Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÂU RỒI XỨ SỞ “ NÚI ĐỒI THẢO NGUYÊN “ ?

Tô Hoàng ( Chuyển ngữ từ tiếng Nga )
Thứ sáu ngày 11 tháng 6 năm 2021 8:09 AM



“Tôi như đang ở trong một giấc mơ khủng khiếp”, một người nông dân nói với tôi ở gần ngôi làng Kok-Terek của Kyrgyzstan vùng biên giới Tajik, nơi đã hứng chịu hậu quả của cuộc giao tranh giữa các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

“Tại sao điều này lại xảy ra với chúng ta? Chúng tôi đã sống tốt như thế nào dưới thời Liên Xô!”. “Hãy trả lại Liên Xô cho chúng tôi” – biên tập viên tờ báo địa phương thở dài, và lời nói của ông được đón nhận bằng sự tán thành. Mọi người đã sẵn sàng gia nhập lại Liên Xô ngay cả bây giờ. Thật khó tin vào ngày 31 tháng 8 năm 1991, Xô Viết tối cao của Cộng hòa Kyrgyzstan tuyên bố độc lập cho xứ sở mình. Bây giờ ở quốc gia Trung Á này người ta khẳng định: họ không muốn chia cắt, và họ buộc tội Nga: “Các bạn đã bỏ rơi chúng tôi”.

Nhà văn Tsinghiz Aitmatov (1928-2008), tác giả của “Truyện núi đồi và thảo nguyên” nổi tiếng viết về quê hương Kyrgyzstan

Thức ăn cho mèo cũng bị cướp

Trung tâm mua sắm Vefa trên phố Baytik Batyr (trước đây thuộc Liên Xô) đã bị cướp hai lần – trong cuộc Cách mạng hoa Tulip năm 2005, lật đổ Tổng thống Akayev và Cách mạng tháng Tư năm 2010, lật đổ Tổng thống Bakiyev: tivi, rượu conak bị lấy đi…

Doanh nhân Enver Khavazov kể lại: “Họ gõ cửa nhà cha tôi ở Bishkek vào ban đêm, ông mở cửa ra và có một người đàn ông đứng với một túi thức ăn cho mèo. “Mua đi, anh ta nói – tôi sẽ bán nó với giá rẻ”. Bố vẫy tay: “Cảm ơn, tôi không cần đâu”. Anh ta chết lặng: “Mọi người đang truy đuổi tôi, tôi đã đánh cắp thứ này ở cửa hàng… Tôi muốn phát điên đây, tôi phải làm gì bây giờ?”.

Enver đã tham gia vào “đội tuần tiễu nhân dân” – trong những ngày “cuộc cách mạng lần 3” lật đổ Tổng thống Gienbekov. Nhân dân đã tự tổ chức và ngăn chặn không cho cướp bóc lại các cửa hàng và chợ. “Những tên côn đồ đã sợ hãi” – anh cười – “Có ba trăm người đang tiến về phía chúng ta, và có ngàn rưỡi người đối diện chúng ta. Chà, họ sẽ làm gì? May, chúng tôi chia tay nhau một cách lịch sự”.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, tổng thống thứ sáu đã nắm quyền ở Kyrgyzstan: hai người chạy sang Nga và Belarus, người thứ ba phải ngồi tù, người thứ tư đối mặt với một vụ án hình sự. Chỉ có 39,75% người Kyrgyzstan tham dự các cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. “Chúng tôi do dự với chính trị,” thủ thư Viktoria Otumbaeva giải thích ngắn gọn tình hình – “Đó là chế độ dân chủ gì nếu ngày mai một nghìn chú chuột nhắt kéo ra quảng trường ở Bishkek và lật đổ bất kỳ chính phủ nào? Chúng tôi đang sống trong một mớ hỗn độn đầy mê hoặc”.

“Đơn giản là họ bơi trong mật ong”

Theo các cuộc thăm dò dư luận, 65% người Kyrgyzstan trên 35 tuổi tin rằng cuộc sống dưới thời Liên Xô tốt hơn. Tại các làng Orlovka và Aktyuz, nơi từng có một nhà máy khai thác và luyện kim hoạt dộng. Người dân chớp chớp mắt thoáng buồn khi nhớ về những năm trước.

“Đúng vậy, khi đó chúng tôi đang bơi trong mật ong,” các nhân viên cũ của nhà máy nói – “Lương của một công nhân bình thường là 400 rúp, nguồn cung cấp là Moskva – xúc xích hun khói chất dầy bàn.

Với sự ra đời của nền độc lập, sản xuất gần như bị phá hủy. Chúng tôi chỉ tồn tại nhờ những vườn rau và tiền của con cái làm công bên Nga gửi”. Ít nhất một triệu người Kyrgyzstan đang làm việc tại Liên bang Nga và kiều hối từ những người “xuất cảnh” chiếm 33% GDP của nước cộng hòa này. Khi bước vào ngân hàng để đổi rúp lấy dồng tiền Kyrgyzstan, tôi bắt gặp một hàng dài những người nhận tiền từ những người thân đang làm việc tại các thành phố của Nga.

Andrey Skornyakov, một cựu quan chức của Đảng Cộng sản Kyrgyzstan cho biết: “Dưới thời Liên Xô, mức lương khá tốt, chúng tôi không lo lắng về các nhu yếu phẩm cơ bản. Người dân được cấp nhà ở, cấp thuốc miễn phí. Vâng, thật khó để mua một chiếc ô tô, còn bây giờ chúng tôi lái những chiếc ô tô, nhưng của Nhật hay người châu Âu thải ra. Thì cứ cho rằng dưới thời Xô Viết không có tự do lựa chọn. Ngày nay chúng ta được lựa chọn ư? Lựa chọn chết vì công việc hoặc chết vì không có việc làm. Cơ sở hạ tầng mới không được xây dựng – chúng ta đang ăn mòn di sản của thời Liên Xô, chúng ta đang bảo dưỡng nó kém, vì vậy tai nạn không phải là hiếm”.

Núi đồi và thảo nguyên tươi đẹp của xứ sở Kyrgyzstan

“Đã thoát khỏi những con chó nhãi”

Mọi người Kyrgyzstan đều bị xúc phạm nghiêm trọng nếu bạn động chạm tới câu: “Người Nga đã bỏ rơi chúng tôi”. “Còn chúng tôi thì không rời đi đâu dầu một mét! – chủ một cửa hàng ở Batken phản ứng với vẻ phẫn uất rõ ràng – Các bạn đã bỏ rơi chúng tôi, loại bỏ chúng tôi, như thể vứt bỏ những con chó nhãi không cần thiết!”.

Có một câu chuyện phổ biến ở Bishkek: sau khi Gorbachev từ chức, chính quyền Nga của Boris Yeltsin gọi ban lãnh đạo Kyrgyzstan tới và nói: “Xin chúc mừng, từ nay các bạn là một nước cộng hòa độc lập”. “Chúng tôi sẽ làm gì đây?” – các quan chức Kyrgyzstan đều sững sờ. “Các bạn muốn làm gì, tùy các bạn.” – Yeltsil đáp.

Tại cuộc trưng cầu dân ý ngày 17 tháng 3 năm 1991, 96,4% cư dân của Kyrgyzstan đã bỏ phiếu cho hình thái nhà nước liên bang, và họ không quên nhắc nhở tôi rằng: tại chính nước Nga, việc duy trì Liên Xô “chỉ được” 71% cử tri.

Tại các thành phố và thị trấn của Kyrgyzstan, có đủ các tượng đài cho Lenin (có vẻ như ở nước Nga còn ít hơn), hầu hết các con đường mang tên Lenin đều tồn tại. Bí thư thứ nhất của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Kyrgyzstan Iskhak Razzakov (ông tại chức từ năm 1950-1961) vẫn được tôn kính. Người ta tạc tượng ông, treo chân dung của ông ở nơi làm việc. “Cứ nghĩ đi, đấy là một người cộng sản! – quan chức của văn phòng thị trưởng Isfana nói một cách hùng hồn – Điều quan trọng chính là một người đàn ông tốt, anh ấy không đối xử với mọi người như một tên khốn nạn”.

Tại Kyrgyzstan ngự trị một sự thất vọng nghiêm trọng mà mọi người đều có thể hiểu được. Ba mươi năm đã trôi qua kể từ khi Liên Xô sụp đổ, đống đổ nát của đất nước này đã bốc hơi, và máu vẫn đang tuôn chảy từ những vết thương. Ngay sau khi sự lãnh đạo tinh tường bị suy yếu, một cơn ác mộng bắt đầu giữa các nước láng giềng ở Trung Á. Phân chia ranh giới. Phân chia nguồn nước. Những người bạn tốt của ngày hôm qua đang bắn vào làng của bạn, cướp máy truyền hình trong nhà bạn và đốt cháy chiếc xe hơi vì không có chìa khóa. Mà làm dẫn tới tình trạng ấy?

Đất nước ma quái

Năm 1991, nhiều nước (ngoại trừ, có lẽ các nước Trung Á) đã bỏ trốn khỏi Liên bang, giống như trốn khỏi một bệnh dịch. Ngự trị một niềm tin rằng tách ra ở riêng nhất định sẽ tốt hơn. Tôi đi qua những làng Kyrgyzstan bị thiêu hủy ở vùng biên giới với Tajikistan và nghĩ: nhiều thập kỷ đã trôi qua, sao các nước cộng hòa cũ của Liên Xô vẫn đang ở bên bờ vực của những cuộc chiến tranh lớn? Đất nước của những hồn ma vẫn không ngừng chảy máu, ý muốn ngang gược của đủ các loại yêu ma vẫn rung lắc không gian. Ở đâu đó con người công khai yêu cầu – hãy quay trở về ngày xưa! Quay trở về, chúng tôi thực sự mong ước.

Tôi không buồn nhớ ý thức hệ, nhưng khi bạn rảo bước trên mảnh đất thuộc Liên Xô cũ giữa tiếng khóc nức nở của những góa phụ, giữa tro tàn và những mảnh kính vỡ vụn dưới gót giày thể thao, thì ý nghĩ bỗng hiện lên trong đầu tôi: hình như trước kia bản thân tôi cũng tin rằng ra ở riêng sẽ dễ dàng hơn. Nhưng điều này quả là vô nghĩa. Châu Âu đã thống nhất từ ​​lâu, không có tới 250 cơ quan kiểm soát hộ chiếu, hải quan và trạm kiểm soát ở từng ngóc ngách. Còn ở dải đất của chúng tôi, mọi nơi mọi chỗ đều bị chia cắt bởi biên giới. Và họ tiếp tục giết chóc không ngừng. Sự mất mát của một đất nước thống nhất gặt hái lấy một mùa màng đẫm máu. Tôi hiểu rằng đếm được số công dân của Liên Xô cũ thực lòng vui mừng trước sự sụp đổ của quê hương họ. Thứ lỗi cho tôi, nhưng những cư dân bình thường của những ngôi làng Kyrgyzstan đã trở thành tro tàn không đánh giá cao sức hấp dẫn trước sự sụp đổ của đế chế độc tài đâu. Lạ thế đấy!?

“Chúng tôi có buồn nhớ Liên bang Xô Viết không? Ôi, nhớ vô cùng, xin lỗi người anh em! Tại sao lại phá hủy một đất nước? Chúng tôi vẫn không thể làm gì nếu không có Nga và không biết chèo lái thế nào cả!”- Một nhân viên biên phòng Kyrgyzstan, đang ngồi dưới bóng cây mơ ở khu vực Leikek, pha cho tôi ly nước chanh đá lạnh. Anh ta chỉ mới 30 tuổi, và anh không nhớ Liên bang Xô Viết là gì. Đối với hầu hết người dân Kyrgyzstan, Liên bang vẫn còn trong ký ức như một miếng bánh phết mật ong. Càng xa cách, càng sinh ra nhiều huyền thoại”.

Nhà báo từ Batken – Agylbek Akhmatov, cho biết: “Cha tôi, một người đưa thư, đã nhận được 80 rúp, và ông ấy đã có đủ cho mọi thứ. Bây giờ mức lương trung bình ở Kyrgyzstan là 16.000 rúp tính qua tiền Nga. Nhưng làm thế nào để đủ sống đây? Nếu có một cuộc trưng cầu dân ý, 90% chúng tôi sẽ bỏ phiếu cho Liên Xô”.

“Liên bang ư? Tôi không biết gì cả, khi đó tôi chưa sinh ra đời – Aigul, một cô phục vụ trẻ, ngượng ngùng nói trong một quán cà phê nhỏ ở Isfana, – nhưng cha mẹ và bà tôi vẫn hết lời khen. Tuy nhiên, tôi vẫn thích Kyrgyzstan là một quốc gia độc lập”. Tất nhiên, các thanh niên Kyrgyzstan ý kiến ​​cũng khác nhau, và về nguyên tắc, những ai hiện tại có cuộc sống khá giả đều thích một xứ sở Kyrguzstan độc lập. Thật ngốc nghếch khi phủ nhận điều đó. Và theo thời gian, nỗi buồn nhớ sẽ qua đi. Nhưng tôi chắc rằng nỗi buồn nhớ ấy còn kéo dài dài…

TÔ HOÀNG dịch từ tiếng Nga

Báo Nhân Chứng & Sự Kiện