Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"ĐẠO LÀM NGƯỜI" TRONG MỘT KHÚC TÂM TÌNH CỦA NGƯỜI HÀ TĨNH

Đắc Trung
Thứ bẩy ngày 21 tháng 1 năm 2023 8:28 PM


(Ca khúc của Nhạc sĩ NGUYỄN VĂN TÝ)




Trong bài có hai từ "mô".

"Đi mô thì cũng nhớ về Hà Tĩnh" và "Ai đi xa mô đó. Biết có nhớ lấy đường về"...

Hai từ "mô" ấy chỉ hai đối tượng khác nhau.

Từ “mô” thứ nhất. Là nhạc sĩ muốn nói với những người quê Hà Tĩnh đang sinh sống ở các tỉnh khác trong nước. Rằng: dẫu ở đó đất đai có phì nhiêu, màu mỡ, trù phú, cây trái quanh năm xanh tốt, hoa tươi quả ngọt chứ không khô cằn xơ xác như Hà Tĩnh. Dẫu ở đó có sầm uất phồn hoa đô hội, cuộc sống có đế vương trong nhung lụa với xe hơi nhà lầu chứ không thiếu đói nghèo khổ như Hà Tĩnh.

"Thì cũng nhớ về Hà Tĩnh".


Đó là cội nguồn gốc rễ của mình. Mảnh đất đã sinh ra, đã nuôi dưỡng từ tổ tiên ông cha mình. Bằng củ sắn, củ khoai, hạt thóc và rèn dạy mình nên người. Ở đó có biết bao kỷ niệm thời thơ ấu. Có những người bạn chăn trâu cắt cỏ, đánh khăng đánh đáo. Chia nhau từng trái sim chín mọng, từng miếng sắn lùi bốc khói vừa thổi vừa nhai. Cùng sưởi chung ngọn lửa trong những chiều đông giá rét. Ở đó có những người chị, người mẹ lam lũ, tần tảo. Chắt chiu từng hạt gạo, bắp ngô nuôi mình ăn học. Ở đó có những người vợ thuỷ chung son sắt ngày đêm ngóng đợi. Ở đó, nơi mảnh đất cằn cỗi ấy đang lưu giữ hài cốt bố mẹ, ông bà, tổ tiên mình...

Bởi thế đừng bao giờ quên.

Dẫu có "đi mô thì cũng nhớ về Hà Tĩnh".


Tết về. Tết không về được thì Thanh minh về. Thanh minh không về được thì Giỗ Tổ phải về. Nghỉ hè, nghỉ phép phải cho con cháu về. Nếu không sẽ mất gốc. Mất cội nguồn. Mất mồ mả ông bà, cha mẹ. Mất họ hàng. Mất người thân. Phẩm chất cao quý của người Việt Nam là sống trọng đạo nghĩa. Khi những tình cảm thiêng liêng ấy không còn thì có khác gì đã chết.

Bởi thế: "Đi mô thì cũng nhớ về Hà Tĩnh".


Lời ca là sự nhắc nhở vừa da diết, vừa nghiêm khắc. Nghiêm khắc là đúng.

Bởi đã không ít người được sinh ra, được nuôi dưỡng, được lớn lên từ mảnh đất khô cằn nhưng đầy ân nghĩa đó ra đi. Vinh thân phì gia, cuộc sống giàu sang phú quý. Rồi không muốn về nữa. Ngại đường xấu, xe xóc. Ngại nước sông nước ao. Ngại lắm ruồi nhiều muỗi. Ngại không giường đệm, không máy điều hoà nhiệt độ. Ngại những bữa cơm rau dưa đạm bạc... Năm năm, mười năm xa quê không một lần trở lại. Có kẻ mặc bố mẹ già ốm yếu bệnh tật sống túng thiếu trong cô đơn buồn tủi. Có kẻ tìm mọi cách ruồng rẫy, hắt hủi rồi rũ bỏ người vợ hiền tần tảo cùng mấy đứa con. Chỉ vì người phụ nữ đó già, xấu và những đứa bé nhếch nhác quê mùa thất học. Để chạy theo những ả đàn bà nhan sắc, nhiều tiền. Bất chấp nhân nghĩa đạo lý.


Từ "mô" thứ hai là nhạc sĩ muốn nói với những người quê Hà Tĩnh đang sinh sống ở nước ngoài.

Liệu họ "biết có nhớ lấy đường về?"

Hay xe hơi nhà lầu, bơ sữa, những đồng đô-la và mọi tiện nghi vật chất khác đè bẹp, bóp chết tình yêu quê hương đất nước. Mảnh đất cội nguồn của mình. Quên cả những người ruột thịt, những bầu bạn thân thiết của mình.

"Biết có nhớ lấy đường về?"


Lời ca vẫn da diết và nhắc nhở nghiêm khắc. Nghiêm khắc là đúng.

Bởi đã có không ít người rời bỏ quê hương Tổ quốc, dù chính thức hay trốn lủi. Rồi không bao giờ "nhớ". Không bao giờ "biết đường về". Cam tâm sống lưu vong. Cốt vinh thân phì gia. Vô trách nhiệm với tổ tiên, với đất nước. Thậm chí có kẻ còn lên giọng chỉ trích, phỉ báng Tổ quốc mình.

Cũng lời bài ca ấy: "Hôm nay ai ra khơi buông lưới. Mà nhìn chi mãi con tàu vào bờ. Nhìn bến cảng lại nhớ ngày xưa. Thương con đò cắm cây sào đứng đợi...”.

Nghĩa đen nói lên sự thay da đổi thịt của đất nước. Mới năm nào nơi ấy chỉ là cửa sông. Với những con đò nhỏ bé mỏng manh, những cánh buồm nâu rách vá. Yên vắng, buồn tẻ. Thế mà nay đã trở thành một bến cảng sầm uất. San sát những con tàu hàng vạn tấn neo đậu ăn hàng, nhả hàng. Cùng hệ thống kho bãi, đường xá, chi chít cần cẩu, rầm rập ôtô, xe máy.

Nhưng nghĩa bóng sâu sắc hơn nhiều. Người Hà Tĩnh nói riêng, người Việt Nam nói chung trọng đạo lý. Uống nước nhớ nguồn không quên ân nghĩa, "ngọt bùi nhớ lúc đắng cay". Có "bến cảng" và những con tàu hôm nay. Càng nhớ, càng "thương con đò" và bãi sông ngày xưa. Bởi nhờ những bãi sông ấy, nhờ những "con đò" ấy. Mới có từng đoàn tàu ra vào tấp nập và bến cảng sầm uất nhộn nhịp hôm nay. Ân nghĩa là đấy. Thuỷ chung là đấy. Đạo lý là đấy. Nhân cách phẩm giá người Hà Tĩnh, người Việt Nam cũng là đấy.

Bởi thế dù "đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh". Dù "đi xa mô đó" cũng vẫn "nhớ lấy đường về".

"Trâu ơi. Ta về đồng cỏ mênh mông". (Lời ca từ)

Đến như con trâu còn biết nhớ về đồng cỏ. Nhớ đến đồng loại. Nhớ tới cội nguồn.

Huống hồ con người?


Suy rộng ra tác giả đâu chỉ nói với người Hà Tĩnh. Mà nói với mọi người Việt Nam chúng ta. Bằng tất cả tấm lòng chân thành, sự nhắn nhủ, nhắc nhở da diết và nghiêm khắc. Nghiêm khắc là đúng.

Bởi vẫn có những người sống vô tâm vô đạo.

Có một anh phó tiến sĩ quê Hà Tĩnh. Mẹ già, bố hy sinh trong phong trào Xô-viết, nhà nghèo. Có cô bạn gái cùng xóm tính nết hiền lành, chịu thương chịu khó. Họ thân nhau, rồi thương yêu nhau. Những năm gieo neo đói kém. Cô bạn gái ấy đã bòn nhặt chắt chiu từng đồng, từng hào, từng lon gạo, bơ ngô, từng mớ củi, chai mắm. Để anh đem theo đi trọ học.

Hết cấp hai, rồi cấp ba. Nhờ “lý lịch trong sạch" anh được tuyển thẳng vào đại học. Rồi cũng nhờ lý lịch anh lại được chọn du học nước ngoài. Phần do ân nghĩa sâu nặng, phần lo mẹ già sớm khuya lam lũ lủi thủi một mình. Nên trước khi đi xa anh cưới cô gái làm vợ.

Người vợ đảm ấy suốt tuổi thanh xuân đã hy sinh vì anh. Giờ lại tiếp tục hy sinh vì anh. Tần tảo một nắng hai sương cần cù chăm chỉ phụng dưỡng mẹ chồng. Đối nhân xử thế với gia đình, họ hàng nội ngoại, làng trên xóm dưới đâu ra đấy. Người vợ đảm đang ấy như "con đò cắm cây sào" ngày đêm vò võ "đứng đợi" chồng về. Trăm ngàn sự lo toan vất vả đều đặt lên "con đò" ấy. Vậy mà "con đò” ấy vẫn cam phận gánh chịu không hề kêu ca đòi hỏi.

Khi người chồng khoác tay bạn gái đi dạo trên bờ sông Mat-xcova lung linh ánh điện. Thì ở quê nhà "con đò" ấy đang phải thức thâu đêm chăm sóc mẹ chồng ốm liệt trên giường bệnh.

Khi người chồng say sưa tiệc tùng với bạn bè trong câu lạc bộ ban đêm, điên cuồng trong vũ hội. Thì ở quê nhà mẹ anh trút hơi thở cuối cùng và vẫn "con đò" ấy đau đớn nghẹn ngào vuốt mắt cho bà cụ. Rồi cũng vẫn "con đò" ấy cùng bà con họ hàng, làng xóm làm lễ an táng cho bà cụ. Rồi cũng vẫn "con đò” ấy lo hương khói cúng cơm, lễ bái cho bà cụ theo đúng nghi lễ truyền thống. Rồi cũng vẫn "con đò" ấy lo cải cát xây mộ cho bà cụ. Rồi cũng vẫn "con đò" ấy lại ngày đêm "cắm cây sào" vò võ ngóng đợi chồng.

Với niềm mơ ước về một tương lai hạnh phúc tốt đẹp.


Nhưng than ôi!

Người chồng đó từ nước ngoài về. Có học vị phó Tiến sĩ. Cùng với một bạn gái xinh đẹp là ái nữ của ngài Thứ trưởng Bộ Ngoại thương. Suốt những năm ở Nga họ là tri âm tri kỷ, quấn quýt như cặp uyên ương. Hành lý bỏ chung thùng lớn, thùng bé, va-ly to va-ly nhỏ. Ánh mắt, nụ cười lúc nào cũng tràn ngập niềm vui hạnh phúc. Rồi cũng nhờ mối quan hệ với con gái Thứ trưởng. Mà anh ta được nhận về làm chuyên viên Vụ Xuất nhập khẩu. Thời bao cấp ngồi ở chỗ ấy quyền lớn, tiền nhiều. Anh ta được phân phối căn hộ tập thể tiêu chuẩn tương đương Bìa B. Tiện nghi đầy đủ, toàn đồ xịn. Cuộc sống phong lưu, người đẹp quấn quýt.

"Bến cảng" đấy. Tầu hàng ngàn, hàng vạn tấn neo đậu ăn hàng nhả hàng đấy. Hệ thống kho bãi, giao thông, đèn cao áp sáng trưng, chi chít cần cẩu và tấp nập ôtô, xe máy đấy.

Nhưng anh ta không hề nghĩ tới và thương nhớ đến "con đò" cũ rách suốt bao nhiêu năm trời hết lênh đênh chìm nổi lại nhẫn nại "cắm cây sào đứng đợi".

Mấy tháng sau mới tìm đường về quê. Đem theo tâm địa của kẻ bội nghĩa bạc tình.

Dường như anh ta đã hoàn toàn vô cảm trước "con đò" biết bao tháng ngày vặn sườn chở mình qua những khúc sông đầy sóng gió của cuộc đời. Để mình vinh hiển như hôm nay. Tàn tệ hơn anh ta còn kiếm cớ để xúc phạm, hắt hủi rồi ruồng rẫy "con đò" ấy. Băm vằm chém nát "con đò" đáng trọng đáng thương mà suốt đời anh ta phải mang ơn, mắc tội mắc lỗi ấy.


"Nhìn bến cảng lại nhớ ngày xưa. Thương con đò cắm cây sào đứng đợi".

Hầu hết người Hà Tĩnh, người Việt Nam trọng đạo lý. Nhưng vẫn có những kẻ táng tận lương tâm. Đi ngược lễ giáo đạo đức truyền thống.


Nhờ tính khái quát của lời ca. Mà mỗi lần nghe bài hát ấy. Lại làm bừng lên trong mỗi chúng ta tình yêu quê hương đất nước. Sự gắn bó sâu nặng với những người thân thiết ruột thịt. Cùng với nỗi niềm trăn trở tự trách.

Nếu mình chưa sống trọn vẹn thuỷ chung.

Nếu mình chưa sống đầy đủ theo “Đạo Làm người”.

Ý nghĩa giáo huấn trong “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” vô cùng sâu sắc là thế.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sống mãi với thời gian, với lịch sử âm nhạc nhờ thế.