Trang chủ » Tin văn và...

VĂN HOÁ MẠNG - NHÌN TỪ HAI PHÍA

Đỗ Ngọc Yên
Thứ bẩy ngày 21 tháng 3 năm 2009 6:45 PM
 
1/ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN  VÀ  VĂN HOÁ MẠNG
       
 
Từ lâu người ta đã quen với các khái niệm Văn hoá vô sản, Văn hoá cách mạng, Văn hoá xã hội chủ nghĩa, Văn hoá phản động, Văn hoá đồi trụy, Văn hoá thực dụng... nhưng chắc chắn rằng cách đây khoảng trên dưới mười năm, khái niệm Văn hoá mạng còn là một cái gì đó xa lạ đối với mọi người.
Vào những năm  nửa cuối thế kỷ XX, sự ra đời của công nghệ thông tin với kỹ thuật vi điện tử, lade, bán dẫn, siêu dẫn, cáp quang, truyền thông và viễn thông hiện đại, siêu máy tính, trí tuệ nhân tạo, robot công nghiệp, mạng INTERNET... đã sáng tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế và văn hoá cao và làm cho bộ mặt văn hoá của nhân loại thay đổi một cách nhanh chóng. Như vậy, cuộc cách mạng thông tin đã đưa nhân loại quá độ từ thời đại công nghiệp sang thời đại trí tuệ, từ nền kinh tế  và văn hoá công nghiệp sang nền kinh tế và văn hoá mới với nhiều tên gọi khác nhau như: nền Kinh tế tri thức (Knowledge Economy), nền Kinh tế mạng (Networked Economy), nền Kinh tế số hoá (Digital Economy) và nền Văn hoá mạng (Networked Culture). Mặt khác cuộc cách mạng thông tin còn tạo ra những động lực mạnh mẽ thúc đẩy quá trình toàn cầu hoá diễn ra một cách nhanh chóng hơn.
Trong thời đại ngày nay mọi kỹ thuật sản xuất và xuất bản các nội dung thông tin đều nhờ tới kỹ thuật số. Mỗi đồ vật, mỗi sản phẩm, sách vở, bảo tàng, thư viện, các công trình kiến trúc, văn hoá và lịch sử đều có một hình ảnh bằng số riêng của mình và mọi nội dung thông tin đều có mã số riêng của chúng. Một bức ảnh được chụp cách đây nhiều năm, có thể bị thời gian làm cho nó mất nét hoặc phai mờ đi. Nhưng với kỹ thuật số, bức ảnh hoàn toàn có thể được khôi phục lại như bản chụp ban đầu. Tương tự như vậy, một công trình kiến trúc, một khu di tích lịch sử như các ngôi mộ cổ Ai Cập, hay bức ảnh chụp về khí quyển, về các hành tinh trong hệ mặt trời... công nghệ kỹ thuật số hoàn toàn có thể khôi phục được nguyên trạng dấu tích cổ xưa cách đây hàng nghìn năm cũng như những gì ở cách chúng ta hàng nhiều năm ánh sáng. Hơn thế nữa, công nghệ kỹ thuật số còn cho phép người ta thay đổi theo ý muốn những nguyên bản văn hoá đã bị định dạng, chẳng như thêm hoặc bớt đi trên tấm ảnh một nốt ruồi, vết lồi, vết xước nơi khuôn mặt của một người mẫu thời trang, một siêu sao điện ảnh hay một hoa hậu thế giới... Và thế là nhà xuất bản điện tử ra đời làm lung lay tận gốc và dần thay thế các phương thức in truyền thống vốn đã từng tồn tại hàng trăm năm trước đây như: in khắc đá, in lưới, in roneo, in tipo, in ốp xét... 
Sự đột phá công nghệ mới này đã dẫn đến việc ra đời hai khái niệm, hai phạm trù hoàn toàn mới, mà trước đây chưa từng tồn tại trong tiềm thức của con người. Đó là: Siêu lộ cao tốc thông tin (Information Superhighways) và Truyền thông đa phương tiện (Multimedia). Đây là kết quả của sự phát triển trí tuệ và văn hoá của nhân loại. Quá trình thông tin được số hoá (Digitalized) một cách liên tục từ đầu này đến đầu kia của hệ thống truyền thông và viễn thông không chỉ về ngôn ngữ, âm thanh, tín hiệu, mà còn cả về hình ảnh, cho phép cung cấp các dịch vụ vô cùng phong phú và phức tạp về hình ảnh, âm thanh, số liệu... đã khiến cho việc truy cập những loại hình thông tin mang tính văn hoá cao ngày càng đơn giản hơn nhiều so với những năm trước đây. Hoạt động xử lý tin học số hoá về cơ bản được đảm bảo đối với cả người cung cấp dịch vụ thông tin và người sử dụng tin. Việc sử dụng liên tục kỹ thuật số trong quá trình trao đổi thông tin và chuyển tải các mã số văn hoá đã cho phép qui tụ các lĩnh vực kỹ thuật, truyền thông và đặc biệt là các phương tiện nghe nhìn, một trong những cái không thể thiếu trong nhu cầu văn hoá ngày càng cao của con người.
Như vậy rõ ràng rằng văn hoá mạng là kết quả tất yếu của kỷ nguyên bùng nổ thông tin hiện nay. Nhưng văn hoá mạng cũng là tác nhân quan trọng làm cho các sáng chế công nghệ và kỹ thuật thông tin phát triển không ngừng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu văn hoá của con người, đặc biệt là đối với các thế hệ trẻ. Chẳng hạn như hiện nay người ta có thể lưu giữ được số liệu lớn hơn 250.000 lần so với những năm đầu thâp niên 70 thế kỷ XX và với tốc độ truyền dẫn thông tin tăng hơn gấp 200.000 lần. Một bộ vi xử lý có thể lưu giữ được 1.600 cuốn sách, trong khi đó đầu thập niên 70 chỉ có thể lưu giữ được 1 trang. Nếu vào những năm 70, việc truyền 32 cuốn Đại Từ điển Bách khoa toàn thư của Anh (Encyclopaedia Britannica) trên mạng Internet từ thành phố New York tới thành phố San Francisco mất 97 phút, thì hiện nay có thể chuyển cùng một lúc 8 bộ Đại Từ điển này chỉ vẻn vẹn trong một phút và với 32 bộ sách nói trên chỉ cần chuyển mất 4 phút. .
Rõ ràng vai trò của những tiến bộ khoa học công nghệ thông tin đã tạo ra bộ mặt văn hoá mới của nhân loại hiện nay là rất lớn. Không những thế, kỷ nguyên thông tin còn có thể làm đảo lộn nhiều thói quen trong ứng xử văn hoá truyền thống và đang tạo nên một cơn lốc lớn trong toàn bộ đời sống kinh tế và văn hoá xã hội. Những tiến bộ của khoa học công nghệ thông tin đã cho phép loài người khám phá ra các giá trị mới, tạo lập nên mối liên hệ trực tuyến giữa các cá nhân, cộng đồng, dân tộc, quốc gia và khu vực trên phạm vi toàn cầu. Hơn thế nữa nó còn cho phép con người tìm ra những bí ẩn lịch sử của chính bản thân mình đã bị thời gian vùi lấp hàng nghìn năm, cũng như những bí ẩn của vũ trụ tự nhiên ở cách xa cuộc sống của con người hàng nghìn năm ánh sáng... Và quan trọng là nhờ sự trợ giúp của khoa học công nghệ thông tin mà ngay những khiếm khuyết về lĩnh vực văn hoá trong cuộc sống thực hôm nay của con người cũng được khắc phục một cách đáng kể.
Với sự ra đời của các nhà xuất bản điện tử, một bức tranh tuyệt mỹ, một bộ trường thiên tiểu thuyết kiệt xuất, một bản nhạc làm mê đắm lòng người... chỉ trong quãng thời gian tính bằng phút nó có thể tìm đến với hàng triệu công chúng của mình, thay vì trước đây với các loại hình xuất bản và ấn loát truyền thồng, người ta phải mất tới hàng năm mới có thể được biết tới chúng, và số lượng người được đọc, nghe, nhìn cũng hết sức hạn chế. Như vậy xét thuần tuý về mặt lưu truyền các tác phẩm văn hoá, thì kỷ nguyên thông tin đã mở ra cho con người một khả năng hết sức kỳ diệu.
 
2/ MẶT TRÁI CỦA NỀN VĂN HOÁ MẠNG
 
Như trên chúng tôi đã trình bày Văn hoá mạng có những yếu tố tích cực của nó, không ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên nền văn hoá mạng cũng đã bộc lộ những mặt trái của nó, mà chúng ta cần phải nhanh chóng khắc phục, ngõ hầu đem lại một cuộc sống vừa tiện dụng, hiện đại về các trang thiết bị kỹ thuật, nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hoá truyền thống của mỗi dân tộc, cộng đồng và khu vực.
Ngay cả trong lĩnh vực lưu truyền, thì văn hoá mạng cũng đã bộc khá nhiều bất cập. Chẳng hạn như các nhà xuất bản điện tử đã cột chặt bạn đọc của mình vào chiếc máy điện toán. Với một bộ trường thiên tiểu thuyết dày hàng vạn trang người ta phải đọc mất hàng tháng hoặc có khi cả năm. Bộ sách ấy được các nhà xuất bản điện tử truy cập lên mạng Internet lại không dễ gì cho phép  người ta có thể đọc nó ở mọi lúc, mọi nơi. Đấy là chưa kể đến vốn đầu tư cho một chiếc máy điện toán bao giờ cũng cao hơn gấp nhiều lần giá tiền bộ sách đó in trên giấy, ngoài chi phí điện, cước truy cập mạng, sự trục trặc kỹ thuật..., mà người đọc phải chấp nhận nó. Mặt khác khả năng lưu truyền từ người này sang người khác hoặc từ vị trí này sang vị trí khác là rất hạn chế. Tương tự như vậy màn hình của chiếc máy điện toán thông thường hiện nay có diện tích khoảng từ 14 - 23 inches rất khó có thể cho phép người ta cùng một lúc thưởng ngoạn những bức tranh đại hoành tráng theo đúng kích cỡ nguyên mẫu của nó. Với một dàn nhạc giao hưởng có hàng nghìn nhạc công đang biểu diễn, khi phải thu lại trong một màn hình 23 inches thì chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều sự thú vị về không gian ba chiều nguyên mẫu như nó vốn có...
 Vả lại, văn hoá không chỉ có lưu truyền, mà trước hết phải là quá trình sáng tạo của trí tuệ con người. Máy điện toán và công nghệ thông tin có thể giúp cho các hoạ sỹ vẽ nên những bức tranh có đường nét sắc sảo hơn. Nhưng nó có thể lại tước bỏ đi những xúc cảm thẩm mỹ chân thật từ những cây bút, chiếc painso vẽ, từ các chất liệu khác nhau như: vải, giấy, gỗ, bột màu, sơn ta... truyền đến cho người nghệ sỹ, làm tăng chất men trong quá trình sáng tạo. Công cụ lao động càng hoàn hảo, tinh vi với kỹ thuật hiện đại có thể làm tăng năng suất lao động trong quá trình làm ra các sản phẩm hàng hoá cho xã hội. Sáng tạo nghệ thuật là một quá trình lao động mang tính đặc thù cao. Nó cần làm ra các tác phẩm độc đáo, mang dấu ấn cá nhân đậm nét và có giá trị thẩm mỹ cao, chứ không cần sản xuất hàng loạt để đem bán ra thị trường. Quá trình lao động nghệ thuật, trước hết là quá trình sáng tạo ra các giá trị tinh thần, làm thoả mãn nhu cầu cá nhân của người nghệ sỹ. Nếu vậy sự hoàn hảo, tinh vi của công cụ lao động và các phương tiện kỹ thuật hiện đại, chỉ được xem như những yếu tố trợ giúp, chứ không thể nào thay thế được cảm xúc và tình cảm cá nhân của người nghệ sỹ trong quá trình sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Hơn thế nữa công cụ lao động càng tinh vi, hoàn hảo bao nhiêu càng làm giảm đi tính năng động, sáng tạo của tư duy con người trong quá trình lao động. Nhiều động tác, công đoạn người ta có khi phải mày mò mất hàng tuần, hàng tháng, có khi là hàng năm, nhưng vì có các thiết bị hiện đại nên người ta chỉ cần làm việc đó trong vài giây. Về mặt thời gian người ta có thể giảm thiểu đến mức tối đa, nhưng về khía cạnh kinh nghiệm sống thì không hề tích luỹ được gì cho quá trình sáng tạo tiếp theo. Cứ như vậy dần dà, nếu không biết cách tự vượt lên chính mình mà ỷ lại, phụ thuộc vào các phương tiện kỹ thuật hiện đại thì đến một lúc nào đó chính bản thân con người cũng sẽ trở thành một khâu, một công đoạn, một bộ phận của máy móc, chỉ biết nháy chuột, mở phai và làm theo lệnh của chiếc máy điện toán, tước bỏ hoàn toàn khả năng sáng tạo của trí tuệ con người.  
Điểm cuối cùng mà chúng tôi cần nói là với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và văn hoá mạng, nhiều hoạt động văn hoá, giải trí khá hấp dẫn đối với giới trẻ hiện nay. Chẳng hạn như phim ảnh, băng đĩa hình, các trò chơi điện tử, chat... có nội dung bạo lực và khiêu dâm được truyền qua mạng Internet đã xâm nhập tràn lan đến khắp mọi nhà, đặc biệt là ở các tiệm cà phê Internet, cuốn hút một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên lười biếng có khi cả những người lớn tuổi, bỏ ăn, trốn   học, bỏ giờ lao động lao vào các trò chơi này gây hậu quả xấu cho gia đình và xã hội, mặc cho các cơ quan chức năng và các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo từ lâu, nhưng xem ra không mấy đem lại hiệu quả như mong muốn.
Thiết nghĩ văn hoá mạng đã đem đến cho con người ánh sáng văn minh, nhưng cũng đem cả những chất thải, cặn bã có hại cho sự phát triển toàn diện của con người. Đây là một thực tế không ai chối cãi. Vấn đề là mỗi người cần có ý thức trong khi tiếp xúc với văn hoá mạng, biết chọn lựa cái hay, cái đẹp mà thưởng thức và biết tránh xa những gì có hại cho sức khẻo và văn hoá; đồng thời cần phổ biến tuyên truyền cho người khác cùng thụ hưởng và cùng đề phòng những mặt trái của văn hoá mạng./.