101 TUỔI VÀ TÂM NGUYỆN CUỐI CÙNG
Nhà văn hóa Hữu Ngọc năm nay bước sang tuổi 100 lẻ 1. Cụ nổi tiếng trong và ngoài cõi với những tác phẩm về tinh hoa văn hóa Việt Nam và văn hóa thế giới.
Từng nắm trong tay bạc tỉ
Nhà văn hóa Hữu Ngọc sinh năm 1919, một ngòi bút không ngừng nghỉ từ khi tuổi thanh niên cho đến tận bây giờ. Cụ để lại một khối lượng sách báo khổng lồ không đến xuể viết về tiến trình văn hóa Việt. Chỉ kể riêng cuốn “Lãng du trong văn hóa Việt” dày đến hàng ngàn trang. Sách này đã được xuất bản và tái bản nhiều lần bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức và được tổ chức CHOICE ở Mỹ xếp loại sách Bốn sao. Người nước ngoài muốn hiểu Việt Nam đều tìm đọc. Các chính khách, trí thức, kể cả các hoàng gia đến Việt Nam thường “bái kiến” để được Cụ dẫn dắt, trao chìa khóa mở cánh cửa bước vào miền đất văn hiến ngàn năm. Đồng thời, Cụ cũng mở cánh cửa thế giới cho người Việt bước váo bằng hàng loạt sách giới thiệu văn hóa các nước từ Lào, Campuchia cho đến Âu Mỹ Phi.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc đã vinh dự được nhận những giải thưởng cao quý của Nhà nước: Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công…Và còn thêm nhiều giải thưởng nước ngoài: Huân chương Bắc đẩu Thụy Điển, Huân chương Cành cọ Hàn lâm Pháp…
Cụ đã để lại cho hậu thế một gia tài vô giá.
Đó là nói về những di sản văn hóa của Cụ.
Còn nói về tiền của thì Cụ đã từng nắm trong tay hàng trăm tỉ đồng.
Ấy là khi Cụ làm chủ tịch liên tục hàng chục năm hai Quỹ văn hóa Việt Nam – Thụy Điển và Việt Nam – Đan Mạch.
Với nguồn tài trợ hàng năm được rót vào, Cụ đã dùng để bảo tồn nhiều di sản văn hóa, phục dựng đền chùa, đúc tượng, đúc chuông ở khắp nơi.
Tôi đã được cùng Cụ về thăm lại ngôi nhà và đền thờ Tam nguyên Yên Đổ Khuyễn Khuyến ở Hà Nam. Tại đây Cụ đã dùng tiền quỹ mua lại khoảnh ao xưa Nguyễn Khuyến từng ngồi câu cá và sáng tác mấy bài vịnh mùa thu nổi tiếng. Bên bờ ao, Cụ cho dựng tượng đài khắc bài thơ Thu điếu bằng hai thứ tiếng Việt và tiếng Anh.
Nắm trong tay một tài khoản lớn, Cụ nói: “Tôi dùng tiền để đem đến nơi được thụ hưởng không xà xẻo một xu”. Và Cụ đã thực hiện đúng như vậy, nên rất có uy tín với đối tác nước ngoài. Sau khi Cụ nghỉ, thì các quỹ này cũng kết thúc.
Dùng tiền riêng gieo mầm văn hóa đọc
Với bản thân Cụ thì tiền của chẳng có là bao. Đến cuối đời chỉ tích góp được một hai tỉ. Cụ không để chia cho con cháu và con cháu Cụ cũng rất vui lòng để Cụ sử dụng theo ý Cụ.
Cụ muốn dùng số tiền đó đầu tư cho việc nâng cao dân trí. Cụ lập ra một quỹ tư nhân mang tên Quỹ Từ thiện văn hóa, nhằm thúc đẩy văn hóa đọc. Cụ nói nôm na: “Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ, nhưng làm sao cho thật thiết thực, có hiệu quả”.
Cụ mua sách đến tận nơi cần sách: những thư viện cộng đồng, những trường học còn khó khăn nhưng có phong trào đọc sách…
Chúng tôi đều đã có tuổi, nhưng Cụ coi là “những bạn trẻ”, được mời tham gia Ban trị sự để thực hiện công việc của quỹ. Chúng tôi đã theo Cụ đi “gieo sách” tại nhiều nơi.
Cô gái khuyết tật Phạm Thị Ngát ở Vũ Thư, Thái Bình đã thành lập tủ sách cộng đồng để mọi người đến đọc. Tủ sách của cô đã nhận được bổ sung nhiều sách của Cụ. Bạn Lê Tấn Hiển ở Sóc Sơn mở hẳn một trang trại để thành lập trung tâm đọc sách của một xã khó khăn, nhiều lần đón Cụ chở cả ô tô sách đến.
Tại xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội, có một “chú Tuốn” cùng bạn bè sáng l
ập Thư viện Hallo World, thu hút đông đảo trẻ em đọc sách, vui chơi. Đây cũng là nơi từng bị ngập lụt khắp thôn làng. Cụ đã đến tận nơi cổ vũ và dặn dò chúng tôi dùng quỹ hỗ trợ thêm cả những phương tiện hoạt động khác.
Theo chỉ đạo của Cụ, chúng tôi còn mang sách đến những nơi xa xôi như các trường miền núi ở Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Cao Bằng…
Năm ngoái, khi Cụ đã tròn 100 tuổi, chúng tôi đều cố ý không để Cụ phải trực tiếp đi cùng. Gia đình cũng có ý ngăn cản, Cụ giận bảo:
- Tôi còn có thể đi được, đừng để tôi chết trước khi chết.
Con cháu Cụ đành phải chiều ý, cử người đi theo trông nom Cụ.
Để sống hơn một thế kỷ mà vẫn minh mẫn như Cụ thật là hiếm. Nhưng còn hiếm hơn nữa là tấm lòng và nghĩa cử của một nhà văn hóa lớn mang tên Hữu Ngọc.
NGUYỄN NHƯ MAI