Trang chủ » Viết về Trần Nhương

CHÂN DUNG "HÍ HỌA" NHÀ BÁO "TRẺ" TRẦN NHƯƠNG

Hồ Cúc Phương
Chủ nhật ngày 26 tháng 6 năm 2011 6:04 AM
 











TNc: Nhân ngày Nhà báo, Trần Nhương hơi bị đắt hàng phỏng vấn. Tạp chí Tuyền hình của VTV số 206 nhà báo Cúc Phương hỏi chuyện và lãm đẫy 2 trang. Xin cho chủ web PR cho mình một chút...


Mỗi kỳ một nhân vật
 
“Xin chúc mừng bác Trần Nhương/ Văn – Thơ -  Hội hoạ, tấm gương sáng ngời/ Hôm nay bác được “nâng đời”/ Nhận thẻ nhà báo vào thời tuổi cao/ Bạn đọc khắp ở gần xa/ Chúc Nhà báo già có thẻ mới tinh” (trích thơ của độc giả Thư ký thời đại tặng ông chủ website Trannhuong.com). 

“Chúc nhà báo già có thẻ mới tinh”

Xin được mạo muội gọi nghệ sĩ “tài hoa đa hệ” (chữ dùng của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế) vô cùng đặc biệt này bằng cụm từ nhà báo “trẻ”. Bởi cứ theo logic mà suy đoán, trong đội ngũ vô cùng đông đảo những nhà báo đang ngày đêm cống hiến tâm lực cho sự phát triển mạnh mẽ của nền báo chí cách mạng Việt Nam, trường hợp của ông có thể xếp vào hàng “ độc nhất vô nhị”. Có một không hai, bởi ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông mới lần đầu cầm trên tay tấm thẻ nhà báo (xin nhấn mạnh hai chữ lần đầu bởi nếu chỉ đổi thẻ theo kỳ hạn dăm năm một lần thì đâu còn là sự lạ!) 
Cứ chiểu theo luật thì chỉ có những cây viết thuộc quân số chính thức của một cơ quan báo chí, hoạt động liên tục ba năm mới có thể cầm trên tay tấm giấy thông hành tác nghiệp “chính danh ngôn thuận” này. Mà thời điểm về hưu của nam giới được giới hạn ở tuổi 60, đồng nghĩa với việc tuổi thất tuần còn công tác tại một tòa soạn là điều …. không tưởng! Đã thế, nếu trường hợp hi hữu ấy xảy ra, cây viết ấy chắc chắn phải rất nhiều năm lăn lộn trong môi trường làm báo đầy thử thách. Ở tuổi ấy mà được cấp thẻ lần đầu xem ra còn không tưởng … gấp đôi!
Có sự rất lạ ấy là bởi, như “nghệ sĩ già” trải lòng, “Bao năm nay, tôi làm văn mãi rồi cuối cùng vẫn chạy về với báo…như một mối duyên phận. Đặt bút viết báo từ hơn bốn thập kỷ trước, ngay từ những ngày xanh màu áo lính nhưng tôi chỉ viết vì say mê, viết tự do, viết nghiệp dư, viết theo sự mách bảo của trái tim và trách nhiệm công dân chứ không tham gia chính thức vào một cơ quan ngôn luận nào. Thế nên, ở tuổi đã sang tới con dốc bên kia của đời người, tôi vẫn là nhà báo trẻ. Kể cũng là chuyện hiếm nhưng với tôi, đó là một nét phác họa đặc biệt của cuộc đời làm nghề. Cầm tấm thẻ mới tinh, ông già này vẫn thấy lòng xôn xao, đôi mắt vẫn rưng rưng…lạ”.
Dễ hiểu thôi, nếu cùng ông vặn ngược chiều kim đồng hồ để trở về quá khứ, trở về những năm tháng cam go ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh, khi ông còn là một người lính trong ngành vận tải quân sự. Từ mái trường phổ thông, thầy giáo dạy họa Trần Nhương vào chiến trường.  Đồng nghiệp Đào Quang Thép có thơ rằng, “Chống Mỹ ông ở Trường Sơn/ Ngự trong hang đá, sướng hơn nhà lầu/ Lính ăn măng nứa, măng vầu/ Ông xài đồ hộp, chè Tầu, lương khô”. Tò mò vặn vẹo lý do, ông cười, “chắc anh Thép muốn giễu cái sự làm lính văn phòng, chuyên bám theo mấy chàng lính xế đùa giỡn với tử thần trên các cung đường huyết mạch Trường Sơn để viết bài phản ánh người tốt việc tốt như một phóng viên mặt trận mà tôi được cấp trên phân công ngày đó”. Ra khỏi cuộc chiến, “may mắn khi còn nguyên cái đầu”, ông vẫn đau đáu với cả rừng ký ức buồn vui. Những lần thoát chết trong gang tấc, khi căn hầm chữ A ông quyết định bỏ qua bị bom xuyên phá tan tành. Những chuyến xe lầm lũi trong đêm, một mình ông đứng trên thùng cùng xác những đồng đội vừa hi sinh. Những tấm gương anh dũng quyết định bật đèn pha sáng quắc thu hút hỏa lực địch để cứu cả đoàn đại xa chở nặng phía sau… Những trải nghiệm mặn chát vị của máu, của mồ hôi và nước mắt ấy đã theo ông vào từng trang báo, từng bài viết, mẩu tin. Khoảng hai chục ngày để những tác phẩm còn ám khói bom ấy lên khuôn báo Nhân dân, Quân đội nhân dân và quay trở lại chiến trường, để cổ vũ sức chiến đấu cho chính tác giả và những người đồng đội đang sát cánh bên ông.
 
Không nhớ rõ bài báo đầu tiên đăng báo khi nào, nhưng Trần Nhương không quên tác phẩm thơ đầu tiên từng xuất hiện trên tạp chí Văn nghệ quân đội, số tháng 10 năm 1967. Đường xuân náo nức như đi trảy hội ấy, ông sáng tác từ cảm hứng có được khi nhìn con đường mòn Trường Sơn đông vui nhộn nhịp trong một ngày  hiếm hoi thực hiện lệnh ngừng bắn.  
 
Trần Nhương bảo, cũng đã có những thời điểm ông làm báo nghiêm chỉnh, như một nhà báo đúng nghĩa khi ông phụ trách Bản tin Cục vận tải hay làm phóng viên tờ Chiến sĩ hậu cần. Nhưng rồi trường văn trận bút cứ cuốn ông đi, viết báo vẫn chỉ là niềm đam mê “tay ngang”, cho dù suốt những năm chiến tranh, những ngày hòa bình sau đó, bài viết của ông với nhiều bút danh Trần Nhương, Trường Nhân, Lâm Thao… vẫn đều đặn xuất hiện trên rất nhiều đầu báo, tạp chí cả nước.
Chính thức nhận sổ hưu sau nhiều năm công tác tại Hội nhà văn VN, ông gặp lại người đồng đội cũ Kim Quốc Hoa – giờ là Tổng biên tập báo Người cao tuổi VN. Nhận lời mời về tòa soạn ông trở thành biên tập viên cao cấp Trần Nhương mới có cơ hội trở thành nhà báo cầm thẻ ở tuổi già nhất (có khi lại được ghi danh trong sách kỷ lục Guinness VN không chừng!)       

“Chung cư” toàn “căn hộ cao cấp”

Trần Nhương là “tổng hòa” của kha khá các loại “nhà”:  Nhà văn – nhà thơ – nhà báo – họa sĩ…. Các cụ xưa nhắn nhủ “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, rồi “một nghề thì sống, đống nghề thì chết”…. Trần Nhương chứng minh mệnh đề ngược lại.  Ông tung hoành ngang dọc trong cái “chung cư” ấy, vui chân rẽ ngang rẽ dọc hết “nhà” nọ tới “nhà” kia, mà lạ là “nhà” nào cũng “khang trang, tiện nghi” cỡ “căn hộ cao cấp”. Đố ai tìm được trong số ấy một “căn nhà cấp bốn xập xệ” chư chưa nói đến lụp xụp giống “cái lều”.
“Nói có sách, mách có chứng” nhé, hiện vị chuyên viên cao cấp này đang là “ông chủ nhiệm hợp tác xã văn chương” www.trannhuong.com đình đám trên mạng với xấp xỉ sáu triệu lượt người truy cập, xếp hạng 5529 riêng tại Việt Nam (theo thống kê của website uy tín www.alexa.com). Rồi đại diện website www.vannghesongcuulong.org.vn tại Hà Nội, rồi BTV cao cấp phụ trách phần văn hóa nghệ thuật của Báo Người cao tuổi Việt Nam và Phó trưởng ban Ban Truyền thông-đối ngoại-tổ chức sự kiện Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam…
Chỉ riêng trên chiếu văn, đếm sơ sơ ông đã có tới 13 đầu sách. Đủ món bày biện, từ thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết đến trường ca, tập truyện ngắn … với danh sách khá dài những gạch đầu dòng giải thưởng, từ tầm vóc quốc gia tới địa phương.  Tác phẩm hội họa của họa sĩ Trần Nhương trưng bày trong bảy triển lãm, cá nhân cũng có mà song hành cùng đồng nghiệp chung đam mê “nhà văn vẽ” cũng nhiều. Bạn bè ước tính, tiền bán tranh của cây cọ tràn đầy năng lượng sáng tạo này cũng phải cỡ … nửa tỷ đồng. Còn lượng bài viết mà nhà báo “trẻ” xông xáo chấp bút suốt chiều dài 44 năm qua, sẽ là hỏi khó Trần Nhương khi yêu cầu ông đưa ra một con số gần chính xác.

“Ông chủ nhiệm hợp tác xã” vui tính

Gặp Trần Nhương ngoài đời, nhìn mái tóc muối tiêu bồng bềnh “chất nghệ”, nhìn trang phục trẻ trung quần tây - áo “chim cò”, vui cùng ánh mắt đôn hậu đầy hóm hỉnh luôn lấp loáng sau cặp kính, đố ai dám đoán ông đã tròn bảy chục xuân xanh.
  
Trong bức chân dung mà bạn văn Nguyễn Tham Thiện Kế vẽ nên, ông có hình hài đại loại thế này. “Với thời trang biến hoá lúc quần kaki sáng màu, áo cộc tay kẻ xam xám, khi giày khi dép, loại toàn cỡ hai trăm trở lên, móng chân cắt tròn đều như vỏ hến, nắng hay mưa cũng phòng bị một cái ô Tàu đi nem nép bên hè, chẳng khác gì ông giáo mới hồi hưu đang nhớ tiếng trống trường. Nhưng có thể mươi phút sau đã quần soóc hộp, áo pull, giày thể thao, đầu trần tơi tả tóc bay gió lùa, máy ảnh đeo ngực, laptop đeo lưng, hai tay khư khư giá vẽ di chuyển như đang ở vùng có chiến sự. Với những phương tiện ngổn ngang quanh mình, ông thường gieo bao nhiêu câu hỏi tò mò trong ánh mắt người qua”. Trần Nhương khoe, trên suốt dọc những chặng hành trình tới bao miền đất mới lạ, ông  đều “mắc” trên người hàng đống máy móc, “dụng cụ hành nghề” như thế. Cần chụp ảnh, có. Cần quay phim, cũng có luôn. Thấy phong cảnh hữu tình, dựng giá vẽ. Gặp gỡ nhân vật hay hay, tay bút tay sổ “chiến đấu luôn”. Ông bảo, ngày sang Mông Cổ, bạn cùng đoàn luôn trìu mến gọi ông là Nhương “tác nghiệp”. Biệt danh đó khiến ông thích thú vô cùng.
Cái hợp tác xã văn chương mà ông làm chủ nhiệm “chễm chệ” trên không gian ảo cũng đã khá lâu rồi. Người già “sành IT” và biết tận dụng triệt để công cụ giúp “thế giới phẳng” như ông là “của hiếm”. Hỏi ông về nỗi vất vả của những ngày “vạn sự khởi đầu nan”, Trần Nhương cười rổn rảng. “Ngày còn ở Hội nhà văn VN, tôi cùng mọi người có vài ngày được làm quen với cái gọi là vi tính văn phòng. Đại loại biết sử dụng Word, biết đánh văn bản rồi trình bày, chỉnh sửa chút chút.  Biết gõ bàn phím rồi là tôi nhất quyết không viết tay nữa. Ngày đó chỉ thông dụng máy để bàn kềnh càng thì tôi đã quyết định dồn tiền mua laptop. Rồi mày mò tự tìm, tự học, tôi làm chủ cái máy tính xách tay khá nhanh. Rồi hình thức xuất bản văn chương truyền thống gặp khó, khi tác giả phải bỏ khoản tiền lớn để in ấn trong khi sách bán được chẳng bao nhiêu, chỉ dùng làm quà tặng bạn đọc gần xa là chủ yếu. Nghĩ thế giới ảo sẽ giúp tác phẩm của mình tìm được con đường ngắn nhất đến với công chúng, tôi quyết định thử. Nhờ một cậu sinh viên thiết kế giao diện ban đầu, post thử ít bài vở ban đầu, thấy cũng có khách ra vào thăm viếng, bình luận rôm rả, tôi mừng lắm”.
Giờ thì bầu bạn, khách vãng lai tròm trèm gần sáu triệu lượt ghé chơi, ngó qua lúc nào cũng trên dứoi trăm người tấp nập.  “Óep sai” của ông xếp vào loại ăn khách nhất nhì trong chiếu văn chương hiện nay. Và Trần Nhương luôn sẵn sàng tác nghiệp mọi lúc mọi nơi cũng chỉ để không phụ lòng bầu bạn coi việc rẽ ngang trannhuong.com ngày đôi ba lượt trở thành thói quen khó bỏ.
Độc giả Trần Hữu Quý, trong bài Kỷ niệm đến với trannhuong.com đã miêu tả rất thú vị về cái “hợp tác xã” này. “Nhìn vào trang mạng Trần Nhương/ Trên đầu chính diện trannhuong chấm còm/ Kề bên đề mục để nhòm/ Được chia thành món theo phom từng người/ Thôi thì đủ cả bạn ơi!/ Văn, thơ, ký, sự… một trời văn chương”.
Cũng chẳng có “chiếu rượu” nào cân đối hài hòa cả chuyện thế sự - nỗi đau đời lẫn nụ cười giễu nhại – hí họa châm biếm – đả kích nhẹ nhàng như thế. “Nặng đô” thì ngó vào Tôi có ý kiến, nghe nhà văn bày tỏ trách nhiệm công dân trước mọi đẹp xấu, hay dở của thế thái nhân tình. Muốn xả stress ư, mời vào Cùng vui, Khúc kha khúc khích, Thư giãn video clip … Rồi cười mủm mỉm với cái thâm thúy của Trương Tuần với câu kết muôn năm như một đầy ấn tượng “thì vưỡn”. Hay cười phá lên khi ngắm những hí họa ảnh (sử dụng công nghệ photoshop) kèm thơ phác thảo chân dung các văn nhân. Liệu nhịn cười nổi không khi ngắm vẻ chỉnh chu, nghiêm túc, trịnh trọng của gương mặt các nhà văn được “cắm” vào những hình thể phụ nữ ngồn ngộn phô bày vẻ đẹp phồn thực. Hay đọc những vần thơ vẽ chân dung bằng tác phẩm nổi bật, kiểu như “Trần Đăng này có tý Khoa/ Xem ra rất mỏng như là nằm nghiêng/ Thần đồng từ thuở thiếu niên/ U50 vẫn còn duyên thần đồng/ Cái tên sáng tựa vàng ròng/ Góc sân ngày ấy mênh mông bây giờ/ Đảo chìm chìm nổi phấp pho/ Cua ngoi lên bờ ta tóm lấy luôn/ Chân dung đối thoại như cồn”…
Nhà văn Bão Vũ từng đùa, “chuyện nhà văn lập web như việc nuôi lợn thời bao cấp ngày xưa”. Trần Nhương phản bác ngay, “ví von thế hơi bị khập khiễng. Nuôi heo như tiền để dành, còn thu lại được tiền dù khó có lãi. Còn nuôi web mất tiền nào là mua tên miền, nào là thuê hosting, tháng cũng xén vào lương hưu mất dăm trăm. Thế mà web của tôi hoàn toàn free 100%,  ai cũng vào được. Tôi chỉ lấy cái sự phục vụ người đọc làm vui”.
Ghé thăm ngôi nhà ảo của ông, độc gỉa thỏa sức ngắm tranh (mà đa phần là tranh nude ca  ngợi vẻ đẹp người phụ nữ), được thưởng thức thơ – truyện – tản văn của chính chủ nhân, được đọc ké những cây viết hưởng ứng lời kêu gọi “bầu bạn góp cổ phần”. Chỉ thắc mắc một điều, có Trần Nhương họa sĩ – nhà thơ mà sao thiếu Trần Nhương – nhà báo? Ông cười, trong tất cả mọi chuyên mục đều phảng phất bóng dáng nhà báo của tôi, vậy còn mất công tách riêng làm gì cho khổ?  
        Hồ Cúc Phương
        Ảnh do nhân vật cung cấp