Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐẶT TÊN - CHUYỆN NHỎ HAY LỚN ?

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê
Thứ ba ngày 22 tháng 4 năm 2025 3:37 PM


Nhà văn Nguyễn Khắc Phê ở Huế (Tác giả bài viết)

1. Xin bàn trước hết một “Chuyện đã rồi”.

Trong lúc chuyện sáp nhập tỉnh, xã và đặt tên địa phương sẽ sáp nhập đang được bàn thảo sôi nổi trên nhiều trang báo và mạng xã hội, tôi xin nhắc “chuyện đã rồi” – một cái tên đã đặt không thỏa đáng, cần phải xem lại. Và quan trọng hơn, là “bài học” từ một cái tên đã bị đặt một cách vội vàng, thiếu cân nhắc.

Đó là việc nhập bộ Giao thông và Xây dựng, nhưng BỎ TÊN GIAO THÔNG! Tôi không rõ việc này đã hỏi ý kiến những ai; nhưng theo tôi thì đó là một quyết định chưa “thấu lý đạt tình”. Không thể vin cớ ngành giao thông cũng làm việc xây các công trình như ngành xây dựng mà bỏ tên giao thông. Không phải vì tôi “xuất thân” từ ngành giao thông, từng chiến đấu trên những trọng điểm ác liệt nhất dưới chân đèo Mụ Giạ và Quảng Bình từ 60 năm trước mà nêu vấn đề này. Người dân Việt Nam ai cũng biết, ngành giao thông không chỉ có truyền thống lâu đời, mà quan trọng hơn nó là mạch máu quốc gia; hơn nữa, nói đến GIAO THÔNG là gắn với CON ĐƯỜNG – hình ảnh có giá trị tinh thần và tư tưởng. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến, thì ngành giao thông có vị trí cực kỳ quan trọng – có thể nói, không có hệ thống đường Trường Sơn thi không có mùa xuân đại thắng 1975. Biết bao nhiêu là xương máu đã đổ trên những con đường, dòng sông, bãi biển suốt chiều dài đất nước!!! Vậy mà tên GIAO THÔNG đã bị gạch bỏ!

Không phải ngẫu nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhiều lần thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến ngành giao thông. Cũng không phải ngẫu nhiên, ngành giao thông từng có những “Tư lệnh” tên tuổi như Phan Trọng Tuệ, Đồng Sĩ Nguyên. Những điều trên, ngành xây dựng không thể so sánh được. Như tôi còn nhớ, không kể thời Pháp thuộc, từ sau Cách mạng tháng 8.1945, đã nhiều lần, ngành giao thông “hợp bộ” với các ngành khác như Thủy Lợi, Bưu Điện, Kiến trúc, nhưng lần nào hai từ “Giao thông” cũng đặt lên đầu. Và không chỉ là chuyện lịch sử. Hiện nay, ngành giao thông cũng đóng vai trò rất lớn đưa đất nước phát triển, tiến lên hiện đại. Điều này, ai cũng rõ khi đi qua các tuyến đường cao tốc, các nhịp cầu vượt sông, vượt biển không chỉ giúp giao thông nhanh chóng, thuận lợi, mà chuẩn bị làm đẹp thêm Tổ Quốc. Chỉ cần nói vài điều như thế đã thấy việc bỏ tên GIAO THÔNG là rất khó chấp nhận. Tôi không có điều kiện để thu thập ý kiến nhiều “người trong cuộc”, nhưng chỉ qua 2 người bạn từng gắn bó nhiều năm với ngành giao thông thì cả hai đều không tán đồng việc bỏ tên Giao thông. Người thứ nhất là kỹ sư- nhà báo Vũ Phạm Chánh, suốt những năm chiến tranh ác liệt bám trụ tại Quảng Bình, về sau từng là Chánh văn phòng Bộ Giao thông; người thứ hai là nhà báo Ngô Đức Hành, đã 2 lần lên tiếng trên Facebook, trong đó có lần anh đã viết đại ý: Nếu Bác Hồ sống lại mà biết bỏ tên giao thông thì Bác buồn lắm!…

Vậy nên, lấy tên bộ sáp nhập là BỘ GIAO THÔNG “XÂY DỰNG nhất định sẽ được nhiều người đồng tình hơn. Nước ta từng và sẽ sửa cả Hiến pháp, thì việc sửa một cái tên chỉ là “chuyện nhỏ”, nếu hợp lý. Trong nhiều chuyện “nóng” thời đoạn này, việc thay đổi cái tên quả là “chuyện nhỏ”. Tuy vậy, nếu ý kiến này của tôi thấu “thượng đỉnh” và được chấp nhận thì từ đây có “bài học” lớn cần được nhắc lại: Mọi quyết định liên quan đến nhiều con người, đơn vị… cần có phương thức-cơ chế lấy ý kiến nhân dân và nhất là “người trong cuộc” Vì thế mà từ Hồ Chủ tịch cho đến lãnh đạo cao cấp của Đảng ở mọi thời kỳ luôn nhắc nhở: Phải biết lắng nghe ý kiến nhân dân…

2. Việc đặt tên tỉnh sau khi sáp nhập:

Cho đến nay, đang có nhiều ý kiến khác nhau, nên càng cần được thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi. Theo thông tin đã công bố trên các báo “chính thống”, có 52 tỉnh, thành sẽ sáp nhập; trong đó, theo góc nhìn có thể hạn hẹp của tôi, khi 2 tỉnh

Quảng Bình và Quảng Trị sáp nhập, do nhiều yếu tố, việc đặt tên sao cho thỏa đáng là rất khó. Tôi nhớ ý kiến của nhà thơ-đại tá Nguyễn Hữu Quý, có lần đề nghị đặt tên là “Quảng Việt”. Mới đây, tôi có hỏi thử nhà báo Lưu Trọng Văn, sau 2 ngày suy nghĩ, anh Lưu Trọng Văn vừa nêu ý kiến trên FB: Nên đặt tên “CỬA VIỆT” với diển giải lý do rất chi tiết, cả từ trong lịch sử xa xưa. Ý kiến đưa lên, chỉ một thời gian ngắn đã có hơn 200 bình luận và hiến kế tên mới: Nào là Tân Quảng, Quảng An, Song Quảng v…v… Mới nhất, ngày 15/4, có ý kiến của T.S sử học N. KHắc Thái ở Quảng Bình viết một bài rất sâu sắc về chuyện “Đặt tên”, riêng với QT+QB nên đặt là “Bình Trị” . Bài của T.S Thái rất dài, xin phép trích mấy câu:

“…hai tỉnh đã có 2 lần kết liền một dải: một lần đặt dưới quyền của một Tổng đốc chung lấy tên Tổng đốc Bình Trị (1831), dinh Tổng đốc đặt tại thành Quảng Bình.

Lần khác, vào năm 1890 sáp nhập hai tỉnh, cũng lấy tên chung là Bình Trị, thủ phủ đặt tại thành Quảng Bình.

Hóa ra, tổ tiên chúng ta quá đỉnh.

Chúng ta không phải mất công tìm tòi, chính thành ngữ “THÁI BÌNH THỊNH TRỊ” đã chỉ cho ta cái tên chung quá hay đó rồi!” … Hôm nay (17.4) nhà phê bình Ngô Thảo quê Quảng Trị cũng đề nghị lấy tên mới là “Bình Trị” …

Trước ý kiến sôi nổi của bạn bè, anh Văn đề nghị tôi nên tập hợp ý kiến của giới tri thức Bình Trị Thiên, rồi gửi cho Hội đồng Nhân dân hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình. Nhưng tôi chỉ là một nhà văn về hưu, có tư cách gì để làm việc đó? Nhà “Huế học” Nguyễn Đắc Xuân, khi biết sự việc, do hiện nay sức khỏe hạn chế, nhưng cũng sốt sắng đề nghị tôi cần “lên tiếng” để cấp có thẩm quyền có “cơ chế” lấy ý kiến rộng rãi trước khi quyết định – với Quảng Bình và Quảng Trị là hai tỉnh có vị thế khá đặc biệt trong lịch sử dân tộc, thì không chỉ lắng nghe ý kiến của chuyên gia, trí thức hai tỉnh…

Với chỉ cái tên của một tỉnh mới đã “lắm chuyện” như thế. Vậy thì chưa hẳn việc đặt tên các tỉnh, xã mới là “chuyện nhỏ”. Cũng xin nhắc lại chuyện cụ Hồ hơn 60 năm trước, khi nhập hai tỉnh Bắc Ninh- Bắc Giang, đã trực tiếp tìm đến hỏi ý kiến cụ Nguyễn Đình Ngân – một cử nhân Hán học, sau Cách mạng Tháng 8 la Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Liên khu 4 – nên đặt tên gì; cụ Ngân đã đề nghị đặt là Hà Bắc (Theo Trang Vanvn.vn )

Với “thời đại số” hiện nay, không cần họp hành tốn kém, vẫn có thể “đếm phiếu” để biết tên nào (trong 2 hoặc vài tên được chọn qua đề xuất ban đầu của một nhóm chuyên gia) có đa số đồng thuận, nếu quy trình cho phép lấy ý kiến Hội đồng Nhân dân các tỉnh sáp nhập, cũng như ý kiến các Hội, Đoàn thể (Hội Văn học nghệ thuật, Hội Khoa học kỹ thuật v…v ) Cũng cần thấy rõ, với nhiều tỉnh sau khi sáp nhập, sẽ không có một tên nào được mọi người đồng thuận; và chính vì thế mới nên có phương thức thăm dò, “bỏ phiếu” để chọn một tên được nhiều người tán đồng nhất. Có lẽ đây là một căn cứ quan trọng để Quốc hội quyết định đặt tên cho Tỉnh mới sáp nhập. Tên xã sau khi sáp nhập cũng nên có các bước nghiên cứu thận trọng như thế, trước khi quyết định…

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Nguồn vanvn.net