Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỐI TÌNH GIỮA THI SĨ HÀN MẠC TỬ VỚI NỮ SĨ MAI ĐÌNH

Đắc Trung
Thứ sáu ngày 4 tháng 6 năm 2021 10:57 AM




28 tuổi "ra đi" giữa lúc tài năng đang rộ nở, thi sĩ Hàn Mặc Tử không chỉ để lại "những vần thơ có cánh" mà còn để lại mối tình tuyệt đẹp với nữ sĩ Mai Đình.

Đã không ít người viết về mối tình đầy thi cảm và đẫm nước mắt ấy, nhưng vì thiếu cẩn trọng trong việc lấy tài liệu, nên khi bài in ra đã gây sự bất bình cho chính nữ sĩ Mai Đình.

Rất may, đầu năm 1994, từ thành phố Hồ Chí Minh nữ sĩ Mai Đình ra du ngoạn Hà Nội, bà có ghé thăm tôi tại căn phòng nhỏ bé tại số nhà 64 phố Bà Triệu. Trong cuộc tiếp xúc quý giá này, nhờ sự tin yêu đặc biệt, tôi đã được bà kể cho nghe về mối tình của mình với Hàn Mặc Tử...

Đã sắp qua tuổi 78 mà nữ sĩ Mai Đình vẫn giữ được những nét đẹp kiêu sa, quý phái. Mái tóc dài bạc trắng chải rất mượt, búi rất gọn. Da hồng, mắt sáng, miệng tươi, giọng nhỏ nhẹ mà đầy âm hưởng. Khăn hoa, áo lụa hảo hạng. Xuất thân trong một gia đình quan lại quê Nông Cống (Thanh Hoá), thân phụ nhậm chức tại Phan Thiết, mười sáu tuổi sống bên cha, cô thiếu nữ ngây thơ xinh đẹp đó rất được cưng chiều. Cô mê đọc sách và tâm hồn đẫm thơ văn, đặc biệt Đường thi. Một lần trên mục Văn chương tờ "Sài Gòn", tình cờ Mai Đình đọc được bài "Thức khuya" của Hàn Mặc Tử. Chất thơ, hồn thơ, tầm trí lự của tác giả đã làm cô say, cảm. Tiếp đó cô tìm đọc hàng loạt những bài khác của thi nhân ấy và trong đầu cô bỗng hình thành bóng dáng Hàn Mặc Tử thật tuyệt vời. Cũng từ đấy dường như có sự thôi thúc kỳ diệu nào đó khiến Mai Đình quyết định gửi những bản thảo thơ của mình cho mục Văn chương tờ "Sài Gòn" cùng với niềm hy vọng rất mơ hồ khó giải thích... Bởi cô biết rằng trong Ban Biên tập của tờ báo đáng kính đó có Hàn Mặc Tử.

"Anh đọc thấy bài nào cũng hay", đó là Hàn Mặc Tử nói với Mai Đình sau này, khi họ yêu nhau, chứ còn lúc ấy, anh thực sự xao xuyến trước vẻ đẹp và sự tinh tuý của những vần thơ do một tác giả rất mới, bút danh Mai Đình gửi tới toà soạn. Và, tất nhiên anh lần lượt cho đăng.

Thế rồi dường như tiền định, hai tâm hồn thơ gặp nhau, cảm phục mến trọng nhau. Những vần thơ của họ được lãnh thêm thiên chức thiêng liêng - sứ giả giữa hai trái tim, rất tương đồng, cùng nhịp rung cảm - mặc dù chưa một lần gặp mặt, vậy mà họ đều cảm thấy dường như đã quen thân nhau từ rất lâu. Thế mới biết cái thần của văn chương kỳ diệu thật.

"... Năm 1937, nữ sĩ Mai Đình kể, trong chuyến đi từ Thanh Hoá vào Phan Thiết, ngồi trên ôtô nghe mấy người bạn đồng hành trò chuyện với nhau. Họ nói về văn chương, đặc biệt nhắc nhiều tới Hàn Mặc Tử. Qua câu chuyện của họ tôi được biết hiện tại Hàn Mặc Tử đang ở Quy Nhơn. Bỗng nhiên trong đầu tôi nảy ra ý định ghé Quy Nhơn thăm anh. Nhưng mà... phần e ngại mình là thiếu nữ con nhà gia giáo lại tự tìm đến một người con trai. Mà người đó mình chưa hề gặp mặt. Biết anh ở chỗ nào trong cái thành phố rộng lớn đó? Chẳng lẽ làm quen rồi hỏi thăm mấy người khách trên xe ư? Đâu có được. Tôi chợt nhớ ra rằng ở Quy Nhơn tôi có một người bạn thơ. Đó là anh Trần Thông. Vợ chồng anh rất mến tôi. Ghé qua thăm anh chị đó rồi tính...

Vợ chồng anh Trần Thông đón tiếp tôi niềm nở. Trong câu chuyện tôi làm như là đã quen biết Hàn Mặc Tử lắm và hỏi anh chị rằng hình như Hàn Mặc Tử đang ở Quy Nhơn, tôi muốn tới thăm ảnh. Cả anh chị đều buồn bã. Chị nói rằng Hàn Mặc Tử đang bệnh nặng, không nên tới. Tôi hỏi bệnh gì, tại sao lại không nên, trong lúc anh đang hoạn nạn thế cần tới thăm mới đúng đạo nghĩa chứ. Lát sau chị nói cho tôi hay rằng Hàn Mặc Tử bị bệnh cùi, hiện đang ở nhà riêng tại số 20 đường Khải Định. Anh từ chối mọi người không muốn tiếp xúc với ai. Tôi đắn đo. Nhưng chiều đó, tôi vẫn một mình tìm đến nhà anh. Căn nhà nhỏ nằm khiêm tốn, yên tĩnh đến vắng lặng. Tiếp tôi là một thanh niên tên là Hiếu, em trai Hàn Mặc Tử. Biết ý định của tôi, Hiếu tỏ ra cảm thông, nhưng gương mặt đượm buồn. Hàn Mặc Tử nằm trong buồng kín, nghe Hiếu vào nói lại, anh bảo Hiếu ra cho tôi hay rằng, anh rất cảm động về việc tôi tới thăm, nhưng anh bệnh không ra tiếp được, mong tôi hiểu cho, hẹn dịp khác tri âm. Tôi ra về lòng ngùi ngùi thương cảm. Ngay chiều gần tối hôm đó, trước khi tôi lên tầu vào Nam, thì anh Nguyễn Minh Vỹ tìm gặp. Anh Vỹ đưa tôi tập "Gái quê", nói rằng Hàn Mặc Tử nhờ chuyển. Mở ra coi và rất xúc động về dòng chữ Hàn Mặc Tử đề tặng tôi. Lên tầu tôi đọc liền một mạch hết tập thơ của anh. Qua thơ anh tôi càng mến anh. Xúc động tôi viết ngay bài "Biết anh"

Tầu đến Nha Trang, tôi xuống, tìm đến thăm anh Quách Tấn, một nhà thơ có tiếng bấy giờ. Anh em lâu ngày gặp nhau mừng lắm. Tôi kể lại việc đến thăm Hàn Mặc Tử, tất nhiên khoe với anh tập "Gái quê" mới được tặng. Vốn là bạn thân của Hàn Mặc Tử, nâng niu tập thơ trên tay, anh Quách Tấn nói rằng Hàn Mặc Tử cũng tặng anh một tập, nhưng một người bạn đang mượn. Anh muốn viết một bài về tập "Gái quê" của Tử, mong tôi cho anh mượn vài ngày. Tôi bằng lòng đưa anh, nhưng bẵng quên rằng trong đó có kẹp bản thảo bài "Biết anh" tôi làm tặng tác giả "Gái quê". Trong bài ấy có đoạn:

"... Còn anh, em đã gặp anh đâu

Chỉ cảm thấy thơ có những câu

Âu yếm say sưa đầy cả mộng

Xui lòng tơ tưởng lúc đêm thâu

...

Mộng hồn em gửi theo chiều gió

Để em gần anh ngỏ ít lời

...

Chẳng hiểu nghĩ thế nào mà Quách Tấn chép liền bài thơ đó gửi ra Quy Nhơn cho Hàn Mặc Tử. Đọc "Biết anh" của tôi, Hàn Mặc Tử làm đáp lại ngay bài "Lưu luyến" (Nữ sĩ Mai Đình nheo nheo mắt cười rất tươi, tôi thấy bà như trẻ lại thời con gái). Tôi "chết" là ở bài "Lưu luyến" này đây:

"... Chửa gặp nhau mà đã biệt ly

Hồn anh theo dõi bóng em đi

Hồn anh sẽ nhập trong luồng gió

Lưu luyến bên em chẳng nói gì

Thơ em cũng giống lòng em vậy

Nghĩa là thơm tho như ánh trăng

Mềm mại như lời tơ liễu rủ

 m thầm trong áng gió băn khoăn

Anh đã ngâm và đã thuộc lầu

Cả người rung động bởi thương đau

Bởi vì mê mẩn vì khoan khoái

Anh cắn lời thơ để máu trào

...

Anh đứng cách xa hàng thế giới

Lặng nhìn trong mộng miệng em cười

Em cười, anh cũng cười theo nữa

Để nhắn hồn em đã tới nơi..."

Vậy là "Biết anh" và "Lưu luyến" đã nói lên nỗi lòng hai chúng tôi. Từ đó chúng tôi thơ, từ cho nhau, gắn bó nhau như cặp tình nhân trong mộng.

Sau đó tôi rời Phan Thiết vào Sài Gòn. Hàn Mặc Tử vẫn ở Quy Nhơn. Đầu năm 1939 tôi mới có dịp ra thăm anh. Lại tìm đến nhà anh ở 20 đường Khải Định. Nhưng lần này lòng tôi ngậm ngùi buồn tê tái. Anh không còn ở đấy nữa. Bệnh cùi tàn phá cơ thể anh, vi trùng đã ăn lên đến mặt... Gia đình khánh kiệt để lo chạy chữa, nhưng bệnh tình anh không giảm. Chính quyền thành phố ra lệnh bắt đưa anh vào bệnh viện cùi Quy Hoà. Thân mẫu anh mếu máo cho tôi hay, khiến tôi không cầm nổi nước mắt. Thương anh, gia đình dấu anh ở một nơi kín đáo dưỡng bệnh. Đó là Gò Bồi. Gò Bồi nằm phía tây thành phố Quy Nhơn, một khu cát rộng, trên đó là những túp lều cỏ sơ sài của những người nghèo khổ bần hàn đói rách. Muốn ra đấy phải lội bì bõm nước ngập lưng bắp chân, rồi đạp lên cát bỏng dưới nắng hè chói chang. Tôi xin phép bà cụ ra thăm Hàn Mặc Tử. Cụ bằng lòng và gọi một chú bé dẫn tôi ra Gò Bồi. Đến trước túp lều tranh xác xơ xiêu vẹo, chú bé bảo tôi dừng lại. Vén tấm mành che cửa chú ra hiệu bảo tôi chui vào. Một người đàn ông nhỏ bé, gầy yếu ngồi trên chiếc giường chõng cạnh bàn viết. Bàn là tấm gỗ thùng đặt trên một khung chân cũ. Người đàn ông ngước đôi mắt đen sáng long lanh nhìn tôi dò hỏi. Tôi đứng lặng đi. Hàn Mặc Tử đấy ư? Thật xa lạ với một thi sĩ mà tôi hằng tôn thờ trong mộng tưởng. Anh ốm yếu tàn tạ, da mặt sần sùi, chỉ có đôi mắt làm tôi sửng sốt: sáng như hai ngôi sao, đằm thắm, thông minh và có sức cám dỗ kỳ lạ. Từ đôi mắt ấy như toát ra thứ ánh sáng huyền diệu khiến tôi bỗng thấy thương yêu anh vô cùng. Tôi nhìn xoáy vào mắt anh khẽ nói nhỏ chỉ đủ anh nghe: “Em là Mai Đình đến thăm anh đây... Vâng, Mai Đình đây!".

Anh chăm chăm nhìn tôi không nói và từ đôi mắt ấy bỗng rưng rưng lệ. Tôi bước đến gần định ngồi xuống bên anh, nhưng Hàn Mặc Tử vội lắc đầu xua tay. Tôi hiểu, vì trên đường ra đây, chú bé có kể cho tôi hay rằng, từ khi lâm chứng bệnh nan y này, Hàn Mặc Tử hết sức giữ gìn. Anh không bao giờ bắt tay ai, không để ai đến gần, giao tiếp luôn giữ khoảng cách xa để bệnh tình của mình không lây lan sang người khác. Phút xúc động lắng xuống. Chúng tôi bình tĩnh ngồi tâm sự với nhau. Càng trò chuyện càng tâm đồng ý hợp. Chúng tôi nói về những người bạn mà cả hai cùng quen, nói chuyện văn thơ, chuyện đạo, chuyện đời...

Từ đấy mỗi lần thu xếp được công việc tôi lại từ Sài Gòn ra thăm anh, cố gắng được gần anh nhiều hơn. Vốn liếng tư trang chẳng đáng bao nhiêu, tôi cũng bán đi để có chút tiền đem ra chăm sóc anh. Chúng tôi ngồi suốt ngày say sưa đàm đạo làm thơ xướng họa quên cả nắng nóng như dội lửa, quên đói, quên khát. Lúc ấy Hàn Mặc Tử rất vui. Những bài thơ xướng hoạ, những bài thơ chúng tôi cùng làm bài nào cũng dạt dào xúc cảm. Tôi chép vào một tập. Hàn Mặc Tử bảo tôi đặt tên. Tôi đặt là "Đôi hồn". Hàn Mặc Tử gật đầu bằng lòng. Có thể nói chúng tôi yêu nhau say đắm. Nhưng đó là mối tình hoàn toàn trong sạch. Trọng nhau về đức, về tài, cảm phục nhau về thơ mà yêu chứ thậm chí cầm tay nhau cũng không. Lần đó ra thăm, bệnh tình anh càng nặng hơn, sức khoẻ suy sụp, nhìn anh tôi không cầm nổi nước mắt. Tôi bảo với anh, hay là anh cứ đi bệnh viện Quy Hoà, tôi sẽ nghỉ việc theo anh ra đó săn sóc chăm nom. Anh lắc đầu nói rằng anh không muốn tôi phải khổ vì anh... Bữa đó tôi đã làm bài "Bên anh":

"Trèo lên bãi cát cháy chân

Anh ơi em đã về thăm bên thềm

Nhìn anh trong giấc ngủ êm

Tim em thổn thức, lòng em não nùng

Lần này em đã quyết tâm

Về đây ở một hai năm mới đành

Để em theo dõi bệnh tình

Bữa ăn, giấc ngủ cho anh đỡ sầu

Những ngày ta phải xa nhau

Anh buồn phương Bắc, em sầu phương Nam

Thà rằng từ biệt cho cam

Sống mà mỗi đứa mỗi phuơng sao đành

Bây giờ em đã bên anh

Đói nghèo cam chịu, rách lành cùng vui

Để anh đời bớt lẻ loi

Để em đời có chung đôi thiếp chàng "

Đọc xong Hàn Mặc Tử cảm động lắm. Anh đáp lại bằng bài "Thắm thiết". Tình yêu, tình thương, những xót xa đau đớn của lòng anh với tôi toát lên một cách lâm ly trong bài thơ đó khiến tôi càng yêu anh vô hạn. Hôm sau tôi chia tay anh trở lại Sài Gòn. Và, tôi đâu có ngờ rằng đó là lần gặp cuối cùng giữa hai chúng tôi.

Sau đó ít ngày gia đình buộc phải đưa anh vào nhà thương Quy Hoà để chạy chữa. Nhưng bệnh quá nặng anh không qua khỏi. Ngày 11 tháng 11 năm 1940 anh qua đời. Được tin ấy tôi vô cùng đau đớn, xót xa ân hận vì đã không săn sóc được anh, phút lâm chung anh không có tôi bên cạnh. Tôi chỉ còn biết thu xếp hành lý ra Quy Hoà đến viếng mộ anh. Ngồi bên nấm mồ khói hương nghi ngút mà lòng tôi tan nát vì thương nhớ.

Nữ sĩ Mai Đình ngồi lặng đi. Lát sau tôi dè dặt hỏi:

- Thưa bác, vậy bản thảo tập "Đôi hồn" bác có còn lưu giữ được không?

- Còn, tôi vẫn giữ, vẫn thuộc nữa.

- Giá mà...

Hiểu ý tôi bà nói luôn:

- Đã có người đến mượn, đến xin, đòi mua với giá đắt nữa, nhưng tôi từ chối. Bởi với tôi đó là những kỷ niệm vô giá thiêng liêng với Hàn Mặc Tử, không muốn chia sẻ cùng ai... (Nữ sĩ Mai Đình khẽ nén hơi thở dài, mắt đăm đắm nhìn ra xa xăm). Hàn Mặc Tử "ra đi" thấm thoát đã hơn nửa thế kỷ, vậy mà lúc nào tôi cũng tưởng như anh còn sống.

Vâng, thưa bác, đúng là Hàn Mặc Tử vẫn còn sống, bởi thơ của ông không bao giờ chết. Cám ơn bác đã kể cho biết về Hàn Mặc Tử, về mối tình tuyệt đẹp của hai thi nhân. Mối tình đó tinh khiết, trong suốt như pha lê không hề tính toán vụ lợi và tràn đầy tình nhân ái. Giữa thời buổi kinh tế thị trường này biết bao kẻ đã biến cả nghĩa tình thành hàng hoá với mục đích kiếm lời. Bởi thế xin phép bác cho tôi được viết về mối tình ấy hy vọng không chỉ có ích cho tuổi trẻ mà cho tất cả những ai đã từng có mối tình đi qua.

Ảnh: Nữ sĩ Mai Đình người đứng, người kế bên là nhà thơ Tế Hanh