Hò hẹn mãi, phải nhờ đến ông anh Nguyễn Chí Cư, mới có một buổi sáng uống cafe, nói đủ thứ chuyện với cụ nhà văn Vũ Thư Hiên, năm nay đã vào tuổi 93. Gặp nhau lần đầu, tôi chỉ muốn thốt lên: "Sao cụ hiền hậu thế". Đúng là khác xa so với hình dung trước đó của tôi về cụ. Có thể nói từ vẻ mặt, ánh mắt cụ vẫn ngây thơ, trong sáng y như một "cậu bé". Dù đã nặng tai, cụ nhà văn đáng kính, thần tượng của tuổi trẻ tôi vẫn rất minh mẫn và ham chuyện. Mọi người háo hức ngồi nghe cụ nói. Chuyện xưa, chuyện nay cụ cứ trộn lẫn vào nhau.
-Này, đất nước tốt lên nhiều đấy. Mình đi khắp nơi, chả ở đâu bị gây khó dễ gì cả. Chỉ thấy chỗ nào mình cũng được đón tiếp và giúp đỡ.
-Ông Hồ mình coi như ông bác ruột (cười rất hiền lành). Ông Hồ cũng quý mình như quý đứa cháu. Vì thế mình luôn bảo vệ ông ấy mọi lúc, mọi nơi, là lẽ thường, chứ có gì sai đâu...
-Ông Tô Lâm nói nhiều câu hay lắm. Làm được như ông ấy nói là dân tộc này còn nhiều phúc. Anh em nên ủng hộ ông ấy.
-Năm 1949 mình vào bộ đội. Thời bấy giờ 16 tuổi đi bộ đội chính quy nhiều lắm. Đúng ra mình được đào tạo làm công an, để đưa về hoạt động trong thành Hà Nội. Bài kiểm tra đầu tiên là phải biết "ăn trộm". Tại sao phải biết ăn trộm? Để khi đột nhập nhà bọn quan lại, bọn sĩ quan địch có thể lấy trộm những thứ mình cần. Nhưng bố mình gọi cổ về. Ông cụ bảo phải học đã, rồi làm gì hãy làm.
-Vậy bố có tiếc không? Nếu theo nghề công an, khéo bố làm đến cấp tướng, làm bộ trưởng chứ chả đùa?- Cô con gái My Lan vui miệng hỏi.
Không trả lời con gái và mặc chúng tôi đưa ra các giả định, cụ Hiên vẫn chìm vào dòng hồi tưởng:
-Cụ Lê Giản, (tức Tô Dĩ), giám đốc Nha công an trung ương đầu tiên (tương đương bộ trưởng sau này) là bạn thân của bố mình đấy. Hai cụ trọng nhau lắm. Cụ nào có việc đi đâu xa về, là phải tìm gặp ngay cụ kia. Cụ Giản rất nghiêm mà vẫn gần gũi. Cụ tốt tính vô cùng. Tôi mà theo nghề công an thì là quân của cụ, thuận lợi mọi đường chứ còn gì...(cười to)
-Hồi bị bắt, mình cứ tự hỏi, sao họ lại bắt mình nhỉ? Mình có chính trị chính em gì đâu. Mình chỉ viết văn và đề cao sự thật. Hay có thể do mình là con giai cụ Vũ Đình Huỳnh. Cụ Huỳnh bị bắt trước, mình bị sau. Khi hai bố con cùng được giam ở trại Tân Lập, một hôm bố mình viết vào vỏ bao thuốc, nhờ chuyển cho mình, bảo chuyện bắt bớ này giống như "trẻ ốm vỡ da". Ốm để lớn, để trưởng thành. Cách mạng cũng khó thoát những trận ốm vỡ da, để hoàn thiện. Vì thế vẫn phải tuyệt đối tin vào cách mạng.
-Ông bố mình dặn mình thế, qua vỏ bao thuốc lá. Cụ yêu cách mạng thế cơ mà.
Sau đó có độ một phút cụ Vũ Thư Hiên im lặng, cặp mắt như vừa được phủ lên một lớp sương mỏng:
-Mình bị giam đúng 9 năm (cười sảng khoái). Lâu đấy chứ. "Chín năm làm một Vũ Thư Hiên!"- chúng tôi cùng đồng thanh chen vào. Cụ Hiên khoái lắm, lần này cười to nhưng không quên tiếp mạch chuyện.
-Sao đến giờ mà họ vẫn không cho in lại sách của mình nhỉ? Cũng chả nói lý do vì sao không cho in. Tập truyện ngắn xin giấy phép mãi không được. Mà toàn truyện ngắn hiền lành lắm.
Tôi nhắc: "Miền thơ ấu" của cụ hình như có được in lại đấy thôi.
-Có. Công ty Phan Books in đợt đầu, bán hết vèo, xin in thêm nhưng không được. Mình không buồn, nhưng tiếc. Cụ Kim Lân thích những gì mình viết về nông thôn lắm nhé, viết cả bài giới thiệu. Vừa có nơi đánh tiếng xin dịch sang tiếng Anh, mình bảo cứ thoải mái, cứ thoải mái. Những gì đã in ra thành sách, là của chung mọi người rồi.
Cụ Vũ Thư Hiên bất ngờ quay lại thời khắc hiện tại.
-Đúng là đất nước thay đổi rất nhiều. Mình đến đâu cũng nhận ra điều đó. Mừng quá!
-Chỉ riêng việc cụ được ngồi cái chỗ đẹp đẽ này uống cafe, nói chuyện thoải mái với bọn em, đã là một thay đổi lớn rồi (ai đó nói cắt ngang: Tạ Duy Anh vẫn bị theo dõi đấy!) Trước kia thì còn khuya cụ nhé.
-Thế à? Cậu vẫn trong "sổ đen" à?
Cụ Hiên vừa hỏi một cách ngạc nhiên vừa chậm rãi đưa mắt nhìn ra xung quanh:
-Nhưng có ai theo dõi đâu, nhỉ. Chả có ai cả. Hồi mình mới về thì có. Các cháu đều rất lịch sự. Nhưng giờ thì anh em họ hiểu rồi. Mình yêu nước chứ có thù hận, chống phá gì đâu-Cô con gái chen ngang: "Bố siêu yêu nước ấy chứ". Cụ Hiên chỉ trìu mến nhìn con, nói như kết luận:
-Hy vọng dưới thời ông Tô Lâm rồi dần dần sẽ thực hiện tự do xuất bản, tự do báo chí... Khi đó coi như mình có một chế độ đáng mong ước chứ còn gì nữa. Có đúng không?
Tự dưng thấy thương cụ nhà văn đến thắt ruột.
Nhưng mà "trời còn để có hôm nay"...Đời người chìm nổi như cụ, được như bây giờ, vẫn cứ còn may chán.
Ý kiến chung cuối cùng chúng tôi nói với nhau (chả biết cụ Vũ Thư Hiên có để ý và nghe thấy không), là Hà Nội nên sớm có một đường phố mang tên cụ Vũ Đình Huỳnh. Thế mới công bằng và đấy cũng là một hành động hòa giải với...lịch sử!