Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CỐNG HIẾN - GIẢI THƯỞNG LỚN ĐỐI VỚI VĂN NGHỆ SĨ

Chính Trực
Thứ sáu ngày 15 tháng 7 năm 2011 9:05 PM
 
 Việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt này mới ở cấp hội đồng cơ sở đã có nhiều ý kiến không phục, có cả đơn thư gửi lên lãnh đạo ngành văn hoá. Thông qua ý kiến tranh luận công khai của các văn nghệ sĩ có thể thấy đây là phong cách, thái độ rất thẳng thắn và đáng trân trọng. Qua đó cũng bộc lộ những điểm chưa hợp lí cần điều chỉnh trong qui định và cách thức xem xét đề cử, để những giải thưởng danh giá này thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự cống hiến của các nghệ sĩ, văn nhân.
 Bất đồng lớn nhất là trong lĩnh vực âm nhạc, khi có tới 5 nhạc sĩ gửi đơn lên Hội nhạc sĩ khẳng định rằng, Hội đồng thẩm định cấp cơ sở đã làm việc quá nhanh, dẫn tới kết quả đề cử thiếu thuyết phục. 5 nhạc sĩ này đề nghị thành lập Hội đồng cơ sở mới do chính các nhạc sĩ đề cử, đồng thời triệu tập cuộc họp gồm 68 nhạc sĩ tham dự giải thưởng để bỏ phiếu công khai mới có được kết quả xác đáng. Đơn kiến nghị gửi tới Hội nhạc sĩ gần 2 tháng mà không được trả lời, nên đã được gửi lên cho người đứng đầu ngành văn hoá. Chưa có thông tin chính thức, nhưng theo qui định thì mọi ý kiến bất đồng đều phải được xem xét giải quyết và trả lời công khai.
 Không căng như âm nhạc, nhưng bất đồng trong lĩnh vực điện ảnh lại cho thấy những cách nhìn khác nhau về loại hình nghệ thuật thứ 7 này, vì sản phẩm điện ảnh tích hợp giá trị của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Thông qua tranh luận, cả đạo diễn phim tài liệu được đề cử và 2 nhà biên kịch nữ hiểu rõ thêm về giá trị sáng tạo và nỗ lực cống hiến của chính mình. Việc người này được công nhận, được tôn vinh không hề làm giảm đi hay đánh mất giá trị của người kia, mà chỉ cùng làm cho nhau sáng lên mà thôi. Cũng may là ngành văn hoá qui định tương đối rõ về lĩnh vực điện ảnh, chứ nếu không thì sẽ có cả nhạc sĩ nêu ý kiến về âm nhạc sử dụng trong phim.
 Nêu ý kiến, tranh luận thẳng thắn, công khai – đó là thái độ đáng trân trọng của các nghệ sĩ, văn nhân. Thông qua đó góp phần để việc đề cử, xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật được thực sự dân chủ, công bằng và chính xác.
 Tuy nhiên, qua nhiều đợt xét tặng cũng bộc lộ những điểm chưa hợp lí trong qui định và cách thức đề cử, xét tặng. Như vừa đề cập là trong lĩnh vực điện ảnh, và điều tương tự cũng xảy ra trong lĩnh vực sân khấu. Đó là đạo diễn thì được đề cử bởi Hội điện ảnh và Hội sân khấu, nhưng kịch bản phải đưa sang xem xét ở Hội nhà văn. Nếu có đề cử nhạc phim, nhạc sân khấu thì phải đưa sang Hội nhạc sĩ. Âm nhạc còn có trong lĩnh vực múa nữa. Và chưa hết, sẽ đến lúc khó tách bạch sự giao thoa, bổ trợ lẫn nhau giữa những lĩnh vực khác như mĩ thuật, văn nghệ dân gian, nhiếp ảnh, kiến trúc,…
 Qui định xét tặng Giải thưởng Nhà nước 2 năm 1 lần cũng chưa hợp lí, bởi tác phẩm văn học nghệ thuật cần có thời gian cần thiết để khẳng định đời sống thực sự trong lòng công chúng. Về Giải thưởng Hồ Chí Minh cũng có sự bất cập, do văn nghệ sĩ nào cũng chỉ có một giai đoạn “thăng hoa”, thông thường không kéo dài. Vậy nên không ít trường hợp tác phẩm “đỉnh cao” của họ đã được xét tặng Giải thưởng Nhà nước, theo qui định không đưa vào xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh nữa, nhưng những tác phẩm sau lại không chất lượng bằng trước đó vì họ đã qua giai đoạn “đỉnh cao” rồi. Nhiều ý kiến đề nghị, Giải thưởng Hồ Chí Minh nên trao cho cả sự nghiệp sáng tạo của văn nghệ sĩ.  
Về cách làm thì những gì vừa xảy ra ở Hội nhạc sĩ rất đáng để rút kinh nghiệm chung. Nhất là việc Hội này thông báo cho gần bảy chục nhạc sĩ làm hồ sơ tham dự giải thưởng, dường như có thể mang cả ra mà đong đếm với nhau. Sau đó thì xét duyệt vội vàng và loại ra bốn chục hồ sơ, cũng không giải thích rõ ràng, khiến nhiều nhạc sĩ có cảm giác như kiểu xin – cho.
Với giới văn sĩ trí thức giàu tự trọng thì cách làm đó là khiếm nhã. Họ yêu cầu trong việc đề cử và xét tặng những phần thưởng danh giá như Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước phải có cách làm công khai, dân chủ và xác đáng hơn. Làm sao để cả người được giải và người chưa được giải đều phấn khởi, tự hào, tiếp tục lao động không ngưng nghỉ, nỗ lực cống hiến nhiều hơn nữa cho nghệ thuật, cho cuộc đời.
 Đó là giải thưởng lớn đối với những nghệ sĩ, văn nhân chân chính./.
         Chính Trực