(Đọc lại “Thư về quá khứ”,
tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Tân, Nxb Hội Nhà văn, 2016)
1.Trong bài viết “Văn chương Việt Nam 2016 - Một cách nhìn” (đăng trên Tạp chí Hồng Lĩnh, Hội VHNT Hà Tĩnh, số Tết Đinh Dậu), chúng tôi có điểm 10 cuốn tiểu thuyết đáng đọc của năm, trong đó có “Thư về quá khứ” của Nguyễn Trọng Tân. Một cuốn tiểu thuyết được thai nghén và hoàn thành trong vòng 18 năm (1988-2016) nói lên điều gì? Thời gian nói về ý thức của người cầm bút khi phục dựng một ký ức lương thiện bằng ngôn ngữ văn chương. Vì thế chúng tôi thích thú khi thấy nhà văn chọn một làng quê Bắc Bộ điển hình để tạo ra cái “cuống rốn” cho nhiều nhân vật, nhiều câu chuyện cả trong thời bình cũng như thời chiến và thời hậu chiến. Đó là làng Phù Vân. Nhưng đó không phải là một cái làng - một đơn vị hành chính, văn hóa – tĩnh mà là rất động. Nó trải qua bao vật đổi sao dời, qua bao biến động, thăng trầm, do khách quan và cũng do chủ quan. Một cái làng với bao nhiêu phong tục (thuần phong mỹ tục cũng có, hủ tục cũng có), bao nhiều tiềm lực, bao nhiêu số phận, bao nhiêu chia li đau đớn cũng như đoàn tụ hân hoan. Cả mấy chục năm, cả mấy chục nghìn ngày không ngơi nghỉ trong dòng chảy thời gian, cái làng Phù Vân đã không còn nguyên dạng, nguyên sơ. Một cái làng không lớn mà qua hai cuộc chiến tranh có đến gần hai chục liệt sỹ, còn thương bệnh binh thì nhiều hơn. Một làng có Anh hùng lực lượng vũ trang Cao Mừng (vốn là một đứa con hoang). Nhưng cũng có những kẻ phản bội (thằng Trạm, kẻ chiêu hồi). Cấu trúc của tiểu thuyết có 9 bức thư thì chia ra tỷ lệ: Về làng từ trong truyền thống (3) về làng thời binh lửa (5), về làngthời hậu chiến (1). Nhưng cái mạnh của tác giả là khi viết “thư về quá khứ” đã đan cài được cả hai mảng “làng truyền thống” và “làng thời hiện đại”, “ làng chiến tranh” và “ làng hòa bình”, “làng quê kiểng” và “ làng lên phố”, “ làng hậu phương” và “chiến trường” trong một đơn vị cơ bản của xã hội Việt Nam cho đến tận hôm nay. Nghĩa là ngòi bút của nhà tiểu thuyết luôn dịch chuyển trong những không gian văn hóa rất khác nhau. Những trang văn trong các bức thư (1, 2, 8), dẫu chưa chiếm phần nhiều về độ dài nhưng lại ưu trội về dựng và khắc ghi cái không khí, cái không gian văn hóa làng quê Việt Nam, nơi đây ra đi những chàng trai, những người con ưu tú của quê hương. Làng quê Phù Vân cũng là nơi ra đi và nơi trở về của những người con trai, con gái thuộc một thế hệ nâng niu tất cả chỉ…quên mình. Nó là cuống rốn, núm ruột, là nơi chôn nhau cắt rốn của những nhân vật tiểu thuyết (dù họ vằng vặc như trăng sao hay lỡ nhịp với đời vì những chuyện lao lí). Những con người bình thường, vẻ lam lũ của làng Phù Vân lại gợi xúc động với độc giả hơn là câu chuyện về những trai thanh gái lịch đã rời làng quê với biết bao nhiêu công việc và số phận khác nhau. Đó là chị Thứ Câm với số phận hẩm hiu. Nhưng là một tấm lòng vàng. Đó là bà Buộm “như cây cỏ ấu níu chặt vào đất quê”, làm nghề hót phân để mưu sinh, nuôi cả đàn con khôn lớn. Tôi nghĩ, cái phần được nhất của “Thư về quá khứ” chính là dựng nhân vật Nhân Dân. Như câu thơ của Petofi – nhà thơ Hungary “Cày một tay/Gươm một tay/Đời nhân dân muôn nỗi đắng cay/Máu cứ đổ mồ hôi cứ đổ”. Nhưng làng Phù Vân không chỉ có những con người bé nhỏ, đôi khi hơi vẻ tội nghiệp như chị Thứ Câm hay bà Buộm. Cái làng cổ truyền này còn tự hào và mở mày mở mặt ra được với thiên hạ là nhờ vào một thế hệ dám dấn thân (nhan đề Thư 3/ “Dấn thân”). Nhưng cuộc dấn thân của thế hệ trẻ làng Phù Vân đã được chuẩn bị kĩ càng nhờ cái bàn đạp, cái bệ phóng là làng quê, họ tộc, tình làng nghĩa xóm. Điển hình cho thế hệ trẻ trưởng thành trong khói lửa chiến tranh là Nguyễn Bá Nhã – với ý nghĩa là nhân vật chính của tiểu thuyết. Đoàn tân binh của làng Phù Vân lên đường nhập ngũ có hai mươi chàng trai trẻ, trong đó có Nguyễn Bá Nhã. Khi đó anh mới 17 tuổi sức lực phổng phao “bẻ gãy sừng trâu”. Nhã đã chuẩn bị cho bản thân “một tinh thần bình tĩnh và chu đáo đến không ngờ”, anh “sẵn sàng bình tĩnh đón nhận mọi thử thách, cả cái chết nếu cần để cho đất nước đứng vững”. Những năm tham gia chiến tranh, anh đã trải qua nhiều chiến trường ác liệt từ Bê Trọc, đến Khu Năm, rồi theo đại quân vào giải phóng Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử. Dấu chân anh in lên khắp các chiến trường miền Nam những năm khói lửa. Sau 1975, anh trở về với đời thường, trở thành sinh viên Văn khoa. Nhưng một lần nữa khi tiếng súng Biên giới 1979 nổ ra, anh lại tái ngũ, tham gia cuộc chiến đấu mới chống quân bành trướng phương Bắc. Giặc tan, anh lại trở về mái trường đại học thân yêu, học xong cái nghề yêu thích và trở thành nhà văn, nhà báo. Con đường sống và trưởng thành của Nguyễn Bá Nhã có thể coi là điển hình cho một thế hệ thanh niên Việt Nam thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
2. Theo chúng tôi thì, “Thư về quá khứ” dẫu có nhân vật trung tâm theo lý thuyết về tiểu thuyết, dẫu cho Nguyễn Bá Nhã đi xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm, thì bao trùm hơn, sáng chói hơn vẫn là Nhân Dân. Ở đây Nguyễn Bá Nhã đứng giữa một chân dung tập thể (“đám đông”). Hay nói cách khác là trong tiểu thuyết này nhà văn có ý thức xây dựng nhân vật trung tâm là Nhân Dân. Khi ở làng thì anh ta là một thành viên của cộng đồng làng. Khi tham chiến thì anh ta là một người lính thực thụ giữa bao la đồng đội. Thời hậu chiến anh ta là một thành viên trong cái “đám đông” rất đáng yêu có tên - sinh viên. Và khi cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc (2-1979) nổ ra thì anh là một cựu chiến binh giữa trận tiền khi chúng ta phải đối diện, đánh nhau với “ông bạn vàng” nhưng dã tâm bành trướng thì đen tối. Dân gian có câu “trai thời loạn gái thời bình”, lại có câu “nước sông công lính”. Dẫu thế nào đi chăng nữa thì, như tác giả tự bạch (in ở đầu sách): “Mỗi mảnh ký ức là một câu chuyện, một lá thư. Thư về quá khứ”. Quá khứ khi trở thành ký ức thì chia ra thành hai dạng thức: ký ức lương thiện và ký ức không lương thiện. Đã nói đến chiến tranh ở Việt Nam trong mười ngàn ngày là nói đến toàn dân, toàn diện, trường kỳ. Tác giả ký thác tâm sự: “Những mảnh vụn kí ức trong lá thư này không vẽ lên hình hài cuộc chiến, nó thủ thỉ kể về nỗi tấy nhức trong trái tim người lính, tiếng thở dài nhớ mẹ giữa đêm sâu, niềm khao khát yêu đương, cả những cái chết lặng lẽ tức tưởi vô danh góc rừng chiều…Chuyện của lính. Những chuyện bình thường trong thời chiến. Bình thường như số phận người lính. Những câu chuyện vùi sâu dưới đáy ba lô”. Cũng có thể đặt tên cho cuốn tiểu thuyết này là “Bài ca người lính” chăng?!
“Thư về quá khứ”, theo chúng tôi, thuộc về loại “chuyện bây giờ mới kể” (nên nó hao hao hồi ký hay tự truyện). Những mất mát hi sinh dẫu cho bây giờ mới kể nhưng không giảm bớt thời sự. Thời sự nhưng muôn đời vì nói đến sự sống và cái chết. Nói đến những buồn vui của đời người. Nói về cái đẹp và cái xấu. Nói về cái thiện và cái ác. Bởi lẽ kể về một thế hệ đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp chung - sự nghiệp giải phóng đất nước - những chuyện ấy, thiết nghĩ, không bao giờ cũ. Như vậy, theo ý chúng tôi, về thi pháp, “Thư về quá khứ” không ra ngoài “phên giậu” của tiểu thuyết viết về chiến tranh trong chiến tranh. Nghĩa là viết bằng cảm hứng bi hùng, nghĩa là bút pháp dựng toàn cảnh, nghĩa là chú ý đến “đám đông”, nghĩa là “đại khí” trong giọng điệu (không nỉ non, sầu oán, bi ai, thất vọng, mà là thẳng băng, khỏe khoắn). Kinh nghiệm tiểu thuyết thế giới về chiến tranh đã cho những bài học nghệ thuật quý giá khi C. Ximônôp (Nga) viết “Những người sống và những người chết”, E. Hêminguây (Mỹ) viết “Chuông nguyện hồn ai”.
3. “Thư về quá khứ” được viết bằng bút pháp hiện thực. Một bút pháp đã được xác lập từ “Trang gia phả viết bằng vôi” (Tập truyện ngắn, 1991). Với độc giả phổ biến thì bút pháp này vẫn có sức quyến rũ hơn là “kỳ ảo”, “dòng ý thức” hay “hậu hiện đại”. Một hiện thực nghiêm nhặt có khi trần trụi như cách tả cái chết của gần hai chục chiến sỹ ở một cánh rừng do bị bị bom CBU (tr. 438). Cảnh đau thương đó (“Gần hai chục đồng đội anh nằm ngả ngớn. Họ lịm nín như đang ngủ vùi. Rừng chỗ ấy sạch tinh tươm. Cây cối, mặt đất không một tí xáo trộn. Máu từ tai, mũi và khóe mắt họ rỉ ra, đã khô đét, thâm xịt. Nhiều người giơ tay ôm xiết lấy ngực, tư thế kì quặc. Mắt lồi hết tròng. Thảm thiết hơn, tất cả họ đều thè dài lưỡi ra khỏi vòm miệng”) gợi nên không khí bi hùng thời trận mạc của câu chuyện. Độc gải nhận ra đó là cách viết của người lính thự thụ trải nghiệm chiến tranh. Không bịa đặt hoang đường. Nếu so sánh với “Mùa hè buốt giá” của Văn Lê hay “Mưa đỏ” của Chu Lai thì sự tàn khốc, khủng khiếp của chiến tranh trong “Thư về quá khứ” là cao độ không kém nhưng trong một hình hài khác. Nhưng có tình tiết về cái chết của những người lính Việt Nam Cộng hòa (tr.440-441) thì lập tức chia đôi dư luận. Vẫn là nhân vật Nguyễn Bá Nhã chứng kiến cái chết thê thảm này. Những người lính phía bên kia chết không nhắm được mắt. Thế là: “Nhã lập tức vuốt mắt cho từng người. Thương cảm ứ tràn”, vì một lẽ giản dị: “Họ chẳng khác gì anh. Cũng xương thịt con người. Cũng tinh cha huyết mẹ hợp duyên mà thành. Họ cũng khát khao được sống”. Nhiều bạn đọc chia sẻ với chúng tôi về tình tiết này. Đa số đồng cảm với hành xử của Nhã. Một hành xử theo tinh thần “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Chiến thắng lớn nhất của chúng ta trong chiến tranh cũng như trong thời bình chính là chiến thắng chính bản thân mình. Vượt qua hàng rào định kiến cũng là một chiến thắng bản thân không hề dễ và nhỏ. Tất nhiên còn ai đó có thể lên tiếng phê phán tác giả là “mơ hồ giai cấp tính”!? Riêng chúng tôi, không nghĩ đến vấn đề lập trường hay giai cấp tính của tác giả, chỉ thấy đau xót, ám ảnh sau khi đọc xong “Thư về quá khứ”. Vì thế đồng cảm và chia sẻ với tác giả: “Kỳ vọng của người viết muốn thêm một bàn tay xóa bỏ hận thù, hòa hợp dân tộc. Thêm một tiếng nói lên án chiến tranh” (“Lời đầu sách”).
Chúng tôi nghĩ, cật vấn quá khứ cũng là một cách rút ra kinh nghiệm để hướng tới tương lai. Vì thế thành công của “Thư về qua khứ” chính là viết bằng cảm hứng về một tương lai không có chiến tranh hủy diệt. Một tương lai hòa bình và hạnh phúc với mỗi con người./.
Hà Nội, 2017-2022
Bài in trên Báo Thời báo kinh tế Việt Nam, số 77+78 (ra ngày 1-4-2017)