Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGẪU NHIÊN VỚI TRẦN TIẾN

Trần Mạnh Hảo
Thứ hai ngày 24 tháng 4 năm 2023 8:57 AM
Trên trang mạng https://vi.wikipedia.org, mục Trần Tiến, đề cập đến 3 đêm nhạc “Trắng Đen” có tiêu đề “Đối thoại 87” tổ chức tại Sài Gòn, có đoạn viết :
Trần Tiến đã từng bị giam giữ ở Thành phố Hồ Chí Minh vì trình diễn những ca khúc này. Ông kể về việc được cựu Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh "cứu thoát" vì "Trần Tiến không kích động bạo loạn, Trần Tiến kích động yêu nước"[
Trần Mạnh Hảo là người tham gia vào cả ba đêm “Rock đen trắng” của nhạc sĩ Trần Tiến, xin khẳng định, không có chuyện Trần Tiến bị bắt giam sau đó, chỉ là công an gọi ông lên tra vấn nhiều lần, xem chừng có cơ bị bắt.
“ A lô, Hảo hả, Tao Tiến đây !” . Tôi đang ngồi café sáng trước Hội âm nhạc thành phố, 81 Trần Quốc Thảo thì Trần Tiến gọi tới.
Tao nghe. Mày ơi, sáng mai cơ quan tao họp để kiểm điểm tao về ba đêm “Rock đen trắng”, căng lắm, có khi họp xong kết tội là công an đến còng như chơi. Mấy giờ Tiến. 8 rưỡi sáng. Tao sẽ tới dự họp. Ai mời mày mà đến. Nhưng tao cũng tham dự đọc thơ cả ba đêm ấy ! Tùy mày !
9 giờ sáng hôm sau, tôi đến cơ quan của Tiến, trụ sở của Phòng Văn hóa quần chúng thành phố, tức rạp Olympic cũ, do Tôn Thất Lập làm giám đốc, hai phó giám đốc là Trần Long Ẩn và Trương Quốc Khánh. Tôi lúc đó đang chơi thân với Trương Quốc Khánh ( tác giả bài “ Tự nguyện” và chơi khá thân với Trần Long Ẩn…
Cả cơ quan đang họp kiểm điểm nhạc sĩ Trần Tiến về tội tổ chức ba đêm “Đối thoại 87” hát và đọc thơ phản động.
Chả là nơi tổ chức ba đêm nhạc – thơ đó do “Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam” của Huỳnh Tấn Mẫm tổ chức, ở góc Duy Tân – Điện Biên Phủ, nhạc sĩ Miên Đức Thắng dẫn chương trình, để chào mừng nghi quyết 5 của đảng “cởi trói cho văn nghệ sĩ”, lấy ban nhạc “Đen Trắng” của Trần Tiến làm chủ soái và mời ba nhà thơ : Thu Bồn, Trần Mạnh Hảo & Nguyễn Duy đến đọc thơ.
Cả ba đêm nhạc thơ đều cháy vé, những người không mua được vé đứng chật các vỉa hè và chen lấn cả xuống đường, làm nghẹt đường Duy Tân.
Với phông đen kịt, Trần Tiến vừa gõ soong nồi vừa hát các bài ông mới sáng tác, hát rất máu, như thể Tiến đang lên đồng : “Ý nghĩ trong phòng Hải Quan”, “Trần trụi 87”, “Đồng hồ”, “Chuyện năm người”…
Người ta vỗ tay khủng khiếp. Tôi chưa từng dự buổi nào được vỗ tay dữ dội như thế. Tôi chỉ nhớ cả ba đêm đều có ca sĩ Thanh Lan và ca sĩ nhạc sĩ Trần Thiện Thanh tới hát.
Người dẫn chương trình là nhạc sĩ, ca sĩ Miên Đức Thắng khản cả tiếng mới xin mọi người ngừng vỗ tay để giới thiệu bài hát mới, người đọc thơ mới.
Sau vài bài hát mở đầu của Trần Tiến, Thu Bồn lên đọc thơ. Ông thôi miên cả sân người bằng giọng Quảng Nam bi hùng, quằn quại, đau đớn. Nguyễn Duy, tuy giọng trầm trầm nhưng là sự trầm buồn của đại bác với các bài :”Nhìn từ xa Tổ quốc’, “ Bán vàng”, “Đánh thức tiềm lực”…
Trần Mạnh Hảo đọc thơ cuối cùng. Cả anh Trần Thiện Thanh và ca sĩ Thanh Lan đều bắt tay tác giả khi nghe đọc thơ xong. Thanh Lan còn nói : hôm nay em mới thấy thơ được vỗ tay hơn nhạc.
Sau đêm đầu, không khí xã hội như bùng nổ, Nguyễn Duy không đến đọc thơ đêm thứ hai nữa. Đêm thứ hai chỉ còn Thu Bồn và Trần Mạnh Hảo đọc thơ. Đêm thứ 3 “ Đen trắng” thì cả Thu Bồn cũng không đến, chỉ còn mình Trần Mạnh Hảo đọc thơ trong đêm cuối cùng với Trần Tiến.
Tiến định chơi liền 7 đêm, nhưng lệnh phải ngưng ngay sau 3 đêm thơ nhạc.
Lại nói, khi Trần Mạnh Hảo một mình xông vào phòng họp của cán bộ chủ chốt “ Nhà văn hóa quần chúng”, tức rạp Olympic cũ thì đã 9 giờ sáng, một ông nào đó bên sở văn hóa thông tin đang chụp mũ Trần Tiến chống đảng. Mọi người kinh ngạc khi thấy Trần Mạnh Hảo không ai mời mà đến. Tôi đứng và nói luôn :
- Xin lỗi các đồng chí về sự đường đột của tôi trong buổi kiểm điểm này. Chính ra các đồng chí cũng cần triệu tập tôi đến, vì tôi có can dự cả ba đêm “đen trắng” nhạc thơ mà các đồng chí đang quy kết phản động. Tôi đã báo cáo chuyện này với anh Trần Độ là ủy viên trung ương đảng, trưởng ban tư tưởng văn hóa trung ương và tôi đã xin phép đảng ủy sở văn hóa thông tin mới dám đi thẳng vào cuộc kiểm điểm này.
Thưa, nhân vật chính nếu cần phải kiểm điểm hôm nay chính là đồng chí Huỳnh Tấn Mẫm, người cho tổ chức các đêm nhạc Trần Tiến; Trần Tiến đâu phải chịu trách nhiệm chính về 3 đêm diễn vừa qua, nếu như nó sai phạm.
Mà tổ chức “Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam” của đồng chí Mẫn do trung ương đoàn lãnh đạo phải là đầu trò, cớ sao một quần chúng không đảng viên là anh Trần Tiến dám đứng ra tổ chức để giờ các đồng chí đổ “tội” cho Tiến ?
Tôi xin thay mặt hai nhà thơ Thu Bồn và Nguyễn Duy, là 3 nhà thơ đảng viên, chúng tôi không hề đọc thơ chống đảng, và anh Tiến cùng các ca sĩ không hề hát bài nào chống đảng.
Lời cuối cùng tôi xin nói, anh Trần Tiến là một nhân tài của nền âm nhạc Việt Nam, anh từng đi bộ đội chống Mỹ như tôi & Thu Bồn, Nguyễn Duy. Trần Tiến nếu có khuyết điểm thì khuyết điểm lớn nhất của anh là yêu nước quá mức và phấn khởi vượt chỉ tiêu trên giao trong chủ trương của tổng bí thư Nguyễn Văn Linh “cởi trói cho văn nghệ sĩ”…
Nói xong, tôi ra ngoài thẳng, làm cả cuộc họp ngẩn ngơ…
Sau này, Trần Tiến gọi lại : cám ơn mày, đã làm cuộc chụp mũ đang nóng như lửa nguội hẳn đi…
May quá, hồi đó anh Trần Độ do mê bài thơ “Khuất Nguyên” của tôi, anh cho tôi số điện thoại riêng lúc cần có thể gọi đến. Tôi hỏi anh Trần Độ : anh đã nghe các bài trong 3 đêm “đen trắng” ấy chưa ? Rồi, mình được nghe ngay sau đêm kết thúc là do công an văn hóa quay rồi nộp lên trên… Không có chuyện gì đâu, mình sẽ báo cáo với anh Linh, nói cậu Tiến đừng lo…
Hôm nay, ngẫu nhiên mở điện thoại, nghe bài hát “Mẹ tôi” của Trần Tiến do Võ Hạ Trâm hát làm tôi xúc động quá. Clip này đã có 14 triệu lượt người vào nghe, đạt mức kỉ lục Việt Nam. Trong khi bài “Quê nhà” do Trần Tiến hát cũng chỉ đạt mức một triệu tư người vào nghe. Lệ Thu hát “Hương Xưa” và “Hoài cảm” của Cung Tiến mỗi bài cũng chỉ đạt một triệu tư người nghe.
Chừng như người hát nhạc Trần Tiến hay nhất vẫn cứ là Trần Tiến.
Tôi may mắn được nhiều lần nghe Trần Tiến vừa ôm đàn hát các bài hát của ông. Có bữa Tiến vừa hát bài “Mẹ tôi” vừa khóc. Tiến thì uống rượu, nhưng cây đàn của ông thì quen uống nước mắt của chính tác giả.
Trần Tiến trông nam tính, có lúc như lực điền, có khi hơi lính tẩy, có gương mặt têu tếu như anh hề với bộ ria Champa kiểu Thế Bảo, Chu Lai, Bảo Ninh; nhưng trái tim ông là trái tim của một cô gái đa cảm lúc nào cũng mới dậy thì.
Chừng như số phận đã nhốt Tiến vào năm dòng kẻ của chìa khóa sol; có chạy đằng trời ông cũng không thoát được khuôn nhạc cầm tù hồn ông trong âm giai của nữ thánh Cecilia – người đã sáng tạo ra nhạc khóa sol từ chiếc đại dương cầm của nhà thờ Thiên Chúa giáo. Cũng như cuộc đời ông không bao giờ có thể thoát được tháp ngà gia đình ( bà xã Tiến tên là Trần Thị Bích Ngà) !
Trần Tiến vào đời như đi vào cuộc chơi : được ăn cả, ngã về không. Con nhà gia thế bị sa cơ, cậu trai nghèo vừa đi học vừa kiếm sống, Trần Tiến tí tị nữa thì sa vào kiếp du thủ du thực như Goocky; may mà sự ngẫu sống, ngẫu học, ngẫu nhiên với phẩm chất vượt lên ngoạn mục của con cá chép vượt vũ môn trung học, giúp cậu tốt nghiệp phổ thông loại giỏi nhưng không được đi đại học vì lí lịch…
Số phận đã không trao cây súng mà trao cây đàn vào tay anh lính trẻ Trần Tiến. Tiến ôm đàn mà ngẫu hát liên thanh. Anh ôm cây Tây Ban cầm có khi như ôm một đồng đội tử thương. Vết thương của tâm hồn anh và vết thương chiến tranh cùng vỗ lên sấm sét cây đàn.
Và Tiến mới 16 tuổi đã viết như điên trên năm dòng kẻ nhạc. Anh ngẫu nhạc, ngẫu đàn, ngẫu hứng, ngẫu ca lên sự ngẫu nhiên của đời mình để thành một ca sĩ lính…Rồi trường nhạc Hà Nội đã nuốt sống anh trong sự học để thành danh mà sáng tác giao hưởng.
Nhưng Tiến lại điên lên vì ca khúc. Cám ơn những “Giai điệu Tổ Quốc”, những “Đôi mắt mang hình viên đạn”, những “Vết chân tròn trên cát”… thuở ban đầu đã cứu Tiến thoát khỏi cơn hồng thủy giao hưởng…
Đi từ ngẫu hưởng đến ngẫu khúc, sau 20 năm, Tiến vượt lên thành một nhạc sĩ lớn với nhiều chục ca khúc “Pốp” rồi “ dân gian đương đại”. Thời đó, hầu như mỗi ca khúc mới của Tiến là một sự kiện âm nhạc.
Trần Tiến vừa điên vừa tỉnh vỗ nát cây Tây Ban cầm, hoặc phóng mười ngón tay như phóng điện lên chiếc piano gây bão tố giai điệu và sấm chớp âm thanh. Những dây đàn đứt nửa chừng như chảy máu. Tiến ngồi trước khóa Sol như không còn là Tiến nữa. Tiến là người. Tiến là ma. Tiến là ngẫu thanh, ngẫu âm, ngẫu nứng, ngẫu sống và ngẫu chết…Âm giai trong hồn anh hộc ra như máu. Ngất đi chăng ? Không bao giờ ! Hồn anh nhấp nháy trên các nốt đen trắng như thể anh đang chạy trốn nỗi cô đơn mình, như thể Tiến đang đuổi bắt các linh hồn đồng đội đã ngã xuống quay về hồi sinh giai điệu…Tiến khóc. Nhạc òa ra…
Chừng như Tiến đã đánh mất lí trí khi ngồi trước cây đàn. Linh hồn anh bị cảm xúc đốt cháy. Như thể vô thức đã vồ mất hồn anh, đưa anh lên miền cực lạc có năm dòng kẻ. Sáng tạo là thăng hoa. Sáng tạo cũng là sống và chết. Các âm giai cũ, các đô rê mi pha sol la xi cũ phải chết đi để các đồ rê mi pha sol la xi mới ra đời. Âm nhạc đảo chính anh liên tục. Không còn mình, không còn thần tượng âm nhạc nào trước mặt anh, giai điệu mới hay là chết…?
Tiến cứ lừ lừ vượt lên như chơi, như đùa cợt. Tiến lủi vào chính mình như sắp trốn trong tủ áo. Giai điệu có tên là im lặng lại hành hạ anh, đưa anh vào ma trận âm nhạc…
Xin chép ra đây 70 bài hát chính của Trần Tiến :
Nhạc phẩm
• Nhăng nhố
• Bình nguyên xa vắng
• Chào cuộc đời
• Chị tôi
• Chiếc vòng cầu hôn
• Chim sẻ tóc xù
• Cho tôi xin em đứa con trai
• Chuyện 3 người
• Chuyện 5 người
• Chuyện tình thảo nguyên
• Con gái
• Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp
• Cô bé vô tư
• Viết lời Việt cho bài Donna Donna
• Dòng sông mùa thu
• Điệp khúc tình yêu
• Độc huyền cầm
• Những đôi mắt mang hình viên đạn
• Đồng hồ
• Đời doanh nhân
• Em vẫn như ngày xưa
• Em sinh cho tôi một thằng con trai
• Giai điệu Tổ quốc
• Giấc mơ Chapi
• Hà Nội ngày ấy
• Hà Nội những năm 2000 • Lambada quê ta
• Lữ khách sông Hồng
• Mặt Trời bé con
• Mẹ tôi
• Một mình
• Mùa thu trắng
• Mùa xuân gọi
• Mưa bay tháp cổ
• Nếu bạn tìm tới Lênin - Hồ Chí Minh
• Ngẫu hứng khi đi qua hải quan
• Ngẫu hứng sông Hồng
• Ngẫu hứng phố
• Ngọn lửa cao nguyên
• Ngũ sắc biển
• Ngựa ô thương nhớ
• Người thích tình ca
• Nhớ những dáng hoa
• Nhức nhối (Ối a)
• Phố nghèo
• Phố núi
• Quê nhà
• Ra ngõ mà yêu
• Rock đồng hồ
• Sao em nỡ vội lấy chồng
• Sắc màu
• Sen hồng hư không
• Sói con ngơ ngác
• Tạm biệt chim én
• Thanh niên ra tiền tuyến
• Thành phố trẻ
• Tiếng trống Baranưng
• Tóc gió thôi bay
• Tôi cô đơn như một ngọn cờ
• Tôi tin anh
• Tôi yêu bóng đá
• Trái tim nhiều ngăn
• Trắng đen
• Trần trụi 87
• Tùy hứng Lý qua cầu
• Về đi em
• Vết chân tròn trên cát
• Vô tình
• Ý nghĩ trong phòng hải quan
Chỉ tìm thấy một bài dở có tên là cúng cụ, bài “Nếu bạn tìm tới Lê Nin và Hồ Chí Minh”, còn lại là khá và hay, thậm chí rất hay.
Tiến ơi, cậu là niềm tự hào của thế hệ mình. Nhạc sĩ Phạm Duy, thuở sinh thời từng nói trên đài BBC rằng, sau lớp tôi, tài nhất là Trịnh Công Sơn rồi đến Trần Tiến.
Mình nghe nhạc Tiến nhiều lắm. Nhiều khi định gọi cho cậu để mượn lời anh Tào Tháo mà rằng, tiên sư nó, hay quá đi mất !
Mình lây tính cậu rồi. Ngẫu nhiên huýt sáo mấy bài của Tiến…”Mẹ tôi”, “Chị tôi”, “Tóc gió thôi bay”, “Quê nhà”… Thương lắm, những giai điệu của cậu toan cướp mất hồn mình. Sợ Tiến quá !
May mà hồi 30 năm trước mình không nghe cậu để theo cậu cùng đi hát, khi mình hát cho Tiến nghe hàng chục bản thánh ca bằng Latin. Cậu bảo : giọng opera của mày hay lắm, hàn lâm lắm, mày đi hát với tao đi…
Buồn, mình lại mở cậu ra nghe, như nghe anh Sơn, anh Phạm Duy, anh Văn Cao thuở ấy…
Sống thêm vài chục năm nữa nghe Tiến.Viết nữa đi tên điên nhạc yêu dấu của Đất Việt ngàn năm.,.
Sài Gòn lúc 12 giờ 13 phút đã sang ngày 16-4-2020
T.M.H.
Hình 1 : Trần Tiến và cháu ruột, ca sĩ Trần Thu Hà.
Hình 2 : nhạc sĩ, ca sĩ Trần Tiến.
Hình 3 : TMH & Trần Tiến trong Quân y viện 175 Sài Gòn 2-10-2020