Thời gian gần đây, những lúc nhức mỏi, tâm trạng không được thăng bằng cho lắm, tôi thường tìm đến thơ Nguyễn Văn Gia, và đọc văn Elena Pucillo. Lời văn tự sự của chị như một liều Aspirin xoa dịu nỗi nhức nhối trong lòng người vậy. Có thể nói, Elena Pucillo là một hiện
tượng đặc biệt trên diễn đàn văn chương Việt trong những năm gần đây. Sự đặc biệt ấy, không hẳn bởi tài văn, mà là sự nhào trộn, hoà tan cái văn hóa Ý- Việt vào những trang sách của chị.
Đọc văn Elena Pucillo (qua bản dịch của Trương Văn Dân) nếu không biết trước, có lẽ ai cũng nghĩ, tác giả phải là người Việt. Bởi, bối cảnh, tâm lý, hồn cốt nhân vật như đã được Việt hóa hoàn toàn vậy. Có lẽ, cái món văn hóa spaghetti tan chảy vào cái văn hóa nước mắm chăng?
Chẳng vậy, có lần ngồi khật khừ với Nguyễn Đức Minh ở Bischofswerda, người rất thân thiết
với vợ chồng Elena Pucillo-Trương Văn Dân, chẳng biết đùa hay thật gã bảo: Làm bất cứ loại
Spaghettisoßen nào (nước sốt mì Ý) Elena cũng cho nước mắm cá cơm Bình Định nguyên chất
vào. Tôi không tin như vậy. Nhưng mấy năm trước Elena sang thăm tôi, bún mắm tôm cứ thấy
chị đả đều đều.
Nhà văn Elena Pucillo người Italia, là tiến sĩ ngôn ngữ và văn học nước ngoài. Chị đã
từng là giảng viên Đại học Milano, và Đại học âm nhạc, cũng như Đại học khoa học xã hội,
nhân văn Saigon. Nghiên cứu và tiếp xúc với văn chương từ rất sớm, nhưng Elena viết văn
muộn. Và chị chỉ viết khi cảm xúc ùa đến bất chợt, buộc phải cầm bút, do vậy văn của chị rất
sinh động và chắt lọc. Và nếu không có sự cổ vũ, dịch chuyển sang Việt ngữ của người chồng,
nhà văn Trương Văn Dân, thì có lẽ, văn chương của Elena không được nhiều người biết đến như
hiện nay. Thật vậy, những tác phẩm: Bóng của ngày, Một phút tự do, Vàng trên biển đá đen,
Cùng Bay về Tâm dịch đã xuất bản, và Hạt bụi lênh đênh, cùng Nỗi đau ngọt ngào sắp xuất bản
của chị đã được Trương Văn Dân dịch nguyên bản từ tiếng Ý một cách sinh động và tinh tế.
Văn chương Elena gồm hai mảng chính: Truyện ngắn, và tùy bút, tạp văn. Tự sự là nghệ
thuật xuyên suốt những trang viết của Elena. Và khi đi sâu vào đọc, ta có thể thấy, Elena là một
nhà văn có tài khám phá, miêu tả diễn biến nội tâm, hay mượn cảnh vật thiên nhiên để bộc lộ tâm
trạng nhân vật. Nếu được phép tuyển chọn, với tôi Vàng Trên Biển Đá Đen là tập truyện hay và
tiêu biểu nhất về nội dung, cũng như thi pháp (hình thức nghệ thuật) sáng tạo này của Elena.
*Tính chân thực, với cái nhìn nhân bản.
Có thể nói, ngay từ những ngày đầu nghiên cứu ở Đại học Milano, Elena đã bén duyên
với viết lách, nhưng chỉ đến khi về sống và giảng dạy ở các trường Đại học Saigon thì tài năng
văn chương của chị mới được phát tiết. Có lẽ, đất và con người nơi đây đã cho chị những cảm
xúc đặc biệt chăng? Có được những trang văn chân thực, làm rung động mọi tầng lớp người đọc
như vậy, ngoài bút lực, ta có thể thấy, tình yêu, tình người của Elena sâu đậm biết nhường nào.
Để có được những cảm xúc ấy, Elena đã đi vào khám phá nội tâm tư tưởng, hồn vía con người
nơi đây, từ đó có một sự đồng cảm sâu sắc. Và “Con chim nhỏ trong lồng” là một truyện ngắn
như vậy của chị. Nhà văn đã chọc thẳng ngòi bút vào cái vô cảm, sự mâu thuẫn gia đình, xã hội
mà bấy lâu nay dường như đã bị chìm lấp. Lời văn tự sự, hay là tiếng kêu bất lực vọng lên từ
những mẹ, người già cô đơn, hiu quạnh trước sự thờ ơ, ghẻ lạnh của con cái, gia đình và xã hội:
“Bị giam hãm giữa bốn bức tường, tôi như chết từng ngày, lặng lẽ ngồi cô đơn trên thành giường
mà chẳng có căn phòng riêng nào để trú ẩn. Những tiếng động bên kia bức tường là của những
người xa lạ, của những người hàng xóm không quen, lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau của tôi.”.
(Con chim nhỏ trong lồng)
Nỗi đau, sự tuyệt vọng ấy, đã đẩy người mẹ đến đường cùng, ngõ cụt. Tự kết thúc cuộc
sống là lối thoát duy nhất của bà. Thân phận con người cùng tâm trạng đó đã được nhà văn Elena
lồng vào sự vần vũ của đất trời, thiên nhiên. Sự miêu tả độc đáo, cùng những hình ảnh so sánh,
với phép ẩn dụ này, dường như nhà văn muốn làm giảm đi nỗi đau của bi kịch đó, và bật lên tấm
lòng vị tha của con người, cũng như của chính tác giả chăng? Tuy vậy, từ cái hiện thực đó ta vẫn
nhận thấy cái rẻ mạt của tình người, và nhân cách. Và cái luân lý, đạo đức đã bị đảo lộn tùng
phèo trong gia đình, xã hội đương thời, gây nhức nhối cho người đọc. Đoạn kết của thiên truyện:
Con chim nhỏ trong lồng (dưới đây), tuy rất buồn, nhưng có lời văn nhẹ nhàng, và tuyệt đẹp. Nó
không chỉ cho ta thấy rõ những điều đó, mà còn chứng minh tài năng sử dụng biện pháp tu từ của
nhà văn Elena:
“Đêm nay có một vầng trăng tuyệt đẹp trên bầu trời, chỉ có một phần rất nhỏ bị che bởi
một sợi mây. Tôi bỏ khung hình vào túi áo, đó là kho tàng của tôi, và từ cửa sổ tôi nhìn xuống
thành phố đang ngái ngủ. Tia mắt tôi dõi theo ánh đèn màu đỏ của một chiếc xe hơi dọc theo
hàng trụ đèn đường. Yên lặng quá. Từ trên cao ánh sáng chiếu xuống mềm mại như bông làm tôi
có cảm giác như mình cũng đang đứng trên một cụm mây. Chỉ vài giây thôi! Tôi nhoài người,
bay qua khung cửa sổ, rơi tự do trong không khí. Trên môi tôi vẫn nở một nụ cười thật ngọt
ngào, để khỏi phải hét lên, sợ làm phiền người khác”.
Từ yêu người, dẫn đến tình yêu mảnh đất nơi đây, làm cho Elena gắn bó chặt chẽ với nó.
Sự đi lại tìm tòi, khám phá với cái nhìn, quan sát tỉ mỉ cùng sự sẻ chia, cảm thông sâu sắc, như
vốn sống để nhà văn viết nên truyện ngắn: Vàng trên biển đá đen, được in trong tập sách cùng
tên. Tình tiết đơn giản, lời văn mộc mạc, song đây là một trong những truyện ngắn cảm động, và
hay nhất của Elena. Gieo mầm một động từ, hay là hình ảnh, một phép tu từ so sánh: (gieo hạt,
và gieo chữ) làm nên cái tứ của thiên truyện. Cái khát khao sống, buộc con người phải vượt qua
khắc nghiệt của thiên nhiên. Và cái tình người (gieo chữ, bồi đắp linh hồn) ấy, nhà văn đã mở ra
lối thoát cho đất và người nơi cao nguyên núi đá khô cằn:
“Một hạt giống không thể nẩy mầm nếu không có đất, và trên núi đá không phù hợp nên
họ đào một cái rãnh và đem đất từ nơi khác lấp vào. Một điều đơn giản, mà từ thời nguyên thủy
con người đã chiến đấu với thiên nhiên để sinh tồn. Gieo hạt để nẩy mầm! Công việc của tôi
cũng vậy. Bây giờ tôi hiểu là mình cũng đang gieo hạt và tìm cách giúp các cậu học trò nảy mầm
cho cuộc sống mới…” (Vàng trên biển đá đen)
Đọc Elena, ta có thể thấy tình yêu, tình người không chỉ dừng lại ở hai người mẹ Việt-Ý,
mà sự ấm áp đó của nhà văn làm tan đi giá lạnh của bà cụ cô đơn, hay một bé gái bán vé số…
Thật vậy, đọc: Mèo con lạc lõng, và Cho nhau một chút an lành (trong tập truyện Hạt bụi lênh
đênh, sắp phát hành) rồi quay lại đọc Thư viết cho mẹ (trong tập Vàng trên biển đen, in năm
2018) tôi bị xúc động mạnh. Cảm xúc tuy khác nhau, song có thể nói, tình yêu, lòng nhân ái ấy
làm cho người đọc xa quê, xa tổ quốc gần bốn chục năm như tôi ấm lại. Và hơi ấm đó, dường
như xuyên suốt những trang văn Elena. Mỗi truyện ngắn, một tản văn của chị như một bài học
luân lý vậy. Nếu đọc Con chim nhỏ trong lồng, ta thấy cái luân lý, đạo đức gia đình, xã hội bị
đảo lộn, thì đến Thư viết cho mẹ, Elena đã trả cái luân lý, đạo đức ấy về đúng vị trí của nó. Đọc
Elena một cách có hệ thống, ta có thể thấy, dù chị dẫn dắt người đọc đến đâu, và đi đâu chăng
nữa, thì cái đích cuối cùng vẫn quay về với chân thiện mỹ.
Cũng như tác phẩm Nụ Hoa Vàng Của Ngày Si Tình của nhà văn Trần Hoài Thư (đã đọc
trước đây) Thư viết cho mẹ của Elena (đọc gần đây), khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi chưa
biết để ở mục truyện ngắn, tùy bút, hay một trang thư. Và cho đây là một bức thư, thì có lẽ, đây
là lá thư thứ hai hay nhất mà tôi đã được đọc. Nếu Nụ Hoa Vàng Của Ngày Si Tình như một sự
tiếc nuối tình yêu của cái thuở ban đầu, thì Thư viết cho mẹ là tình yêu, lời tự sự về mẹ của
Elena. Đằng sau lời tự sự ấy là câu chuyện thật cảm động về những người mẹ. Thư viết cho mẹ
gây cho tôi cảm xúc đặc biệt, không hẳn bởi nội dung, mà do thủ thuật dẫn dắt truyện của tác giả.
Thủ thuật kết nối từ một người mẹ (đẻ) sang người mẹ (chồng) một cách bất ngờ ấy của Elena
làm tôi nhớ đến cái qui tắc bắc cầu trong toán học, từ cái thuở còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây
cũng là một trong những truyện tiêu biểu về tính chân, thiện của Elena. Và đọc nó, dường như ta
thấy, văn chương cũng như con người chị đang đến gần hơn với tư tưởng, triết lý nhà Phật:
“Bây giờ thì con xin báo cho mẹ biết là trong những ngày tới, mẹ sẽ có một cuộc gặp gỡ
quan trọng. Đến gặp mẹ là một người đàn bà mà mẹ đã từng gặp rất nhiều năm trước: mẹ của
chồng con. Con tin chắc rằng hai người sẽ trở thành bạn, sẽ kể cho nhau nghe nhiều rất chuyện,
về những cuộc đời ở mãi tận phía bên kia trái đất. Bà ấy hay cười và thích nói đùa. Đây là điều
mà con đang tưởng tượng: Hai người ngồi bên nhau như thể là hai người bạn lâu năm, vui đùa,
cười nói. Mẹ chồng của con sẽ nói về Việt Nam, sẽ giải thích về lễ Vu Lan, một ngày lễ Phật
giáo rất đặc biệt dành cho các bà mẹ vì họ giữ một vai trò quan trọng trong gia đình cũng như
ngoài xã hội” (Thư viết cho mẹ)
Có thể nói, truyện ngắn nào của Elena cũng đầy ắp hình ảnh, tình tiết so sánh, liên tưởng.
Cùng với lời văn nhẹ nhàng, tinh tế như vậy, hiển nhiên chị đã mang đến người đọc sự rung động
và cảm thông sâu sắc.
*Tùy bút, tạp văn…với những nét đặc trưng.
Như có lần phân tích tác phẩm Miền Ấu Thơ của Vũ Thư Hiên và Sông Lam của Trần
Mạnh Hảo, tôi đã viết: Có người cho rằng, chỉ có các nhà thơ, nhà văn viết về chính quê hương
của mình mới có những tác phẩm hay, và chân thực. Song đi sâu vào văn học sử, cho tôi suy
nghĩ ngược lại: Thường những mảnh đất, đồng quê xa lạ mới là đề tài để các nhà văn, thi sĩ đẻ ra
những tác phẩm hay. Thật vậy, nếu không có cái nhìn xa lạ, tò mò khám phá của cậu bé đến từ
nơi phố thị, thì sau này Vũ Thư Hiên khó có thể viết được tác phẩm Miền Ấu Thơ về đồng quê
hay, đặc sắc có sức sống bền bỉ và lâu dài. Hay nếu sinh ra, và lớn lên ở Nghệ Tĩnh, chưa chắc
Trần Mạnh Hảo đã viết được Sông Lam, với những hình tượng mới lạ, sâu sắc làm rung động
không chỉ người đọc nơi xứ Nghệ. Và nhà văn Elena Pucillo cũng vậy. Đến từ Italia, khi Elena
viết về Hà Nội hay Trà Sư, hoặc một vùng đất Việt nào đó sẽ khách quan, mang tính khám phá,
sinh động hơn. Nó gây cho người đọc cảm giác thú vị như được tìm hiểu, khám phá vùng quê ấy
cùng nhà văn. Hà Nội, nét đẹp bí ẩn là một tùy bút như vậy của Elena. Từ một tiếng rao đêm,
hay một gánh đậu hũ non nóng giữa phố thị, hoặc những hàng trái cây bên đường, dưới lăng kính
của mình, Elena cho người đọc cùng liên tưởng đến hình tượng (so sánh) thật độc đáo và mới lạ:
“Tôi kinh ngạc nhìn các kim tự tháp bằng trái cây đặt trước các cửa hàng bên lề đường, trái nọ
chồng lên trái kia, màu sắc chen nhau, như thách thức quy luật thăng bằng.”. Là tiến sĩ văn học
Pháp, do vậy Elena đọc, nghiên khá rõ về văn hóa của các nước thuộc địa ở những năm đầu thế
kỷ 20. Có được sự đồng cảm và tình yêu ấy, dường như Elena muốn bộc lộ cái tư tưởng, ước
vọng của mình. Trở về cái thuở ban sơ của thành phố, như một cánh chim tự do muốn thoát ra
khỏi những rào sắt vô tình đó. Vâng, đó cũng là khát khao, ước muốn không chỉ riêng của nhà
văn. Một tiệm thuốc, hay nơi bán đồ lưu niệm ở góc phố, hoặc quán bia nơi vỉa hè cũng gây
Elena một ấn tượng, một cảm xúc để chị đặt lên trang viết của mình. Có thể nói, Elena Pucillo là
một nhà văn giầu trí tưởng tượng, có lời văn nhẹ nhàng, sâu sắc, ngữ nghĩa đa tầng. Và có lẽ,
không chỉ tôi mà nhiều người sinh trưởng, gắn bó với Hà Nội đọc trang văn này, ít nhiều sẽ được
hiểu biết thêm về nó:
“Giống như một giấc mơ giữa ban ngày, tôi tưởng mình đang cưỡi rồng bay trên thành
phố, luớt qua khu biệt thự Pháp và những căn nhà thời thuộc địa được che chắn bởi những hàng
rào và cổng vào bằng sắt trang trí theo kiểu Liberty của đầu thế kỷ 20. Tôi muốn mình được bay
như một cánh chim vừa thoát khỏi lồng, lơ lửng trên những con đường thuốc, với những dụng cụ
chưng cất đang hâm nóng bát thuốc trường sinh hay cỡi trên lưng một con cá vàng bơi dọc theo
sông Hồng.” (Hà Nội, nét đẹp bí ẩn)
Mượn cảnh vật thiên nhiên để miêu tả nội tâm nhân vật là nghệ thuật không hề mới, gần
đây được nhiều nhà văn quay lại sử dụng. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công ở loại hình
nghệ thuật này. Đọc Một đêm huyền diệu của Elena chợt làm tôi nhớ đến cái tài, lấy động tả tĩnh
trong Thu Điếu của cụ Nguyễn Khuyến“Cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Hay ngược lại, mượn
cái tĩnh của căn phòng tả tâm trạng động trong “Hộ Chiếu Buồn Những Biên Cương” của Thế
Dũng. Và khi đến thăm nhà văn Nguyễn Hoàng Đức, Elena đã mượn đồ vật, cảnh trí trong căn
phòng dường như để miêu tả, khắc sâu cuộc sống, tính cách cũng như tâm hồn gia chủ. Thật vậy,
với sự liên tưởng độc đáo ấy của Elena, nhà văn Paul Đức (Nguyễn Hoàng Đức) hiện lên lịch
lãm như một triết gia, nghệ sĩ, hay hình ảnh chiến binh của Phong trào khai sáng Tây Âu ở thế kỷ
18 vậy. Trích đoạn có lời văn tinh tế dưới đây, không chỉ thấy rõ điều đó, mà còn cho ta thấy tài
năng, cũng như sự quan sát tỉ mỉ của nhà văn Elena:
“Tôi có cảm giác như không phải mình đang ở trong một căn nhà ở Hà Nội, Việt Nam.
Tôi tưởng mình là cô bé Alice đang đứng trước chiếc gương thần để khám phá ra một thế giới
khác. Tôi tưởng mình đang ở Paris, trên tầng nhà áp mái của một họa sĩ, một nghệ nhân
Bohémien, đang ở vùng Montmartre hay ở khu Quartier Latin. Tôi đứng ngây người nhìn những
bức tranh treo trên tường. Những tủ sách, ôi chao cơ man là sách, nhiều lắm và những bản nhạc
mở rộng đặt trên chiếc dương cầm, như thể chàng nghệ sĩ vừa dạo đàn trước đó và trong không
gian vẫn còn vang vang những nốt nhạc du dương của Beethoven, của Liszt hay Chopin... Tôi
không thể nào rời mắt khỏi những thứ đồ vật vây xung quanh mình. Trên một bức tượng bán
thân có phảng phất nét mặt của Paul Đức, được lập lại trong một bức chân dung được phóng cọ
theo phong cách hiện đại, anh xuất hiện như một chiến binh tân thời.” (Một đêm huyền diệu)
Nếu truyện ngắn Elena sắc lạnh, thì tùy bút, chân dung của chị mềm mại, ấm áp. Tình
bạn, tình người ủ ấm những trang viết của chị. Tùy bút, tạp văn Elena thường là những ký ức
nhỏ, hay cảm xúc bất chợt từ một bạn văn, một nhà sư, một em bé bán vé số, hoặc về một miền
quê nào đó…mà chị đã bắt gặp, trải qua. Thật vậy, mỗi (một) người bạn đều cho Elena cảm hứng
viết. Và cái hơi ấm tình bạn, tình người ấy, với chị: “thật bình an và sảng khoái, hơn hẳn các loại
thuốc hay liệu pháp trị liệu nhóm nào hiện hữu trên thế giới” (Trị liệu nhóm). Tuy nhiên, đọc tùy
bút Elena, tôi khoái nhất những trang viết về chân quê, cùng những hình ảnh thân thuộc dưới góc
nhìn của chị. Vâng, hình ảnh bà cụ, với tiếng gà kêu quang quác dưới cái lạnh của mưa gió như
kéo hồn vía chúng tôi về với đất mẹ vậy. Cái mộc mạc và chân thực ấy, Elena làm cho lòng tôi
ấm lại, khi ngồi viết những dòng chữ này, bởi cái tình người còn sót lại:
“trời mưa lất phất, nên chúng tôi phải nép vào một mái hiên của một căn nhà nhỏ. Bỗng
tôi nghe có tiếng lục đục rồi có một bà cụ bước ra mời chúng tôi vào trong nhà nghỉ ngơi cho ấm.
Lát sau tôi nghe có tiếng gà đập cánh và kêu lên quang quác. Con gà có thể là của để dành của
bà, nhưng bà cụ đem ra nấu cháo mời chúng tôi mà chẳng chút đắn đo. Cho đến hôm nay, tôi vẫn
còn nhớ như in bóng dáng bà nhỏ con, chiếc áo bà ba màu nâu phủ lên một thân hình mảnh
khảnh và nhất là nụ cười hiền hậu, thương quá, hai khóe miệng còn thẫm đỏ màu trầu.” (Một
đêm huyền diệu)
Không biết Elena có phải là một Phật tử hay không, song đi sâu vào đọc và nghiên cứu, ta
có thể thấy Phật giáo, hình ảnh, đức tin thấm đẫm những trang văn của chị. Với cái tư tưởng này,
Elena luôn hướng nhân vật hành động, ứng xử nhân hậu, nhìn nhận con người, sự việc ở mặt tích
cực, hay mở ra một lối thoát cho họ và xã hội. Khi đọc: Hạt bụi lênh đênh, trong tập truyện cùng
tên, sắp in của Elena, càng cho tôi những cảm nhận hơn nữa: Cái chánh tin ấy của chị không chỉ
trong sinh hoạt thường nhật, mà ngay cả những lúc ốm đau sinh tử. Sự bình tâm, thanh thản từ
nơi Đức Phật chính liều thuốc đã giúp con người vượt qua những đớn đau, ưu phiền đó. Thật
vậy, đây cũng là một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong tùy bút, văn xuôi của Elena:
“Tôi biết là mình đang ngầy ngật vì thuốc. Có lúc tôi cảm thấy như mình đang lơ lửng
trong một cái bong bóng đang tan biến. Điều lạ lùng là nằm trong đó tôi không còn nghe đau
đớn, chỉ có bình an. Tôi giật mình thức giấc vì bất ngờ có ai đó ngồi bên cạnh mình. Tôi nghe
một bàn tay đang đặt lên trái tim và cùng lúc đó cũng có một bàn tay khác đang nắm lấy cổ tay
mình. Tôi mở mắt một cách khó nhọc và trời ơi, trước mặt tôi là ánh mắt sáng rỡ của nhà sư mà
mình đã gặp trên chuyến bay. Nhà sư nhìn tôi mỉm cười và bàn tay ông dời từ trái tim để đặt lên
trán tôi. Ông không nói gì, nhưng sự hiện diện của ông ở nơi đây đã ban tặng cho tôi một sự bình
yên không thể nào nói được nên lời” (Hạt bụi lênh đênh)
Có thể nói, mỗi truyện ngắn, tùy bút của Elena Pucillo là một lát cắt của cuộc sống. Cái
ác, và sự giả dối, chị vẫn đặt lên trang văn một cách sâu đậm, như để răn mình, răn đời vậy. Và
tính nhân văn, khát vọng sống, khát vọng tự do đã làm nên văn chương, tên tuổi Elena Pucillo.
Tuy nhiên, văn tự sự, độc thoại nội tâm, dù sâu sắc, nhưng ít đối thoại làm lời văn chậm, cho ta
cảm giác mệt mỏi khi đọc. Đây cũng là nhược điểm của loại hình nghệ thuật này.
Leipzig ngày 8-1-2022
Đỗ Trường