Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÌNH THƠ NGUYỄN TRỌNG TẠO

Thanh Ứng
Thứ hai ngày 18 tháng 7 năm 2011 10:20 PM
 
THANH ỨNG bình bài thơ “Cỏ may trên sân thượng” của NGUYỄN TRỌNG TẠO

Cỏ may khâu áo làng quê
Cớ chi gió thổi bay về trời cao
Ta lên sân thượng chạm vào
Cỏ may. Ta cúi xuống chào… cỏ may!
 
Đời phiêu bạt sáu tầng mây
từ trên chót đỉnh nhìn ngây phố nhà
nào ngờ cỏ đã đơm hoa
găm vào ta nỗi xót xa tận long
 
Người như con tốt sang sông
Chìm trong phố thị còn trông quê nhà
áo quần chẳng rách như xưa
trái tim rạn vỡ vẫn chưa vá lành
 
Cỏ may không hẹn mà xanh
tìm ta khâu vá cho lành nhớ thương
ngang trời hoa cỏ đẫm sương
loanh quanh sân thượng mà thương cánh đồng.
Nguyễn Trọng Tạo

Cỏ may đã vào thơ ca từ bao giờ. Cây cỏ dân dã, khiêm nhường ấy vốn có ở khắp nẻo quê, ngõ xóm. Nó gắn với tình yêu đôi lứa trong buổi ban đầu quê mùa, mộc mạc cứ ngỡ là nơi làng quê sẽ là nơi sinh tồn vĩnh viễn của loại cây này. Nguyễn Trọng Tạo lại gặp cỏ may trong một hoàn cảnh khác: Trên sân thượng toà nhà cao tầng nơi thành phố! Từ ngạc nhiên, tác giả trân trọng đối với loại cỏ vẫn gần gũi thân thương tự bao đời nay gặp ở nơi lạ lẫm: “Ta lên sân thượng chạm vào / Cỏ may. Ta cúi xuống chào…cỏ may”.

Gặp cỏ may trên sân thượng đã là một sự ngạc nhiên. Ngạc nhiên hơn nữa là cỏ dẫu xa nơi đồng quê xóm mạc thân thuộc của mình, cỏ không lụi tàn, khô héo mà vẫn phát triển tươi tốt: vẫn “đơm hoa”, vẫn “xanh”. Điều đó hình như vượt ra ngoài tưởng tượng của tác giả. Những từ “nào ngờ”, “không hẹn” chứa đựng những nỗi niềm khó nói của nhà thơ trước sự lên xanh, tốt tươi  của cây cỏ may ở nơi tầng cao chơi vơi ấy.

Từ cảm xúc thơ ban đầu, Nguyễn Trọng tạo đã triển khai ý tưởng thơ hợp lý và nhất quán với những liên tưởng sâu sắc và gợi cảm:
           
“Đời phiêu bạt sáu tầng mây
từ trên chót đỉnh nhìn ngây phố nhà”
 
Đó là tâm trạng, dáng vẻ còn ngây dại ngơ ngác trong buổi đầu người ở quê ra phố! Con người hình như chưa hoà nhập được với cuộc sống thị thành. Có gì tự nhận như còn nhỏ bé, đơn độc trong cuộc sống đô thị thời mở cửa:
        
“Người như con tốt sang sông
Chìm trong phố thị còn trông quê nhà”

Song chính cảm giác đó đã giúp nhà thơ trở lại cảm xúc của mình với tâm trạng ngổn ngang khi đã xa quê: Thân xác ở nơi phố thị nhưng hồn người vẫn đăm đắm nỗi nhớ quê, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Nhìn những nhánh cỏ may đơm hoa trên sân thượng, nhà thơ không khỏi chạnh lòng đau xót “Găm vào ta vết xót xa tận lòng”. Cái giống cây cỏ nhỏ bé kia sao dễ dàng quen thuộc, chấp nhận môi trường mới, còn ta sao còn nhiều đắn đo, dùng dắng, dẫu rằng nơi phố thị cuộc sống vật chất có khá hơn nhưng trái tim con người thì hình như không giản đơn như thế!

Cái khéo của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là từ tên loài “cỏ may”, anh đã sử dụng từ đồng âm khác nghĩa của tên “cỏ may” với “may vá”  và vận vào các từ đồng nghĩa: may, khâu, găm, vá… hoặc các từ trái nghĩa: rách, rạn vỡ… để những câu thơ có được những ám ảnh trong tâm trí người đọc:
                                        
“áo quần chẳng rách như xưa
trái tim rạn vỡ vẫn chưa vá lành”
   

Đó là sự đối lập giữa bên ngoài và bên trong (áo quần / trái tim) và cách dùng cặp từ phủ định theo các dạng khác nhau (“chẳng rách” và “chưa lành”) giúp cho ý thơ có chiều sâu. Màu xanh của cây cỏ quê xa thoáng gặp nơi sân thượng đã làm nguôi ngoai nỗi nhớ thương, làm dịu đi, lành lại những nhức đau mà con người từng chịu đựng. Ý nghĩ đó đã giúp nhà thơ có được những dòng thơ chan chứa nhân tình:

“Cỏ may không hẹn mà xanh
tìm ta khâu vá cho lành nhớ thương”

Vẫn nhất quán với hình ảnh ban đầu: sân thượng và cỏ may song ý tưởng bài thơ được mở ra với đa chiều cảm xúc và suy tưởng. Tâm trạng con người đằm sâu hơn trong nỗi niềm hoài thương. Cuối bài thơ xuất hiện hình ảnh  “Ngang trời hoa cỏ đẫm sương” thật tự nhiên và cũng thật bất ngờ. Những hạt sương đọng ngưng trên cỏ hay nỗi buồn ngưng đọng thẩm thấu vào con chữ. Không gian được trải rộng từ “sân thượng” đến “cánh đồng”. Con người vẫn “loanh quanh sân thượng” nhưng ý thơ và hồn người lại mở ra những tầng nghĩa mới: nhắc con người hãy trở về với bản thể khởi thủy của mình. Trở về với cội rễ, trở về vùng quê thân thương với những gì gắn bó, xương thịt thiêng liêng. Bài thơ có nỗi buồn trong sáng, rất riêng, khác với các bài thơ viết về cỏ may mà ta đã được đọc.
 
THANH ỨNG