Trang chủ » Khúc kha khúc khích

4 KHÔNG, 8 KHÁC

Trần Nhương
Chủ nhật ngày 16 tháng 1 năm 2022 12:59 PM




Một ông nhà văn có ý định viết cuốn tiểu thuyết về bài trừ tệ nạn xã hội, cụ thể hơn là về nạn mại dâm . Ông băn khoăn không biết làm sao để có tài liệu, vốn sống. Đã viết về tệ nạn xã hội mà viết hời hợt thì bạn đọc chả thèm để mắt đến. Chả nhẽ mình phải dấn thân nhập cuộc. Ông vốn là người nghiêm chỉnh nghiện “cơm” chứ chả biết “ăn quà” thì làm sao dám vào những chốn hang hùm để lấy tài liệu. Ông đi hỏi các bạn văn, có người hứa sẽ dẫn ông đi vào một quán karaokê mà ở đó có nhiều chuyện vui vẻ sau lúc hát mỏi tay . Ông đỏ cả mặt như con cua vừa luộc:

- Không đời nào, thà chả viết thì thôi chứ mất nhân phẩm thì đây xin kiếu.

- Tuỳ ông thôi, muốn ăn két lại ngại đào giun. Cái gì mà đao to búa lớn thế nhân phẩm với nhân bánh

Bí quá, nhà văn nọ mò đến ngành công an nhờ họ giúp đỡ. Mấy vị lãnh đạo công an tỉnh thấy có nhà văn lao vào đề tài này thì mừng quá. Tính đi tính lại họ giới thiệu cho ông đến một cơ sở phục hồi nhân phẩm. Cán bộ trung tâm cho gọi một cô vào loại thâm niên và bạo dạn lên để nhà văn hỏi chuyện. Nhà văn nọ mua một ít ô mai, kẹo bánh để mời nguyên mẫu nhân vật vừa chuyện trò vừa nhấm nháp. Sau khi làm quen và nói rõ ý định của mình, nhà văn nọ hỏi:

- Hoàn cảnh nào đưa cháu đến nỗi phải làm cái việc ấy ?

- Nói thì dài lắm thưa cán bộ, à thưa bác. Câu hỏi cúa bác cũ rích như mấy MC trên truyền hình.

Nhà văn nọ nhân cơ hội này làm cái chức năng mà văn học vẫn được giao nhiệm vụ đó là giáo dục:

- Tôi không thể tưởng tượng được thanh niên bây giờ lại đi vào con đường này. Ngày xưa thì Trên dòng Hương giang đã đành, bây giờ thì sông nào cũng có. Phải lao động, phải lao động cháu hiểu chưa.

Nhà văn nọ hình như không giữ được bình tĩnh.

Cô gái đối diện cãi lại:

- Thì chúng cháu cũng lao động đấy chứ, mà còn lao động cực nhọc, độc hại nữa kia ! Chúng cháu có ngồi mát ăn bát vàng như nhiều người đâu.

Nói chuyện với cô này khó chịu thật. Rõ ràng là không khí đối thoại có nguy cơ đổ vỡ, mà muốn lấy tài liệu thì phải tạo được sự thân mật, chân tình. Nhà văn nọ bèn đổi chiến thuật :

- Thôi chúng ta không tranh luận về chuyện ấy nữa. Thế em kể cho anh nghe đôi nét hoàn cảnh gia đình.

Ông nhà văn “nâng cấp” nhanh quá đang bác cháu đùng một cái đã anh em rất chi thân mật.

- Đó là điều tối kỵ của nghề nghiệp, chúng em không bao giờ nói thật quê quán, hoàn cảnh và tên tuổi – Cô gái từ chối.

Nhà văn nọ bỏ qua “hoàn cảnh gia đình” vì nghĩ rằng cái này bịa dễ, cứ cho bị lừa, nghèo khổ, bố mẹ bỏ nhau… dẫn đến phải đi kinh doanh vốn tự có là độc giả khác tin sái cổ. Ông đang tìm cách gợi chuyện thế nào cho tự nhiên mà thu được nhiều tài liệu,vốn sống nhất. Cô gái nhìn nhà văn nọ tủm tỉm cười. Cái cười rất khó hiểu vừa như thông cảm vừa như giễu cợt.

- Em thấy văn chương các anh nó cứ nhàn nhạt như hoa quả đóng hộp !

A cái cô này dám động chạm tới cái nghề cao quý của mình. Bao nhiêu tác phẩm ngồn ngộn cuộc sống, chắc cô này không đọc. Định chỉnh cho cô ta một trận nhưng lại nghĩ cô ấy là người cùng đinh chấp gì !

- Văn cốt ở chân - cô gái lại lên tiếng – các anh không viết thật như cuộc sống nó có.

Chà chà cô này lại dám dạy… vén váy. Chết ví von thế hơi bị thô lậu mà là múa dìu qua mắt thợ mới đúng. Nhà văn cố kìm cơn tức để khai thác thêm:

- Cô nói như một đồng nghiệp của tôi.

- Chả giấu gì anh, em có dự một khoá bồi dưỡng viết văn tại trung tâm Chí Phèo của tỉnh.

Ông nhà văn mắt lòi ra khỏi kính, nhìn cô gái như nhìn người ngoài hành tinh :

- Cô đã dự lớp bồi dưỡng viết văn ?

- Vâng, thì em nộp tiền vào là học được ngay. Bây giờ có tiền là có tất, đến giáo sư tiến sỹ còn mua được mà anh. Em nghĩ cái nghề này có lẽ dễ kiếm ăn nhưng hoá ra em nhầm. Ai đời viết một truyện ngắn toét mắt ra mà nhuận bút có vài trăm ngàn không đủ một lần ép tóc…mà còn chen nhau may lắm mới được in.

- Thế cô nghe những ai giảng về văn chương ?

- Nhiều lắm, toàn cây đa cây đề từ Hà Nội về. Các ông ấy nói chính trị hay hơn nói về văn chương còn viết thì xoàng nữa…

Ngài văn sỹ hơi bị sốc, bao nhiêu năm trong nghề chưa bao giờ ông gặp một người nói thật về nghề nghiệp của mình, giễu cợt, chua chát mà rất đúng. Cô lại tiếp:

- Hồi theo học em có quen một bác nhà văn già, bác ấy hay lắm không hề phân biệt tuổi tác, ngôi thứ gì cả. Em mạnh dạn hỏi ông vì sao văn chương của ta không hay. Bác trả lời vì các nhà văn không ai dám viết thật với mình . Em cho là bác ấy nói đúng. Em hỏi thế này anh đừng giận nhé.

- Không, ai lại giận người cởi ruột cởi gan với mình. Em hỏi đi.

- Anh gặp em chắc cũng mong em kể thật hết, đúng không ? Nhưng anh có dám viết thật không. Em đoan chắc anh sẽ viết theo kiểu “ thất nghiệp gọi là chờ việc làm”.

Quả là ghê gớm, đúng là gái đĩ già mồm. Thôi thì chịu đựng một chút để mong cô ta nói thật.

- Tôi sẽ viết thật. Còn viết như thế nào thì không phải việc của em.

- Tất nhiên rồi. Thế thì em sẽ kể thật. Em phải làm công việc này vì em không tìm được việc hay nói đúng hơn em không có tiền để xin được việc. Bí bách quá em đành dấn thân. Nghĩ cho cùng thì cái việc này còn hơn khối tên trộm cắp, tham nhũng, đạo đức giả. Sức lực của em, tuổi trẻ của em cơ mà, em có hút máu ai đâu, ăn chặn của ai đâu. Chúng em bị cả hội khinh bỉ khi chúng em phải hy sinh cả nhân phẩm và thân thể của mình. Sao lại như thế nhỉ ? Có những tên buôn gian bán lậu, rút ruột nhà nước tiền tỷ toàn tiền thuế do dân đóng góp thì lại ca ngợi.

- Ai ca ngợi bọn ấy.

- Vâng , em nói khi nó chưa bị lộ. Anh cứ xem nơi nào, người nào khen um lên là y như mấy tháng sau là đồ rởm.

- Chỉ là cá biệt thôi em ạ. Số đông đâu có thế.

- Vâng số đông là ai, là nhân dân chứ gì. Những phó thường dân ấy thì làm gì có điều kiện mà tham nhũng, ma tuý…

- Thôi thôi lạc đề rồi. Nào em kể tiếp.

- Nghề nào cũng có lý sự của nghề ấy. Anh viết văn thì ca ngợi nào là kỹ sư tâm hồn, nào là chân thiện mỹ…nghề bọn em cũng phải có “lý luận” để nâng tầm nó lên và cũng để cho những thân phận dưới đáy này nguôi ngoai…

Ngài văn sỹ mừng rơn trong bụng, hình như đã khơi đúng mạch và chắc chắn kiếm được tài liệu quý.

- Bọn em động viên nhau bằng một phương châm 4 không 8 khác như sau:

Bốn không: - Không phân biệt tuổi tác

- Không phân biệt giầu nghèo

- Không phân biệt màu da

- Không phân biệt quốc tịch

Tám khác : - Khác Liên đoàn bóng đá là sân nào cũng đá

- Khác ngành giáo dục là không dạy cũng biết

- Khác ngành ngân hàng là lấy lỗ làm lãi

- Khác ngành thương mại là luôn luôn dùng vốn tự có

- Khác ngành dân số là không vận động cũng thực hiện

- Khác ngành hàng không là đi trước trả tiền sau

- Khác ngành công nghiệp là chuyên làm thủ công

- Khác ngành du lịch, ngoại giao là không cần phiên dịch .

Ông nhà văn nọ cười đến nõi rơi cả cái kính 6 điốp xuống nền gạch vỡ tan.

Cô gái nhìn ông nhà văn cười lòng cũng vui vui. Cô nói:

- Em cứ kể thật để anh nghe, chúng em cũng phải động viên nhau thế, “tôn vinh” nhau thế cho có sức mà vượt qua thời kỳ gian khó, ê chề. Khi kiếm đủ lưng vốn thì bọn em té luôn.

Ông nhà văn ghi chép tỷ mỷ, thậm chí còn ngắm kỹ cả dung nhan cô gái để sau này miêu tả cho sinh động. Ông sung sướng vì được nghe rất thật một người trong cuộc nói về cái nghề của họ. Trước khi dừng buổi nói chuyện ông gói tất cả kẹo bánh, ô mai đưa cho cô gái để mang về cho các bạn. Lòng ông bâng khuâng, buồn xao xác. Hình như con người này họ không đến nỗi tồi tệ như ông tưởng. Một cô gái có hiểu biết, có tự trọng. Nếu như ở một nước khác họ coi đó là một nghề, có đăng ký thì không biết những cô gái này sẽ ra sao.

Ông hẹn cô sẽ quay lại để nắm thêm tài liệu. Cô gái lưu luyến tạm biệt ông. Và trên đôi mắt đượm buồn của cô mấy giọt nước mắt lăn dài trên má.

- Em thấy anh hiền lành nên em chả giấu gì. Còn nhiều chuyện nữa, hôm nào em kể tiếp. Chắc được nghe thật, dám viết thật thì tác phẩm của anh sẽ bất hủ…Anh hiểu cho chúng em ai chả muốn tử tế, nhưng…

Nói xong cô gái chạy vút đi như cố tình lẩn trốn.

Ông nhà văn cố ghìm sự xúc động của mình. Ông đứng lặng hồi lâu nhìn bóng cô gái khuất dần vào dãy nhà bên kia…

Rồi những ngày sau, tuần nào cũng thấy ông nhà văn ấy trở lại trung tâm phục hồi nhân phẩm. Lần nào ông đến cũng xách theo bao nhiêu quà bánh. Ông và cô gái “nhân vật” lại ngồi nói chuyện rất lâu, rất lâu…

Đại Lải, 12-6-2007