Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI ANH CẢ

Nguyễn Thị Hồng
Thứ hai ngày 14 tháng 6 năm 2021 9:32 AM


Anh thật sự là người anh cả của dàn biên tập Nhà xuất bản Phụ Nữ ngày ấy, thập niên 90 của thế kỷ trước, nhất là nhóm biên tập văn học trong nước và văn học dịch. Chị Hoàn vợ anh thường bảo lúc nào thấy anh buồn anh xách xe đi là biết ngay lên với các em. Còn chúng tôi đã quen tuần nào cũng có anh đến chơi. Anh đến cùng chúng tôi trà nước rồi cứ ngồi tủm tỉm cười , thủ thỉ trò chuyện cùng các em. Còn các em biên tập mồm mép như tép nhảy, mỗi em một câu tung hứng hầu chuyện anh cả buổi không chán. Dạo đó anh đang ủ mưu viết cuốn tiểu thuyết Hồ Quý Ly cho chúng tôi, mà anh đang viết thật, nhưng rất chậm. Chúng tôi rất trân trọng ý định và công việc này của anh. Làm nghề biên tập, chỉ mong có sách hay mà biết anh viết là sẽ hay nhưng không dám giục anh. Thỉnh thoảng các em biên tập lại rủ nhau đến chơi nhà anh. Đến thăm chị lui cui ở tầng một gian nhà cấp bốn nhỏ hẹp nơi "ngõ nghèo", còn thăm anh trên căn gác cũng rất nhỏ và sơ sài là phòng văn của anh. Đến chơi thăm thật tình chứ không dám giục, dù anh viết rất lâu, rất chậm. Đã từng được đọc Hoang tưởng trắng và Trư cuồng của anh dưới dạng bản thảo( sau này Trư cuồng được in lấy tên là Chuyện ngõ nghèo), dù tâm huyết mà không thể in vào thời điểm đó, nên biết cái tạng của anh, cứ để tự nhiên như nhiên. Đã từng cho ra đời tiểu thuyết của nhà văn Ma Văn Kháng, Dương Thu Hương, và tuyển tập thơ Mưa đền cây (1987) với sự chiêu tuyết cho các nhà thơ bị “ đánh” trước đó, Ban lãnh đạo và các biên tập Nhà Xuất bản Phụ Nữ dạo đó rất bản lĩnh và đi đầu đổi mới trong công tác xuất bản. Và tiểu thuyết Hồ Quý Ly của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh được nuôi dưỡng để ra đời trong bầu không khí đồng cảm, trân quí giữa Nhà xuất bản và tác giả.
Khi tác phẩm ra đời, một số cơ quan chức năng đã đánh tiếng rằng sách có vấn đề về lịch sử, rằng sao lại chọn nhân vật họ Hồ làm vua chỉ được dăm bảy năm vv và vv… Chúng tôi rất lo lắng. Bởi lẽ chúng tôi biết tác phẩm này rất quan trọng với anh. Sau rất nhiều năm anh mới được đứng tên thật với một cuốn sách mà anh sáng tác. Nó là niềm hy vọng, nói một cách nào đấy, là lẽ sống của đời anh được tái sinh. Không thể để có chuyện gì xảy ra được. Phòng văn học trong nước chúng tôi đã được Ban giám đốc Nhà xuất bản chỉ đạo chuẩn bị thật kỹ tư liệu về Hồ Quý Ly để ứng phó. Tôi và biên tập viên Nguyễn Thị Thu Hà đồng biên tập cuốn sách rất trăn trở. Biết chuyện, nhà tôi là nhà văn Hoàng Quốc Hải đã gặp và bàn bạc với Giám đốc NXB là chị Trần Thu Hương. Lúc đó anh Hải trong Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội. Rồi cả hai đi đến sáng kiến làm một cuộc hội thảo về cuốn sách do Nhà xuất bản Phụ Nữ và Hội Nhà văn Hà Nội đồng tổ chức. Tham dự hội thảo có mặt đầy đủ Ban giám đốc Nhà xuất bản mà chị Trần Thu Hương là Giám đốc cùng hầu hết cán bộ NXB. Bên Hội Nhà văn Hà Nội có mặt đầy đủ Ban chấp hành Hội như chị Hoàng Ngọc Hà ( Chủ tịch Hội) , Hồ Anh Thái, Vũ Quần Phương, Vũ Bão, Hoàng Quốc Hải… Những người viết tham luận đa số là những nhà văn tên tuổi vừa là bạn của tác giả, bạn chung chúng tôi lại sinh hoạt chung trong Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam như nhà văn Dương Tường, Vũ Bão, Hoàng Tiến, Hoàng Quốc Hải, Châu Diên, Lê bầu… các anh đều là những nhà văn có kiến văn sâu rộng về lịch sử, văn chương và thời cuộc, lại đã cùng trải qua một thời kỳ khó khăn cho người cầm bút có chính kiến. Đến dự còn có một số nhà phê bình văn học tên tuổi như Phạm Xuân Nguyên, Lại Nguyên Ân...với những tham luận thật xuất sắc. Chúng tôi có mời bên Viện Sử . Anh Bùi Thiết nguyên là cán bộ Viện Sử nhưng anh được mời với tư cách cá nhân vì lúc đó anh đã về hưu . Anh đã phát biểu ủng hộ cuốn sách nhiệt tình. Cuộc hội thảo diễn ra sôi nổi , thân thiết , hào hứng, ủng hộ cách nhìn mới của tác giả Hồ Quý Ly với nhân vật lịch sử từng gây nhiều tranh cãi. Hội thảo diễn ra tại một gian nhà cấp bốn của Trung ương Hội Phụ Nữ , nơi trước đây vốn làm nhà ăn tập thể. Nhưng không sao. Những bài tham luận của cuộc Hội thảo ngay lập tức được in trên các mặt báo như báo Văn Nghệ, báo của Hội Nhà văn Hà Nội, các báo chuyên ngành... kể cả báo Sức khỏe và đời sống là tờ báo có số lượng bạn đọc rất lớn lúc bấy giờ. Cứ nơi nào đồng ý đăng là chúng tôi đưa bài. Và , mọi chuyện êm ru. Rồi sách được giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Hà Nội- một giải thưởng danh giá, rồi giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam.
Anh là anh cả của dàn biên tập Nhà xuất bản Phụ Nữ ngày ấy, sau này chúng tôi nghỉ hưu, Ban lãnh đạo Nhà xuất bản Phụ Nữ và các biên tập kế tiếp vẫn giữ được mối quan hệ mật thiết với anh nên tiếp tục in hai tiểu thuyết tiếp theo của anh là Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa . Có em là biên tập từ ngày ấy, dù đã về nghỉ hưu cả chục năm, vẫn theo sát anh đến tận bây giờ, thu thập những truyện ngắn thời kỳ đầu sáng tác của anh, in thành sách ( tập truyện ngắn Rừng sâu), và hiện nay em đã cùng người thân của anh chuẩn bị được bản thảo một tập anh viết về chân dung bạn bè và một tập kỷ yếu của Viện Văn hội thảo về những tác phẩm của anh để sắp sửa in ra. Anh cũng là người bạn chí tình chí nghĩa. Còn nhớ sau này anh đã có tuổi, mỗi lần có sách ra, anh lại lọ mọ đạp xe lên nhà tôi tặng sách. Có những lần trời nắng chang chang anh cũng lên. Cảm động và thương anh.
Bây giờ anh đã đi xa. Anh hãy nhẹ lòng đi xa anh nhé.Bởi anh đã để lại một gia tài quí báu và giàu có cho người thân, bạn bè và bạn đọc. Không chỉ là những cuốn sách có giá trị của anh, mà còn là những kỷ niệm đẹp về người anh cả chí nghĩa chí tình với đàn em này. Lớp trẻ sau ta lại viết tiếp những chuyện đẹp phải không anh.
Thương tiếc và nhớ anh.
Hà Nội ngày 13- 14 tháng 6 năm 2021
Nguyễn Thị Hồng
(chú thích ảnh: Một cuộc gặp gỡ vui vẻ với các bạn văn, nhân chủ nhà Hoàng Quốc Hải ra tập sách Kẻ sĩ trước thời cuộc năm 2014 )
Bạn, Đặng Văn Sinh, Nguyễn Thị Giáng Vân và 55 người khác
14 bình luận
Thích
Bình luận