Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỀ XUẤT VỀ ĐIỀU CHỈNH VỊ TRÍ CỦA CÁC THÀNH PHỐ TRONG MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG 2 CẤP

TS Nguyễn Ngọc Chu
Thứ năm ngày 1 tháng 5 năm 2025 10:10 AM
1. VÌ SAO NHÂN DÂN ỦNG HỘ MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG 2 CẤP?
Bộ máy cồng kềnh kéo dài đã nhiều năm. Tiêu tốn tiền bạc mà không hiệu quả. Ai cũng biết. Nhưng chỉ khi lãnh đạo cấp cao nhất đề cập đến, thì vấn đề mới trở nên “chính danh”.
Ngày 31/10/2024, phát biểu tại phiên thảo luận tổ ở Quốc Hội về góp ý xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng, TBT Tô Lâm đã nhận xét: “70% ngân sách nuôi bộ máy cồng kềnh, không thể phát triển được". "Đất nước muốn phát triển, muốn dự án này, dự án kia thì tiền ở đâu? Chỉ còn 30% ngân sách thì tiền đâu để phục vụ quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội"[1].
“70% ngân sách nuôi bộ máy cồng kềnh” là vấn đề đã kéo dài nhiều năm, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Bất cứ sự tinh giản nào giúp giảm bớt lãng phí ngân sách đều là ữu ích. Bởi thế, khi đưa ra chủ trương bỏ cấp Huyện, áp dụng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, dù rất mới, thách thức, nhưng được nhân dân nhiệt liệt ủng hộ.
2. ÁP DỤNG MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG 2 CẤP KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ XOÁ SẠCH CÁC THÀNH PHỐ
Bỏ cấp Huyện, gộp các Xã lại thành các Xã lớn hơn - như các “Tổng” trước đây. Biến mô hình địa phương 3 cấp Tỉnh – Huyện – Xã thành mô hình địa phương 2 cấp Tỉnh – Xã.
Việc áp dụng mô hình chình quyền địa phương 2 cấp của Việt Nam hiện nay, trước áp lực cắt giảm chi phí cho bộ máy cồng kềnh, có ảnh lưởng từ mô hình chính quyền địa phương 2 cấp của các nước khác.
Nhưng trong việc chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp của Việt Nam, có một khác biệt lớn so với mô hình của các nước. Đó là bỏ hết các Thành Phố thuộc Tỉnh.
Việt Nam hiện có 6 thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ. Đây là các thành phố ngang Tỉnh. Nghị quyết 60-NQ/TW ngày 12/04/2025 về sáp nhập còn 34 Tỉnh đã đưa 6 thành phố này thành 6 thành phố còn lại trên toàn quốc. 85 Thành Phố trực thuộc Tỉnh không còn là Thành Phố nữa, mà biến thành nhiều Phường ngang cấp Xã theo Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 về thành lập mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
3. ÁP DỤNG MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG 2 CẤP CHƯA ĐÚNG
Hãy nhìn lại mô hình chính quyền địa phương 2 cấp của NHẬT BẢN và THUỴ ĐIỂN để tham chiếu.
NHẬT BẢN (Dân số: khoảng 123 triệu người, Diện tích: khoảng 377 975 km²)
CẤP TỈNH (47)
Nhật Bản có 47 đơn vị hành chính bao gồm 1 thủ đô (Tokyo), 2 Phủ (Kyoto và Osaka), 1 Đạo (Hokaido) và 43 Tỉnh. 43 Tỉnh của Nhật Bản đều có chính quyền địa phương 2 cấp: Tỉnh – Cơ sở.
CẤP CƠ SỞ (1741)
• Cấp cơ sở ở Nhật Bản gồm:
- Thành phố (Shi -市);
- Thị trấn (Chō / Machi (町);
- Làng xã (Son / Mura (村).
• Ngoại trừ thủ đô Tokyo chia cấp cơ sở thành 23 quận, cả nước Nhật có 1718 đơn vị cơ sở là thành phố (Shi -市), hoặc thị trấn (Chō / Machi (町)), hoặc làng xã (Son / Mura (村)).
• Nhật Bản có 796 thành phố trực thuộc tỉnh (62 thành phố trung tâm và 734 thành phố thường). Tất cả 796 thành phố này, mỗi thành phố là một cấp cơ sở, mỗi thành phố chỉ có một chính quyền thành phố duy nhất, dưới thành phố được chia ra các đơn vị hành chính để quản lý, nhưng không có chính quyền.
• THÍ DỤ CẤP CƠ SỞ CỦA TỈNH NAGANO:
- Thành phố (市 - shi): 19 thành phố.
- Thị trấn (町 - machi): 23 thị trấn.
- Làng (村 - mura): 35 làng.
• KHÔNG CÓ THÀNH PHỐ NÀO DƯỚI CẤP TỈNH LẠI BỊ CHIA RA THÀNH NHIỀU CẤP CƠ SỞ [2].
THUỴ ĐIỂN (Dân số: khoảng 10,5 triệu người, Diện tích: khoảng 450 295 km²)
CẤP VÙNG (21 - REGION)
• Thụy Điển có 21 vùng (region), mỗi vùng có hội đồng lập pháp riêng, được bầu cử trực tiếp với nhiệm kỳ 4 năm.
• Các vùng có quyền tự chủ tài chính và chính trị, bao gồm quyền đánh thuế thu nhập để tài trợ cho các dịch vụ như y tế và giao thông công cộng.
• Không có mối quan hệ cấp trên – cấp dưới giữa vùng và thành phố; mỗi cấp đều độc lập với vai trò và trách nhiệm riêng.
CÁP CƠ SỞ (290 - MUNICIPALITY)
• Thụy Điển có 290 thành phố (municipality), mỗi thành phố có hội đồng lập pháp (kommunfullmäktige) được bầu cử trực tiếp với nhiệm kỳ 4 năm.
• Các thành phố chịu trách nhiệm về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội, quy hoạch đô thị và các dịch vụ công cộng khác.
• Các thành phố có quyền tự chủ tài chính và chính trị, bao gồm quyền đánh thuế thu nhập để tài trợ cho các dịch vụ của mình.
VỀ CÁC THÀNH PHỐ CỦA THUỴ ĐIỂN
• Các thành phố lớn của Thụy Điển đều thuộc vào trong số 290 thành phố (municipality) trên toàn quốc.
• Các thành phố lớn như phố Stockholm (1 triệu người), Göteborg (605 ngàn người), Malmö (362 ngàn người), Uppsala (245 ngàn người), Linköping (167 ngàn người) đều là một đơn vị cơ sơ (municipality) độc lập.
• Ở Thuỵ Điển, có 20 thành phố lớn từ 100 ngàn người trở lên. Mỗi thành phố lớn như thế là một đơn vị hành chính cấp đô thị (municipality) duy nhất. Mặc dù các thành phố này có thể được chia thành các khu vực hành chính nhỏ hơn để thuận tiện trong quản lý, nhưng không có cấp hành chính phụ như quận hay phường. Mỗi đô thị có quyền tự trị và chịu trách nhiệm về các dịch vụ công như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội và quy hoạch đô thị.
THÍ DỤ VỀ THÀNH PHỐ STOCKHOLM
• Là Stockholms kommun, một đô thị duy nhất, không phân chia thành các cấp hành chính độc lập như quận hoặc phường.
• Được chia thành 14 khu vực hành chính (stadsdelsområden) để quản lý dịch vụ công như trường học, phúc lợi, chăm sóc xã hội.
• Các khu vực này không có quyền tự trị và không phải là cấp hành chính chính thức [3].
THAM CHIẾU VIỆT NAM
ĐANG LÀM
• Bỏ cấp Huyện.
• Các thành phố ngang Huyện bị chia nhỏ thành các Phường - ngang Xã.
• Không còn các thành phố.
NÊN ĐIỀU CHỈNH
• Bỏ cấp Huyện.
• Các thành phố giữ nguyên là một cấp cơ sở.
4. ĐỀ XUẤT
BỘ NỘI VỤ nên nghiên cứu kỹ mô hình địa phương 2 cấp của các nước tiên tiến, và đưa ra các đề xuất cần thiét để Bộ Chính trị và Chính Phủ xem xét.
Xin đề xuất:
- Bỏ cấp Huyện.
- Đưa Thành Phố về cấp cơ sở.
- Không xé nhỏ Thành Phố thành các Phường có chính quyền trực thuộc Tỉnh.
- Chỉ có chính quyền Thành Phố mà không có chính quyền Phường.
- Vẫn là mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, mà giữ được các thành phố là một đơn vị thống nhất.
5. ĐẢM BẢO TƯƠNG LAI CHO CÁC THÀNH PHỐ
Giữ nguyên các Thành Phố với chính quyền Thành Phố duy nhất, bỏ các chính quyền Phường. Tức là đưa Thành Phố về cấp cơ sở. Sẽ không còn phải lo đặt tên Phường gắn với tên Thành Phố cùng các con số hay địa danh.
Người dân Vinh lo tên thành phố Vinh bị biến mất, nên không thể chọn tên các phường là Quang Trung, Hà Huy Tập, Quán Bàu, Cửa Hội. Họ phải chọn Vinh 1, Vinh 2, Vinh 3, Vinh 4, Vinh 5. Dẫu chưa thể ưng ý. Nhưng trong 2 cái chưa hài lòng, chọn cái ít khó chịu hơn.
Cũng vì cố giữ tên Đà Lạt mà người dân Đà Lạt phải lựa chọn Xuân Hương – Đà Lạt, Cam Ly – Đà Lạt, Lâm Viên – Đà Lạt, Lang Biang - Đà Lạt.
Cũng như vậy, Nha Trang, thành phố du lịch nổi tiếng bậc nhất Việt Nam, vì muốn níu kéo khách quốc tế mà phải gắn bằng được tên Nha Trang, dù đó là Bắc Nha Trang hay Nam Nha Trang. Còn hơn 80 thành phố đang ở trong tình trạng tương tự.
Các hãng hàng không, lữ hành sẽ quảng cáo thế nào cho thị trường quốc tế?
Nhưng điều quan trọng hơn nằm ở điểm khác. Thành Phố không còn. Chỉ còn các Phường nhỏ. Ai sẽ chịu trách nhiệm quy hoạch Thành Phố như một đô thị thống nhất? Mỗi Phường sẽ tự quy hoạch hệ thống giao thông riêng ư? Đó là bức tử Thành Phố.
Đời sống mỗi ngày một nâng cao. Khoa học công nghệ mỗi ngày một phát triển. Thành Phố mỗi ngày một hiện đại, mở rộng. Không ai cản trở được quá trình này.
Có một chính quyền Thành Phố giỏi, thì Thành Phố phát triển rực rỡ. Hệ thống giao thông sẽ hiện đại, bớt ách tắc. Chia nhỏ các Thành Phố thành các Phường tự quản, thì đó là mảng ghép của các đô thị vỡ vụn.
Phải chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Nhưng cần tham khảo cho kỹ mô hình chính quyền địa phương 2 cấp của các nước tiên tiến. Cùng đi con đường chung với nhân loại.