Đọc “Làng” - Tập thơ Lục bát của Hồ Phong Tư NXB - Hội Nhà văn – 2011
Có thể nói, muốn biết nhà thơ này có “thực sự là thi sĩ” hay không, hãy đọc xem một đôi câu “lục bát” của họ.
Thật vậy, với lịch sử dài xa của thi đàn thi ca đất nước, với dân tộc Việt, lục bát là thể thơ thật quen gần. Nó giản dị mà cao thanh. Nó là đỉnh chênh vênh trước chiều sâu bờ vực.
Nó là “ngưỡng”.
Là “cửa ải”.
Là “lửa độ cao” để cân đong ... “Thử-mặt-vàng-mười” ... !
Cách đây ít năm, khi viết lời bình cho “Vẹt mòn bậc đá”, tập thơ thứ hai của Hồ Phong Tư, tôi đã bị cuốn vào “Chiều Đồng Mô” và nhập hoà cùng “cơn say” người viết với hai câu kết của bài thơ lục bát được lấy làm “cái đế” thế này :
Nửa đêm thức giấc sững sờ
Thấy trăng lẻ bóng bên hồ tắm sương
Quả tình, ở phút giây ngắm nghía cái mịt mùng của thiên nhiên hư ảo, “cơn say”, “cơn run rẩy” của Hồ Phong Tư đã làm nên vệt loang của khoảnh khắc hồn người trước vũ trụ giao hoà trong cái “vô biên độ”. Ở đây, Tâm thi và Hình thi đã sáng lên dung nhan, thần thái của “ thơ và con người thơ thi sĩ là thế”.
Và, như vậy, với lục bát, với Hồ Phong Tư, trong nhìn ngắm, trong cái có được, cái cầm nắm, đem về ... Lục bát Hồ Phong Tư không khác gì dòng xanh êm, trong nét nhìn ngọt ngào, tươi mát.
Ở tập thơ thứ ba mang tên “Làng”, sau “Dã hương” và “Vẹt mòn bậc đá”, 39 bài lục bát được tập hợp là ý thức “văng xa”. Là “lát cắt” mà người viết muốn kiến tạo cho mình trong cái nhìn “mình là mình” ở một “kênh” mở khác ?.
Lấy lục bát làm cái khuôn chuyển tải, Hồ Phong Tư với “Làng” đã đem mình bám chặt vào cái “bất biến”. Có nghĩa, anh chỉ lấy một sông ấy, đôi bờ ấy và dòng trôi “bất biến” ấy để tìm lấy những gì là “Biến”, là “Động” ở quá trình chuyển vận. Để trên dòng quen mà chảy, mà xoáy, mà biết mình đã mới mẻ, đã khác đi thế nào nơi đôi bờ sẽ ánh lên sắc hương, của tháng năm, của bến bờ, của mùa màng kết tụ ...
Từ chọn lựa là thể thơ lục bát. Là nhẩn nha theo nhịp đều của bước đi “sáu tám”. Ở hầu hết trang thơ, Hồ Phong Tư luôn tạo được nhiều đối diện với nhiều phát hiện của đời sống thường nhật, của những khoảnh khắc tâm trạng gọi về.
Dường như, sau tất cả cái cộm lên thật bộn bề, phức tạp nơi “nhỡn tiền chi sự”, Hồ Phong Tư không “chạy sô” theo nét vẽ. Anh thư tĩnh, lùi về một khoảng lắng xa, để ngẫm.
Không say mê trực tả nhằm tô đậm cái tầng dễ làm nên bức tranh ngoại giới. Không lấy cái phá cách của sức nổ, sức cháy ngôn từ làm gồ ghề, cứng se, làm mới lên lục bát. Những xương xẩu của hiện thực dồn xô, chát chúa, thậm chí đắng cay, quặn thắt khi bước vào thơ, Hồ Phong Tư đều lọc về một “bể lắng trầm,” mềm dịu. Đều vươn tới cái tinh tế và chiều sâu nào đó của cảm rung, nơi hồn anh kết đọng.
Vì thế, dù buồn với cảnh “Sông Tô” mà người viết kêu lên : “Rác đen ứ đọng chân cầu/ Nhìn dòng nước lại thêm đau cái thời...” Hay, trước nỗi quặn se “nhân tình thế thái” khi “Đọc sách xưa”, thì mỗi câu thơ trong bài thơ này được chẻ đôi, làm thi pháp “tiểu đối”, thơ Hồ Phong Tư vẫn là giọng của cái nền trong dáng vẻ êm xanh
“Chìm thì sen/ nổi thì bèo
Lim già bỏ mục/ tre pheo dựng chùa...”
Rồi, với “Chợ Viềng”, muốn có cái khác đi của lục bát, Hồ Phong Tư không “đặt cược” vào những đột biến của tiết tấu, nhịp điệu, ở lối công phá, xới đào (một thi pháp) lần nữa, có thể làm lục bát lạ, mới lên ở những bất ngờ từ hình ảnh, hình tượng ...
Với “mây bay một chiều”, Hồ Phong Tư chỉ đắm mình và mải mê đi từ nguồn cảm rung trong mình luôn chất chứa, đầy nặng. Ở đây, anh gắng chắt lấy cái hay ở cái tình nơi cảnh huống gợi phát. Anh gọi về “cái biến”, cái phong phú, sinh động nơi “diện kiến”, nơi “đối tượng” đã đánh thức hồn mình ...
Và, khi gặp “Chợ Viềng”, hay ở nhiều trang viết khác, Hồ Phong Tư tìm lấy “cái mới”, có khi nằm ở lối “tự sự có duyên” :
Đi em cho thoả tâm tình
Cả năm có mấy khi mình gặp nhau
Hoặc, đây nữa, câu lục bát có duyên ở cách biểu đạt, hay chỉ là cái dung dị chỉ nằm ở một cách nói :
Cầu lộc thì lên lễ chùa
Cầu duyên thì đợi anh đưa sang đền
(Chợ Viềng)
Hoặc, đây nữa, cái cảm, cái nghĩ, cái đa dạng trong cái nhất quán ở “biên độ mở” làm cho lục bát tung hoành hơn trước cái khuôn sẵn định :
Nỗi buồn đem thả gió lay
Sợ mai bên ấy lại đầy bão giông
( Không đề)
Hoặc, cùng lối liên tưởng ấy, đây là câu thơ hay có ở phía chiều sâu :
Nỗi buồn đem thắt lạt mềm
Ngại con suối khát nghẹn thêm sông gầy
(Không đề)
Ở lục bát “Làng”, trên mạch đi này, từ “Chợ đêm, Lên chùa, Một thoáng Sông Cầu” đến “Chốn xưa, Làng trong phố” ... Mỗi bài thơ trong mỗi vẻ hiện diện, Hồ Phong Tư đều cập tới bến bờ và neo được dấu mốc nào đó của cái hay, cái âm hưởng một dư vị tươi xanh, cái bâng khuâng, da diết. Cái tinh tế trong cảm xúc. Cái đằm sâu trong vệt sáng tư duy...
Với lục bát. Với thơ và thơ của nhiều tác giả thường gặp. trên cái khuôn của hình thức sẵn định, cái khác nhau cũng thấy từ nhiều phía. Người ngọt ngào, đằm thắm. Người sử dụng hiệu quả tối đa những thanh trắc làm lục bát lạ, mới. Người hoán đảo các trật tự ngôn từ làm ảo đi, vang hơn những dư âm thấm đọng. Người tựa vào nội lực của hiện thực cảm xúc làm lục bát hay hơn ở cái thật, cái bất ngờ của ảnh hình, thi tứ ...
Với lục bát “Làng”, Hồ Phong Tư đi từ sở trường hay từ nguồn, nơi hồn anh sẵn mở ?
Đấy là dòng tươi xanh, êm mượt.
Một sức lắng ngọt đằm.
Một khoảng sáng vừa đi vừa ánh lên những hạt thơm kết tụ !
Hải Phòng, Những ngày đầu Hạ - 2011
K.C