Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LƯU TRỌNG LƯ - NHÀ VĂN CỦA TÌNH THƯƠNG

Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Thứ bẩy ngày 19 tháng 6 năm 2021 7:26 AM


Kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhà văn Lưu Trọng Lư
(19/6/1911 - 19/6/2021)
Có một ngày nóng nực tháng 6, giữa cơn "địa chấn" của lòng người trước chủ quyền Đất Nước bị xâm phạm trắng trợn suốt nhiều năm qua, tôi đã bỗng nhớ đến một bài thơ yêu nước Tây Ban Nha do chính nhà văn Lưu Trọng Lư đọc cho nghe, cách đây gần ba chục năm, trong căn buồng của nhà văn đối diện phía sau Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Mấy câu in hằn trong tâm trí tôi:
Nếu tôi đã mở môi để ngợi ca Tổ quốc
Ngợi ca mặt sáng trong và dữ dội của Người
Mở đến nỗi đôi môi tôi xé rách
Thì vẫn còn đây lời nói của tôi …
( Blax Đê Ôterô )
Đôi mắt ông long lanh ngấn lệ, giọng đọc tương phản với mưa thu buồn bã bên ngoài... Lúc đó, ai dám nghĩ rằng, người say đắm những vần thơ rực lửa kia lại là người đã từng ngồi trên một gác xép nghe mưa rơi: “Mưa chi mưa mãi/ Buồn hết nửa đời xuân/ Mộng vàng không kịp hái”, và để dành thi hứng của một thủ lĩnh phái "Nghệ thuật vị nghệ thuật” cho những cuộc chia ly, những cuộc tìm kiếm vô vọng: “Tiếng sóng vỗ trong giờ ly biệt/ Nghe vội vàng bi thiết bao nhiêu”. Và cũng chính ông là người đã thâu tóm được một cách thần tình cái tâm trạng ngẩn ngơ tội nghiệp của cả một thế hệ trong bài thơ “Tiếng Thu” bất hủ. Nhiều người đã phân tích rất hay và thấu đáo về bài thơ đó. Nhưng theo tôi, chưa ai vạch ra được điều này: đằng sau bóng sương mù thổn thức và người cô phụ héo mòn là nỗi niềm khao khát tình yêu thương đồng loại của nhà văn, giữa một không gian thiếu vắng tình thương. Và đó cũng chính là sự "bi thiết" tận đáy lòng của một nhà văn nổi tiếng vì đa cảm và mơ mộng!
Nửa đời úp mặt trong đêm tối
Từ trên gác lạnh, viết thơ sầu!
Suốt những chặng đường sáng tác sau đó của nhà văn, sự khắc khoải đến"bi thiết" của một người tự nhận “Ta: giang hồ một thi sĩ/ Dừng nghe tiếng gọi từ xoáy hồn ta” bao giờ cũng là Tình thương:
Đi giữa vườn nhân dạ ngẩn ngơ
Vì thương người lắm mới say thơ…
Cái tình thương trĩu nặng và xa xót với Đời khiến trái tim nhà văn thường rỏ máu - và đó cũng là lúc Thơ xưa và Thơ nay hòa nhập trong ông để bật ra những vần thơ trang văn có "Thần" có thể giúp ông tiếp tục khẳng định vị trí không ai thay thế nổi của mình trên văn đàn Việt hiện đại:
Ai đưa khúc Bình Minh Anh Vũ
Cho ta, trong chiều xế Đỗ Quyên?
Ai làm hồng máu con chim
Cho tiếng hót trong ngần bên cửa số?
Cuộc sống gian nan đau khổ, “Quỷ, người lẫn lộn/ Tình nghĩa liêu trai” nhưng cũng chan chứa ân tình đáng trọng dường như lúc nào tìm thấy ở người thi sĩ vốn nhiều nước mắt này một sự ký thác sâu nặng :
Có hạt máu vùi thân cho đất sạch
Có tia nắng chiều muốn hoá kiếp ban mai…
Khi nhà văn đề xuất một phương châm sống và tuyệt đối trung thành với nó cho đến giờ phút chót trên cõi thế: "Ta thà bị lừa còn hơn không tin vào con người", thì ông đã từng trải qua “Những bão bùng và những hạn hán/ Những trận mưa lay đất, những cơn khát bỏng trời, đã Từ đỉnh mộng tôi xuống tận hố đời” để chứng kiến và miêu tả biết bao câu chuyện thương tâm, những bi kịch đủ loại, những thất bại của con người nơi thôn dã hay thành thị, đã nhận ra sự mong manh của phận người; và vô tình ông đứng vào hàng ngũ của những triết gia-nhà tư tưởng, vượt xa những phạm trù đạo đức luân lý của một thời để có thể khái quát thân phận cả nhân loại, cùng triết lý ứng xử đầy nhân bản: “Ta thà bị lừa còn hơn không tin vào con người”! Đó là biểu hiện của một tình yêu thương rộng lớn chân thành, một nhân cách cao cả, một trí tuệ mẫn tiệp. Và đó cũng là dấu hiệu đích thực của một nhà văn lớn.
Ngay cả khi "ngơ ngác" như một chú nai vàng vô tội, nhà văn cũng đã dấn bước vào con đường của những nhà văn hiện thực. Rồi tới khi trải lòng mình theo những biến cố lịch sử dân tộc, ông vẫn gắng nhìn thấu cõi đời này để tiếp tục lý giải đến tận cùng sự thật ở tận "mép bờ hữu hạn" lẫn tâm trạng của người nghệ sĩ ngôn từ - những gì mà trước kia ông đã từng lý giải trong nỗi thảng thốt “giật mình ta thấy bồ hôi lạnh” để rồi lại chìm sâu hơn trong chán nản tuyệt vọng:
Bãi nhân sinh trơ một đá ngồi
Trầm luân – căm giận
Đường xoài – chim động
Một cánh soi
Một tiếng người
Vòng vọng
Thú gào
Bụt ngủ
Em thẫn thờ
Sự tìm tòi hình thức thể hiện văn chương ở đây cũng chính là kết quả của một quá trình căng thẳng đào sâu vào nội tâm của người cầm bút, cũng như tới tận cốt lõi hiện thực.
Nhà nghiên cứu văn học Đỗ Quyên (Canada) ngay sau khi đọc nhanh bản thảo tập thơ "Bài ca tự tình" mà tôi gửi, đã được biết thêm ba bài nữa: "Từ vách này thời gian ta gõ", "Cánh vạc", "Bầy nhện và nhà thơ", và anh đã như reo lên trong một thư điện tử mới nhất: "Với nhiều sáng tác ở thể loại thơ có dung lượng lớn như vậy, nhất là về phong cách và ngôn ngữ, tôi xin được coi Lưu Trọng Lư là Nhà trường ca lãng mạn thượng thặng. Chất LÃNG MẠN của Thơ Mới thật khủng khiếp! Và tôi đã vừa thắp ngay nén hương để tạ lỗi Cụ: Như không ít người, kẻ này đã hiểu sai giai đoạn “thơ CÁCH MẠNG” của tiền bối. Rất lạ. Hiện đại mà tươi tắn, khác cả về thi pháp hình thức với dòng trường ca - thơ dài đã có; không kể với khuynh hướng sử thi thường thấy thời đó mà ngay cả với dòng thơ dài đã trở thành biểu tượng của ‘trường ca’ như các bài ‘Những người trên cửa biển’ (Văn Cao), ‘Em ơi - Hà Nội phố’ (Phan Vũ), v.v. Lạy Chúa! Chúng con chẳng ‘lãng mạn’ mà cũng chửa ‘hiện thực’ được tới độ siêu đẳng thế  2011) và tập thơ dày "Bài ca tự tình" ( NXB Hội nhà văn, 2011) gồm những bài thơ & trường ca hầu như chưa hề được công bố của nhà văn Lưu Trọng Lư, các nhà nghiên cứu văn học trong & ngoài nước sẽ đủ tư liệu văn bản để có điều kiện đi sâu vào những vấn đề thi pháp học như phong cách, phương pháp sáng tác... nhằm đánh giá một cách toàn diện, chuẩn xác về một nhà văn quá ư phong phú mà dường như bị lãng quên, bị coi nhẹ về văn xuôi hư cấu-tự sự, và về thơ ở giai đoạn sáng tác từ sau Cách mạng tới nay (Trong phạm vi bài báo nhỏ này, với năng lực có hạn, tôi chỉ dám lạm bàn về một khía cạnh thuộc về nội dung tư tưởng của Thơ Lưu Trọng Lư mà theo thiển ý riêng tôi là hết sức quan trọng: khát vọng Tình thương).
***
Khi nhà văn Lưu Trọng Lư đã tìm thấy "Vòng quỹ đạo của thơ tôi" - cũng có nghĩa là tình yêu thương thường trực tìm được "địa chỉ " để gửi gắm; hàng loạt tập thơ, tập tuỳ bút, bài báo, vở kịch ra đời dồn dập giống như một thứ "nhật ký tinh thần" của nhà văn. Trong thơ văn cũng như trong đời sống thường nhật, điều đáng yêu và đáng quý nhất ở nhà văn này là sự chân thành. Chân thành đến ngây thơ và cảm động. Ở ông, văn thơ và đời hầu như không có gì tách biệt. Ông yêu những vần thơ trong trẻo của cô thợ máy Lý Phương Liên đến nỗi, trong lúc ăn cơm ông cũng dừng đũa ngâm nga: “Buộc cánh anh/ Buộc cánh anh, cũng chẳng thành tình yêu”... Và khi biết Lý Phương Liên cùng người chồng là nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy bị hành "lên bờ xuống ruộng" bởi mấy câu trong bài thơ "Nghĩ về Thúy Kiều", ông đã chảy nước mắt lo lắng xót xa... Kẻ viết những dòng này còn nhớ rõ cái lần được tháp tùng ông - lúc đó là Tổng thư ký Hội nghệ sĩ Sân khấu về thăm đoàn kịch nói ở Nam Định; trong bữa ăn trưa, giữa lúc hăng hái nhận xét về vở diễn mới của đoàn ông cũng kịp nhận thấy mâm cơm của các nghệ sĩ chỉ có rau, ông liền bưng cái đĩa thịt gà đãi khách duy nhất sang cho họ, khiến tất cả lặng đi nghẹn ngào…
Và đêm nay, giữa những con người
Tôi vẫn gửi thầm một tiếng thương trong trẻo
Bí quyết lớn nhất tạo cho nhà văn sức mạnh tinh thần để sống qua mọi nỗi cam go và dũng cảm viết phải chăng chính là “giữ mãi hồn thương”? Ông thương khóc cho "Bé Nga" ở Thanh Hóa bị bom Mỹ giết hại. Ông thao thức trằn trọc khi nghĩ tới những con người vô gia cư mà ông gọi là “Những cánh vạc trong đêm Niu Đenli”... Cả đời ông khao khát được “đi trong nghĩa tình không biên giới”. Cả đời ông băn khoăn vì “chữ thương chưa trọn”... Ông căn dặn các con:
Như con ong phải săn hương sục mật
Con người phải trải đẹp tấm thương
Tình thương mà ông có được và hiểu được sau bao nỗi cô đơn lạnh người đã trở thành nguồn thi hứng lớn nhất cho sáng tạo thơ văn:
Có khúc nhạc nào bằng khúc nhạc ấy
Của lời trao tiếng gửi giữa con người
Cũng bấy nhiêu tiếng khóc tiếng cười
Mà vàng ngọc thế gian không sánh nổi
Tình thương đáng kể nhất của nhà văn là dành cho người phụ nữ xưa nay - những người vợ, người mẹ, người chị, người em gái, mà đối với họ “không những tôi có một tình thương mà còn nhìn thấy một vẻ đẹp mà tôi trân trọng suốt đời” (Mùa thu lớn). Nhà văn viết nhiều về người mẹ và người chị của mình mà "cả cuộc đời chỉ có nước mắt ", và sau đó là về những người mẹ Việt Nam mang "tấm lòng đại nghĩa" tiễn chồng tiễn con đi mỗi khi có tiếng gọi non sông... Ở đoạn đời nào, nhà văn cũng dành bao xót thương cùng sự bênh vực tha thiết cho Thúy Kiều - nhân vật "từ bao giờ làm tôi quý thương hơn bội phần", nhân vật xã hội - thẩm mỹ đặc biệt ám ảnh ông và buộc ông trăn trở đến cháy lòng về sự nghiệp giải phóng phụ nữ, giải phóng con người…
Là một nhà văn giàu tình thương cố gắng nhặt từng hạt ngọc mà “đời lặng thầm bỏ sót”, ông cũng là một cây bút nguyện bằng thơ văn “Đạp đổ những thành trì hờ hững”. Nhà văn nhiều lần khảng khái tuyên bố: "Tôi là kẻ thù của khuôn sáo, của thờ ơ, của cỗi cằn" và chỉ mặt gọi tên: "Tội nhân cũng là ai đó hững hờ!" Sự hờ hững mà thi sĩ nói đến hôm nào phải chăng chính là sự vô cảm hiện đang có sức tàn phá ghê gớm trong tâm hồn không ít những người cộng sản tha hoá và trong nền tảng đạo đức xã hội đương trên đà xuống dốc! Nặng lòng yêu thương nhưng minh mẫn, rạch ròi, ông tuyên ngôn mà như tự nói với chính mình :
Đừng loá mắt trước những hào quang lộng lẫy
Hãy đếm từng vết hằn trên lưng sự thật !
Và thơ nữa, thơ ơi
Thôi đừng làm duyên làm dáng nữa !
Tình thương lớn đã cho nhà văn một nỗi xót xa căm giận trước những bất công xã hội, trước "những bữa ăn láo xược" khi mà đời sống của phần đông người lao động còn vất vưởng... Càng về sau, thơ văn ông càng chất chứa một sức mạnh tinh thần có khả năng cảnh tỉnh xã hội:
Cái lương thiện chết mòn
Cái bất nhân lên mặt
Nghênh ngang những hình người
...
Đuổi vô luân
Đuổi dốt nát, thờ ơ vô cảm
Đuổi cái thói coi con người chỉ là cái cán cờ, cán cuốc!
Vào cái thời mà sự nể sợ quá đáng trước công quyền vẫn còn thống trị, ông đã dám ngang nhiên nói thẳng :
Bạn bè đồng chí đi đâu hết
Sợ chưa, buốt lạnh một cung đàn
Trên tường treo lớn chữ thờ Dân
Giấu khéo trong sương lụa lộng tàn
Chỉ biết một đời lo lót ổ
Quỷ cướp mất hồn, tiếng chẳng oan !
Lòng căm giận tới độ uất hận của một trí thức chân chính nặng tình yêu dân thương dân được diễn đạt như nét panh-xô của người họa sĩ xiết mạnh trên mặt vải:
Phải biết bao sông núi
Mới rửa sạch cặn bã tâm hồn
Mới kỳ cọ sạch nham nhở lương tâm
Trong biết bao bộ ngực đẫy đà phồng căng
Không phải những trái tim mà lửng lơ những thớ thịt!
Khi nhà văn "Nghĩ phận mình", ông khiến không ít kẻ phải giật mình xấu hổ - nếu như họ còn chút liêm sỉ:
Hết rét lại lụt liên tục
Dân đen tai nạn không hồi phục
Chẳng cách gì làm dân yên
Cũng đường đường kẻ sĩ
Nghĩ mà nhục! ( Dịch thơ Cao Bá Quát)
Không phải ngẫu nhiên mà ông yêu thích Maiakôvski - người đã từng viết những vần thơ bỏng lửa ném thẳng vào mọi ung nhọt của xã hội Xô-viết và khinh thường lũ "hoạn quan trữ tình”* cơ hội vốn chỉ quen nhấm nháp thú buồn vui bé nhỏ lạc lõng... Lao động nghệ thuật không mệt mỏi cũng là một cách để nhà văn tự hoàn thiện mình và vỡ lẽ ra những quy luật đau đớn của "Đường vào chân lý":
Qua mỗi hoàng hôn, xé xác
Mỗi ban mai con chim nhỏ lại chào nắng hót trên cành
Cả trời đất phải cúi đầu trước uy nghiêm
Định luật.
.....
Không trồng hoa giả trên mặt đất
Chẳng bán rao văn giữa chợ trời
Trong những năm cuối đời, khi “tình yêu không cô quạnh nữa”, và “khi tim anh còn chan chứa ân tình”, mạch thi hứng của nhà văn vẫn giữ được sự hồn nhiên, say đắm, ngỡ ngàng của thuở hoa niên, đồng thời lại vươn tới sự khái quát sâu sắc và trầm tĩnh về chính đời mình, về những chặng đường lịch sử của dân tộc, về những vấn đề lớn lao và gay gắt đang đặt ra trên quy mô cả hành tinh. Với "trữ lượng tình thương" chưa bao giờ vơi cạn, nhà văn đã nhìn trước được hàng chục thập kỷ những vấn nạn xã hội trên nhiều lĩnh vực - đặc biệt là văn hóa, đời sống tinh thần... Không hiếm những lúc “Trong đêm đen tắt phụt ngọn đèn/ Mặc cho số phận từng cơn lửa chớp”, nhưng ông luôn tự trăn trở vượt qua bao dằn vặt để “Bình minh đến với một tiếng đàn trong trẻo nhất”. Trên giường bệnh, nhà văn vẫn căm cụi viết không kể ngày đêm - thơ, kịch, tuỳ bút, hồi ký, thư từ, kiến nghị... ông không mệt mỏi thể hiện sự trân trọng đối với tài năng của tuổi trẻ, cổ vũ tình yêu thương giữa con người với con người, đức hy sinh vì nghĩa lớn... Có thể nói, ông là một trong những nhà văn hiếm hoi đủ sức dựng lên cả một triết lý về tình thương rồi vận nó vào số phận của một dân tộc, và truyền tới người đọc một cách trực cảm đầy sức lay động.
Ôi! Bé bỏng một tấm thân người
Một chiếc thuyền nan bồng bềnh giữa hai bờ sống chết.
Có nỗi thương của Jêsu, có nước mắt của Phật
Và trên tay áo này,
Trên tay áo này
Những giọt đau!
Những giọt đau!
Của mẹ, của em của những bọt bèo số phận
Nằm nghe những tiếng chao chân
Trên một bến bờ vực thẳm.
Đời sao có những say đắm
Trong cõi lạnh hư vô?
Chính vì thế ông có đủ lý do, đủ tư cách để trân trọng thi hào Tagore và đưa ra tuyên bố đàng hoàng của một trí thức Việt Nam: "Ca-muýt! dẫu người là ai, ta cũng muốn đuổi người ra khỏi mảnh đất nầy,Tổ quốc của tình thương”. Trong trường ca Thơ-Văn xuôi mượn hình thức tình ca "Từ vách này thời gian ta gõ", nhà văn có viết một đoạn "luận chiến" cũng độc đáo như thời các ông ra Tuyên ngôn Thơ Mới:
Anh đã hỏi Niết-sơ, cả Sô-pen-hao
Anh giữ lại Ca-muýt để tra hỏi.
Và cái giọng của anh thật là dứt khoát: “Các người thật là thông minh tài giỏi, nhưng các người đã làm vẩn đục, làm đen tối cuộc sống. Các người đã phá phách cuộc sống. Đất này của sự trân trọng, của tình thương. Xin các người đừng cập bến.
Khi cuộc sống của nhà văn chỉ còn tính bằng những giây phút cuối cùng, một cô y tá đề nghị ông làm thơ, ông đã thốt lên những lời sau rốt: "Vô ích" - tổng kết toàn bộ "triết lý tình thương" và khát vọng tình thương mà ông theo đuổi trọn đời:
Vô ích!
Không ai giữ nổi ta hết!
Ta đi tìm người ta yêu
Cứu nhân của đời ta...
Phải, tất cả là vô ích, là vô phương cứu chữa nếu như con người sống nguội lạnh tình thương! Cuộc sống sẽ là vô nghĩa, là bãi sa mạc khủng khiếp khi tình thương trở thành thứ để mua bán, đổi chác! Thông điệp cuối cùng mà nhà văn gửi lại cho đời tựa một tiếng sấm âm u khiến ta bất giác lặng người, và chắc có kẻ phải cúi đầu sượng sùng...
***
Nhưng Lưu Trọng Lư không chỉ là nhà văn của tâm hồn tình nghĩa Việt Nam, ông còn là nhà văn của những vẻ đẹp trong Con Người mà nhân loại đang phải vươn tới.
Ta biết người với người còn dạ sói
Trong đêm đen còn nhe trắng hàm nanh
Những tuổi trẻ của hành tinh
Có những chuyến đi vĩ đại
Đi trong nghĩa tình không biên giới
Cùng Bình Minh bủa bắt Hoàng Hôn
Đạp hờ hững, phá cô đơn!
Có một bài thơ ông viết vào cuối năm 1975, sau đó được dịch ở Mỹ và đã gây chấn động trong lòng nhiều người dân nước Mỹ: bài thơ “Lại tiễn con” khóc người con trai thứ năm của ông đã hy sinh trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại chiến trường miền Tây Nam Bộ, khi vừa tròn 20 tuổi. Bài thơ khóc con không một chữ nào nói đến nước mắt khiến hàng triệu người phải rơi lệ ấy có thể nói là một trong những bài thơ hay nhất của nền thơ ca Việt Nam đương đại. Đây là đoạn kết:
Vàm cỏ Tây, con sẽ về yên giấc ngủ
Nơi mênh mông có mẹ hiền: ngọn gió
Cuộc sống đâu chỉ một lần
Của cha, da tóc nửa phần
Gửi lại, trên mình con đó
Và của con, tuổi hai mươi dòng máu đỏ
Cha mang theo, nóng hổi trọn đời
Cả Đất Nước mình, giờ về đó, con ơi !...
Chiến tranh ngày một lùi xa, đời càng ngổn ngang trăm mối, thơ văn ông ngày càng nhức nhối một nỗi đau và day dứt một niềm thương vô bờ - vẫn bằng cách nói chân thành giản dị đi thẳng vào lòng người:
Giặc còn đầy ngoài biên ải
Đó đây nổi dậy âm binh
Ôi thần thánh mồ hôi
Máu lệ nghìn năm
Thiêng liêng lời nguyện
Giữa những ngày tháng Biển Đông trào lên cơn sóng cồn của lòng Tự trọng Dân tộc bị xúc phạm, thơ văn Lưu Trọng Lư lại đến với cuộc đời mà ông từng yêu thương như một lời tâm sự đớn đau và chân thành đến ứa lệ; ông đang nói hộ biết bao tâm hồn đang phẫn nộ và quặn đau lo lắng cho vận mệnh Tổ Quốc:
Phải trả bình minh cho bình minh
Phải trả lại lịch sử cho lịch sử
Ôi Đại Việt một thuở oai hùng
Xin tạ lỗi với Nguyễn Trãi, Nguyễn Du
Tạ lỗi Bạch Đằng, tạ lỗi Điện Biên, tạ lỗi Trường Sơn
Và các mẹ, chúng con ngàn lần tạ lỗi các mẹ
Những đứa con của mẹ đã ngã xuống
Nào đâu chỉ đỏ ngực xanh mồ.
Phải chăng từ mấy chục năm trước, khi mà “Ai lượng hết chuyện sớm chiều tráo trở”, nhà văn đã dặn dò thế hệ thanh niên hôm nay trong những vần thơ cảnh báo về sự "đểu cáng" của bọn "ma giáo côn đồ" dám bất chấp tất cả để thỏa mãn lòng tham vô đáy được nuôi dưỡng từ ngàn xưa; đồng thời khích lệ lòng dũng cảm và niềm tự tôn Dân tộc :
Em nghĩ gì trong thân hình bé nhỏ
Em dập dưới chân em
Không phải những loài dế, giun
Mà những thiên triều mũ mãng
Những cao sang đểu cáng
Những mưu toan ma giáo côn đồ
Tình em dội sáng cả hư vô.
Nhà văn kể lại chuyện mình cũng là để mong thức tỉnh bầu máu nóng thường trực sẵn có trong mỗi con người Việt Nam dù đã và đang chịu không ít nỗi bất hạnh khổ đau; nếu được thế và chắc chắn là phải thế, nhà văn sống gần trọn thế kỷ XX đầy bão tố có thể ngậm cười nơi chín suối:
Trong những năm tháng xói mòn
Khi hai tay buông lỏng
Trên da lạnh, chợt nghe làn hơi nóng
...Khắp phố phường một điệu nhạc bay quanh
"Nước đến ngày giải phóng
Tiếc gì thân sống
Thanh niên ơi!"
Mai An NGUYỄN ANH TUẤN (Đạo diễn điện ảnh)
___________________
* Chữ dùng của Maiakôvski
Không có mô tả ảnh.
Chia sẻ