Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LÝ ĐÀO LAN VƯƠNG CỦA PHÙNG VĂN KHAI

Nguyễn Thanh Tú
Thứ tư ngày 23 tháng 6 năm 2021 9:10 AM




(Nhân đọc
Lý Đào Lang vương của Phùng Văn Khai - Nxb Văn học 2021)


Lý thuyết mô hình quan niệm mỗi tác phẩm là một mô hình về đời sống, với tiểu thuyết mới của Phùng Văn Khai rất rõ có một mô hình mới về lịch sử. Cái hạt nhân sự kiện vẫn là lịch sử, nhưng dựa vào đó, nhà tiểu thuyết đã kiến tạo nên một đời sống mới, sinh động, cụ thể, vẫn là lịch sử nhưng là lịch sử theo một quan niệm mới, một cái nhìn và cách lý giải mới. Lịch sử là sự thật. Kiến tạo là hư cấu. Ngày nay, thế giới thiên về cách hiểu con chim đại bàng tiểu thuyết lịch sử bay trong bầu trời văn hóa bằng hai cánh sự thật và hư cấu hướng bạn đọc về phía mặt trời chân thiện mỹ.

Chọn bối cảnh triều đại Vạn Xuân với các nhân vật chính là Lý Thiên Bảo - Lý Đào Lang vương, Lý Phật Tử, Triệu Quốc Chính, Phùng Hiền Anh... khi triều Lý Nam Đế vừa sụp đổ, nhà Lương phương Bắc vẫn tiếp tục dã tâm thôn tính, nhà tiểu thuyết đã tự đưa mình vào một thử thách: Viết cái gì? Thể hiện ý nghĩa gì trong bối cảnh bi tráng ấy? Đọc xong 16 chương/ hồi của tiểu thuyết, bạn đọc mới thấy nhờ chọn không thời gian nghệ thuật ấy, nhà văn đã thể hiện được cái anh hùng, cái trí tuệ, tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, ý chí tự cường, lòng khoan dung... của một dân tộc Đại Việt vốn yêu hòa bình, yêu chính nghĩa này.

Điểm nhấn của tiểu thuyết Lý Đào Lang vương là thời điểm một không gian nước Vạn Xuân ngàn cân treo sợi tóc. Quân tướng Lý Nam Đế đang thua trận, tướng giặc nhà Lương là Trần Bá Tiên lập tức xua thêm binh tiến xuống. Ở phía Nam, Trung lang tướng Lý Thiên Bảo dẫn đại binh ra Bắc cứu giá phò nguy chỉ để lại ít lính già, ngựa yếu cho biệt tướng Lý Phật Tử ở lại giữ thành. Với sự kích động của Đại tướng Bố Đa Ngai cũng là dã tâm của vua Rudravaman, quân Lâm Ấp lăm le vượt dãy Hoành Sơn tiến đánh. Ngoài Bắc, thành Long Biên bị vỡ, các lão tướng Phạm Tu, Triệu Túc, Tinh Thiều tử trận nơi cửa sông Tô Lịch. Quân Vạn Xuân thua tiếp ở hồ Điển Triệt. Vua Lý Nam Đế phải chạy lên vùng rừng núi Khuất Lão... Bọn huyện lệnh, hương trưởng cũ của “thiên triều” nhà Lương cấu kết với các thổ hào, tù trưởng phản động chuẩn bị nổi loạn. Trước tìnhh hình ấy, Lý Phật Tử chỉ còn cách vừa đánh vừa rút dần về vùng rừng Dã Năng tiếp giáp đất Di Lạo. Đồng thời khẩn cấp liên lạc với quân binh Lý Thiên Bảo.

Quân Trần Bá Tiên tràn sang truy quét quân binh Lý Nam Đế. Thứ sử Lữ Phạm, Mông Kỳ vốn quen thuộc cai trị nay được dịp thả cửa bóc lột, ức hiếp dân lành. Lữ Phạm lệnh cho binh tướng đốt sạch thuyền bè khiến vùng biển Ái Châu vốn sôi động tấp nập, nay tiêu điều xơ xác. Chúng còn đặt ra thuế muối vô cùng ngặt nghèo. Người làm muối không có muối ăn đến nỗi phải ăn trộm muối bị phát hiện đánh đập rất dã man. Diêm dân chịu không thấu trốn vào rừng sâu quá nửa. Rồi chúng tận thu sản vật ngà voi, sừng tê, trầm hương, gỗ quý... Tám huyện Ái Châu nay hoang hóa tiêu điều.

Trước tình thế ấy, tài năng của những chủ công Lý Thiên Bảo, chánh tướng Lý Phật Tử, quân sư Triệu Quốc Chính, sư phụ Phùng Hiền Anh… càng được thể hiện rõ. Họ rút quân vào rừng sâu chờ thời kháng chiến, đúng tính chất một cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện.

Họ luyện gươm đao, luyện cung tên giỏi đến mức từ hào nước lên mặt chòi canh phải đến tám chín mươi bước chân mà một người có thể liên tiếp sáu mũi tên bắn gục bốn năm lính canh. Họ thao luyện môn ném pháo vô cùng lợi hại. Những quả pháo đại họ tự chế bằng cách nhồi chặt diêm sinh hỏa hổ có sức công phá lớn rồi trộn loại nhựa cây hắc sơn bám dính nên sẽ là nỗi khiếp sợ của loài ngựa phương Bắc. Khi đối trận kỵ binh, chỉ cần ném thẳng quả pháo đại vào đầu ngựa lập tức dù ngựa chiến lão luyện cũng hoảng hốt tháo lui. Họ là những tráng sĩ luyện rèn có thể diệt được hổ dữ. Tiểu thuyết dành những trang thích đáng miêu tả tráng sĩ Vạn Xuân quần nhau với hổ. Như một bóng hồng nữ nhi nhưng có sức mạnh chinh phục tự nhiên đánh thắng hổ dữ, thì chắc nam dũng sĩ còn hơn thế: “Đứng thế thủ trên mặt đất, người đẹp rút soạt hai mũi lao đồng phóng thẳng về phía cọp trắng… Chỉ thấy chiếc bờm trắng lắc lư chao lượn, tấm thân cuồn cuộn như sóng cứ thế xông thẳng vào địch thủ khiến hai mũi lao đồng bắt trượt mục tiêu lia vào tảng đá phía trước nháng lửa... Hai mắt cọp gườm gườm găm thẳng vào mắt con mồi phía trước. Dường như nó cũng hiểu được kết cục hôm nay chắc chắn phải một mất một còn...”.

Lượng sức mình, họ liên kết với các tộc người bạn bè vừa để giúp nhau vừa để tăng thêm sức mạnh. Chủ công Lý Thiên Bảo tự cầm binh sang Di Lạo giúp thị tộc Kadai không chỉ giúp họ tránh họa diệt chủng mà còn là cách tạo ra thế chân vạc cùng nhau chống giặc phương Bắc tràn xuống. Rồi cũng chính chủ công Lý Thiên Bảo giúp họ trở về đất cũ Dong Chuôm sinh sống. Ngày xưa người Kadai bị quân của quốc vương Xang Muông tàn sát xua đuổi, phải đau xót rời xa di cốt tổ tiên được chôn gửi ở những chum đá... Nay được trở về với tổ tiên là nhờ người Vạn Xuân!

Khi giặc đến, tất cả những gì ở đất nước Vạn Xuân đều có thể là vũ khí. Những con trâu vốn dĩ hiền lành chỉ quen cày bừa nay đột nhiên thành những dũng sĩ: “Từ khắp ba mặt, hàng trăm ngưu binh lừng lững cặp sừng bóng loáng chĩa về phía trước sầm sập ào đến. Trên lưng các ông trâu, vài trăm dũng sĩ Vạn Xuân mình mặc giáp ngắn, đôi cánh tay vạm vỡ để trần liên tiếp rút ra những ngọn lao đồng phóng vun vút về phía trước khiến đám người ngựa vừa thoát chết kêu rú lên đổ vật xuống bãi sông.

Họ đánh giặc bằng mưu kế, đánh vào lòng tham lam, đánh vào sự huênh hoang tự phụ, đánh vào sự chủ quan tự đắc: “Một loạt pháo lệnh nổ vang, những chiếc hòm gỗ bật tung nắp, những thanh mã tấu, đoản đao sáng loáng vung lên chém phầm phập vào binh lính trên thuyền.

Họ đánh bằng kế mai phục, lấy ít địch nhiều, lấy cả địa hình địa vật, lấy cả hình sông thế núi làm phương kế chống giặc: “Đoàn chiến mã hung hăng lao thốc qua đỉnh đèo Cổ Mã bỗng... ầm… ầm… ầm… đất đá dưới chân đèo sụt toang từng hố lớn rộng vài trượng sâu hoắm khiến đám người ngựa lao thẳng xuống hố sâu. Tiếng ngựa hí vang trời. Tiếng người la hét loạn xạ”.

Giọng văn miêu tả như reo lên cảm hứng tự hào hòa vào cùng niềm tin chiến thắng!

Họ đánh giặc bằng trí tuệ với mưu sâu kế hiểm, mà với kẻ địch khôn ngoan, sành sỏi, độc ác nhất cũng không thể ngờ tới, nghĩ tới: “Toàn bộ dân phu, thợ đá được chia thành mười hai đội luân phiên xẻ đá bẻ dòng Ngưu Giang chảy sang bên kia núi Hy Bình. Thủy quân Bố Đa Ngai mười hôm nữa tất trở thành đám cua cá nằm trong chậu.

Họ đánh giặc bằng lòng nhân từ. Họ đánh giặc vì lòng hòa hiếu. Đây là lời của Đào Lang Vương nói với hai viên mãnh tướng thủy bộ: “Đại chiến trước mắt không tránh khỏi thảm cảnh máu chảy đầu rơi. Giặc đã bị hãm vào đường cùng, quân ta càng phải chặt chẽ trước sau. Ta không thể nào giết sạch đốt sạch như bọn người phương Bắc. Ta chỉ ước muốn vua nước Lâm Ấp sớm hiểu đại nghĩa cầu hòa với Vạn Xuân ta.

Họ đánh giặc bằng văn hóa. Trong lúc chuẩn bị chiến tranh vệ quốc, bao việc lớn phải lo,về dân sinh quốc kế, về sinh mệnh cả quốc gia... họ vẫn tổ chức lễ hội, như một cách rèn luyện tinh thần, một cách gắn nối mối đoàn kết, một cách động viên nâng cao sĩ khí: “Lớn nhất phải kể đến lễ hội đua thuyền và lễ hội chọi trâu. Ở lễ hội đua thuyền, ba mươi bảy làng chài các vùng cửa sông Dã Năng, Ma Giang, Hoàng Giang và bốn cửa biển Sầm, Tùng, Long, Hội phải tổ chức tới bốn vòng thi đấu mới chọn ra được tám đội đứng đầu vào thi trận cuối cùng. Các tráng đinh trên thuyền độc mộc chỉ cần lướt nhìn vô vàn thanh nữ đang hò reo huơ khăn cổ động chàng nào chàng nấy đều tung hết sức lực cho cuộc ganh đua...

Tiểu thuyết được viết với hai nguồn cảm hứng lớn: dạt dào niềm tự hào về truyền thống đại nghĩa, tự chủ, yêu nước và ngùn ngụt chí căm thù với kẻ xâm lăng tàn bạo, hiếu chiến, phi nhân. Mạch văn nhanh mạnh mẽ, đầy hứng khởi. Nhịp điệu khẩn trương dồn dập, khi chùng khi căng. Cách tạo không khí chiến trận rất hoạt, người đọc như được đưa trở về chứng kiến cảnh đánh nhau thật của một thời quá khứ! Đây là một tiểu thuyết rất đáng đọc. Không chỉ ở thời điểm biển Đông dậy sóng hôm nay mà ở bất kỳ thời nào. Đọc để hiểu một thời lịch sử, để hiểu cách đánh giặc, hiểu tâm hồn, tính cách Việt đầy khát vọng hòa bình, yêu nước, khoan dung và rất quật cường, khí tiết và mạnh mẽ!