu thuyết ảo giác ( Bài trên các trang mạng: trannhuong.com, phongdiep.net, vannghesongcuulong.org, hoinhavanvietnam.vn…) viết rất công phu. Với tư cách tác giả, tôi cho rằng Hư Thực là tiểu thuyết hiện thực có đôi chút huyền ảo. Cách hiểu hiện thực của tôi không bó buộc là người thật việc thật hoặc như các tiểu thuyết khác của các nhà văn Việt Nam từ trước tới nay. Tôi cho rằng hiện thực trong văn chương hoàn toàn có thể được chưng cất từ cuộc sống chứ không đơn thuần mô tả cuộc sống một cách cứng nhắc. Từ quan điểm này, tôi triển khai Hư Thực theo hướng độc thoại nội tâm, hội thoại đa nhân vật cũng trong chiều hướng và nguyên tắc ấy. Thông điệp gửi đến độc giả là hiện thực đời sống đã được chưng cất, được tiểu thuyết hóa. Thực chất khi tước bỏ đối thoại trực tiếp cũng là mở ra những đối thoại vô biên cho các nhân vật. Điều này khá thuận lợi cho trí tưởng tượng của nhà văn. Vấn đề luận thuyết mới cho tiểu thuyết hiện đại e rằng to tát quá. Nhà văn chúng ta, theo tôi cứ không ngừng sáng tạo là tốt hơn cả. Mọi thứ khác chẳng phải là công việc của người khác hay sao.
Võ Thị Xuân Hà: Anh có sợ rằng lối khai mở trí tuệ người đọc bằng những dẫn dụ mê cung trong Hư Thực sẽ khiến một bộ phận lớn bạn đọc trẻ ngoảnh mặt làm ngơ, mà hiện nay tầng lớp bạn đọc trẻ như học sinh, sinh viên, những trí thức trẻ mới chính là những người hay tìm mua sách văn học nhất?
Phùng Văn Khai: Tôi cũng đã từng e ngại liệu rằng Hư Thực có quá khó đọc với đông đảo người đọc hay không? Vấn đề này, thực ra khi đang cầm bút viết Hư Thực, tôi hoàn toàn không nghĩ đến. Khi kết thúc, đọc và chỉnh lý lại, thấy vấn đề này dần dần nổi lên. Kỳ thực quả là hơi khó đọc. Các bạn bè văn nghệ thì nói làm gì. Vì dường như ai cũng ghi nhận và hứng thú cuốn này, cho rằng cuốn này viết riêng cho các nhà văn. Nhưng dù sao Hư Thực cũng đã được viết và in ra, đành bình tĩnh chờ phản hồi của độc giả. Y như rằng, các nhà văn lên tiếng trước, kẻ khen, người chê đủ cả. Độc giả một số hứng thú động viên, một số tỏ ra không hiểu và cho rằng tôi đi vào ngõ  cụt. Theo tôi, người đọc hôm nay không hứng thú nhiều với văn chương còn dường như không hứng thú gì với những cách tân, đổi mới trong tiểu thuyết. Chúng ta cũng nên thừa nhận với nhau rằng, tiểu thuyết Việt Nam mấy thập kỷ gần đây không tiến được bao lăm, thậm chí càng ngày càng dậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi thì bây giờ cách duy nhất để hấp dẫn độc giả phải bằng vào một tài năng đột xuất, một cách viết hoàn toàn mới mẻ và vấn đề tiểu thuyết ấy đặt ra phải là bức xúc hoặc mơ ước của mọi người. Liệu có tác giả và cuốn sách ấy không? Câu trả lời chắc chắn vẫn đang ở thì tương lai. Vậy những người cầm bút hiện nay thì sao. Tuyệt vọng? Chờ đợi? Cầm bút viết? Tôi chọn việc cầm bút viết ngay ra cái gì đó, như Hư Thực chẳng hạn. Như vậy thấy yên ổn hơn và sống được hơn. Còn các bạn đọc trẻ mua hay không mua sách của tôi, tôi đều trân trọng họ. Tôi sẽ chinh phục những người chưa mua sách của tôi, nhưng cũng phải có thời gian chứ. Tôi không phải tạng người gây “sốc”, kể cả là trong sáng tác hoặc đời sống cá nhân.
Võ Thị Xuân Hà: Trong Hư Thực có nhiều mảng tối khiến cuốn sách có lúc rơi vào không khí u ám, bí hiểm. Anh giải thích điều này ra sao? Những nhân vật ở Hư Thực có thật ở ngoài đời hay không?
Phùng Văn Khai: Hư Thực có những mảng tối trong nhiều trường đoạn, nhưng khi đặt vấn đề ấy ra tôi chỉ bằng những xúc động tột độ mà viết, viết không lẩn tránh, không kiềm chế, nhưng cũng không phải và chưa bao giờ mất bình tĩnh khi chạm đến những mảng tối. Tôi luôn nghĩ đến cuộc vật lộn không khoan nhượng giữa thiện và ác, tốt và xấu, cao thượng và thấp hèn, thánh thần và quỷ sứ trong mỗi con người chúng ta, những biểu hiện, những nhân vật, ở mỗi thời gian và hoàn cảnh khác nhau trong xử lý bản thảo. Hầu hết nhân vật trong cuốn sách là có thật, hiện đang sống ở xung quanh. Có nhân vật từ nhiều người gộp lại, có nhân vật từ một người chia ra, những chi tiết, sự kiện có khi tưởng như hoang đường, cũng không ít phi lý được triển khai đều được xây dựng từ sự thật mà tôi trải nghiệm. Một trong những khó khăn là sự kiên trì khi triển khai mạch truyện và duy trì sự nhất quán của văn phong đã có nhiều lúc bị đứt gãy, tưởng chừng phải bỏ dở. Không phải tác giả không đủ tự tin nhưng đường đi và sức sống của một cuốn tiểu thuyết (kể cả khi nó chưa đến được với độc giả) luôn chịu một sức ép và sự thăng trầm là điều khó tránh khỏi. Khi viết những dòng này, tôi chỉ mong muốn một điều đã bộc bạch được tình cảm thật với tập sách mà mình dành nhiều tâm sức và cũng coi đó là sự trân trọng đối với bạn đọc.
Võ Thị Xuân Hà: Trong khi hoàn thiện Hư Thực, anh đã nghĩ đến những điều gì?
Phùng Văn Khai: Tôi đã viết và hoàn thiện Hư Thực trong khoảng thời gian hai năm với những sửa chữa liên tục, đến khi đưa đi in vẫn luôn không ngừng canh cánh. Là nhà văn, ai không lo lắng và dồn nhiều tâm huyết cho những đứa con tinh thần của mình. Tôi cũng không ngoại lệ. ấy vậy mà, khi Hư Thực đi dần vào những trang cuối, dường như những lo lắng vẫn không hề giảm bớt. Có những lúc còn cảm thấy sự run rẩy của mình dành cho tập sách có chiều hướng tăng lên. Nó sẽ là một cuốn sách có sức nặng trong đời văn hay chỉ là một hoài công của một chặng đường viết gập ghềnh. Sự thành công của một tập sách đôi khi nằm ngoài chủ quan mong muốn, kể cả những cố gắng tột bậc của tác giả. Do có lẽ dành cho nó quá nhiều tình cảm nên mình run rẩy chăng. Rồi sự tiếp nhận của bạn đọc, của các nhà phê bình sẽ như thế nào thật khó đoán biết trước. Chỉ biết cố gắng hết mức để tập sách trước tiên ổn thỏa với những suy nghĩ nội tâm của mình. Với mỗi nhà văn, cách viết có thể khác nhau nhưng chúng ta vẫn gặp nhau ở điểm chung là mỗi cuốn sách trước hết và trên hết phải là sự sáng tạo nhằm phục vụ con người ở nghĩa tích cực. Với tôi Hư Thực là một thách thức đã được vượt qua.
Võ Thị Xuân Hà: Nhân vật Y và Họ Đào trong Hư Thực được xây dựng gần như là hai phiên bản cùng một bản thể. Với những cốt truyện phụ (đếm ra thì có tới 6, 7 cốt truyện) nằm trong tuyến truyện chính. Anh đã phân thân ra sao trong lối viết trường thiên hư thực này?
Phùng Văn Khai: Thực ra chủ quan của tôi là tách biệt Y và Họ Đào thành hai bản thể hoàn toàn khác nhau nhưng không hiểu tại sao có lúc dường như nhập vào làm một. Cũng không phải bất lực ngòi bút, cũng không phải chủ trương nhập lại mà nó cứ nhập vào với nhau. Các cốt truyện phụ trong tuyến truyện chính là dụng ý của tôi. Tôi cho rằng xương sống sở dĩ trụ vững là nhờ các xương sườn. Thì các truyện nhỏ là những xương sườn vậy. Càng nhiều càng tốt nhưng không lẽ lại vô biên. Thành ra tôi cũng tự đặt ra các khuôn đúc cho từng “tiểu truyện” và đóng mở sao cho giản dị và bất ngờ nhất. Có không ít lúc, các “tiểu truyện” có thể độc lập là một truyện ngắn hoàn chỉnh nhưng trên thực tế khi đứng trong đội hình tiểu thuyết nó cũng có vị trí phù hợp với toàn cảnh. Tôi cũng không phải phân thân nhiều vì ngay từ khi cầm bút đã hứng thú và triển khai lối viết hiện thực huyền ảo. Có lẽ thế nên tôi viết Hư Thực khá thoải mái và hứng khởi chăng.
Võ Thị Xuân Hà: Bạn đọc sẽ tiếp cận với nhà văn trẻ Phùng Văn Khai với hình hài văn cốt ra sao? Phùng Văn Khai là Họ Đào hay chính là Y?
Phùng Văn Khai: Bạn đọc tiếp cận các sáng tác của tôi, tôi xin trân trọng cảm ơn. ở tiểu thuyết này, tôi vừa là họ Đào, vừa là Y vừa không là cả hai. Một số cho rằng tôi lấy nguyên mẫu một bạn văn ngoài đời và tự đưa mình vào văn học. Xin cải chính thế này. Hai nhân vật trên là hai nhân vật được sáng tạo hoàn toàn. Còn nó có giống tôi và bạn tôi (một nhà văn có họ Đào) ngoài đời hay không hoàn toàn do bạn đọc tự quyết định theo cách hiểu của mình. Đã lên giấy trắng mực đen, Hư Thực có cuộc đời của nó và tùy nghi sự tưởng tượng của độc giả.
Võ Thị Xuân Hà: Xin cảm ơn anh!

Nguồn: Lao Động Cuối Tuần