Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LỜI THƯA VỚI PHÓ GIÁO SƯ TIẾN SĨ PHẠM QUANG TRUNG

Trần Mạnh Hảo
Thứ sáu ngày 11 tháng 2 năm 2011 6:15 PM
 
Chúng tôi vừa được đọc bài “Góp chuyện đầu xuân” in trên http://trannhuong.com  của nhà phê bình văn học, PGS.TS Phạm Quang Trung có nhắc tới để chê bai bài phê bình của chúng tôi :” Dị hương” : sao lại bịa chuyện bôi xấu vua Gia Long đến thế” in trên http://trannhuong.comhttp://nguyentrongtao.org , http://binhchonthohay.com và nhiều web khác. Bài viết của ông Phạm Quang Trung làm tôi cảm kích vì nó vừa là tùy bút, vừa là phê bình, coi như ông đã sáng tạo ra một hệ phái phê bình mới : hệ phái phê bình tùy bút.
Ông Trung làm nghề gõ đầu trẻ nên hay trích dẫn ông Ốp, ông Ép…đã dạy dỗ chúng tôi rằng, phàm nhà văn viết truyện lịch sử và nhà viết sử là hai đường thẳng song song; rằng khi ông nhà văn Sương Nguyệt Minh đã bằng truyện “Dị hương” sáng tác ra một ông vua Gia Long ( và vợ là Lê Ngọc Bình) rất hoang dâm vô độ, rất hôn quân bạo chúa là quyền hư cấu rất chính nghĩa của ông Sương, sao lại đưa chuyện thật lịch sử của vua Gia Long ra bắt bẻ ?
Suốt cả bài tùy bút phê bình lâm ly đầy ngẫu hứng, ông Trung cổ súy cho sự hư cấu (bịa) ra nhân vật lịch sử, bịa ra lịch sử nên ông đã được đà bịa ra ( hư cấu ) cả sự trích sách của mình. Chúng tôi chỉ xin hầu ông hai sự trích dẫn rất là hư cấu của ông, hầu giúp ông sáng suốt lại mà mô phạm hơn.

1- Sự trích sách sai thứ nhất :

Ông Trung viết : “Đó phải là sức mạnh “chở thuyền và lật thuyền” (ý của Nguyễn Trãi) của chính nhân dân lao động “. Thưa, có thể do ông đọc sách nhiều quá nên đã lấy râu ông nọ xọ cằm ông kia. Câu : “ Dân như nước, đẩy thuyền cũng là dân,lật thuyền cũng là dân” là câu nói nổi tiếng của triết gia Tuân Tử ( 313 TCN – 235 TCN) thời Chiến quốc, không phải của Nguyễn Trãi ạ.

     2- Sự trích sách sai thứ hai :

Ông Trung viết : “Về động cơ cầm bút, anh Hảo cũng không hề có ý định úp mở - như bản tính thường bộc lộ ở anh, ấy là vì: “Truyện ngắn “Dị hương” (là điểm nhấn quan trọng để cả tập truyện được giải thưởng cao nhất của Hội Nhà văn Việt Nam) của Sương Nguyệt Minh. Hội Nhà văn khen đồng thời có nhiều báo lề phải ca tụng lên mây… - PQT lưu ý”. Ở điểm này, tôi - và có lẽ nhiều bạn đọc cũng như tôi - có gợn lên một chút băn khoăn. Liệu có nên phân biệt lề phải với lề trái khi bảy tỏ quan niệm của mình trên công luận không nhỉ? Tôi nhớ tới câu nói rất có ý nghĩa của GS. Ngô Bảo Châu – tác giả của Huy chương Fields năm vừa rồi mà có nhà văn đã xem như là “bổ đề cơ bản” giúp trở thành một con người chân chính: “Đi theo lề là việc của đàn cừu, không phải của con người tự do!”.

Thưa, câu nói nổi tiếng “Lề phải, lề trái” không phải của chúng tôi mà là của ông Bộ trưởng Thông tin truyền thông Lê Doãn Hợp sinh năm 1951, khi ông thề sẽ đưa tất cả những người viết báo viết văn ( kể cả viết tùy bút phê bình) phải đi bên lề phải tuốt luốt…
Việc PGS.TS. nhà phê bình tùy bút Phạm Quang Trung lấy lời của GS ( thứ thiệt) Ngô Bảo Châu dưới đây để mắng mỏ chúng tôi là oan cho chúng tôi lắm lắm ạ : “Đi theo lề là việc của đàn cừu, không phải của con người tự do”…
 
Sài Gòn ngày 11-02-2011
T.M.H.