Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÁNH BUỒM CHẠY DỌC HAI BỜ PHIÊU LÃNG

Vân Long
Thứ ba ngày 3 tháng 5 năm 2011 5:58 PM

 (Nhân đọc hai tập thơ Dưới vòm hương tinh khiếtNghe gió về cậy cửa  của Đàm Khánh Phương – NXB Hội nhà văn 2011 )                               

Một sáng đẹp trời cuối đông 1961, tôi đi lĩnh giải thơ của báo Người giáo viên  nhân dân. Sự việc lâu đến nỗi tôi không nhớ nổi những người cùng trúng giải năm đó. Riêng trường hợp có hai thày trò cùng một trường cấp III Vân Đình cùng đi nhận giải thì không thể nào quên. Nhưng tôi chỉ nhớ tên thày Đặng Hiển, bởi sau đó hai chục năm, tôi lại được cùng cộng tác với thày qua tạp chí Núi Tản sông Đà của tỉnh Hà Sơn Bình. Còn cậu học sinh duy nhất được…chơi trèo, cùng dự giải với người lớn thì tôi chẳng nhớ (hôm đó nhà thơ Xuân Diệu ban giám khảo đã giới thiệu cậu này lên phát biểu cảm tưởng), nếu không có đận tình cờ về sau, tôi lại được đưa bài thơ đầu tiên của Đàm Khánh Phương lên báo Sức khoẻ & Đời sống. Bài thơ Bến của một tác giả còn lạ với làng thơ nhưng làm tôi cảm động với cảnh “gà trống nuôi con” khi vợ anh vừa qua đời: Tảng sáng sờ vào hũ gạo/ Ngó sang củi lửa muối dầu/Yên lòng các con no đủ/ Mới biết giờ mình tới đâu.

Khi tác giả gặp tôi, có nói: “Em đã được gặp anh từ một cuộc trao giải năm 1961” tôi hơi ngạc nhiên, với độ tuổi còn tráng kiện của tác gỉa, chả lẽ đây là cậu học sinh ngày ấy ? “Thế ra?…” Tác giả giải đáp ngay điều tôi còn ngờ ngợ “ Vâng! Em chính là cậu học trò ngày ấy!” Tôi suýt nữa ôm lấy anh! Thật là vui! Âu đó cũng là cái duyên của nghiệp chữ, đã xoá bỏ mọi ngăn cách thế hệ để chỉ còn là tình đồng nghiệp…

Thực ra, Đàm Khánh Phương để tâm in thơ trên báo chỉ trong vòng một thập kỷ nay, phần nhiều là thơ tình, viết cho một người (mà không chỉ một, hai nguyên mẫu!). Nhà thơ quá cố Trịnh Thanh Sơn từng nhận xét: Thơ Đàm Khánh Phương là thơ của người thơ chuyên nghiệp. Quả vậy, đây là  cách lập tứ trong bài Nhà tôi: Đường đông, phố chật, lên rừng, xuống biển anh thuộc lòng đến từng dấu chân, nhưng chỉ một lần vợ về thăm quê ngoại, phải thay vợ làm việc nhà, anh đã “lạc” đủ thứ trong căn nhà của mình:Cạn cơm lạc mất nồi canh/Nước sôi sùng sục muối hành ở đâu/Thắp diêm mới biết lạc dầu/ Xách xô ra giếng lạc gầu lạc dây (!) 

    Trong dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà nội, mấy bài được giải thưởng của Đàm Khánh Phương ta thấy trong anh, cái tinh của người Hà Nội yêu quý thành phố của mình. Không phải anh chỉ: Xin cất giấu những nồng nàn mê dại. Những mắt môi, thổn thức thịt da quen…anh còn nâng cảm giác lên tầm khái quát thành những hình tượng nghệ thuật: Bây giờ có em, ta là tất cả/ Vào rừng là chim, ra sông là cá/ Bù cho những ngày ta ngồi như đá/ Rượu nghiền héo nát ta thành bình vôi …(Uống cùng rượu Tết).

Anh còn dành thơ để gợi nhớ những con đường thành phố ta từng yêu, từng  cảm: Bao lối cũ khuất chìm vào xa lạ/ Cứ chầm chậm ngước theo từng mắt lá/ Thoảng mùi hoa sấu nở rụng sang hè/ Có cái gì vẫy gọi phía bên kia/ Cánh buồm chạy dọc hai bờ phiêu lãng... Tôi biết hành trình đời anh không khỏi có nhiều lúc lỡ trớn, nhưng với người thi sĩ đích thực, cái mất lại thành cái được nếu ta biến suy nghiệm từ sự “thất lạc” mà tìm lại được chính mình, đây là những câu thơ tạo một chiều sâu trải nghiệm: Lỡ một sân ga chậm cả quãng đường chiều/ Giữa phố thị một mình tôi ngơ ngác/ Giữa cuộn chẩy một mình tôi thất lạc/ Hoang lạnh trước mặt mình, hoang lạnh phía sau lưng.

          Tự kiểm lại đời mình, anh thành thực bộc lộ: Xin trú lại dưới vòm hương tinh khiết/ Gom lại tôi sau tất cả hoang tàn/ Những năm tháng ngỡ     ngập tràn thắm thiết/ Hoá chỉ còn là những chuyến tiêu hoang (Khất)       

Đây là hai tập trong chùm ba tập thơ của anh, Những ngả đường         trong lòng bàn tay chưa in xong. Đàm Khánh Phương từng khấn ở Đền Trình:

                                 Núi lùi sau mỗi bước chân

                      Càng xa bến Đục, càng gần chùa Hương   

Xin coi đây là lời chúc của tôi cho anh: Gần lại hơn nữa tâm hồn thi sĩ của riêng mình!   (nguồn: Văn Nghệ Công An 151 ngày 2-5-2011 )