Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÓ MỘT CUỘC ĐỜI NHƯ THẾ

Chử Thu Hằng
Chủ nhật ngày 1 tháng 5 năm 2011 1:56 PM

Tôi biết anh chị khi về nhà chồng. Đứng về họ chồng thì gọi thế, thật ra anh chị là người hơn tôi một thế hệ. Thi thoảng gặp anh chị trong những lần hiếu hỉ của gia đình, ấn tượng của tôi về anh chị là hai người đứng tuổi, ăn mặc quá giản dị với nụ cười khiêm nhường thường trực trên môi. Tôi thấy anh luôn thưa gửi lễ phép với ba mẹ tôi, mặc dù ngang tuổi. Còn chị, bao giờ chị cũng chọn một chỗ ngồi khuất nhất và lúc nào cũng tìm ra lý do để khen ngợi, thán phục lũ em. Mẹ chị mất lâu rồi, bà là chị gái của ba tôi. Gia đình tôi yêu quí anh chị lắm.
Anh là người Bình Định. Khi tập kết ra Bắc, anh để lại trong đó người vợ trẻ và một đứa con trai. Cảnh ngày Bắc đêm Nam của anh cũng như của hàng vạn cán bộ tập kết khác đã làm tốn bao giấy mực của các nhà văn, nhà thơ. Hơn chục năm sau, vợ anh mất bởi đạn bom, con anh sau này cũng là liệt sĩ.
Khi gá nghĩa với chị tôi, anh là cán bộ cao cấp vào hàng topten của thành phố, giữ một trọng trách chỉ trao cho những người công minh, trong sáng nhất. Còn bây giờ, vị trí ấy đồng nghĩa với quyền lực và bổng lộc. Anh là mối tình đầu của chị tôi. Năm ấy chị 38 tuổi, là trưởng cửa hàng thực phẩm của một chợ lớn giữa Thủ đô. Những năm của thời bao cấp ấy, chỉ một cô mậu dịch viên biết xoay xở, liên kết cũng đủ cho cả nhà, cả họ được nhờ. Vậy mà chị tôi...
Anh chị ở phố Hàng Bạc, trong một ngôi nhà cổ rất lớn và đẹp của một nhà tư sản. Khi cải tạo công thương, ngôi nhà ấy được nhà nước quản lý, chia cho hơn chục hộ gia đình. Mấy chục năm sau, con cái họ lập gia đình, tách ra hơn chục hộ nữa, còn cái nhà thì "nguyễn y vân", chỉ xuống cấp trầm trọng. Phần anh chị là một mẩu sân chừng 8m2, tầng trên của người khác, đun nấu ở ngay trước cửa, vệ sinh dùng chung cho cả số nhà. Sau này, anh chị cơi thêm được cái gác xép bằng gỗ, rộng hai chiếu. Căn phòng đẹp nhất ở tầng trệt của ngôi nhà được chia cho 3 hộ. Không có lối đi riêng nên mấy chục năm rồi, dễ phải có cả triệu lượt người đi ra, đi vào qua phòng ở của họ.
Khi tôi biết anh chị cũng là lúc anh chị về nghỉ hưu. Đến thăm anh chị vào những dịp lễ, Tết, chúng tôi phải chia nhau người đến trước, người đến sau vì đến cùng lúc sẽ không thể vào nhà. Căn phòng kê được một cái giường mét hai, một cái ghế dài, một khoảng trống chưa đến 2m2 để vào thang gỗ đi lên gác xép. Tất cả của cải của anh chị được xếp ngăn nắp dưới  gầm cái thang này. Mấy ngăn kệ gỗ tạp, mấy cái ghế đẩu be bé ngày xưa cũng tốt, dùng mấy chục năm mà chỉ bóng mồ hôi, không mọt.
Một lần, tủi vì không đủ chỗ cho các em ngồi, anh chị bột phát một cuộc tranh cãi. Anh bảo, cả đời anh lo cho dân, cho nước, chẳng nghĩ đến nhà. Chị cũng bảo, tôi liêm khiết có kém gì ông và cả hai người cùng chứng minh sự trong sạch của mình cho nhau nghe. Chúng tôi ngồi im thít, rồi bấm nhau xin phép về.
Anh chị được một đứa con trai. Khi sinh, chị đã 40 tuổi nên rất cưng chiều. Thằng bé gầy gò, không kế thừa được những phẩm chất tốt đẹp của ba mẹ. Học hết phổ thông, xin đi làm mà chuyên môn không có, UBTP nhớ công lao của anh, bố trí cho làm một nhân viên, mức lương đâu vài ba trăm. Chịu không nổi, lại nhờ người xin về phường làm cán bộ phong trào, lương khá hơn, dăm bảy trăm gì đó.
Khi con trai của anh chị đến tuổi lấy vợ, cái sự ở lại càng đặt ra bức thiết. Cô dâu ở Bắc Giang lên HN bán hàng cho tiệm vàng, lương tháng hơn một triệu, lấy được trai HN, lại ở phố Hàng Bạc, nghe oai. Lương chồng đủ thuê cái nhà cấp 4 chục m2, cách xa 6km, ngày hai buổi về ăn ké đồng lương hưu của ba mẹ. Ba năm, hai đứa con lần lượt ra đời. Lúc này anh đã lẫn, không đọc viết gì được nữa. Mọi gánh nặng đổ oằn trên đôi vai gầy của chị. Dậy từ hai, ba giờ sáng, chị ra chợ phân loại thịt đổ buôn cho người ta, mỗi ngày lãi chừng bảy chục nghìn. Có tiền, chị mua thức ăn, đi xe ôm đến nấu nướng, chăm con chăm cháu. Xong, tất tả quay về, có khi anh đang bỏ đi lang thang đâu đó, chị lại bước thấp bước cao đi tìm, nước mắt chứa chan.
Tôi không biết anh nghĩ gì những lúc lang thang trên những đường phố buôn bán sầm uất nhất của Hà Nội, lúc ngắm những ngôi nhà đẹp lộng lẫy, giá vài chục cây vàng một mét vuông của cái thành phố mà anh đã góp phần giải phóng, dựng xây. Anh có ân hận, có nuối tiếc, có muốn làm lại từ đầu? Nhưng tất cả đều đã muộn. Gia cảnh của anh, đồng nghiệp, Đảng ủy, chính quyền ai cũng biết, cũng thương cảm. Các học trò, đồng nghiệp của anh giờ vẫn đang nắm giữ các chức vụ rất quan trọng. Cũng vài lần, quĩ nhà của thành phố có một số tiêu chuẩn nhà dành cho cán bộ có công với cách mạng, em tôi lập giúp hồ sơ, xin anh ký vào để nó lo tiếp nhưng anh kiên quyết không ký. Anh không thể hạ mình xin xỏ cấp dưới của mình khi họ đã không nghĩ đến anh.
Rồi anh mất. Tiễn anh đi có ban lễ tang, có đủ mọi thành phần chính quyền, đoàn thể. Các bài điếu văn dài dằng dặc, bài nào cũng ca ngợi đức độ của anh. Tiền phúng điếu có ít vì phải theo qui định chung.
Con anh vay mượn được ít tiền sửa nhà để đưa vợ con về. Căn phòng 8m2 lúc dỡ ra toàn sách báo, các tài liệu in ronéo, các trang giấy viết tay. Tất cả vàng mục bởi thời gian. Đồng nát vào chở đi 6 xe, mất một buổi sáng. Ai cũng kinh ngạc trước đống tri thức ngồn ngộn đó, nhưng không ai bận tâm lật thử vài trang, đọc thử vài dòng. Một đời tâm huyết của anh đã thành tro bụi.
Mai chị tôi thay áo cho anh. Tôi viết những dòng này thay cho nén nhang tưởng nhớ đến anh, một cán bộ miền Nam tập kết.