Cuốn Thi pháp truyện ngắn hiện đại (phê bình - tiểu luận, Nxb Thanh niên, 2020) là công trình mới nhất của Bùi Việt Thắng - người chuyên tâm nghiên cứu các thể loại văn xuôi Việt Nam hiện đại.
Sách gồm hai phần: Phần thứ nhất - Truyện ngắn Việt Nam hiện đại, cảnh quan và tác giả. Nội dung cảnh quan được trình bày một cách hệ thống qua hai tiểu luận: Dòng chảy liên tục của truyện ngắn (Về truyện ngắn Việt Nam 1945- 1975) và Trong tấm gương thể loại (Nhận diện truyện ngắn Việt Nam sau 1975). Các tác giả tiêu biểu được giới thiệu trong phần này: Kim Lân, Anh Đức, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Kiên, Đỗ Chu, Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Nguyễn Quang Sáng, Sơn Nam. Phần thứ hai - Những sắc cầu vồng truyện ngắn, mở đầu bằng tiểu luận Một lứa bên trời (Về diện mạo và khuynh hướng phong cách truyện ngắn thế hệ 5X và 6X). Chiếm phần lớn nội dung phần thứ hai là các bài viết về 10 cây bút truyện ngắn được ưa thích đọc: Nguyễn Quang Thiều, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Thế Hùng, Võ Thị Xuân Hà, Như Bình, Vũ Minh Nguyệt, Dạ Ngân, Nguyễn Văn Thọ, Văn Chinh, Nguyễn Trường.
Dưới ánh sáng của lý thuyết phong cách học, vận dụng phương pháp loại hình, tác giả đã dựng lại một cách sinh động diện mạo, quá trình vận động, phát triển của truyện ngắn Việt Nam hiện đại trong mỗi thời kỳ.
So với giai đoạn trước Cách mạng, truyện ngắn giai đoạn 1945- 1954 có nhiều thay đổi. Thứ nhất, số lượng tác giả, tác phẩm tăng nhanh, đa dạng hơn. Ngoài những nhà văn lớp trước như Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Tuân Nguyên Hồng, Bùi Hiển, Kim Lân, Thế Lữ, Thanh Châu, Ngọc Giao,…là các nhà văn trưởng thành trong kháng chiến, trong đó có “những nhà văn binh nhì” như Trần Đăng, Hồ Phương, Siêu Hải, Vũ Tú Nam, Sao Mai, Từ Bích Hoàng,...Họ “Là những người cầm súng trước khi cầm bút nên văn họ trẻ, khỏe và chân thành. Họ ít chú ý đến kỹ thuật, kỹ xảo”. Thứ hai, về chất lượng, truyện ngắn 1945 -1954: “Cũng giống như thơ ca, có cái nền rộng, có tính chất phong trào, ít tính chuyên nghiệp so với giai đoạn 1930-1945”. Thứ ba, về hình thức: “Truyện ngắn đang vỡ ra về khuôn khổ, hình thức, thể loại”, có sự giao thoa giữa các thể loại và sự mở rộng về không gian nghệ thuật. Sang giai đoạn 1954- 1975, để đáp ứng yêu cầu của thời cuộc, truyện ngắn đã phát triển: “Như một vườn hoa nhiều hương sắc”, kết tinh ở một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu, với những phong cách ổn định: Nguyễn Khải với: “Lối văn thông tấn, giàu tính chất triết luận”; Nguyễn Thành Long với: “Kiểu văn xuôi trữ tình, có sức gợi và rất chắt lọc”; Nguyễn Ngọc Tấn với: “Sở trường phân tích tâm lý…Tâm lý đi liền với trữ tình”; Vũ Thị Thường nghiêng viết những truyện ngắn truyền thống về đề tài nông thôn; Đỗ Chu tài hoa, lãng mạn và lãng tử; Hồ Phương với: “Lối văn trầm tĩnh, giàu chất tâm lý và cũng rất đằm sâu”; Nguyên Ngọc cho thấy: “Một bút lực trẻ khỏe, luôn dấn tới”; Phan Tứ đã: “Luôn cố gắng đi tìm cái nhân cách và phi nhân cách trong mỗi con người”,…
Bằng cái nhìn đương đại, tác giả không quên những đóng góp của các nhà văn trong các đô thị miền Nam trước 1975: “Truyện ngắn 1954-1975 còn được vun xới bởi những người làm vườn âm thầm mà tài hoa như Vũ Bằng, Bình Nguyên Lộc, Võ Hồng, Sơn Nam”… Bởi vì :“Con đường tất yếu của nhà văn thuộc bất kỳ khuynh hướng nào thì mục đích tối thượng của văn chương vẫn là Dân tộc - Nhân văn - Nghệ thuật”.
Tuy truyện ngắn 1945-1954 và 1954-1975 có ít nhiều khác biệt nhưng xuất hiện những nét tương đồng về phong cách. Trong thời gian chiến tranh (1945-1975) truyện ngắn mang hai khuynh hướng phong cách: phong cách hiện thực và phong cách trữ tình. Dĩ nhiên, phong cách hiện thực nổi trội hơn. Trong khi đó, truyện ngắn sau 1975 lại xuất hiện ba dòng phong cách: dòng trữ tình, tiêu biểu là Anh Đức, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Bản, Lý Biên Cương, Đỗ Chu, Nguyễn Quang Thiều, Trần Thùy Mai, Đỗ Bích Thúy…Dòng hiện thực với các tác giả Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Lập, Tạ Duy Anh, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư… Dòng kỳ ảo với những gương mặt tiêu biểu như Tô Hải Vân, Võ Thị Hảo, Lưu Sơn Minh, Di Li,…
Để đánh giá khoa học và khách quan, xuất phát từ đặc trưng thể loại, người viết đã xác định tiêu chí của một truyện ngắn thành công - cấu tứ hay, cách kết thúc truyện bất ngờ, tình huống truyện độc đáo, chi tiết độc lạ; có ngôn ngữ, giọng điệu và nhịp điệu riêng. Với mỗi tác giả đều được giới thiệu đôi nét về cuộc đời sự nghiệp, đi sâu phân tích những tác phẩm tiêu biểu nhằm tìm ra nét phong cách độc đáo và những đóng góp của nhà văn cho thể loại.
Với sự hiểu biết thấu đáo đối tượng và cách trình bày linh hoạt, tác giả đã chỉ ra những nét khác biệt trong phong cách từng cây bút truyện ngắn. Kim Lân được giới thiệu kỹ lưỡng nhất, bởi ông là: “Một xảo thủ viết truyện ngắn”. Ngoài khả năng trực giác và niềm đam mê, Kim Lân còn có biệt tài phác họa khung cảnh và con người. Vì thế, nhà văn đã có được những truyện ngắn xuất sắc như Làng, Vợ nhặt. Theo Nguyễn Khải đó là: “Thần viết, Thần mượn tay để viết nên những trang sách bất hủ”. Truyện ngắn Kim Lân chủ yếu viết về đề tài nông thôn, văn hóa phong tục. Truyện của ông đầy ắp chi tiết và thường có yếu tố tự truyện nên: “Viết về ai cuối cùng cũng là viết về mình”. Ngôn ngữ trong truyện ngắn Kim Lân: “Ròng ròng sự sống”, là thứ ngôn ngữ có hình khối, đường nét tức là khả năng tạo hình”. Có thể thấy: “Ông là nhà văn kỹ lưỡng, tinh tế trong việc lựa chọn chi tiết, kỳ khu tài hoa trong việc lựa chọn ngôn từ, hình ảnh”. Anh Đức là người viết sát sự thật nhưng lại rất lãng mạn bởi ông luôn hướng tới cái đẹp, cái cao cả: “Chất lãng mạn - trữ tình là cái cốt lõi trong phong cách nghệ thuật của Anh Đức”; “Văn ông giàu chất Nam Bộ - hồn nhiên, giản dị mà phóng khoáng”; “Truyện ngắn Anh Đức rất rõ nét về nhân vật và tình huống đặc sắc”, “Trân trọng và tái hiện có nghệ thuật nhân vật phụ nữ”. Nguyễn Thành Long là cây truyện ngắn theo phong cách tự sự - trữ tình, với nét trội: “Là những truyện ngắn giàu chất thơ, nhẹ cốt truyện, nặng về cảm xúc”; Ông là nhà văn có trực giác nhạy bén và: “Rất kỹ lưỡng về câu chữ”. Lê Minh Khuê, cây bút truyện ngắn càng ngày càng: “Gia tăng cảm hứng phân tích và phê phán cái xấu như một trở lực trong sự phát triển xã hội”, “Lê Minh Khuê khéo viết đối thoại. Gọn gàng, chắc chắn, hiếm khi thừa lời và có ấn tượng. Những đối thoại chính xác, chứa đầy thông tin và ngổn ngang tâm lý”. Mặt khác, truyện ngắn của bà thường có những chi tiết nghệ thuật đắt giá và cái kết độc đáo. Nguyễn Huy Thiệp là gương mặt xuất sắc nhất trong công cuộc Đổi mới văn học Việt cuối thế kỷ XX bởi truyện ngắn của ông: “Hai lần kỳ lạ vì nó mang tới cái chất mà lâu nay trong văn học Việt Nam hơi thiếu” (ý của Vương Trí Nhàn). Để giải mã hiện tượng văn học hi hữu và phức tạp này, ngoài vấn đề: “Tâm và tài, lịch sử và quyền hư cấu của nhà văn, lòng tin hay sự đổ vỡ niềm tin của con người, cái ác và cái thiện” ,…tác giả đã rất chú ý phân tích nét đặc sắc trong cấu tứ, kỹ thuật viết với: “Phong cách biến ảo tài tình” và cách kể: “Gần với lịch sử nên ngắn gọn, chính xác nhiều tình tiết có tính liệt kê; kể từ ngôi thứ nhất; nhân vật hay triết luận” của nhà văn. Văn chương của ông luôn gây tranh cãi bởi: “Cái nhìn nghệ thuật về con người của Nguyễn Huy Thiệp thiên về mặt bản năng, tự nhiên và tự do”. Thế giới nghệ thuật của Ma Văn Kháng là: “Cả một miền sáng tối …thể hiện cái khả năng tinh tế của ngòi bút khi nắm bắt những phút giây huyền diệu của đời sống”. Ông quan tâm nhiều tới mối quan hệ con người với thiên nhiên, hoàn cảnh. Truyện ngắn của Ma Văn Kháng: “Mang phong vị cổ điển: cốt truyện truyền thống, cách kể theo tuần tự thời gian, ngôn ngữ có văn và một giọng điệu rất riêng”. Nguyễn Quang Sáng: “Viết truyện ngắn là chơi bố cục”, thành thạo với biệt tài sử dụng chi tiết, lối: “Kể chuyện có duyên - đó là thứ duyên thầm”, “Cũng như Sơn Nam và Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng là nhà văn mang phong cách Nam Bộ”, “Giản dị và chân thành, hồn nhiên và phóng khoáng trên từng câu chữ, tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng lại với độc giả nhiều thế hệ”,…
Nếu phần thứ nhất khái quát về truyện ngắn hiện đại thì phần thứ hai dành ưu tiên cho những cây bút thuộc thế hệ 5X và 6X, truyện ngắn của thế hệ này đã phát triển mạnh mẽ và đã thực sự đổi mới. Đội ngũ nhà văn viết truyện ngắn trở nên đông đảo và hùng hậu. Sự phong phú, đa dạng ấy được tác giả quy về ba khuynh hướng phong cách: khuynh hướng hiện thực - tâm lý. Đây là khuynh hướng chủ đạo với những tên tuổi quen thuộc: Ngô Thị Kim Cúc, Dạ Ngân, Bảo Ninh, Trần Đức Tiến, Nguyễn Quang Lập, Y Ban, Phạm Ngọc Tiến, Tạ Duy Anh, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Thị Thu Huệ,… Khuynh hướng phong cách trữ tình, với cách: “Nhìn đời từ phía ánh sáng, phía nên thơ nên đôi khi lãng mạn hóa, thi vị hóa đời sống…cốt truyện thường lỏng lẻo”. Tiêu biểu là Võ Thị Xuân Hà, Trần Thùy Mai, Thùy Linh, Võ Thị Hảo, Huỳnh Thạch Thảo... Phong cách triết lý - suy tưởng với các cây bút tiêu biểu: Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh, Lý Lan,…
Xác định thế hệ 5X và 6X là lực lượng nòng cốt của công cuộc Đổi mới văn học nói chung, thể loại truyện ngắn nói riêng, tác giả đặc biệt quan tâm đến những cách tân trong quan niệm nghệ thuật ở họ. Đó là những đổi mới quan niệm về hiện thực, về con người; đổi mới quan niệm về vai trò, chức năng của văn học nghệ thuật; về hình tượng điển hình, về vai trò của chủ thể sáng tạo và công chúng tiếp nhận: “Với một cái nhìn nghệ thuật mới mẻ về cuộc sống và con người làm truyện ngắn sáng bừng lên”. Bởi vì: “Tinh thần đổi mới của văn chương đương đại chính là sự trăn trở của nhà văn trước vận mệnh con người hướng tới con người, vì con người”; “Cái điển hình có thể là cái dị biệt (grotésque) chứ không chỉ là cái phổ biến”…Qua những sắc cầu vồng truyện ngắn, tác giả khẳng định: “Thế hệ 5X, 6X đã đem lại cho thể loại truyện ngắn những khởi sắc đáng quan tâm (…), đã có ý thức cách tân thể loại “nhỏ” và có những thành công nhất định…Truyện ngắn sau 1975 đã có những cách tân đáng chú ý mà công lao không nhỏ một phần thuộc về thế hệ nhà văn 5X và 6 X”. Ngoài ra, trong phần thứ hai, 10 gương mặt truyện ngắn nổi trội hiện nay được tác giả tiếp cận từ nhiều hướng khác nhau, chỉ ra nét đặc sắc của mỗi người.
Đọc Thi pháp truyện ngắn hiện đại, thấy bức tranh toàn cảnh, quá trình vận động, khuynh hướng phát triển, những tác giả, tác phẩm truyện ngắn Việt Nam hiện đại tiêu biểu đã được nhà nghiên cứu trình bày một cách hệ thống và sinh động. Khác với những tác phẩm trước đó như Tiểu thuyết đương đại, Thi pháp tiểu thuyết hiện đại, công trình Thi pháp truyện ngắn hiện đại không có những mục chuyên về lý luận thể loại, tính thực tiễn đã chuyên chở lý luận, hòa nhuyễn vào trong từng con chữ tạo nên cách viết hấp dẫn, cuốn hút bạn đọc. Điều đó cho thấy sức đọc, sức viết, sức khái quát và khả năng thẩm bình tinh tế của nhà nghiên cứu./.
Hà Nội, tháng 6-2021
T.T.T
Ps/ Bài đã in trên Thời báo VHNT, số 26 ( ra ngày 1-7-2021)