Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĂN HÓA BẢO TỒN BẢN SẮC VĂN HÓA (Kỳ 1)

Đắc Trung
Thứ năm ngày 25 tháng 11 năm 2021 10:31 AM


(Nhân Hội nghị Văn hóa toàn quốc)


Phần một

VĂN HÓA

Thế nào là văn hóa?

Nhiều học giả thể hiện chính kiến của mình, nhưng định nghĩa của Mayo (F.Mayor) cựu Tổng Giám đốc UNESCO: "Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất, cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động" đã được cộng đồng quốc tế chấp nhận tại Hội nghị Liên minh chính phủ về các chính sách văn hóa tại Vơ-ni-dơ (Venise - Ý) năm 1970. Ngắn gọn nhưng súc tích, nội hàm toát lên được những yếu tố cơ bản của văn hóa. Đó là toàn bộ mọi hoạt động sáng tạo và những giá trị của nhân dân một quốc gia, một dân tộc về sản xuất vật chất và tinh thần trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước được biểu hiện về lý tưởng sống, các quan niệm về vũ trụ, nhân sinh, tôn giáo, tín ngưỡng trong lao động và đấu tranh cùng với việc tổ cức đời sống tạo dựng xã hội. Qua đó mỗi dân tộc tự nhận biết mình, thể hiện mình và tạo cơ sở để giao lưu, tiếp nhận những tinh hoa văn hóa các dân tộc khác.

Văn hóa liên quan trực tiếp đến sự tồn vong mỗi quốc gia. Mất biên giới văn hóa đồng nghĩa với mất chủ quyền dân tộc.

Thời chiến ngồi trên lưng ngựa có thể lấy được thiên hạ, nhưng muốn cai trị bình yên xã tắc thì phải dựa vào sức mạnh tinh thần làm nòng cốt cho việc quy tụ, đoàn kết toàn dân đặc biệt văn hóa.

Có hai người thuộc hàng đại hùng thao lược bậc nhất thế giới cổ đại do không nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa mà sự nghiệp sụp đổ nhanh chóng. Đó là A-lếch-xăng Đại đế. Ông mở rộng biên giới từ Hy Lạp đến Ấn Độ nhưng nền văn hóa mà ông chủ trương xây dựng lại yếu về tôn giáo, bởi thế sau khi ông qua đời đế chế tan rã. Hoặc Tần Thủy Hoàng dù thống nhất được Trung Hoa mênh mông nhưng quản lý điều hành đất nước bằng bộ máy độc tài quan liêu phi văn hóa, bất chấp đạo lý, coi nhẹ giá trị tinh thần, đặc biệt thực hiện chính sách đốt sách chôn nhà nho rất tàn bạo nên chỉ tồn tại 16 năm. Điều đó chứng minh vai trò của văn hóa đối với vận mệnh quốc gia. Trong lịch sử việc giao lưu, ảnh hưởng, thôn tính giữa văn hóa các dân tộc là tất yếu và nhiều khi chi phối đến sự mất còn nền độc lập. Điều ấy phụ thuộc ở việc họ có giữ được bản sắc văn hóa của mình hay không.

Văn hóa bao gồm nhiều lĩnh vực: ngôn ngữ - ngữ văn, tôn giáo - tín ngưỡng, văn học - nghệ thuật, phong tục - tập quán... Tác giả bài viết này chỉ muốn được trình bày tóm lược mấy nội dung chủ yếu:

Ngôn ngữ - ngữ văn.

"Ngữ" là nghĩa, "ngôn" là lời nói. Dùng lời nói để diễn đạt nghĩa gọi là "ngôn ngữ". Dùng văn tự (chữ viết) diễn đạt "nghĩa" gọi là "ngữ văn". Có dân tộc sở hữu cả "ngôn ngữ" và "ngữ văn". Nhưng cũng không ít dân tộc (thểu số) chỉ có "ngôn ngữ".

Người Việt chiếm đa số trong 54 dân tộc hiện cùng chung sống thuộc quốc gia Việt Nam có cả "ngôn ngữ" và "ngữ văn" hãy coi là đại diện. "Ngôn ngữ" Việt được hình thành từ rất lâu đời. Tuy "âm" phát ra trên cơ sở 5 thanh: huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng của người dân ở các vùng miền có khác nhau song đều diễn đạt trọn "nghĩa" và ai nghe cũng hiểu.

Còn "ngữ văn"? Trong không gian địa lý hình chữ "S" mang tên Việt Nam ngày nay vốn từ ba quốc gia sáp nhập: Đại Việt (miền Bắc), Chiêm Thành (miền Trung) và Chân Lạp (miền Nam). Dân Chân Lạp định cư ở vùng đất Nam Bộ từ thế kỷ thứ 6. Họ sử dụng "ngôn ngữ" người Khơ-me (Khmer) cổ và không có "ngữ văn". Dân Chiêm Thành dùng "ngôn ngữ" người Chăm (gốc Malays - Polynesian) tìm đến miền Trung Việt Nam từ thế kỷ thứ 2. Họ ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ và sử dựng chữ Phạn của người Ấn. Nhưng từ thế kỷ thứ 4 người Chăm sáng tạo chữ viết riêng tồn tại song song chữ Phạn với bộ ký tự khá hoàn chỉnh thể hiện đầy đủ cả "âm" và "nghĩa" đáp ứng yêu cầu giao lưu xã hội. Dân Đại Việt định cư khoảng hơn 4 nghìn năm, sử dụng "ngôn ngữ" người Việt, ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Trung Hoa và dùng chữ Hán của họ làm văn tự cho mình. Đến khoảng thế kỷ 10, một số trí thức người Việt (tiêu biểu là Hàn Thuyên) trên cơ sở mẫu tự Hán cải tiến thành chữ Nôm, nhưng phạm vi phổ biến rất hạn chế, chủ yếu một số nhà thơ dùng để sáng tác (tiêu biểu là nữ sĩ Hồ Xuân Hương). Thế kỷ 17 đạo Thiên Chúa ồ ạt vào Đông Nam Á trong đó có Đại Việt với sự xuất hiện của nhiều nhà truyền giáo, đặc biệt A-lếch-xan Đờ-rốt (Alechxander de Rhdes 1591 - 1660). Ông người gốc Do Thái, tổ tiên từ Tây Ban Nha, linh mục Dòng Tên đồng thời là nhà ngôn ngữ. Năm 1625 A-lếch-xan Đờ-rốt tới Đà Nẵng, thuộc Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên và Đàng Ngoài là chúa Trịnh Tráng. Ông say mê truyền giáo từ Nam ra Bắc. Để công việc thuận lợi ông nghiên cứu "ngôn ngữ" Việt. Trước ông một số nhà truyền giáo phương Tây đã phiên âm tiếng Việt bằng ký tự La Tinh, nhưng chỉ rất sơ khai. A-lếch-xan Đơ-rốt kế thừa phát triển hoàn chỉnh. Ông chọn 23 ký tự La Tinh làm chữ cái để ghép thành từ, lấy từ làm đơn vị để ghép thành câu, rồi từ câu ghép thành văn. Năm 1651 ông xuất bản cuốn: "Từ điển Việt - Bồ - La" tiếp đến là "Ngữ pháp tiếng Việt". Đó là cái mốc đánh dấu sự ra đời của "ngữ văn" Đại Việt mà sau này có tên là "chữ quốc ngữ" được sử dụng tới ngày nay và được coi là "ngữ văn" chính thống của Việt Nam. Việc "chữ quốc ngữ" ra đời thay thế chữ Hán có ý nghĩa rất quan trọng tạo sự phát triển đột phá về mọi mặt. Trên nguyệt san MISS (của người Pháp) có một bài viết về nội dung này đã bình luận: "Khi cho Việt Nam cái mẫu tự La Tinh, A-lếch-xan Đơ-rốt đã đưa Việt Nam đi trước ba thế kỷ".