Mình xem đi xem lại “Bi, đừng sợ” mấy lần. Xem nguyên bản, chứ không phải xem cái bản “thương binh” ngoài rạp. Phải nói ngay: thích. Cảm thấy gần gũi, rất gần gũi với quan niệm của mình về phim, về nghệ thuật nói chung.
Gọi điện chia sẻ với Nguyễn Vinh Sơn, Sơn bảo: hay là ông viết thành một bài tử tế? Mình bảo: tôi không viết một bài tử tế, tôi là dân ngoại đạo, không múa rìu qua mắt thợ, nếu viết thì tôi chỉ viết vài điều chơi chơi. Sơn thở dài: nhưng nhiều người “chửi” phim ấy ghê quá. Mình bảo: chuyện ấy thường, nếu ông quen Di thì ông bảo Di đừng ngại, thẩm mỹ của người xem có những “kênh” rất khác nhau, đã khác “kênh” thì khó làm cho nhau hiểu được, cố nói cũng vô ích.
Mình đọc một số bài chê (và chửi) “Bi, đừng sợ” của Di rồi. Không ngạc nhiên với những phát biểu đại loại: “rời rạc, chắp vá”, “hiểu chết liền”, “không mang bản sắc dân tộc”, “sao phim không phản ánh những phần tốt đẹp của con người, của đời sống?”… Thậm chí có người mách nước cho đạo diễn: muốn thẩm định giá trị đạo đức và nhân văn của bộ phim thì hãy hỏi những bậc cha mẹ xem có bao nhiêu người đồng ý với mình và chấp nhận cho con cái họ xem phim! Hi hi… Lời khuyên chí lý quá. Di đã làm theo chưa? Đã có đạo diễn nào làm thế chưa? Chưa thì cố thử làm xem nhé!
Còn nhiều những ý kiến chê ỏng chê eo khác. Nhưng quả thật mình không ngạc nhiên tí ti nào. Trừ những kẻ ghen ghét, đố kỵ mình không biết, còn nói chung mình tin nhiều người chê là rất chân thành. Chân thành với cái “kênh” của họ. Thế là quý.
Mình thích “Bi, đừng sợ”, vì mình thấy hay. Hay, vì chính những cái tưởng như rời rạc, chẳng ra đầu cua tai nheo gì, mà xem xong vẫn thấy kinh sợ sự tù đọng, tha hóa - tha hóa trong tù đọng, một phần sự thật không thể chối bỏ trong đời sống hiện thời. Hay, vì từ trước tới giờ, hình như ở ta (nói ở ta thôi nhé) còn rất hiếm người biết kể về một điều gì đó bằng phim như Di đã kể. Nói chung, phim của ta, cũng như văn chương của ta, thường là kể lại một câu chuyện có đầu có cuối, có “thắt nút, mở nút”, có nhân vật chính nhân vật phụ rõ ràng, nhân vật thì phải có tính cách phát triển… Hi hi, mình nói thế chả biết có chính xác không? Nhưng nói thế không có nghĩa là “Bi, đừng sợ” không có, không nương theo một đường dây nào. Chỉ có điều cái “đường dây” này hơi khó nhìn ra, mà chỉ cảm thấy. Theo mình, hay hay không hay, là chính ở chỗ này: cảm thấy và nhận rõ. Nhận rõ, thì xem xong là “hết phim”. Còn cảm thấy, cái tác phẩm ấy sẽ tiếp tục ám ảnh, tiếp tục một đời sống riêng khác nhau trong lòng mỗi người thưởng thức.
Bây giờ, xin nói một chút về những cái theo mình là chưa hay:
- Lồng tiếng: Mình không hiểu sao cái vai người vợ trong phim lại nói giọng Thanh Hóa? Tức là cứ tiếng nào có dấu hỏi thì biến thành dấu ngã. Ví dụ: “Bố có thấy sãng khoái không?”. Di cố tình như thế, để cho thấy cái hỗn tạp của thành phần dân cư Hà Nội bây giờ à? (Có cả một cô làm nghề gội đầu thư giãn nói giọng Nghệ An). Nhưng có lẽ không cần.
- Có những chỗ chưa “tới”: Cái “đường dây” quả dưa hấu rất hay. Mầm mống của những thứ đểu giả, độc ác. Nhưng hình như hơi bị tuột ra khỏi sự lưu ý của người xem. Quả táo, mấy chiếc lá… kẹt cứng trong khối đá lạnh: đẹp, nhưng chưa nói được gì nhiều. Con thạch sùng chết đuối trong bô nước tiểu: ấn tượng, nhưng để làm gì? (Nó không giống một chi tiết gây ấn tượng khác rất hiệu quả: cánh cửa vừa mở ra thì lừng lững trước mũi Bi thân hình gã đàn ông xăm trổ kinh hãi - một cú giật mình về thế giới đáng sợ của người lớn). Đoạn Bi lang thang trên bãi cỏ hoang hình như cũng hơi bị dàn trải và hơi dài.
- Có những chỗ lại hơi quá và hơi thiếu tỉnh táo: Cô con dâu “mát xa” cho ông bố chồng dưới tấm mền (có chỗ cô chườm túi nước đá để làm dịu cơn đau cho ông, nhưng chỗ này thì rõ là mát xa). Ông bố “sãng khoái”, cong cả người, cục yết hầu quay đặc tả nhô lên, nấc lên, đỏ như cổ con gà chọi. Mình thấy cái chỗ này… quá thể! Không phải vì sex, vì loạn luân… như có người nói, mà căn bản là nó gây cảm giác cường điệu, không thật. Hình như cái cục yết hầu ấy cũng không phải là cục yết hầu của bác diễn viên Trần Tiến! Một chỗ khác: thủ dâm bằng thỏi nước đá. Nước đá chỉ có thể làm giảm cơn bốc hỏa, chạm vào nó một cái cam đoan lửa dục tắt ngóm ngay, chứ làm sao lại khiến cho cô ấy thở dốc lên từng cơn thế được?
30-4-2011
T.Đ.T
------------------------------------------------------------------------------------
(*) Nhại tên phim “Bi, đừng sợ”, và vì thế trong bài cũng suồng sã gọi “Di”. Cho vui vẻ và thân thiện, chứ không hề có ý xách mé. Mong đạo diễn Phan Đăng Di thể tất.
Nguồn: http://tranductienhnv.blogspot.com