Đám tang nhà báo Hồng Dương( Tất Vinh) tại nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai vào một ngày lạnh giá đầu năm 1982.
Ám ảnh chưa phải là anh Tất Vinh mất đột ngột khi tuổi mới 53 mà trước linh cữu anh, có mấy người đàn ông ôm nhau khóc mùi mẫn.
Âm thanh nức nở cùng những giọt nước mắt đàn ông ấy như tan chảy điều gì? Nhiều người nghĩ họ ruột thịt với anh Tất Vinh. Nhưng người biết, còn hơn cả cật ruột. Đó là mấy người bạn cũ, Mạc Lân, Mai Nam và Bùi Ngọc Tấn.
Năm xa ấy được ngồi lâu lâu với ông. Gạn mãi ông mới hé chút về người cha của mình.
Vâng ông là Mạc Lân người con trai của nhà văn Lê Văn Trương. Một nhà văn, một cây viết nổi danh một thuở một thời từng viết đến hơn 100 cuốn tiểu thuyết!
Mạc Lân đang rủ rỉ cái đoạn chuyện Lê Văn Trương. Chuyện Lê Văn Trương một lúc viết 4 cuốn tiểu thuyết bằng cách đọc cho 4 người cùng ghi như nào. Những chuyện ăn chơi cùng hút xách này khác…
Mà này chưa thấy anh viết về cụ nhà bao giờ?
Mạc lân im lặng dõi cái nhìn xa xăm…
Tôi biết không viết về bố nhưng nhưng khối lượng đồ sộ tác phẩm của cha, ông không hề núp bóng tẹo nào mỗi khi có cái tác quyền tái bản! Đâu như từ Đà Nẵng giở ra, người em trai ông lo. Đà Nẵng giở vô, em gái ông hưởng. Ông cho họ cái toàn quyền ấy!
Mạc Lân đẻ ở bên Miên, tỉnh Mongcuabray nào đó chứ chả phải ở Chùa Vua Hà Thành như lý lịch cán bộ. Thuở ấy Lê Văn Trương làm ở Sở Dây thép bên Miên.
Năm lên 8 theo bố về Sài Gòn rồi ra Hà Nội. Cả nhà Lê Văn Trương sống khỏe, vung vinh vì những cuốn sách người hùng xuất bản và nối bản như điên ở nhà sách Tân Dân của Vũ Đình Long. Cậu bé Lân, con trai Lê Văn Trương nhiều phen kiêm cả việc chạy thuốc phiện cho bố. Lại thạo cả khoản tiêm thuốc.
Vô số những buổi trưa buổi tối, bên mâm hút, Vũ Hoàng Chương lim dim bên khay thuốc cắt nghĩa cho thằng con trai của người bạn vong niên đang học ở Trường Cố Puginier cách thẩm văn chương mà ở trường cậu bé Lân không được học. Ngoài Vũ Hoàng Chương, các tao nhân mặc khách Hà thành khi ấy như Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật, Vũ Bằng, Đinh Hùng… thường xuyên lui tới chiếu hút của Lê Văn Trương.
Cái tên Mạc Lân thời ấy chưa có.
Như một biểu hiện cho sự kỳ diệu lẫn lạ lùng của cách mạng, chả ai thúc bách hay ép buộc vận động gì, cái gia đình văn sĩ giàu có và nổi danh Lê Văn Trương gồm hai bà vợ, mấy người con trừ hai thằng xe với một con sen tất tật tình nguyện tản cư đi với kháng chiến.
Chuyện Lê Văn Lân bí mật được giác ngộ và tham gia Việt Minh từ tháng 4 năm 1945 đã giấu bố ra sao là cả một câu chuyện dài. Thời điểm Lê Văn Lân đã có chân trong Ty Liêm phóng, lần ấy khẩu súng lục Lân cất trong nhà sơ suất để rơi đánh cạch xuống sàn trước mặt ông bố. Lê Văn Trương thản nhiên nói với thằng con trai mặt mày tái mét bằng tiếng Pháp Toa làm gì thì làm đừng để người nhà bị vạ lây…
Nhưng chính nhà văn Lê Văn Trương khi ấy cũng có thiện cảm từ lâu với Việt Minh. Bằng cớ là thời điểm Tổng khởi nghĩa, ông đã mấy ngày đêm liền đi hò hét tham gia liên miên với nhiều đoàn biểu tình!
Đi với kháng chiến, nhà văn Lê Văn Trương được giao một trọng trách mà tác giả hơn trăm cuốn tiểu thuyết về đề tài người hùng chắc cũng chưa thể nghĩ ra? Lãnh đạo Liên Khu III cử Lê Văn Trương đảm chức Chủ tịch Hội đào đãi vàng Bắc Bộ để tạo quỹ cho kháng chiến.
Rồi đùng cái, một người vợ của ông bất ngờ lặng lẽ dinh tê vào thành. Việc đào đãi vàng bê trễ. Lê Văn Trương được điều chuyển về Phòng Chính trị của Liên khu ngồi chỗ nhà thơ Lê Đại Thanh cùng Đoàn Văn Cừ.
Cái tên Lê Văn Lân thành Mạc Lân chưa phải là thời điểm Lê Văn Lân tham gia Nam tiến dự những trận ác liệt ở mặt trận Phan Rang Tháp Chàm.
Mà khi tham gia những trận máu lửa ở Hà Nội thời điểm Toàn quốc kháng chiến. Cảm phục tấm gương hy sinh dũng cảm của người trung đội trưởng Hoàng Đình Mạc. Anh Mạc có hai người em ruột tên là Nghiên và Bút. Cả ba anh em lần lượt hy sinh trong trận đánh ở Ô Đống Mác. Mạc là mực. Cái tên Mạc Lân có từ đấy. Tên ấy theo anh những ngày chiến dịch Quang Trung Đường số 6. Hà Nam Ninh... Những ngày vào vùng địch hậu. Mạc Lân phóng viên báo Vệ quốc quân quân khu II rồi báo Quân Bạch Đằng của Quân khu III.
Thời gian chững chạc ở vị thế Phái viên kiểm tra Bộ Tư lệnh Quân khu III. Mạc Lân thường qua chỗ bố Lê Văn Trương. Một nữa cha con được nhắn về gấp chỗ gia đình sơ tán ở mạn Mỹ Đức.
Khi họ tới nơi thì mọi sự đã muộn. Người vợ cả của Lê Văn Trương, người mẹ Mạc Lân đã trút hơi thở cuối cùng nơi sơ tán!
Cái chết của người vợ cả và chuyện người vợ kế bỏ vào thành và gian khổ ác liệt của cuộc kháng chiến đã khiến Lê Văn Trương buồn nản suy sụp.
Mạc Lân cố trì níu mãi không được. Đành để bố vào thành… Thế là bố con bặt tin nhau cho đến một chiều lạnh năm 1963.
Ông bạn thân thiết Dương Tường, thi sĩ Dương Tường khi đó là phóng viên TTXVN tức tốc gặp Mạc Lân khi ấy là Phóng viên tờ Tiền Phong thầm thì. Ông cụ mày mất rồi. Đài báo phương Tây đều nói…
Đó là ngày 13 tháng Giêng  L năm 1963.
Năm 2003, kỷ niệm Báo Tiền Phong 50 tuổi, nhà văn Bùi Ngọc Tấn lên Hà Nội dự chỉ có một buổi.
Tôi theo xuống Hải Phòng. Nhà báo Vũ Tiến khi đó đang là PV thường trú võng nhà văn và tôi tới một anh bạn có khách sạn tư nhân ở Đồ Sơn.
Chuyện gần chuyện xa lấn hết phần đêm. Bùi Ngọc Tấn ít tuổi hơn về Báo Tiền Phong mấy tháng trước Mạc Lân.
Chất giọng rủ rỉ của nhà văn Bùi Ngọc Tấn như cuốn phim quay chậm về Mạc Lân.
… Cha bỏ kháng chiến vào thành rồi lại đi Nam. Nội chi tiết ấy đủ để đen ngòm trong lý lịch! Nhưng may mắn Mạc Lân gặp được một nghĩa cử. Mà không chỉ riêng Mạc Lân. Ông Trương Công Cẩn người Huế, quyền Chính ủy Đại đoàn 304 có biết tiếng cùng hoàn cảnh của hai cha con Lê Văn Trương đã biên cho ông Nguyễn Lam, Bí thư Đoàn thanh niên cứu quốc nguyên là Chủ nhiệm Báo Tiền Phong cũng là chỗ quen thân mấy chữ.
… Đây là những đồng chí có công nhưng cấp bậc thấp vì chính sách đối với văn nghệ sĩ chúng ta chưa rõ ràng. Nhờ anh giúp đỡ tạo điều kiện cho họ công tác bên đoàn thể dân sự…
Nhờ cái cách chuyển ngành độc đáo ấy mà Mạc Lân, Tất Vinh, Vũ Lê về Báo Tiền Phong. Trong nhóm bạn quân ngũ thân thiết ấy chỉ Dương Tường thích về Thông tấn xã Việt Nam.
Anh Tấn bộc bạch, thời gian ở Tiền Phong là những năm tháng đẹp nhất.
Khi mới về báo, Bùi Ngọc Tấn thấy ở tủ sách cơ quan có một tập truyện viết về Điện Biên Phủ. Đó là cuốn Bảo vệ đường lên Mặt trận . Tác giả là Hồ Phương, Mạc Lân, Đại đồng. Tập sáng tác duy nhất khi ấy viết về ĐBP. Cuốn sách đã được Giải thưởng trong cuộc thi sáng tác về ĐBP. Một trong ba tác giả là cái người vừa thó điếu thuốc lá cuộn của Tấn!
Bao nhiêu những thân gần những cự ly ấm áp những ngày ấy. Cùng ăn ở ở nhà ở 45 Hàm Long ( khi ấy Tòa soạn chưa chuyển về 15 Hồ Xuân Hương, biệt thự của BS Võ Tấn) Mạc Lân, Tất Vinh, Bùi Ngọc Tấn, Mai Cát là những cây bút cứng của Báo Đoàn. Có số Tết, mấy anh em gánh cái việc bao hết bài vở.
Mạc Lân từng nhiều năm phụ trách hai ban Văn Nghệ và Bạn đọc. Và thành tích đương đêm đạp xe từ Hà Nội vào Trại phong Quỳnh Lập ở Nghệ An để thực hiện phóng sự tố cáo tội ác dã man của Giôn Xơn ném bom tàn sát những người bệnh phong. Phóng sự của Mạc Lân trên Tiền Phong đã đánh động dư luận quốc tế khi ấy.
Một Mạc Lân, xông xáo, tài hoa . Cả trong cách nghĩ.
Lần ở mặt trận Hàm Rồng về, Mạc Lân cứ rủ rỉ mãi cái cốt bài báo sắp viết. Trận địa pháo bảo vệ Hàm Rồng có một chiêu đãi sở. Có cô vợ đến tận trận địa thăm chồng. Buổi tối ở chiêu đãi sở, cô vợ âu yếm. Cả ngày anh chiến đấu vất thế có… chiều em được không? Chồng cười, chiều được chứ! Thế anh chiều ít hay chiều nhiều?
Nghe đến đó, Tất Vinh cười phá lên, Tao đố mày viết được đấy! Mạc Lân thôi cười. Mặt đỏ văng, là tao tức bọn nhà báo Liên Xô nói là đọc bài của chúng mày có cảm giác hình như chúng mày không có… bộ phận sinh dục! Phải viết chứ!
Nhưng mãi chả thấy Mạc Lân viết bài báo ấy!
Rồi cái đoạn vì chơi thân với những Phùng Quán Trần Dần ( chỉ chơi thân nhau thôi) mà Mạc Lân không được tổ chức tin tưởng.
Thời ấy nó thế.
Đang là trưởng Ban bạn đọc và Văn Nghệ Mạc Lân xuống làm PV thường. Lương từ bậc 11 hạ xuống bậc 7. Là người thích đi thích viết điều đó không làm anh choáng. Nhưng bao nhiêu những tận tâm cố gắng vẫn chỉ là người ngoài lề, bên rìa.
Nhà văn Lê Bầu xui Mạc Lân chuyển sang Hội Văn nghệ Hà Nội. Thì sang. Được viết là thích rồi. Nhưng liền có một chỉ thị bất thành văn từ đẩu đâu là Mạc Lân không được ký tên dưới các bài viết. Đồng nghĩa với việc không được viết nữa!
Cú đánh đột ngột ấy khiến đời sống của một gia dình bé mọn chao đảo. Mà khi ấy Mạc Lân lại đang dám hẳn một cú dứt khoát! Để lại vợ với 3 con đằng sau để dấn vào cõi mịt mùng vô định với một phụ nữ khác! Không có tình yêu nào xấu, chẳng có nhà tù nào đẹp. Thì đã đành. Nhưng phải sống, phải có thứ chi bỏ vào mồm chứ?
Nhờ có Dương Tường ( dịch gỉa kiêm thi sĩ Dương Tường, em rể Tất Vinh từng phải đi bán máu) mách nên Mạc Lân mấy năm liền kiếm sống bằng việc bán máu! ( Sau chuyến đi Hải Phòng ấy, tôi về gạ thêm Mạc Lân cái khúc nhôi cơ cực ngày nào. Anh cười hề hề chuyện thường ngày í mà. Ngày ấy Mạc Lân 60 ký hơn. Không viêm gan, không bệnh truyền nhiễm. Lại thuộc nhóm máu B dễ bán. Mỗi lần lấy 200cc. Nhưng gạ thêm trăm nữa thành 300cc. Phải lượng ấy thì ngoài tiền máu ra mới có thêm tiêu chuẩn bồi dưỡng một bát phở ăn ngay ở căng tin bệnh viện và phiếu 2 cân đường 1 kg thịt, hai hộp sữa 4 kg đậu phụ. Giấu vợ, Mạc Lân thường bán ngay tem phiếu ấy cho đám con phe.)
Việc bán máu chả thể là cần câu cơm chính. Mạc Lân được cánh bạn viết bí mật kết nạp vào hội viết văn chui. Nghĩa là viết mà không được ký tên mình để phục vụ những anh huếnh. Những gã đang muốn có chân trong Hội văn nghệ địa phương và cả Hội nhà văn quốc doanh tất cần bài vở bản thảo như một thứ chứng chỉ!
Họ biết Mạc Lân đang có danh. Từng có danh. Càng biết người viết ấy đang túng. Bởi cả hai bên cùng có lợi.
Hàng trăm bài báo. Hàng chục cái truyện ngắn. Hai cuốn tiểu thuyết. 5 Giải thưởng cho các cuộc thi viết của một số ngành và đoàn thể. Tất tật các công trình ấy Mạc Lân không được phép ký tên. Tất cả đều được sản xuất từ Made in MacLan.
Vâng phải hơn mười lăm năm làm cái việc viết chui như thế!
Một thời gian dài nữa có một việc cũng kiếm được. Là đi viết lịch sử ngành này địa phương nọ.
Mạc Lân may mắn được nhập cuộc. Mà hợp đồng với Thuận Hải như anh Bùi Ngọc Tấn bật mí là kiếm tàm tạm hơn cả.
Lão ấy mua gì về nhà cậu biết không?- Bùi Ngọc Tấn dừng lại châm điếu thuốc mới rồi hạ thật thấp giọng- chẳng hay mắc bệnh yêu vợ hay ngông mà lão khuân một tá đồ lót ngoại của phụ nữ đủ com lê trên dưới. Lần ấy bọn mình nghe lão bộc bạch là thương vợ quá, bao năm mà vẫn dùng thứ đồ nội cứng quèo thi thoảng mới bán nhỏ giọt ở nhà mậu quốc doanh!
Cái chuyện thửa đồ độc thì không dám… Nhưng gạ anh kể thêm cái đoạn viết chui.
Mà cũng lạ, Mạc Lân là người giữ chữ tín khá kỹ trong chuyện làm ăn thương trường. Rằng trong số đặt hàng thuê viết ấy ( phần lớn anh có biết loáng thoáng) là ai anh còn nhớ? Và hai cuốn tiểu thuyết ấy tên là gì? Nhưng văn sĩ Mạc Lân cứ tủm tỉm chả hé ra ai cả!
Cứ loanh quanh luẩn quẩn luật quật kiếm ăn như thế, Mạc Lân chưa có gì cho riêng mình ngoài những bài báo và cái Giải chung với Hồ Phương viết về Điện Biên Phủ năm 1955 ấy! Rồi tuổi già cùng cái họa tật bệnh theo nhau ập đến. Hai lần gãy chân. Nhồi máu. Huyết áp cao. Và cú cuối, tai biến. May mà nhẹ.
Hình như đó lần cuối tôi đến Khu tập thể Dịch Vọng. Phải đứng lâu lâu ở ngoài một lúc để đợi bà tắm cho ông. Cái âm thanh khè khè ấy chừng như ông đang thỏa mãn vì được tắm thứ nước nấu bằng các loại lá thơm. Và tiếng ro ro kia là bà đang dùng máy sấy tóc để hong cho ông. Âm thanh ấy như trích đoạn tổ hợp những đầm ấm nhẫn nhịn của người vợ liền mười mấy năm ứng xử với một con bệnh trọng
Ngó ông vẻ thơ thới hẳn sau cơn tắm. Bà đang âu yếm cài lại cho ông chiếc cúc áo. Tôi hơi gai gai sẽ xoay người để giấu cảm giác chợt ập đến rằng có lẽ tình yêu là thứ có thật trong cái thời buổi hỗn mang bao thứ đang lộn nháo nhào này?
Ông hào hứng trưng ra cho tôi một tập A4. Định riêng hẳn 5 cái truyện ngắn nhưng xem lại thấy đứng khá vững cho một thứ như tự truyện. Cũng mới được hai phần ba. Ông bộc bạch vậy. Và tôi chợt thấy như có lý khi Mạc Lân khởi một thứ hồi ký? Nhưng trời ơi, sức vóc và tật bệnh thế này?
Biết thêm một thứ lao động nhọc nhằn. Bệnh tật khiến ông khó viết. Mạc Lân phải đọc cho vợ chép. Vợ bận thì nhờ cô cháu hàng xóm đang học Trường báo chí rất quý Mạc lân chép hộ rồi đem đi đánh vi tính.
Chăm chăm ánh nhìn tờ nhất bản thảo vi tính. Cái tên cho tập là SỐ PHẬN.
Dưới là đề từ thoáng đầy vẻ khẩu khí Mạc Lân.
Nếu số phận đứng về phía tàn bạo thì tôi sẽ chống lại số phận khôn nguôi!
Mãi khi anh Mạc Lân mất đã nhiều năm, tôi chưa có dịp và thú thực, không dám hỏi người nhà anh Mạc Lân cuốn SỐ PHẬN ấy ra sao nữa?
Nhà báo Mạc Lân mất đã mười mấy năm rồi. Nhớ anh, một người viết thua thiệt.
VÀ MỘT CÂY VIẾT THỜI THƯƠNG KHÓ!
Nguồn: tinhhoaviet