Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ THƠ VIỆT PHƯƠNG SUÝT VƯỚNG CÁI ÁN VĂN CHƯƠNG

Xuân Ba
Thứ năm ngày 7 tháng 5 năm 2020 9:11 AM




Nhân học giả Cao Huyền- Nguyễn Thông tức Thông Cào nhắc mới nhớ, bữa nay 6-5 Giỗ 3 năm nhà thơ Việt Phương.
Không thể không nhớ đến làn khói hương rưng rưng thẳng vút nghiêm cẩn của nhân sĩ Phạm Chi Lan ngày thi sĩ Việt Phương đi xa…
… Anh em làm ở Ban Nghiên cứu cũng may mắn được gần ông, một nhà thơ. Thỉnh thoảng ông đọc cho chúng tôi nghe và mời bình những bài thơ mới. Có hôm ông còn mời mọi người đặt tên cho những bài thơ mới của ông. Cách đặt tên rất đặc biệt, chỉ có một từ, khiến cho ai cũng vò đầu suy nghĩ, rồi đưa ra cả chục cái tên khác nhau cho mỗi bài thơ. Ông thường chỉ đứng cười cười, gật gù nghe mọi người bàn tán, trước khi nhẹ nhàng hỏi “vậy lấy từ này có được không”, để rồi ai cũng ồ lên, công nhận từ ông chọn là hay nhất. Sau này, khi BNC đã giải thể, trong các cuộc họp mặt hàng năm của chúng tôi, thơ ông làm riêng cho bạn bè trong BNC cũ là thứ không thể thiếu.

Còn tôi, chợt chất giọng nhà thơ Việt Phương như đang rủ rỉ đâu đó?
Như cái lần gặp năm xa ấy…
Vâng, tập thơ Cửa Mở, NXB Văn học in 5000 cuốn ( chợt nghĩ bây giờ chả có tác giả hay NXB nào dám nghĩ đến cái số lượng khủng ấy?) Và một kỷ lục về bán chạy. Chỉ 2 tuần đã bán hết veo. Nhưng ngay đó là những bàn tán xầm xì là Cửa Mở có vấn đề!
Nhà thơ Hoàng Trung Thông hồi ấy đâu như với cương vị Viện trưởng Viện Văn học vốn là bạn ông nhanh nhẩu có ngay một bài viết dài trên Báo Nhân Dân về tập Cửa Mở. Nhưng oái oăm, cái phần thi sĩ họ Hoàng tâm đắc nhất lại bị xén một cách thô bạo! Thế lại vô tình thêm rối. Người ta càng có cớ để bàn ra tán vào!
Rồi không biết từ đâu chỉ thị, đã có hẳn một cuộc họp.
Cuộc họp ấy được tổ chức tại NXB Văn học ngày 12 tháng 11 năm 1970. Thành phần gồm Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoàng Trinh, Vũ Đức Phúc Hoàng Xuân Nhị, Nông Quốc Chấn, Huyền Kiêu, Lưu Trọng Lư, Thanh Tịnh, Nguyễn Văn hạnh, Hoàng Trung Thông, Xuân Tửu, Tế Hanh, Bùi Hiển, Vũ Khiêu, Phan Cự Đệ, Phạm Hổ, Khái Vinh, Trần Dũng Tiến ( Văn Giáo) Phan Hiền và Việt Phương.
Cuộc họp do Như Phong, GĐNXB Văn học chủ trì.
Xin trích lời phát biểu của Chế Lan Viên.
… Ở các cuộc họp khác không nhắc đến con người tác giả. Ở đây nhắc tác giả là cần thiết. Chính sự cần thiết ấy để khẳng định không nhắc gì đến Nhân Văn hay Nobel gặp gỡ gì ở đây!
Nên hiểu tập thơ để đọc sách họ. Nên hiểu cả tập thơ chứ không phải một vài câu. Nếu đọc riêng một vế “ mong cho chóng lớ mà ăn cướp” thì oan cho người viết quá!. Có lần tôi đã nói thơ Tố Hữu mà đọc tách từng câu cũng bị hiểu lầm! Tại sao không chú ý cả bài thơ của người ta? Theo kinh nghiệm của tôi khi mình viết phải nghĩ trước mắt mình có môi trường độc giả và cả những người không thích mình đọc trong phòng khác. Tôi từng bảo anh Việt Phương nên đăng báo để độc giả làm quen với thơ mình… Cho nên in thành sách thì vội. Nhìn vào tập thơ trước khi đưa in, tôi thấy có nhiều người khen, có người chê có người chưa hiểu… Riêng tôi khẳng định tập Cửa Mở là tốt vì sao nó chống chủ nghĩa đế quốc chống xét lại. Nhưng tác giả ca tụng Việt Nam không nên ca tụng quá mức… Một trong những bài hay là bài khóc Bác. Nhưng chỗ yếu của Việt Phương là thiếu thực tế. Bảo Việt Phương không có sự sống là không đúng mà chỉ thiếu cụ thể trong sự sống. Nỗi đau gì nên nói rõ trong môi trường không gian, thời gian cụ thể hơn…
Thơ có quyền và cần đi vào suy tưởng. Việt Phương đã đến một dạng và phải trả giá bằng suy tưởng của mình. Do đó tập thơ có sức nặng, đọc xong người ta muốn đọc lại.
Có sự dũng cảm nhưng thiếu thực tế vốn sống nên có bài rơi vào duy lý không khép sa vào duy tâm… Bây giờ đã cần thiết chưa khi nói đến nỗi đau trái đất?
Đếm tỷ lệ số câu số bài chưa đạt ít. Phải nhìn vào cơ bản. Cũng như Thái Bình 7,8 tấn nhưng có thửa còn bỏ hoang. Trong văn học hiện nay tính bảo thủ còn nặng hơn sáng tạo. Người nào muốn tiến lên thì phải trả giá. Mời anh Việt Phương cứ tiếp tục…

Một người bạn của Việt Phương có kể lại. Một cán bộ chính trị quân đội đã trình bày với Đại tướng Võ Nguyên Giáp hẳn cả một phương án để phê cuốn Cửa Mở đã làm… rối loạn cả hậu phương quân đội ra sao! Nhưng Đại tướng nghe xong lẳng lặng không nói gì!
Còn Trường Chinh ( nhà thơ Sóng Hồng) thi thoảng có tặng thơ Việt Phương và Việt Phương có tặng lại Cửa Mở. Ủy viên Bộ chính trị phụ trách công tác tư tưởng Trường Chinh đọc xong Cửa Mở tủm tỉm cười nói với Việt Phương “ Mình đã đọc. Có hơi hướng neo-suralisme ( siêu thực mới” rồi thôi. Còn Tố Hữu có thói quen có bài gì tâm đắc thường đưa Việt Phương đọc trước rồi mới dám đưa Bác Hồ. Tố Hữu đập tay lên cuốn Cửa Mở rồi nói bằng tiếng Pháp : Việt Phương nên hạ xuống mặt đất và đi vào cái hằng ngày…”

Còn Tổng Bí thơ Lê Duẩn?

Nhà thơ kiêm công chức Việt Phương không thể ngờ rằng thơ mình đã được Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc mà đọc ở tận… Liên Xô!
Số là Việt Phương có cô em vợ đang học tập bên Liên Xô. Cô lại chỗ quen thân với Lê Vũ Anh, con gái TBT Lê Duẩn. Thời ấy mà Cửa Mở được xuất khẩu ra nước ngoài kể cũng ghê! Ấy là cách nói vui của những cuốn sách, tờ báo hiếm hoi tiện theo chân anh chị em ta sang bên Liên Xô học tập, công tác. Cô em vợ một lần về phép tiện tay bỏ vào va ly cuốn Cửa Mở. Không ngờ sang đó mọi người chuyền tay nhau đến nhàu cả ra…
Mang máng nghe rằng ở trong nước Cửa Mở đang bị khiền bị coi là có vấn đề. Dịp đó TBT Lê Duẩn sang Maxcova họp. Lo lắng cho người anh rể, cô em đã tìm đến cái kênh người thân là con gái Tổng Bí thư Lê Duẩn thì phải? Và không biết bằng cách nào có thể là qua kênh con gái Lê Vũ Anh rằng cuốn sách đang có vấn đề. Rồi cuốn Cửa Mở truyền tay nhau đến nhàu ấy đã tới được tay TBT Lê Duẩn. Bấn bíu việc công như thế mà TBT đã giành thời giờ đọc ngắt quãng ( vì bận) vài ngày mới hết.
Cô em vợ Việt Phương nhẹ bỗng người khi trong một lần gặp gỡ chung hiếm hoi đã chứng kiến TBT Lê Duẩn lắc đầu cười với cả bọn rằng mình biết Việt Phương chứ… Cửa mở không có chuyện gì đâu!

Chưa hết! Rồi người ta tổ chức một cuộc họp chẳng phải là cấp thấp để bàn về Cửa mở… TBT Lê Duẩn không hiểu sao biết được, than “ Thế không còn việc gì để bàn nữa à?”
Rồi ông bất ngờ xuất hiện trong cuộc họp ấy…
Hai tiếng đồng hồ không hơn không kém, Tổng bí thư trong phát biểu tịnh chẳng đề cập đến gì trong Cửa mở mà thao thao hào sảng về những vấn đề cấp bách của văn học nghệ thuật, về thơ ca!
Rồi sau thời điểm đó một công văn phát ra từ Văn phòng Phủ Thủ tướng gửi tới các cơ quan có trách nhiệm. Công văn đại ý, Đảng bộ Văn Phòng Phủ Thủ tướng không có trách nhiệm về văn học nghệ thuật. Nhưng những tư tưởng trong Cửa mở là hoàn toàn của Đảng!
Ông Việt Phương còn nhớ, cuối năm ấy, Văn phòng xét chon 3 Đảng viên xuất sắc để trên khen thưởng thì Việt Phương có trong số đó.
Năm ấy cũng là đợt bầu Đại biểu đi dự Đại hội Đảng cấp trên, Việt Phương trúng số phiếu cao.
Rủ rỉ kể lại, nhà thơ Việt Phương chất giọng bùi ngùi, mình được che chở nhiều quá… Nhiều anh em viết còn thua thiệt lắm lắm!

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, cận cảnh và trong nhà
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang ngồi và trong nhà
Trong hình ảnh có thể có: 2 người, bao gồm Trịnh Huyên, mọi người đang đứng và ngoài trời
Nguồn FB trinhhuyen