Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG DẤU ẤN ĐỂ ĐỜI CỦA NGHỆ SĨ NHÂN DÂN TÀO MẠT

Nguyễn Duy Cách
Chủ nhật ngày 11 tháng 5 năm 2025 2:34 PM
Tào Mạt - nhà văn, nhà viết kịch, Nghệ sĩ Nhân dân sau mỗi lần gặp
Nghệ
sĩ nhân dân Tào Mạt tên thật là Nguyễn Duy Thục, sinh ngày 23/11/1930, tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Tây (nay là Hà Nội)., tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1942, khi ông mới 12 tuổi. Ông là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, mang quân hàm Đại tá, và qua đời vào ngày 13 tháng 4 năm 1993 tại Bệnh viện Quân đội Trung ương 108, Hà Nội.
Ông có nhiều dấu ấn sâu sắc để đời: Ngoài việc gắn bó với nghệ thuật chèo - người được mệnh danh là “vua chèo đất Bắc” một thời và một nhà viết kịch tài danh… Đặc biệt, ông rất yêu thích văn học Hán – Nôm, luôn tự học để nghiên cứu. Nhiều giai thoại của ông đã được ghi lại trong sách vở và được lưu truyền không những trong giới văn nghệ sĩ, mà còn được bạn đọc cả nước biết đến. Ông để lại khoảng 20 tác phẩm kịch bản chủ yếu là chèo, ngoài ra còn sáng tác thơ chữ Hán. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996) về Văn học Nghệ thuật của nước nhà …
KHẨU KHÍ CỦA TÀO MẠT:
Trong suốt cuộc đời hoạt động sáng tác văn nghệ của ông, lúc sinh thời, ông tỏ ra rất phóng khoáng trong việc tặng thơ, tặng chữ. Chỉ cần dạo quanh Hà Nội, gom lại cũng được vài chục bài thơ chữ Hán, hoặc thơ chữ Nôm ông tặng bạn bè. Nhưng cái “bệnh” ấy hoá ra không phải là mới phát sinh trong những năm trước khi ông qua đời, mà ông đã “phát” từ thời còn trẻ lúc mới tập làm thơ. Có một lần, cụ Nguyễn Duy Xay, lúc đó 75 tuổi (cũng là người Hữu Bằng quê hương với ông) vẫn còn thuộc làu một bài thơ được Tào Mạt tặng từ cái thuở hai ông còn nằm chung trong hầm bí mật ở sau đình Phường Thịt. Trường hợp ra đời của bài thơ đó, sau được sách vở ghi lại như sau:
Đêm ấy, Tào Mạt đến phiên ra hòm thư mật để nhận thư, chẳng may bị một con rắn đớp cho một miếng vào chân. Ông hái ngay lá, dằng dịt qua loa rồi về hầm. Cụ Nguyễn Duy Xay xem vết rắn cắn tỏ ra rất lo lắng. Trong khi ấy thì Tào Mạt vẫn tỉnh khô, rồi một lát sau ghé vào tai ông bạn nằm cùng trong hầm, đọc liền một bài thơ “Tức cảnh”:
Vì dân vì nước quản bao công
Rắn hỡi sao mày nỡ cắn ông?
Sưng múp bàn chân lê chẳng được
Nhức tê gân cốt ngủ không xong
Sống còn chưa trả thù xương máu
Chết mất chưa đền nợ núi sông
Rắn hỡi sao không đem nọc độc
Cắn thằng giặc Pháp, có hơn không?
Thật đúng là khẩu khí của Tào Mạt!
TÀO MẠT VỚI TRỊNH VÂN:
Một lần, Tào Mạt tới thăm Trịnh Vân, nguyên là Đoàn phó Đoàn Văn công Quân chủng Hải quân. Sau một hồi tâm sự, chợt Tào Mạt hỏi:
- Anh Trịnh Vân có còn nhớ bài thơ anh dịch từ một bài thơ chữ Hán không?
- Bài nào nhỉ? - Trịnh Vân hỏi lại.
- Anh không nhớ à! - Tào Mạt nói rồi đọc luôn:
“Dòng Châu như dải lụa
Ai tắm giữa canh trường
Bèo trôi nước chảy vấn vương
Nỉ non tiếng dế đêm sương lạnh lùng”
Và ông đã dịch từ bài tứ tuyệt này như sau:
“Nhất phiên Châu Giang tự bức la
Nghệ nhân dục thuỷ nguyệt dương tà
Phù binh lưu thuỷ quy hà xứ
Trường đoản trung tư tình dạ ca”.
Tào Mạt đọc xong, Trịnh Vân ngỡ ngàng:
- Mình quên mất rồi. Bài tứ tuyệt ấy ở đời Đường hay đời Tống nhỉ?
Tào Mạt cười:
- Đời Hồ Chí Minh!
- Sao? - Trịnh Vân càng ngạc nhiên - Thế anh có nhớ năm 1955, cái đêm biểu diễn xong, ta rủ nhau ra tắm ở sông Châu, Hà Nam ấy!... Đã ba mươi năm rồi đấy. Nhanh thật!
Bấy giờ Trịnh Vân mới nhớ ra:
- Đúng rồi, đêm ấy đang tắm, cậu đọc rồi dịch nghĩa, trên đường về nhà, mình dịch thành thơ. Vậy mà quên mất. Trí nhớ của cậu thật “cực kỳ”.
Trong khi Tào Mạt lấy giấy bút chép lại: “Nhất cửu ngũ ngu niên tại Hà Nam tỉnh, Châu Giang xã để Trịnh Vân đồng dục…” thì Trịnh Vân trầm ngâm: Phải chăng từ bài thơ đầy tâm trạng ấy, mà sau này Tào Mạt đã có tác phẩm chèo “Chị Tâm Bến Cốc”, và “Bài ca giữ nước” nổi tiếng còn vang mãi cho đến hôm nay?
HỒ KHẢI ĐẠI ĐẾN THĂM TÀO MẠT:
Vào một đêm Xuân năm ấy, nhà thơ Hồ Khải Đại đến thăm Tào Mạt ở 91 Lý Nam Đế, Hà Nội, đọc tặng Tào Mạt bài thơ chữ Hán sau:
Độc như Hồ giả bất yên thân
Cô vọng hà nhân ức cổ nhân
Nguyệt hà khăn trào Tào Mạt tác
Cổ thanh trần dạ động tâm xuân.
Và nhà thơ Hồ Khải Đại dịch thành thơ luôn…
Tào Mạt nghe xong, ông xúc động lấy bút, ứng tác ngay một bài tặng lại nhà thơ Hồ Khải Đại:
Tòng chinh vi sỹ hưu vi sư
Duy nghiệp ư văn khí chất dư
Mỗi tảo hồi tư tam chiến cục
Tân thành thi liệu độ chân như.
Nghĩa là: Theo cách mạng làm kẻ sĩ rồi làm thầy. Duyên nghiệp văn chương rất giầu khí chất. Mỗi sớm nhớ về ba cuộc chiến tranh. Tất cả thành chất liệu cho thơ đạt đến sự chân thực.
Nhà thơ Hồ Khải Đại cười khoái trá khi thấy Tào Mạt phác hoạ chân dung của mình qua bốn câu thơ thật là tài tình. Hai người chạm cốc rồi lại nối tiếp nhau một bài thơ tứ tuyệt như sau:
Trường chinh tam cuộc quá đa nan
Lục cực vô dung nhất tự nhàn
Văn nghiệp võ công triền bán dạ
Song bôi đối nguyệt tửu thường can.
Nghĩa là: Trải qua 3 cuộc chiến tranh biết bao gian nan. Sáu cái cực có cả rồi mà vẫn chưa được một chữ nhàn. Chuyện văn, chuyện võ bàn tới khuya. Chén rượu soi trăng hãy uống cho cạn.
TÀI DỊCH THƠ VIỆT RA CHỮ HÁN CỦA TÀO MẠT:
Tào Mạt còn có khả năng dịch thơ Việt ra chữ Hán cũng rất tài ba. Ông Dương Nguyên còn ghi lại chuyện Tào Mạt dịch thơ ra chữ Hán như sau:
Ở nước ta, người dịch thơ từ chữ Hán sang chữ Việt có nhiều và có nhiều dịch giả thật nổi tiếng, ví như Đoàn Thị Điểm dịch Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, v.v... Nhưng người dịch thơ từ chữ Việt ra chữ Hán thì thật hiếm hoi. Bạn đọc đã quen với tài viết chữ Hán của nhà thơ Tào Mạt, nhưng ít người biết ông còn có tài dịch thơ Việt ra chữ Hán. Thông thường khi gặp một bài thơ tâm đắc, ông liền dịch ra chữ Hán để ngâm nga theo cách của các cụ đồ nho xưa kia. Đọc bản dịch của Tào Mạt, những người sành chữ Hán đọc, đều khen ông dịch tài hoa và nhiều tác giả phải công nhận có nhiều câu hay hơn nguyên tác.
Khi bài thơ “Bên mộ cụ Nguyễn Du” của nhà thơ Vương Trọng xuất hiện được ít lâu, thì thấy bạn đọc truyền tay nhau bản dịch “Nguyễn Du phần biên” của Tào Mạt, ai cũng tấm tắc khen là tài hoa và công phu. Thế nhưng nhà thơ Vương Trọng cho biết, bản dịch đó Tào Mạt chỉ làm trong mười phút. Số là Tào Mạt nhờ Vương Trọng chép lại bài thơ ấy, trong khi Vương Trọng chép nắn nót từng câu, thì Tào Mạt đứng xem và dịch luôn ra chữ Hán, đến khi bài thơ được chép xong thì bản dịch cũng hoàn thành. Đây có lẽ là kỷ lục về thời gian để dịch bài thơ dài 24 câu và chất lượng bản dịch thì nhiều bậc thâm nho phải khen là hoàn hảo v.v...
N.D.C