(Nguyễn Trường Tộ, Di thảo, số 42, năm 1871)
Tất cả các nước, không nước nào giao thiệp qua lại chặt chẽ với nước khác, mà không được cường thịnh. Có điều là tôi đã quan sát tình tình thiên hạ thì thấy rằng họ dễ giao thiệp với người, tình tình của ta thì quá khác người, cho dẫu muốn chọn lựa để giao thiệp cũng sợ việc khó thành.
Phàm bình thường trong khi giao tế vẫn người ta, một khi mở bày tấm lòng là đã thấy thành thực, thể còn sợ chưa thỏa lòng thay. Huống chi ngồi nói chuyện với người ta mà coi bọ bồi hồi láo liêng, như người xây xẩm, mắt cứ ngó chừng bốn phía, như sợ để quên vật gì người sẽ lấy cắp đi, như thế là mình đem cái tâm không tốt ra đối đãi với người ta, mà người ta không nghi kỵ sao được?
Thường tình con người ta khi đến một xứ lạ nào, ai cũng muốn đi dạo xem cho thỏa thích. Người đến nước ta, trừ thành nội là vùng đất cấm thì phải cấm, ngoài ra các làng xóm bé nhỏ nằm trong vùng phụ cận thì không ở trong luật cấm, thể mà có một người nào muốn xin đến đó thì bắt phải trì hoãn , tựa hồ như phải để có thì giờ trai giới(1) tắm gội mới được. Quan nha chạy xuôi chạy ngược, giấy tờ đi về như cánh bướm, chẳng khác nào đang bị đại địch bao vây, khiến họ trông thấy phải bật cười. Vậy ai còn muốn giao hảo về mình, giúp đỡ mình làm gì?
(1) ăn chay và giữ mình cho sạch.
Không ai hết lòng với ai
(Lương Dũ Thúc, báo Nông cổ mín đàm, năm 1901)
Tôi xem trong xứ ta tính người đổi nhiều lắm, tục tốt ít ưa, tục quấy hay thích. Tục tốt là thương yêu nhau, thấy ai mạnh thì vui, thấy ai khổ thì thương. Còn quấy là ganh hiền ghét nhỏ, dèm phải dua quấy(1), thấy ai giỏi hơn, giàu hơn sang hơn thì không ưa, thấy ai dở hơn, nghèo hơn, hèn hơn mình thì khinh bạc chê bai, những điều quấy như vậy xem ra tiệm(2) đủ gần hết. Coi ra cho kỹ thì ai lo phận nấy, ai chẳng cần ai, sang với nghèo, đãi nhau không hậu tình. Tệ nạn mỗi ngày mỗi thêm, làm sao cho khỏi bị người các nước khác khinh khi. Cũng bởi vì mình ở với nhau còn không phải không tốt thay, hà huống gì về nước khác, bảo người vì mình sao đặng?
(1) hùa theo điều xấu.
(2) tạm.
Từ trên xuống dưới tự tư tự lợi
(Phan Bội Châu, Việt Nam quốc sử khảo, năm 1908)
Nước mất là do rất nhiều điều tệ, tội nhiều không kể hết, nhưng trong đó có bốn cái tội lớn. Một là ngoại giao hẹp hòi, hai là nội trị hủ bại, ba là dân ta bế tắc, bốn là vua tôi trên dưới tự tư tự lợi.
Vua tôi tự tư tự lợi nên không biết có dân có nước, dân cũng tự tư tự lợi nên cũng không nghĩ gì đến nước đến vua. Ngoại giao nội trị dân trí sở dĩ đồi bại như vậy, cũng là do trên dưới đều tự tư lợi mà ra cả. Cuối cùng nước bị mất, vua bị tù, thần dân đều trở nên giống người mất nước đê tiện. Cái nọc độc tự tư tự lợi nguy hại biết là dường nào.
Nguonf: chungta