Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"CÕI LẶNG" CỦA NHÀ THƠ KHI RỜI BỎ QUYỀN LỰC

Dương Kỳ Anh
Thứ tư ngày 4 tháng 5 năm 2011 12:37 PM
(Tamnhin.net) – Nhân kỷ niệm 30 – 4, ngày thống nhất đất nước, báo điện tử Tamnhin.net gửi tới bạn đọc bài viết về một nhà thơ đã có nhiều đóng góp trong cuốc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông vừa rời bỏ quyền lực…

Nhiều người nói rằng, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm rời chức vụ, quyền lực một cách thanh thản. Anh dứt áo, về quê mình, xứ Huế, xứ thơ, dù gia đình anh ở Hà Nội. Nhiều lần, tôi điện cho chị Lợi, hỏi anh đã ra Hà Nội chưa để đến chơi, nhưng vẫn chưa gặp được anh. Khi nhận được tập thơ “Cõi lặng”, anh gửi tặng, tôi mừng quá, đọc liền một mạch:

Nỗi buồn thăm thẳm, chỉ có anh biết được
Chỉ có anh đếm được bằng tay
Những đốt sống
Và xương sườn của mình
Trước kết cục bụi bặm
                               (Hy vọng 2 – trang 21)

Thì ra, trong thơ, anh chẳng thanh thản chút nào. Tôi vốn yêu thơ anh từ rất lâu. Từ ngày còn là sinh viên khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ngày đó, Bộ GD&ĐT (lúc đó gọi là Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp) có một cuộc thi sáng tác thơ và nhạc, tôi được giải nhì (bên nhạc có Nguyễn Cường thì phải), tôi nhận giải thưởng người ta gửi về gồm một cái phích nước Trung Quốc, một chiếc bút Kim tinh. Học xong đại học, tôi lên đường nhập ngũ. Cái phích và chiếc bút (thời đó có giá), tôi gửi cho một người bà con ở Hà Nội. Cô em họ tôi, khi biết tôi vào bộ đội, đã mang đến cho tôi (tặng tôi), chiếc nhẫn một chỉ vàng và tập thơ “Đất ngoại ô” của Nguyễn Khoa Điềm.

Đơn vị tôi hành quân qua Hà Nội, nghỉ đêm tại khu nhà bỏ không của sân bay Bạch Mai. Tôi hỏi đại đội trưởng: “Sao lại nghỉ ở nơi nguy hiểm thế này?”. Anh cười “Nơi nguy hiểm nhất, nhiều khi cũng là nơi an toàn nhất”. “Ra thế”.
Gần một giờ sáng, chúng tôi mới đặt ba lô, ngả lưng ngay trên nền xi măng. Ngủ được vài tiếng đồng hồ, thì kẻng báo động. Lệnh: tư trang để tại chỗ, cả đơn vị đi đào hầm. Mọi người buồn ngủ díp mắt không ai muốn đi. Nhưng “quân lệnh như sơn”. Tôi rút chiếc xẻng gập treo cạnh ba lô chạy ra sau vườn. May quá, có một chiếc hầm tròn ai đào dở, sâu quá đầu gối.

Tôi bứt cỏ, đào tiếp. Đào sâu đến bụng, mệt rã người, tôi lau xẻng, gập lại đi về lán, lấy bộ quần áo lót chạy ra bể nước. Tôi dùng chiếc mũ cối Trung Quốc múc nước dội ào ào. Đang tắm thì có kẻng báo động. Lần này, không phải lệnh đi đào hầm mà báo động máy bay. Chỉ mấy phút, tiếng máy bay đã ầm ầm trên đầu. Tiếng bom nổ. Tôi không kịp thay đồ, chạy vội ra hầm, trên người chỉ độc chiếc quần đùi bết nước.

Nhảy xuống hầm, vừa ngước nhìn lên, đã thấy hai chiếc máy bay nhào xuống giội bom, một chùm bom đen trùi trũi lao thẳng xuống. Tôi đội chiếc mũ cối lên đầu, hai tay bịt tai, ngồi thụp xuống.

Trước đó, tôi đã nhiều lần bị máy bay ném bom xuống cạnh hầm, bị pháo kích… Nhưng chưa lần nào thần chết hiện rõ trong tôi như lúc này. Sau cơn rùng mình, tôi nhắm mắt, bình thản đón đợi điều xấu nhất có thể xảy ra…

Loạt bom nổ rất gần, chỉ cách căn hầm tôi ngồi vài mét (Sau này, tôi mới biết, thật may mắn cho chúng tôi, chúng chỉ ném bom cắt, loại bom sát thương bằng mảnh chứ không phải bom đào). Cây phi lao cạnh hầm đổ ập xuống. Thân cây che ngang miệng hầm. Chính cái mấu cây xù xì và chiếc mũ cối đã cứu tôi, đỡ cho đất đá và mảnh bom không găm vào đầu….Khi tiếng máy bay và tiếng bom ngừng hẳn, tôi ngoi lên khỏi miệng hầm, nhìn về phía mấy cái lán nơi chúng tôi trú ngụ đêm qua. Chỉ thấy những hố bom chồng lên nhau. Cái lán gần như biến mất. Tôi thấy đại đội trưởng Thành, cũng vừa chui lên từ một căn hầm, bắc loa tay lên miệng hét “Tất cả sơ tán vào làng, chạy đi…”.

Khi cả đại đội đã chạy vào nhà dân, nghe nói có người bị thương, những người có mặt đều mặc quân phục, riêng tôi chỉ độc một cái quần đùi. Tiểu đoàn phó Thuận gắt: “Cậu tên gì, sao lại ăn mặc như thế, hả?”. Tôi báo cáo là đang đi tắm, thì… “Tôi xin được quay trở lại tìm tư trang…”. Thượng úy Thuận bực: “Không được quay lại, cậu có cái gì quý giá mà cứ nằng nặc đòi quay lại thế?”. Tôi nói: “Có một thứ rất quý, thưa thủ trưởng”. “Thứ gì?”  “Thưa thủ trưởng, tập thơ ạ”. “Thơ, cái cậu này hâm rồi”- Ông phẩy tay bỏ đi…
Quả thực, trong các thứ tư trang, tôi tiếc nhất là tập thơ “Đất ngoại ô”. Tôi biết, máy bay Mỹ sau đó mấy lần quay lại ném bom nơi chúng tôi nghỉ đêm qua, nhưng tôi vẫn kiên trì xin thủ trưởng để tìm tập thơ…. Đại đội trưởng Thành, người sau này ra quân, về ở cạnh nhà tôi tại khu tập thể Quỳnh Mai – là người hiểu tôi hơn cả.

Anh bảo “Thôi cậu ạ, bây giờ có quay lại tìm cũng chẳng thấy đâu”. Còn tiểu đoàn phó Thuận và trung đội trưởng Cao thì rất ác cảm với tôi, coi tôi là người gàn dở. Tháng trước, khi các chiến sĩ của trung đoàn tổ chức gặp mặt ở Hà Nội, trung đoàn trưởng Phạm Sơn, chính ủy Chuẩn (bây giờ các anh đã nghỉ hưu, mang quân hàm đại tá) gọi tôi đến. Chúng tôi gặp lại nhau với bao chuyện cảm động không nói nên lời. Hôm ấy, chúng tôi được nhận kỷ niệm chương chiến thắng B52. Mọi người hỏi tôi về Tạ Tấn. Tôi nhớ lần chính ủy Chuẩn chỉ định tôi và Tạ Tấn tổ chức một đêm văn nghệ lính giữa trời Âu, lúc chúng tôi đang học khí tài tên lửa tại Liên Xô Tôi đã chọn nhiều câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm để đọc (Bây giờ Tấn là Ủy viên Trung ương Đảng, giám đốc học viện chính trị quốc gia…) Mấy hôm sau gặp nhau tôi bảo Tấn, Tấn nói: “Tiếc quá, em không biết mà đến”.

Trong bốn tập thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã xuất bản: Đất ngoại ô; Mặt đường khát vọng; Ngôi nhà có ngọn lửa ấm và Cõi lặng, tôi chỉ có hai tập, một tập đã mất vì bom Mỹ như tôi vừa kể, một tập thơ tôi đang đọc bây giờ. Tuy không có trong tay đầy đủ các tập thơ của anh, nhưng tôi đọc ở nơi này, nơi khác hoặc nghe trên đài. Nhiều bài thơ của anh,  qua gần 40 năm tôi vẫn thuộc lòng. Phải nói rằng, ngày ấy, những người lính rời ghế nhà trường như tôi, ra trận với tất cả những gì trong sáng nhất của tuổi trẻ. Chính những vần thơ, những khúc hát thời đó đã động viên chúng tôi rất nhiều.

Những bài hát của Huy Thục, Huy Du, Hoàng Vân, Hoàng Hiệp v.v… Những vần thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ… Đã có sức mạnh, nói như một nhà sử học đã nói về các áng văn của Nguyễn Trãi là “Có sức mạnh như mười vạn quân”.

Ở nhà trường, những vần thơ của phong trào thơ mới trong “Thi nhân Việt Nam” làm tôi say mê. Vào bộ đội, những vần thơ của thế hệ các nhà thơ chống Mỹ đã mang đến những cảm nhận mới mẻ, có sức lay động lạ lùng. Trong lửa đạn, Đài tiếng nói Việt Nam đã thực sự là chiếc cầu nối kỳ diệu giữa thi ca và độc giả.

Những bài thơ như: Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, Đất ngoại ô, Con gà đất, cây khèn và khẩu súng của Nguyễn Khoa Điềm, nhất là đoạn trích Đất nước trong trường ca Mặt đường khát vọng của anh…

Chén rượu đánh lừa cơn mỏi,
cơn đau.
Đánh lừa cái rét là ăn miếng trầu
Đánh lừa thuồng luồng, xăm mình,
xăm mặt.
Đánh lừa thằng giặc là truyện
trạng Quỳnh.
Nhưng lạ lùng sao nhân dân ta
thông minh.
Không hề lừa ta dù ca dao, cổ tích
Ta lớn lên với niềm tin
chân thật.
Những vần thơ như thế cứ hàng đêm ngân lên trong tôi. Tôi đã chép lại những câu thơ này từ trong ký ức và cả hai câu kết khi tác giả “gõ vào từng cánh cửa”.

Thì tin yêu, ngay thẳng đón ta vào
Ta tự hào, đất nước Việt Nam ơi!

Bây giờ đọc lại những câu thơ này, có người không còn thấy mới, thấy lạ, nhưng vào thời điểm đó, đối với tôi, những bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm có sức cảm hóa lạ lùng. Tôi say mê những bài thơ xứ Huế của Nguyễn Khoa Điềm và Trần Vàng Sao.

Thật ra, Trần Vàng Sao chỉ có một bài  “Bài thơ của một người yêu nước mình”. Hôm qua, mấy người bạn học của tôi ngồi với nhau bàn việc kỷ niệm 40 năm lớp ngữ văn. Phạm Khoa Văn, Khuất Bình Nguyên, Lê Hoài Nguyên… Chúng tôi nói chuyện về các thầy giáo như Lê Đình Kỵ, Hoàng Như Mai, Hà Minh Đức và đọc thơ. Khuất Bình Nguyên (Khuất Văn Nga, giờ là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao) đọc “ Bài thơ của  một người yêu nước mình” không sai một dấu phẩy. Còn tôi, bỗng ngân lên mấy câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm:

Tháng năm giông chuyển bồn chồn
Hạt mưa vây ấm, nỗi buồn cách xa…

Thế mới biết, thơ hay luôn còn lại với thời gian, còn lại trong tâm hồn người đọc.
Cuộc đời, có những điều ngỡ như là duyên phận. Khi tôi chuyển sang Trung đoàn 236 (Đoàn tên lửa Sông Đà anh hùng), một lần, trung đoàn cử tôi lên công tác ở quân chủng Phòng không – không quân để viết một vở kịch thì phải. Tôi được ở chung với một trung úy đã luống tuổi, nhưng rất vui tính. Qua câu chuyện, tôi được biết con gái ông, chị Lợi, là người yêu, vợ chưa cưới của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Hôm qua, tôi điện cho chị Lợi, vợ anh Điềm hỏi về ông, trung úy Thái Phú ngày xưa, chị bảo ông ở trong quê (Huế) giờ cũng không được khỏe lắm…

Rồi những ngày tôi về báo Tiền phong, tham gia BCH T.Ư Đoàn, tôi và anh Điềm mới gặp nhau. Ngày đó, anh cũng ở trong BCH, làm Bí thư Thành Đoàn Huế thì phải! Những buổi họp BCH T.Ư Đoàn, tôi thường nghe anh phát biểu. Bài phát biểu của anh bao giờ cũng gây được sự chú ý của mọi người. Thảng hoặc, anh qua tòa soạn báo chơi. Tôi tiếp anh trên chiếc bàn làm việc (ban đêm cũng là nơi tôi nằm ngủ). Trải tờ báo cũ, mấy chiếc kẹo bột, chén nước chè nhạt… Chúng tôi nói chuyện văn chương. Thật ra, chỉ một mình tôi nói, còn anh ngồi nghe, mỉm cười hoặc gật đầu. Anh rất ít nói, kiệm lời…

Rồi anh chuyển ra Hà Nội, làm Tổng thư ký Hội Nhà văn, làm Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin. Anh trở thành cấp trên của tôi.

Chúng tôi gặp nhau nhiều hơn. Ngày tờ Tiền phong Chủ nhật mới ra đời, còn khổ nhỏ, nhưng số lượng phát hành rất lớn, rất có uy tín trong bạn đọc, anh bảo tôi chú ý lượng bài trong nước, bài dịch hơi nhiều. Tôi thấy anh nói đúng, sau đó, chúng tôi điều chỉnh dần.

Anh là người ủng hộ chúng tôi thành lập Công ty, các nhà sách để khuyến khích thanh niên đọc sách. Khai trương mấy nhà sách Tiền phong ở Hà Nội, anh cùng các anh Hồ Đức Việt, Nguyễn Sinh Hùng, Phạm Quang Nghị đến cắt băng. Anh thường ra mua sách ở các nhà sách Tiền phong. Có lần, anh bảo: “Mình đăng ký qua mạng mua mấy cuốn sách, mãi không thấy ai mang đến”. Tôi về kiểm tra việc bán sách qua mạng của các nhà sách Tiền phong, vào thời điểm đó có sự trục trặc. Tôi nhắc Giám đốc Công ty phải hoàn thiện ngay.

Đại hội Đảng toàn quốc giữa nhiệm kỳ, tôi là đại biểu chính thức. Anh Hà Quang Dự, lúc đó là Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn làm tổ trưởng. Khi bàn việc giới thiệu nhân sự, tôi giới thiệu hai người: Nguyễn Khoa Điềm và Lê Đức Thúy. Gút lại danh sách trình lên trên, anh Dự bảo: Phải có ý kiến của người được giới thiệu, theo nguyên tắc… Tôi tìm cách liên hệ với anh Điềm và Lê Đức Thúy nhưng không được.
Thế là tôi phải đứng lên rút tên. Hình như kỳ đại hội sau, cả Nguyễn Khoa Điềm và Lê Đức Thúy đều được bầu vào T.Ư.

Nhớ lần hội nghị tư tưởng văn hóa toàn quốc tại Hà Nội, tôi có lên phát biểu. Trong phần kính thưa, tôi chỉ thưa nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Dưới hội trường có tiếng ồn ào. Nghỉ giải lao, có người bảo tôi: “Ông chỉ thưa nhà thơ thôi à?”. Tôi nói: “Tất cả đại biểu dự hội nghị hôm nay, ai cũng biết chức danh Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban TTVHT.Ư của anh Điềm. Nhưng, chức danh nhà thơ, một nhà thơ có tài, có thể nhiều người chưa biết”.
Từ khi anh đảm nhận trọng trách, tôi cố ý ít gặp anh. Nhưng, với tôi, anh vẫn như xưa. Có việc gì, anh gọi điện trực tiếp cho tôi, hay tôi gọi điện đến nhà riêng của anh, không phải qua thư ký.

Một lần, gần 11 giờ đêm, anh gọi điện đến nhà trao đổi về bài viết của Xuân Ba có liên quan đến nhà ở của gia đình cố nhà thơ Tố Hữu. Tôi biết anh là người có trước, có sau, nhưng điều tôi mong đợi ở anh không chỉ có thế.  Tôi mong đợi ở anh thực sự quyết liệt bày tỏ chính kiến của mình… Thực sự giúp cho báo chí có những khoảng thông thoáng hơn… Thế nhưng…
Bây giờ, khi ngồi đọc những dòng thơ trong tập “Cõi lặng” vừa xuất bản, những câu thơ:

Chúng ta, kẻ không may mắn
Rồi cũng nhập vào dòng chảy của
điều tốt đẹp
Dòng nước sẽ rửa sạch sự đớn hèn
Dẫu có khi đã nhường lời cho bọn
khoác lác…
Tôi bỗng hiểu. Cuộc đời thật khó!

Anh đã đi qua tất cả, để bây giờ nhìn lại mình, chiêm nghiệm từ chính mình, thực sự ngồi ngắm khuôn mặt mình:

Cõi lặng. Anh soi thấy mặt mình
với nỗi buồn trong sạch.

Khi ta thoát khỏi sự ràng buộc của chức vụ, quyền lực, bao nhiêu sự vụ, những chuỗi họp hành bất tận, những lời tung hô, những điều đắc chí và bất đắc chí…
Ta bắt đầu đi vào “Cõi lặng” của mình, được nhìn ngắm mình, nhìn ngắm xung quanh, ta bỗng hiểu rằng:

Nhiều khi đá dạy ta mềm mỏng
Sự tàn nhẫn nhắc ta điều lành
Nỗi buồn đánh thức hy vọng
(Hy vọng)

Không phải ai cũng hiểu được điều đó, cảm nhận được những điều tưởng như là nghịch lý, nhưng nó lại là căn nguyên của sự thật, làm ta bình tâm hơn trước những thách thức của cuộc đời.
Nếu cuộc đời thuận buồm xuôi gió, con người khó mà nhận ra mặt trái của cuộc sống.
Nhà thơ, hơn ai hết, nhạy cảm với mọi sự biến động của cuộc đời. Hung bạo, tố giác, nặc danh, nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày, biểu hiện sự xuống cấp của đạo đức, văn hóa… và chính anh, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong

“Cõi lặng” đã nhìn tận mặt:
Hung bạo trên mạng, trên sàn diễn,
trong lớp học.
Hung bạo giữa bàn nhậu, cửa sau
công sở, hung bạo đường phố.
Hung bạo văn chương, tố giác,
nặc danh

(Nghe tin hai nhà khoa học bị tai nạn xe máy)

Với một người đã từng giữ những chức vụ cao như anh, viết những câu thơ thế này, quả là đau xót:

Khi mồ hôi trở nên quá rẻ
Kẻ ranh ma trở nên quá giầu.

Chân thực và độ lượng. Độ lượng và chân thực, là cảm nhận rõ nét nhất trong “Cõi lặng” của Nguyễn Khoa Điềm. Những ngày anh đảm nhận chức vụ, nhiều trọng trách, mỗi khi gặp nhau, tôi vẫn đề nghị và mong anh chuyển cho báo một chùm thơ mới.
Anh chỉ cười. Bây giờ, anh trở lại với thơ, trở lại với đời thường. Tôi thật mừng. Đã là nhà thơ thì không thể sống mà không làm thơ. Nhiều người thích tập thơ “Cõi lặng” với những sắc thái khác, riêng tôi, tôi vẫn thích những câu thơ như:
Thử luồn tay vào tóc
Sợi bạc không che kín ngón.

(Cánh đồng buổi chiều)

Cuối cùng, thơ vẫn là những gì lắng lại sau tất cả mọi điều, dù vinh hoa, phú quý hay những khổ đau,  bức bối thường nhật của cuộc đời.

.Nguồn: Tamnhin.net