Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HỎI CHUYỆN CHỦ BLOG NGANG QUA CUỘC CHƠI

Kao Sơn
Thứ bẩy ngày 16 tháng 7 năm 2011 6:35 AM

LỜI NÓI ĐẦU:  Nhân dịp Blog có tên NGANG QUA CUỘC CHƠI - chỉ trong vòng bốn tháng đầu 2011 đạt con số người truy cập trên 50.000, tôi có dịp tìm đến thăm người chủ của Blog này: Anh Trần Huy Thuận và cùng anh trao đổi về mấy vấn đề có liên quan đên những vui buồn của nghề Báo... không ít hại cho thân chủ của nó này
http://tranhuythuan.wordpress.com/


Nhà văn KS: - Chào anh! Ông lão gần tám mươi mà xem ảnh trên Blog NGANG QUA CUỘC CHƠI cũng như tiếp xúc trực tiếp, thấy “anh” vẫn “tráng kiện” lắm. Ở tuổi anh, hình như hiếm người “chơi” mạng, nhất lại là làm BLOG?!.
NQCC: - Cám ơn! “Tráng kiện” gì nữa, cập kề miệng lỗ rồi!.. Có điều nghe lời khuyên của tác giả “HIỂU ĐỜI” (Lê Thanh Dũng dịch): “Quãng đời còn lại càng ngắn ngủi thì càng phải làm cho nó phong phú… hãy chia tay với ông sư khổ hạnh …  luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của TUỔI GIÀ.” Nên mình cũng cố gắng một chút…
Nhà văn KS: - Xin được chúc mừng anh: Blog NGANG QUA CUỘC CHƠI (NQCC) vừa đạt con số 50 nghìn lượt người vào đọc, trong đó chủ yếu là thống kê từ đầu tháng 3 năm 2011 này.
NQCC: - Vâng, thực ra con số đó chả là gì nếu so với các “bậc đàn anh”, nhưng nó cũng có ý nghĩa nhất định để động viên người chủ của nó, một lão già quê mùa, đã “gần đất xa trời” như mình.
Nhà văn KS: - Nếu nhớ không nhầm, hình như anh có một bài viết trên TuanvietnamNet nhan đề “Tại sao cứ phải đợi đến lúc về hưu mới nói…”
NQCC: - Đúng, đó là bài “Sao phải chờ đến lúc nghỉ hưu mới nói toạc ra?”(*)  được TuanVietnamNet đăng ngày 15/02/2008 17:59 GMT+7.
Nhà văn KS: - Vậy xin được hỏi: Thế NQCC có nằm trong tình trạng “về hưu mới dám nói” không?
NQCC: - Nói KHÔNG thì có vẻ như mình cao đạo quá, nhưng nói CÓ thì cũng hơi bị… OAN!
Nhà văn KS: - Oan thế nào thưa anh?
NQCC: - Tôi về HƯU năm tôi mới 55 tuổi và vào thời điểm doanh nghiệp do tôi quản lý đang rất phát đạt trong làm ăn. Nghĩa là không phải do làm ăn kém cỏi hay do bê tha tham nhũng mà bị buộc phải nghỉ hưu sớm. Tôi nghỉ hưu vì đã viết bài về tình trạng tham nhũng ở Tỉnh Hà Nam Ninh, bài “Tại sao không thể loại trừ những con sâu mọt này” đăng trên báo Lao Động.
Nhà văn KS: - Hình như bài báo đó đăng cuối năm 1990, lúc Tỉnh ta chưa tách?
NQCC: - Đúng vậy.
Nhà văn KS: - Nghĩa là anh đã dám nói về nạn tham nhũng của địa phương ngay khi anh còn đang chức, đang làm giám đốc kiêm bí thư đảng ủy một doanh nghiệp Nhà nước?
NQCC: - Đúng vậy.
Nhà văn KS: - Thế thì cũng hơi... lạ đấy!..
NQCC: - Nhiều người lại bảo mình dại, dại rõ nhất là đã bị lực ép ngầm, dẫn đến buộc phải tự làm đơn xin nghỉ hưu, gọi là HƯU NON.
Nhà văn KS: - Cái vụ này, hình như tôi đã được đọc trong truyện ký “Tôi và ba người khác” của anh?
NQCC: - Chính vậy.
Nhà văn KS: - Nhiều bài viết của anh, mới chỉ nghe “Tít” đã thấy gai gai… Nào “Cái tai và văn hóa nghe”, “Nói thẳng và nghe nói thẳng”; nào “Cái ghế và văn hóa ngồi”, “Đầy tớ dân hay cha mẹ dân?”; nào “Cái mồm công và tội”, “Nước Nam ta làm gì còn bọn tham nhũng”, rồi “Người ta sinh ra vốn không bình đẳng” nữa…
NQCC: - Thì mình cũng chỉ viết những điều Đảng, Bác dạy mà suốt thời trai trẻ mình và thế hệ mình cũng như thế hệ hiện tại được nghe giảng thôi. Đâu có “quan điểm” gì riêng? Đâu có “phát kiến” gì mới! Cũng là một thứ “nhai lại” mà thôi. 
Nhà văn KS: - Gần đây, đọc bài “Rỉ tai, vỗ vai…Luật gì ?” trên báo Tamnhin.net của Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam và một vài trang web khác đăng lại, tôi rất tâm đắc về những vấn đề anh đề cập trong bài viết gan ruột đó. Xin được hỏi: Hình như trong đoạn “Ôi! Chế độ phong kiến thối nát, lạc hậu, dã man đã bị Cách mạng Tháng Tám “xóa bỏ đến tận gốc rễ”. Đến nay đã qua quá nửa thế kỷ, mà luật lệ cùng tư duy của nó vẫn ngự trị ở nơi này, nơi kia bằng phương thức rỉ tai, truyền miệng, vỗ vai hoặc phổ biến truyền lệnh bằng lời – trở thành một thứ văn hóa “bất thành văn”; gây ra nhiều oan trái và làm điêu đứng bao người!”, có chút tâm sự gì đó của anh?
NQCC: - Anh tinh lắm! Chuyện là thế này: Khi thấy mình có một số bài viết nói về vấn đề tham nhũng, dân chủ… đăng trên TuanVietnamNet, Tamnhin.net, trannhuong.com, nguyentrongtao.org, dantri.com.vn, Quân đội nhân dân, nhavantphcm.com.vn… thì có một ông lãnh đạo đã đủ tuổi về hưu nhưng còn “muốn cống hiến đến hơi thở cuối cùng”, cố công chạy được một chức “đuổi gà” tại một cơ quan Trung ương, gặp con tôi nói bóng gió dọa nạt này nọ làm mình rất bực.
Nhà văn KS: - Xin lỗi, sao anh lại nói… “đuổi gà” tại một cơ quan Trung ương? Xưa nay dân ta chỉ nói “Đuổi gà cho vợ” thôi, chứ sao lại có chuyện “Đuổi gà tại một cơ quan…”!
NQCC: - Ấy là căn cứ vào cái công việc thực chất của ông ta, chứ không căn cứ vào cái danh chức của ông ta vậy.
Nhà văn KS: -  Khôi hài thật! Vậy xin anh kể tiếp câu chuyện bỏ dở…
NQCC: - Mình bực vì lẽ: Tại sao ông ta không gọi mình trao đổi mà lại “trao đổi” với con mình? Con mình thì có liên quan gì đến những bài mình viết? Vả lại nếu bài mình có “vấn đề” thì trước hết phải xét lại trách nhiệm của chính những chủ trang báo đã dùng, như bắt gỡ xuống, bắt thu hồi như vẫn làm lâu nay chứ?!. Chẳng qua, nếu gặp mình, một ông già sắp xuống lỗ, ông ta chẳng kiếm được cái gì sất! 
Nhà văn KS: - Có chuyện tệ đến như vậy thật sao?
NQCC: - Câu hỏi của anh làm mình nhớ đến một chuyện cũ. Số là có một anh bạn đồng nghiệp, khi mình còn làm Thường trực Ban chỉ đạo chống tham nhũng của Ngành ở địa phương ta…
Nhà văn KS: - Hồi đó gọi là Ban 79?
NQCC: - Đúng! Ban 79. Khi ấy, anh bạn đồng nghiệp này với tôi, “chức tước” còn ngang nhau thôi, nên cũng thường hay trò chuyện thân mật. Sau anh ta thăng lên chức cao nhất nhì Tình, thì gặp nhau anh ta lảng đi như không hề quen biết. Đến một bận, tại tiệc cưới của con một ông có chức khác, trong một tình thế không thể đừng được, anh lãnh đạo to kia đã chào mình (!). Mình ngạc nhiên quá, nên nói: “Thế mà mấy lần trước gặp anh, anh toàn quay mặt đi, tưởng quên mất bạn thời hàn vi rồi?!.” Anh lãnh đạo này nói: “Đâu, làm gì có chuyện ấy?”. Mình nói luôn: “Anh quá biết tính tôi rồi, tôi chưa bao giờ nói một điều gì không có thật!”.
Nhà văn KS: - Thế ông ta trả lời anh sao?
NQCC: - Còn trả lời sao được nữa! Im lặng và lảng sang chuyện khác. Mình cũng thôi, bởi đang là tiệc vui của con anh bạn.
Nhà văn KS: - Quả là anh cũng đáo để!
NQCC: - Có hơi hơi đáo để chút thôi. Nhưng “gàn dở” thì có lẽ đúng hơn. Chả thế mà mình bị mấy anh bạn già, chơi với nhau từ thuở “cởi chuồng”, đặt cho cái tên “Đồ Gàn”. Bà vợ mình nghe thấy liền bảo: “Tôi đã đành, sao các anh thi thoảng mới gặp mà cũng nhận xét ông ấy nhà tôi gàn?”!..
Nhà văn KS: - Chị ấy cũng như bạn bè đùa vui anh tý thôi, chứ gàn được như anh thì cũng nên thi thoảng gàn một chút! Chúc trang Blog NGANG QUA CUỘC CHƠI ngày càng được mọi người yêu quý.
NQCC: - Cám ơn. Cũng là một cuộc chơi thôi mà. Nói như tác giả “HIỂU ĐỜI”: “Chơi là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già” mà! Thi thoảng nhà văn Kao Sơn ghé chơi Quán tôi nhé!
Nhà văn KS: - Vâng! Nhất định rồi.

(*) . http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/sao-phai-cho-den-luc-nghi-huu-moi-noi-toac-ra