Sau các nghệ nhân dân gian đang mỏi mòn trông đợi chính sách đãi ngộ của nhà nứơc thì đến các cảnh quan nổi tiếng của nứơc ta cũng đang dần dần biến mất bởi sự vô trách nhiệm, bởi cách làm du lịch ăn xổi, bởi một tầm nhìn hạn hẹp, sự chồng chéo cục bộ”ngành nào chỉ biết ngành ấy” … Dường như ở đâu có cảnh quan từng là niềm tự hào cho dân địa phương, là sự khao khát đến và chiêm ngưỡng của khách thập phương thì hầu như các cảnh quan đó đang bị phá phách thô bạo, làm tàn lụi đi một cách không thương tiếc…
Trong ca khúc “bài ca thống nhất” nhạc sĩ Võ Văn Di viết vào năm 1975 ngay sau khi non sông ta trở về một khối có một ca từ rất đẹp như một biểu tượng về Việt nam ta “ non sông bao la, đẹp như gấm hoa”.Gần 40 năm trôi qua. Vẻ đẹp gấm hoa ấy đã mất đi như thế nào. Khoan nói đến những thắng cảnh mà bất kì quốc gia nào ở trình độ tiên tiến, văn minh cũng ao ứơc. Hãy bắt đầu từ những cánh đồng thẳng cánh cò bay, nơi châu thổ đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng Nam Bộ phải mất hàng triệu , triệu năm những dòng sông Hồng, sông Mã, sông Đà, sông Cửu Long ...mới bồi đắp tạo thành. Vậy mà chưa đầy 20 năm với các dự án công nghiệp thiếu hiệu quả của Vinashin, Vinamoto … để sản xuất linh kiện phụ trợ, rồi những dự án treo, những sân gôn .. đã làm những cánh đồng bờ xôi , ruộng mật đẹp như tranh vẽ, lung linh trong những trường ca của Văn Cao, Đỗ Nhuận, Hồ Bắc,Tố Hải…giờ đây bỏ hoang cho cỏ mọc, khác gì những vết bỏng không bao giờ liền sẹo trên thân hình đất nứơc.
Trở lên phía Tây Bắc. Nơi Thành phố Sa Pa đẹp như hoạ phẩm tranh lụa của danh hoạ Nguyễn Phan Chánh có bãi đá cổ mà theo các nhà nghiên cứu trong nứơc và thế giới khẳng định là dấu tích của nền văn minh trái đất cách đây 5000 năm. Một bãi đá cổ mà năm 2009 người Thuỵ Điển dành gần hai tháng từ 27/9 đến 8/11 trưng bày những bản khắc rập từ hoạ tiết trên những phiến đá vô giá đó. Sở dĩ người Thuỵ Điển quí trọng bãi đá cổ Sa pa vì đất nứoc này cũng có bài đá cổ Umea chỉ toen hoẻn hơn 100 mét vuông với những hình vẽ, hoạ tiết đơn giản kém rất xa bãi đá cổ Sa Pa mênh mông với hàng nghìn mét vuông với đủ các hình vẽ khơi gợi cả một ngành nghiên cứu. Nếu bãi đá cổ Umea được làm cầu để du khách khỏi dẫm chân lên những nét chạm khắc của người xưa thì ở bãi đá cổ Sa Pa sau bao lời khẩn thiết đề nghị chủ yếu của các nhà chuyên môn nứơc ngoài người ta cũng dựng lên những hàng rào sơ sài để bào vệ. Và chỉ sau hai, ba năm những hàng rào xập xệ này lại đổ xụp để mặc trẻ chăn trâu, khách thăm quan trong nứơc dẫm đạp lên làm phai mờ dần những hình vẽ cổ. Đó là chưa kể không ít những khách du lịch vô văn hoá còn khách chạm những dòng chữ vô văn hoá đè lên những dòng chữ cổ. Chưa hết. Nguy cơ lớn hơn là bãi đá cổ Sa pa quí giá này nếu không được nhà nứơc quan tâm bảo vệ bằng biện pháp kiên quyết thì chỉ vài năm nữa sẽ chìm xuống, mất tăm dưới hồ thuỷ điện Sử Pán 2 với lời tuyên bố hùng hồn và rất trọc phú của ông Phạm Hải Hà – TGĐ Công ty Cổ phần CN Việt Lang - chủ đầu tư của công trình thuỷ điện “tôi mà kiện thì bên văn hoá chỉ có thua”. PGS- TS Đặng Văn Bài Phó chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia khi biết quanh vùng Sa pa có đến 123 công trình thuỷ điện đã phải thốt lên” trên thế giới chưa ở đâu có hệ thống thuỷ điện dày đặc như Lào Cai trong đó có khu du lịch sinh thái. Lào Cai nên lựa chọn.Làm trung tâm du lịch thì không có thuỷ điện”. Còn cựu Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh thì cho biết” dự án du lịch trách nhiệm ESRT tiến hành kiểm tra các điểm du lịch Tây bắc để đầu tư thì Sa pa bị chấm thấp nhất.Lý do cảnh quan đã bị phá vỡ do ảnh hưởng thuỷ điện”…
Năm 1978 tôi có dịp đến với Đà Lạt- Thành phố kì ảo do Lui Pastơ phát hiện gần hai thế kỉ nay.Hơn nửa tháng lưu lại thành phố diễm lệ này để tắm mình trong tiếng gió thông êm nhẹ. Trầm tư trước những biệt thự cổ xây theo phong cách phương tây, chiêm ngưỡng những thắng cảnh nơi Hồ Xuân Hưong, Thung lũng Tình yêu, đồi Mộng mơ, thác Cam Ly…Nhưng lần trở lại Đà Lạt gần đây nhất, tôi không khỏi tuyệt vọng trứơc sự biến dạng và cả biến mất của những biệt thự. Rừng thông mênh mông ở các địa điểm nổi danh bị thu hẹp bởi những công trình thô cứng bị bê tông hoá. Đồi cỏ mịn màng, xanh mứơt của Thung lũng Tình yêu, đồi Mộng mơ bị chia nát bởi những con đường xi măng, những bãi giữ xe …Ngay thác Cam ly cùng bị bê tông, gạch hoá dần. Một sân khấu nhạc nước hơn 2000 chỗ ngồi xây lấy được bất chấp cảnh quan thiên nhiên sớm chết yếu để lại hàng nghìn khối bê tông, sắt thép cùng một nhà hàng 300 thực khách…Nghe nói Khu du lịch Cam Ly lại đang bỏ tiền để trồng lại cây và hoa để che đi sự bừa bộn của những công trình bê tông đang dần hoàng phế này.
Đảo Phú Quốc với bãi biển cát vàng tuyệt đẹp mang tên Dinh Cậu cũng đang bị phá nát bởi sự xây dựng xô bồ thiếu qui hoạch và sự tôn trọng thiên nhiên. Những dãy khách sạn cao tầng đua nhau mọc lên, những Resort với những hàng rào bê tông, đá cao xấp xỉ 2 mét, chạy dài hàng trăm hàng nghìn mét , rồi những nhà nghỉ, quán ăn của dân đua nhau xây ra xen giữa cả những khu mộ, rồi những dự án treo chẳng những triệt đường xuống biển của khách du lịch mà từng ngày làm mất đi vẻ đẹp hồn nhiên, đáng quí của của thiên nhiên dành cho hòn đảo nỏi tiếng này.
Sự bê tông hoá ở bãi biển Mũi né ( Bình thuận) một trong những bãi biển nên thơ nhất Việt nam cũng đang từng bứơc lấn dần vẻ đẹp phong phú của thiên nhiên. Bất chấp luật cấm về địa điểm xây cát và số tầng công trình các khách sạn phạm luật vẫn liên tiếp mọc ra “để phạt tồn tại”. Người ta thi nhau chặt bớt dừa và rừng cây để xây khách sạn và nhà trọ…khiến bãi biển Mũi Né giờ đây chỉ còn lại sự thô cứng của những công trình xây cất bừa bãi, làm mất đi không ít thắng cảnh thiên nhiên trong đó sự biến mất vĩnh viễn Suối Hồng- vịnh Hạ Long cát thu nhỏ .
Vịnh Hạ Long- Kì quan thế giới không kể mặt nứơc đang ngày bị ô nhiễm bởi các cơ sở công nghiệp đổ thẳng ra biển hàng nghìn tấn nứơc thải chưa qua xử lý chế biến. Đường bờ biển bị đủ thứ dự án nhà cao tầng che lấp. Những rừng cây nứơc mặn mất dần vì sự lấn biển thiếu qui hoạch và sự tôn trọng thiên nhiên. Các hang động kì diệu cũng đang được khai thác xô bồ thiếu nghiên cứu. Ngưòi ta mang đèn mầu trang trí, tổ chức biểu diễn văn nghệ trong các Hang Thiên Cung, Đầu Gỗ .. đã gây tác hại không nhỏ cho môi trường, nhất là sinh thái của nhũ đá… Không nói đâu xa. Cách đầy hơn 20 năm ông Hoàng Văn Nghiên chủ tịch Thành Phố Hà Nội đã kí quyết định làm mất đi cả một vườn đào đặc trưng cho Hà Nội mà còn có thể là thứ quốc hoa của Việt nam. Tôi đã nhiều lần ngắm hoa Anh đào tại đất Phù Tang cũng như tại Hà Nội, Quảng Ninh mới thấy vẻ đẹp hoa đào nào kém Anh đào vậy mà một loài hoa được tôn vinh tại một xứ sở văn minh. Còn hoa đào của ta bị phá nát. Hãy tưởng tượng khi mùa xuân về cả một rừng hoà đào Nhật Tân nở thì Hà Nội ta, Việt nam ta kiêu hành biết bao vì màu sắc kì ảo, rực rỡ của loài hoa này. Đào Nhật Tân đã mất nay còn Hồ tây. Lại thêm một lần phải nói hồ này là thắng cảnh cấp quốc tế. Một báu vật thiên nhiên trao tặng Thủ đô từ ngàn xưa với những tên thơ mộng, liêu trai như Dâm Đàm, Đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Hồ Lãng Bạc, Đoài Hồ…cùng cánh chim sâm cầm quí giá. Hồ còn là lá phổi cho Hà nội. Nhưng gần hai chục năm nay, cứ theo chu kì một hai năm thì dư luận báo chí lại nổi lên dư luận can gián các nhà quản lý Hà nội hãy vì cảnh quan Thủ đô, sự điều hoà khí hậu Hà nội mà cố giữ vẻ đẹp thiên nhiên cũng như diện tích của Hồ Tây. Nhưng bất chấp mọi lời can gián của báo giới, của các nhà khoa học Hồ Tây cứ dần dần bị thu hẹp, lấn chiếm bởi những dự án khu đô thị nọ, thuỷ cung kia rồi bến cầu tầu. Hơn 20 năm trước tầm mắt còn choáng ngợp bởi sự mênh mông, xanh mứơt của Hồ tây thì nay bờ hồ là những tổ hợp nhà cao tầng bê tông thay dần cho những hàng liễu rủ. Khiến mặt hồ bị co thắt lại như ao tù.Trên mặt hồ người ta cho thoải mái cấp giấy phép cho những nhà nổi phục vụ ăn uống để ngày ngày đổ thẳng xuống hồ hàng trăm tấn đồ thải. Nghe nói một vị chức sắc còn vừa có ý định cho đóng cọc xuống lòng hồ Tây để cho nhà thầu tầu mở tuyến đường sắt nội thị . Nếu kế hoạch này thực thi thì chẳng những tử huyệt của quốc gia bị xâm phậm mà Hồ tây thêm một lần bị xẻ thịt, băm nát.
Con ngưòi phá cộng thêm thiên nhiên phá với sự thờ ơ, vô cảm của con ngưòi hàng loạt thắng cảnh thiên nhiên nứoc ta trong vài chục năm lại đây liên tục biến mất. Nàng Tô Thị thiên nhiên bị đổ do mưa gió, phong hoá giờ được thay thế bằng tảng bê tông thô thiển. Hòn Phụ Tử - kì quan của vùng biển Hà Tiên đã vĩnh viên rời xa chúng ta hơn 7 năm rồi. Tới đây đảo hai gà chọi nhau danh tiếng giữa Vịnh Hạ Long nếu không có kế hoạch gia công, tu sửa thì sẽ lại lâm vào tình trạng đau sót như hòn Phụ Tử…Cách đây chừng 5 năm tôi đã nhắn tin cho vị đứng đầu Tỉnh Quảng Ninh ( vốn là một giám đốc sở GTVT,tôi biết từ khi làm báo) về tình trạng này và hiến kế nên có một dự án huy động vốn xã hội để tu bổ hòn Trống Mái giữ cho hôm nay và thế hệ mai sau. Tiếc là lời đề nghị của tôi rơi vào thình không.
Tôi có dịp đến Trung Quốc từng chứng kiến những hồ nổi tiếng của xứ này chỉ được phép trồng liễu quanh hồ, cấm tiệt mọi công trình xây cất bằng vật liệu cứng như bê tông…. Tôi cũng từng chứng kiến bậc thang lên xuống tạc rồng mây nơi cung điện Di hoà Viên được bảo vệ bằng lưới thép mắt cáo không cho khách tham quan bước lên….Còn ở ta. Ngưòi ta thoải mái xâm phạm bia, rùa đội bia nơi Văn Miếu. Hồi ông Nguyễn Thế Thảo còn làm chủ tịch Thành Phố- nghe nói có bằng Công trình sư, còn kí quyết định cho xây khách sạn, khu trung tâm thương mại nhiều tầng phạm vào nơi địa linh của thắng cảnh Hồ Hoàn Kiếm. Cùng với khách sạn, khu trung tâm thương mại này với ga tàu điện ngầm này nọ thì Hồ Gươm cũng sẽ trở thành cái ao làng vô duyên giữa thành phố đang bị bê tông hoá từng mét đất …
Trong buổi trả lời đại biểu quốc hội trước đây cựu Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cứ loay hoay mãi trong việc đưa ra biện pháp chặn người ăn , người bán dong tài xế tắc xi chặt chém, bám khách du lịch mà quên đi việc trình quốc hội việc cần bảo vệ cảnh quan, di tích non sông ra sao…Thật buồn cho một tầm nhìn của ông Bộ trưởng …
Con cháu chúng ta, thế hệ mai sau sẽ nghĩ gì vì sự thiếu văn hoá , thiếu sự tôn trọng vẻ đẹp của non sông ta của những ngưòi đang sống hôm nay. Đến bao giờ mới có chính sách, quyết định nghiêm cẩn để từng bứơc chặn đứng sự mất đi của những cảnh quan trên đất nứơc ta?.
Nguyễn Hiếu