Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HỎI CHUYỆN NGƯỜI TRONG NHÀ

Hoàng Minh Tường
Chủ nhật ngày 1 tháng 5 năm 2011 5:50 AM
TNC: Đoạn trích dưới đây trong tập bút kí Bạn văn ngoài vùng phủ sóng của Hoàng Minh Tường. Trong chuyến đi thăm Nga, ngồi trên máy bay Hoàng Minh Tường đã hỏi chuyện nhà văn Lê Văn Thảo là cháu Tổng thống Việt Nam công hòa (cũ) Dương Văn Minh đẻ biết thêm vè người đã kí Tuyên bố đầu hàng ngày 30-4- 1975. 

...Riêng nhà văn trưởng đoàn Lê Văn Thảo, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam( khoá VII), kiêm Chủ tịch Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh (mà buồn thay, khi tôi viết những dòng này, ông đã xin nghỉ để nhường cho người khác), thì cần giới thiệu hơi dài một chút. Lê Văn Thảo là một nhà văn vừa mang nhiều nét tính cách Nam Bộ, vừa có tính cách anh Hai Sài Gòn. Năm 1954, khi cha ông đem người anh cả của ông tập kết ra Bắc, thì ông ở lại Sài Gòn tiếp tục theo học trung học, rồi lên đại học. Năm 1962, ông ra chiến khu tham gia chống Mỹ, làm ở Hội Văn nghệ Giải phóng. Bút danh Lê Văn Thảo xuất hiện từ đó. Để được thực sự sống đời lính, những năm 1965-1967, ông tình nguyện xin về sư đoàn 9 bộ đội chủ lực miền Đông Nam Bộ, nhiều phen thập tử nhất sinh. Nhờ những năm tháng sống quyết liệt đó, ông đã có những tác phẩm găm vào lòng bạn đọc: Đêm Tháp Mười, Một ngày và một đời, Cơn giông...
 Trước chuyến đi này, tôi kính nhi viễn chi với nhà văn Lê Văn Thảo. Chỉ dám đứng từ xa nhìn ông với sự kính cẩn và dè dặt. Nghe nói ông là cháu của Tổng thống Dương Văn Minh, người đã ký lệnh đầu hàng trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, tạo điều kiện cho đại quân Giải phóng tiếp quản nguyên vẹn Sài Gòn, tránh đổ bao nhiêu xương máu và cảnh đổ nát, tương tàn…Lần này, trên chuyến bay Hà Nội- Matxcova, tôi ngồi bên Lê Văn Thảo và bắt đầu khám phá ra một người lý thú (cả trong văn học và nhất là đời thường). Tên thật ông là Dương Ngọc Huy, sinh trưởng trong một gia đình điền chủ quyền thế, có truyền thống hiếu học ở Thủ Thừa, Long An. Cha ông là Dương Văn  Diêu, từng là giám đốc Sở Giáo dục Long An sau năm 1945, rồi tập kết ra Bắc, làm Hiệu trưởng trường Học sinh Miền Nam số 24 Hải Phòng. Tổng thống Dương Văn Minh, là anh em chú bác ruột với ông Dương Văn Diêu, một con người khả ái và rất đáng kính trọng. Mấy anh em ruột thịt ấy đều được người ông nội cho lên Sài Gòn học hành chu đáo. Vì thế, chỉ có Dương Văn Minh, chứ không phải ai khác, đã được lịch sử chọn làm Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hoà, thời gian chưa đầy 24 giờ đồng hồ, để chính ông, đã ký tờ nhật lệnh lịch sử buộc quân đội Sài Gòn buông súng về với Đại gia đình dân tộc Việt Nam.
Tôi cũng từng biết, nhà văn, nhà báo quân đội Nguyễn Trần Thiết đã dày công bỏ ra khoảng thời gian suốt từ năm 1975 đến nay để tìm hiểu về Tổng thống Dương Văn Minh và chung quanh sự kiện ký lệnh đầu hàng của ông để viết một cuốn tiểu thuyết đồ sộ. Sau khi hoàn thành thiên tiểu thuyết, nhà văn Nguyễn Trần Thiết đã đi nhiều nhà xuất bản trong Nam ngoài Bắc để xin giấy phép in, nhưng các nhà xuất bản đều chối từ, chỉ vì trong tiểu thuyết này, ông đã ca ngợi Tổng thống Dương Văn Minh như một anh hùng(!)
Được ngồi cạnh nhà văn Lê Văn Thảo hơn mười tiếng đồng hồ trên trời, chính là cơ hội để tôi biết thêm về ông bác Tổng thống của ông.
- Nghe nói, cách đây hơn chục năn, các nhà lãnh đạo cao nhất Đảng và Nhà nước ta đã từng bàn đến chuyện tấn phong cho Tổng thống Dương Văn Minh danh hiệu Anh hùng?- Tôi hỏi nhà văn Lê Văn Thảo.
- Có chuyện đó đấy.
      - Tổng thống Dương Văn Minh xứng đáng với danh hiệu ấy.-Tôi nói – Bởi khi ấy, chỉ cần một hành động quá khích, chỉ nghĩ đến hận thù, đến tử thủ mà quên sự tồn vong của dân tộc, quên cốt nhục đồng bào… thì sẽ thành nồi da nấu thịt, máu hàng triệu người lại tiếp tục đổ xuống, và Sài Gòn sẽ thành bình địa... Lịch sử sẽ phải ghi công cho ông Dương Văn Minh…
   Nhà văn Lê Văn Thảo dốc bầu tâm sự:
- Đó là thời kỳ ông Võ Văn Kiệt còn làm Thủ tướng và ông Nguyễn Khoa Điềm đang giữ chức Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương. Chính tôi đã nghe nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nói về chuyện này… Nhưng có một số người phản đối… Rồi ông bác tôi mất…
- Thật tiếc - Tôi thở dài. Nghe thấy tiếng Lê Văn Thảo cũng thở dài.
    Chúng tôi sẽ còn trở lại chủ đề này trong suốt chuyến đi. Câu chuyện về gia đình, thân thế dòng họ Dương ở Thủ Thừa, Long An, cùng với chất người, chất văn, chất nghệ, cung cách ăn uống rất có “gu” của một “công tử Nam Bộ”, khiến tôi kính trọng Lê Văn Thảo và muốn bầu ông là trưởng đoàn trọn đời trong những chuyến đi dài dài sắp tới.
 Tên bài do TNc đặt