Hơn 30 năm về trước tôi gặp Trần Nhương ở Matxcova. Anh là nhà thơ. Biết vậy. Cũng bình thường như bao người bạn thơ khác của tôi. Tôi không biết anh viết thơ vào lúc nào. Cho đến lúc này trong tay tôi có duy nhất một tập thơ anh tặng tôi gần 10 năm sau đó. Trần Nhương còn viết văn xuôi. Vì lý do gì đấy cho đến nay tôi chưa cầm trên tay một tập sách nào của anh. Hay hay dở tôi không có ý định bàn ở đây. Điều không bình thường ở Trần Nhương chính là ở tư cách họa sĩ.
Nhà văn vẽ tranh. Điều tưởng như mới mẻ này cũng không làm tôi ngạc nhiên. Nhiều người bạn viết văn khác của tôi cũng vẽ tranh, như Đỗ Chu, Vũ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Quang Thiều... Cái làm tôi ngạc nhiên chính là những điều "zích zắc" nằm trong những bức tranh của anh. Cái hiện thực cuộc sống hiện hữu quanh ta được Trần Nhương "miêu tả" thật khác thường. Không phải cái ta nhìn thấy mà là cái trong tâm tưởng. Không phải cái ta đang nhìn hôm nay mà là cái đã từng hiện hữu trong quá khứ. Đây đó trong tranh của anh hiện ra một vài đường cong thẩm mỹ. Nó không hiện thực mà nó là cõi mơ. Giấc mơ của Trần Nhương. Nhìn tranh của anh ta không nghĩ anh từng là người lính. Tranh của anh lả lơi, bỡn cợt người xem. Nó khác với cái ta hình dung về người lính. Tôi không đi tìm lời giải cho sự bỡn cợt đó. Nhưng tôi biết. Nếu không trải qua chiến tranh, đau thương, mất mát ta sẽ không bao giờ biết trân quý những gì đang có. Ta không biết
nâng niu những cái bình thường, nhỏ nhặt của cuộc sống. Trần Nhương đang nâng niu từng khoảnh khắc. Anh đang yêu. Ai mà chả có tình yêu. Đúng vậy. Nhưng tình yêu được thể hiện trong tranh của Trần Nhương rất khác. Nó mãnh liệt, hoang dại chứ không mượt mà thơ mộng. Mầu sắc trong tranh của anh đang sống đời sống của cõi riêng. Nó đang cựa mình như chồm ra khỏi tranh. Có người từng hỏi tôi: "Anh thấy tranh Trần Nhương thế nào?" Thế nào là thế nào. Tôi không hiểu ý định của người hỏi. Xem tranh của Trần Nhương nếu bạn cần tìm một khuôn hình, một đường nét, một mảng màu "bác học" thì bạn sẽ thất vọng. Bạn chẳng bao giờ tìm thấy nó trong tranh của Trần Nhương. Anh tìm đến sự hồn nhiên ngây thơ. Anh như đang trẻ lại so với tuổi của mình. Nhưng trên hết. Trần Nhương đang chơi trò chơi của mình. Anh không cần phô diễn kỹ thuật, không cần lên gân. Trong tranh của anh mọi cái hiện ra như nó vốn phải thế.
Có lần Trần Nhương bảo tôi:
- "Cụ phang cho một bài, phang thật lực vào".
Tôi cười bảo:
- "Anh không ngại à?!".
Trần Nhương quả quyết:
- "Không, không ngại!"...
Đúng là tại sao phải ngại. Anh không ngại, những bức tranh của anh hiện ra trần truồng trước bao cặp mắt của người xem. Chúng cũng không ngại. Tôi với tư cách người xem. Tôi cũng không ngại. Trần Nhương có cái đáng yêu hơn các họa sĩ khác là anh không che giấu sự lúng túng của mình, không che giấu sự vụng về của mình. Hơn tất thảy anh trung thực với chính mình.
Hôm qua ở nhà anh về tôi cứ mải theo đuổi ý nghĩ. Tại sao chúng ta cứ phải diễn vai diễn của mình. Dù có cố đến cỡ nào mình cũng vẫn chỉ là mình thôi.
Trần Nhương không giống ai. Điều này làm tôi suy nghĩ. Bạn vẽ của tôi nhiều người không được như anh. Nghĩa là họ giông giống một ai đó. Tôi rất ghét cái sự giông giống đó. Cái chơi của Trần Nhương cũng kỳ khu lắm. Tuy không qua trường lớp nào nhưng màu anh dùng nó chín đủ độ làm thỏa mãn ngay cả những cặp mắt khó tính. Chí ít dưới cặp mắt của tôi nó không sống sượng như một vài bức tranh tôi đã từng xem của ai đó.
Đừng nghĩ rằng tôi đang vì yêu mến mà nói hay, nói tốt cho Trần Nhương. Nếu không tin bạn có thể tìm đến phòng tranh của anh. Chúng sẽ nói với bạn nhiều điều. Những điều mà tôi, do hạn chế về góc nhìn chưa thể đề cập đến trong bài viết này.
Cái hay của Trần Nhương còn nằm ở chỗ. Anh chưa bao giờ coi những bức tranh mình vẽ ra là những tác phẩm để đời. Nó chỉ là sự phô diễn, gửi gắm những sắc thái tình cảm khác mà mảng văn chương anh không làm được. Có vậy thôi. Có người cho là anh cao ngạo. Ngay cả như vậy cũng rất bình thường vì anh có cái riêng để mà cao ngạo.
****
Tôi không phải loại người vô tư như bạn nghĩ. Tôi thiên vị mình. Yêu cái đẹp, thích người tốt. Ghét kẻ xấu. Và không thể dung hoà với những cái phản thẩm mỹ.
Tranh của Trần Nhương, thoạt đầu người ta tưởng anh vẽ trừu tượng. Tôi xin lưu ý với các bạn là anh không vẽ trừu tượng. Cái anh phản ánh là hiện thực. Hiện thực của Trần Nhương. Hãy nhìn sâu vào từng bức tranh. Hãy phát huy trí tưởng tượng. Bạn sẽ dần dần nhận ra cái hiện thực mà Trần Nhương muốn nói, muốn thể hiện. Nếu nói cho cặn kẽ thì tranh của anh có chất phồn thực. Tình yêu trong tranh của anh nó không những không trừu tượng mà rất cụ thể thông qua cái nhìn có phần hóm hỉnh của anh. Cặp mông của cô người mẫu lồ lộ trước mắt nói với bạn về vẻ đẹp của một đường cong mềm mại đã được anh cách điệu. Hoàn toàn không dung tục. Ngay cả cặp vú nổi trên khuôn ngực đầy đặn cũng mang vẻ đẹp hoang dại. Trong tranh của anh ta không bắt gặp một sự chủ đích nào. Mọi cái đều ngẫu nhiên, tự
tại.
Tuy nhiên nói vậy không phải tranh của Trần Nhương cái nào cũng làm người xem thỏa mãn. Một vài bức, một vài hình làm ta thấy hơi sượng. Nếu anh dụng tâm gia giảm, dụng tâm cách điệu hơn một chút có lẽ (chỉ là có lẽ thôi) nó sẽ hay hơn. Hay đến đâu, chỉ mình anh biết rõ nhất. Tôi không biết gì đâu. Thật đấy. Nếu mà động vào thì tôi sẽ làm hỏng hết bữa tiệc màu sắc của anh.
Cuộc sống hôm nay muôn màu, muôn vẻ. Văn học nghệ thuật cũng vậy. Tôi không phải là người viết phê bình. Và đương nhiên cái tôi nhìn và cái tôi nói không mang nét đặc trưng của một bài phê bình. Mặc dù đã "phang tẹt ga" tôi cũng phải thừa nhận tranh của Trần Nhương đã tìm được chỗ đứng cho mình trong dòng chảy của hội họa đương đại. Chỉ khiêm tốn thôi. Dấu vết của Trần Nhương.
Với tôi, một người xem tranh vô tâm. Thế là đủ.
Giỗ Tổ Hùng Vương
Mồng 10 tháng Ba, Mậu Tuất.
25/4/2018