Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KHAI THÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA VÙNG HỒ THÁC BÀ PHỤC VỤ DU LỊCH

Hà Lâm Kỳ
Thứ bẩy ngày 15 tháng 9 năm 2018 9:23 AM


 



Kết quả hình ảnh cho hồ Thác BÃ


Sông Chảy – Vùng hồ Thác Bà – Dấu tích lịch sử, văn hóa

Sự tích kể rằng, xưa có hai ông bà người Khổng Lồ từ đâu gồng gánh ngược dòng sông Chảy. Bà đi trước, Ông đi sau. Khi đến vùng trung lưu (nay là mặt đập hồ Thác nơi xây sựng nhà máy thủy điện) thì trời gần sáng. Bà Khổng Lồ thấy nơi đây đất đai cây cối tươi tốt, liền hạ gánh và quăng trâu bò lợn gà có trong quang gánh ra lòng sông, rồi rắc lúa ngô lên đồi rừng, sau đấy biến mất. Ông Khổng Lồ đến nơi thấy vậy liền lùi lại một bước và cũng quăng những thứ có trong quang gánh ra sông, và đi đâu không rõ. Về sau người đời nhớ ơn hai vị có công khai phá vùng đất ven sông Chảy này đặt tên cho hai thác là Thác Bà và Thác Ông. Đến thời Nguyễn, nhân dân địa phương lập đền thờ mẫu ngay bên Thác bà. Đền Mẫu linh thiêng, những người xuôi bè trước khi nhổ sào, đều đến đây xin lộc Mẫu, cầu mong chuyến đi an toàn. Thời Hùng Vương vùng Thác thuộc Bộ Tân Hưng. Thời Bắc thuộc thuộc quận Giao Chỉ. Đời Lý gọi là Châu Đăng, đời Trần gọi là Châu Thu Vật, đời Lê gọi là Châu Lâm. Đến năm Minh Mệnh thứ tư đời Nguyễn đổi là phủ Yên Bình. Thủ phủ Yên Bình đặt ở xã Đại Đồng.

Sông Chảy bắt nguồn từ Trung Quốc, xưa gọi là sông Trôi hay sông Đại Ngàn, nước trong vắt và rất hung dữ. Vùng sông Chảy có ưu thế nhiều ngòi, nhiều thung lũng nên đất trù phú, cư dân làm ăn dễ dàng, nhất là trồng ngô lúa, khoai, cây ăn quả, bắt cá suối, nên những dân buôn có câu: Có tiền buôn tôm bán cá/Hết tiền xuôi ngả sông Thao / Không có đồng bào thì về sông Chảy. Cư dân sông Chảy tập trung đông nhất là đồng bào Kinh, Nùng, Tày, Dao quần trắng và Cao Lan. Nơi đây có nhiều chợ: chợ Ngọc, chợ Ngà, chợ Đồng. Chợ Yểng, chợ Đồn, chợ Lạng. Làng Múc khai cuôi (làng Múc bán sọt) / Làng Nồi khai bẳng (bán ống bương) / Đồng Tâm khai mắc chanh (bán quả chanh) / Bình múc khai mằn bủng (bán khoai lang).

Từ Cảng Hương Lý đi 15 phút cano, ta gặp núi Cao Biền. Cuốn lịch sử Việt Nam tập 1 ghi: Cao Biền là tướng tài của nhà Đường, năm 680 vua Đường Thái Tông lập nước An Nam (Việt Nam) đô hộ phủ (một thủ phủ thuộc Trung Quốc). Năm 685 Vua Đường Ý Tông sai Cao Biền sang Việt Nam làm tiết độ sứ. Cao Biền theo đường Vân Nam – Lào Cai, đến núi này lập đàn tế trời mở mang vùng đất, sau đó về phủ Tống Bình (Hà Nội) lập thành Đại La chia Việt Nam thành 59 hương. Nhân dân ta vô cùng thống khổ: Nhớ khi nội thuộc Đường triều / Giang sơn cố quốc nhiều điều oan gia. Tương truyền: Cao Biền là thầy địa lý kiêm phù thủy, sang Việt Nam ông ta lập đạo quân âm binh trên dải núi bên sông Chảy hòng khuất phục Việt Nam. Không hiểu sao, mấy lần Cao Biền cho “xuất binh” đều không thành làm y thất vọng, và người Việt Nam vẫn không ngừng đứng lên chống lại người phương Bắc. Câu “Cao Biền dậy non” có từ đó. Năm 1991 nhà thơ Phạm Tiến Duật lêm thăm Thác Bà, khi nghe câu chuyện này anh đã làm bài thơ “Uống rượu với Cao Biền”, như một thông điệp rằng, chuyện gươm giáo đã qua rồi, tốt nhất là hãy ngồi lại uống rượu với nhau, cùng bàn tính chuyện làm ăn, bài thơ có đoạn: Ơi ông Cao Biền nằm dài trên đỉnh núi / Vô duyên như huyền thoại xa vời / Gươm với giáo đã chìm vào quá khứ / Chỉ tên ông nhắc nhở chút xa xôi. Chếch với dãy núi Cao Biền là dãy núi Là. Núi Là có động Bạch Hà, nơi Mặt trận Việt Minh tỉnh Tuyên Quang họp phát động thành lập MTVM các địa phương huyện Yên Bình, Trấn Yên, Yên Bái. Chân núi Là có đồn điền Vật Lẩm (xã Chính Tâm) nơi nhân dân trong vùng đấu tranh với địa chủ Nguyễn Kim Đỉnh (tháng 5/1953). Thời chống Mỹ, năm 1967, máy bay F105 của Mỹ bị quân và dân Yên Bái bắn rơi ngay bên núi Là. Xã Đại Đồng thủ phủ Yên Bình xưa gắn liền với tên tuổi hai anh em danh tướng Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật. Uyên và Mật quê ở Hưng Yên, khi nhà Lê đổ, Uyên và Mật bỏ chạy lên Đại Đồng tập hợp các tù trưởng là người dân tộc, xây thành đắp lũy chống lại Mạc Đăng Dung. Vũ Văn Mật tự xưng là Chúa Bầu, được vua Lê Trang Tông phong tước Gia Quốc Công. Sau khi Vũ Văn Mật và Vũ Văn Uyên mất, nhân dân địa phương lập đền thờ với câu đối: Việt Bắc thành bầu, thiên kỷ đại / Đại Đồng Vũ miếu, vạn dân chăm. Khi dựng xong thành “nhà Bầu”, Vũ Văn Mật có vời Nguyễn Hãng ra làm quan. Nguyễn Hãng là tiến sỹ đời Lê về ở ẩn, nay Vũ Văn Mật phù Lê diệt Mạc, Nguyễn Hãng không nhận lời mà chỉ đến Đại Đồng làm bài thơ tặng Vũ Văn Mật (1556) để tạ ơn. Bài “Đại Đồng phong cảnh phú” có đoạn như sau: Chừng xem / Đặc khí thiêng liêng / Nhiều nơi thanh lạ / Non xuân sơn cao thấp triều Tây / Sông Lôi Thủy (sông Chảy) quanh co nhiều đá... / Đùn đùn non yên ngựa mấy trượng thế kim thang / Cuồn cuộn thác con voi / Chín khúc biến hình quan tỏa. Còn câu ca dao: “Ai lên Phố Cát Đại Đồng / Hỏi thăm cô Tú có chồng hay chưa” thì đang còn nhiều tranh cãi. Tác giả Địch Ngọc Lân, dân tộc Nùng, người khá am hiểu về vùng đất quê hương Yên Bình, cho đó là ám hiệu của những người tìm đường đến với Chúa bầu Vũ Văn Mật, rằng, lên Đại Đồng đã gặp được chủ tướng chưa? Việc tuyển mộ binh lính thế nào? Phủ Yên Bình còn gắn với danh tướng nổi tiếng Trần Nhật Duật (1255 – 1330). Trần Nhật Duật là em ruột danh tướng Trần Quang Khải và là anh của Trần Ích Tắc (Trần Ích Tắc về hàng Nguyên Mông). Năm 1285 quân Nguyên Mông từ Vân Nam kéo sang xâm lược Việt Nam lần thứ 2. Trần Nhật Duật tổ chức rút quân chiến lược về Ninh Bình, lừa cho địch xuống sâu rồi tổ chức phản công. Các tướng người Mường, người Tày là Hà Chương, Hà Đặc và Hà Bổng chặn đánh giặc ở Phong Châu, Đại Minh và Thu Vật. Tướng Nguyên Mông là Naxi-rut-đin phải cướp quần áo thổ dân, đóng giả chạy về Vân Nam. Phủ Yên Bình gắn với tên tuổi cụ Hoàng Sỹ Châu người Tày ba lần đoạt giải thi hương. Bị giặc bắt, không chịu làm tay sai, đã cầm dao tự vẫn. Vua Lê Hiển Tông năm 1740 truy phong cụ hàm Tri huyện và miễn thuế cho cả nhà. Gắn với tên tuổi Nông Đình Tẩn, Nông Đình Tần, các thủ lĩnh người Tày dựng cờ Cần Vương đánh Pháp thế kỷ XIX. Theo Phó Giáo sư Tiến sỹ Đặng Việt Bích thì ông cụ thân sinh ra đồng chí Trường Chinh là cụ Đặng Văn Viện, một nhà nho yêu nước từng nhiều năm hoạt động ở phủ Yên Bình này vào đầu thế kỷ XX. Vùng hồ có xã Xuân Lai nay còn là quê hương của nhà văn dân tộc Tày Hoàng Hạc, ông có khá nhiều tác phẩm văn xuôi có tiếng, viết về Yên Bình như Xứ Lạ Mường trên, Sông gọi, Ké Nàm... Xã Ngọc Chấn, xã Cẩm Nhân... là căn cứ kháng chiến thuộc An toàn khu Tân Trào, nơi có Nha Giáo Dục Quốc gia đặt trụ sở những năm 1947 – 1951.

Sự tích Thác Bà, Thác Ông như đã kể trân, còn chợ Ngọc, chợ Ngà thì sao? Người dân xã Ngọc Chấn kể: Xưa vùng này ó một chàng thanh niên nghèo ngày ngày đi cuốc ruộng thuê, một hôm chàng nhặt được một viên đá đỏ, rất đẹp. Tiếng lành đồn xa, có một thương gia người Tàu đến xem và mua với giá cao, có tiền, chàng trai tậu ruộng, tậu trâu, làm nhà, lấy vợ. Thấy vậy dân làng đổ xô đi cuốc đất tìm đá đỏ, quả nhiên được rất nhiều, và cũng quả nhiên nhiều lái buôn từ Trung Quốc tìm đến đây mua đá, dần dần nơi bán đá thành chợ đá. Do nhiều đá đẹp, lóng lánh như ngọc, người ta gọi đó là chợ Ngọc. Còn người dân vùng cuối sông Chảy thì kể: Khi Hiệp thống Bắc Kỳ, tướng quân Nguyễn Quang Bích vâng mệnh chiếu Cần Vương chống pháp, nhân dân vùng sông chảy theo ông rất đông, thủ lĩnh người Tày ở đây biếu tướng quân một con voi trận. Nhưng voi chưa kịp đến với tướng quân Nguyễn Quang Bích thì bọn ăn trộm đã cưa đôi ngà đem bán cho thương gia Trung Quốc. Thấy ngà voi bán được nhiều tiền, các thợ săn voi đi bắn và chặt ngà voi đem bán, nơi có nhiều ngà voi bán ấy, thành chợ gọi là chợ Ngà. Vùng đất này còn có rất nhiều các sự tích khác. Sự tích làng Mạ kể rằng: Xưa ở một làng thuộc xã Mông Sơn có hai cha con người Tày, nhà rất nghèo, phải đi làm thuê cho một phú ông. Cô con gái tên là Mạ, xinh đẹp, chăm chỉ và hiếu thảo. Phú ông muốn hỏi Mạ cho con trai nhưng bị từ chối, ông ta liền nghĩ ra việc gán nợ. Thương cha, Mạ đành phải về làm con dâu Phú ông với tâm trạng buồn bã. Một hôm có chàng trai đi ngang qua bờ sông Chảy gặp cô gái ngồi ven suối khóc thầm, chàng trai đem lòng yêu thương và hứa lần sau sẽ đến đón nàng về sống với mình. Từ hôm đó chiều nào nàng cũng ra bờ suối ngóng đợi. Cha con phú ông thấy nàng buồn bã liền đánh đạp nàng. Không thể chịu được nữa, đêm đó nàng Mạ ra bờ sông ngửa mặt lên trời khóc gọi người yêu. Bỗng trời nổi cơn giông gió sấm chớp, nước sông chảy cuồn cuộn dâng lên. Nàng mạ ngồi gục đầu vào bờ cát, đuối sức dần và chết tại đấy. Gần sáng đêm đó, chàng trai – Hoàng tử Gà bạc – con trai Vua Thủy tề đến nơi thấy người yêu đã chết, chàng đau xót khóc lóc rồi gục đầu vào xác người yêu mà chết theo. Sáng hôm sau trời quang mây tạnh, dân làng ra bờ sông Chảy nhìn thấy có hai phiến đá trắng gục đầu vào nhau, im lặng, dân làng hiểu ngay đó là xác nàng Mạ và chàng trai, họ thắp hương dưới hai phiến đá và đặt tên cho làng là làng Mạ. Sự tích phiến đá dưới núi Sa tọoc ở xã Cẩm Nhân: Truyện kể rằng, tướng giặc phương Bắc đánh nhau với tướng ta, dù bị thương nặng, tướng ta lao kiếm, tướng giặc chết, máu phun vào tảng đá bên phải, hai hòn đá dưới chân núi cứ thế lớn lên đỏ tía. Sau này có vị quan cưỡi ngựa đi qua, hòn đá phát sáng, ngựa hí vang quỳ xuống không chịu đi, đến khi có người già trong làng ra đốt “vía” đá, vị quan mới đi được. Hai phiến đá dưới núi Sa tọoc nay vẫn còn. Sự tích đền Đồng Trạch ở xã Bình Hanh: ba anh em (1 gái) quyết chí diệt con thuồng luồng chuyên ăn thịt người ở đầm Đồng Trạch. Họ dặn nhau, từng người xuống, nếu thấy đánh nhau thì cùng xuống giúp sức. Hai người anh đi trước, nước đầm sôi lên. Người em út dặn dân làng, nếu chết thì làng thắp cho ba nén nhang. Ba ngày sau, xác cả ba anh em và xác thuồng luồng nổi lên. Dân làng không chỉ thắp nhang mà còn lập đền thờ ở Đầm Trạch bên cạnh phiến đá, thờ ba anh em có công cứu cả dân làng. Đến nay đền đã bị dỡ đi, chỉ còn phiến đá to bên cánh đồng lúa. Sự tích thác Ô Đồ ở xã Phúc An: ở xã Phúc An có cái vực lớn, người nông dân Tày đi thăm ruộng thấy con trâu đang ăn lúa, ông kêu lên, con trâu biến mất. Thấy lạ, người nông dân rình xem. Nửa đêm con trâu xuất hiện, toàn thân tỏa sáng, người nông dân xông ra bắt, con trâu lặn mất, chỉ nhặt được đoạn chạc, ông cầm lên lều ngủ. Sáng hôm sau tỉnh dậy đoạn chạc biến thành đoạn dây bạc lóng lánh. Người nông dân trở nên giầu có. Truyện đến tai Vua, Vua sai quân lính tát cả tháng trời cạn vực Ô Đồ thì thấy con trâu đẫm mình dưới đáy. Vua mừng lắm, cùng ba cô công chúa ra xem. Nghe tiếng con gái, trâu bạc quẫy mạnh làm cho mương phai đổ sấp, nước xoáy tròn, nhà Vua được dân làng cứu thoát, còn ba cô con gái của nhà vua thì bị chết chìm, dân làng vớt xác chôn cất tử tế và lập miếu thờ. Nhà Vua cảm động và hối hận, ra sắc chỉ tha thuế cho cả làng và đặt tên là làng Vua Tha. Sau này người Pháp đến cai trị đổi lại là làng Vô Tha (không tha thu thuế). Sự tích về 99 ngọn núi ở Thu vật: Xưa, hai bờ sông Chảy phẳng lỳ, có người phụ nữ sống độc thân. Một hôm Bụt hiện lên bảo: bà đem 100 nén nhang thắp ở cửa thác, 100 ngày sau cuộc đời bà sẽ thay đổi, người phụ nữ làm theo. Đến ngày thứ 99 có con vật trong đất đã thành tinh, sợ mất linh khí của mình, nó đã bí mật nuốt nén nhang thứ 100, mặt đất nổi lên 99 ngọn núi. Ngày hôm sau có 99 con phượng hoàng bay về đậu trên 99 ngọn núi. Đến khi con phượng hoàng Chúa bay sau, tìm mãi không thấy chỗ đậu, nó liền vỗ cánh bay về phía Cao Bằng, làm cho cả 99 con phượng hoàng kia bay theo. Từ đó đất Thu Vật không còn thiêng mà địa linh nhân kiệt đã chuyển về Cao Bằng.

Vùng đất Thu Vật – Thác Bà còn rất nhiều ca dao, sự tích và câu chuyện lịch sử khác. Điều đó chứng tỏ nơi đây là vùng văn hóa có giá trị sâu sắc cần được tìm hiểu, khai thác và sử dụng.

Năm 1961, Chính phủ quyết định xây dựng nhà máy Thủy điện Thác Bà. Do Liên Xô giúp đỡ, công trình bị ngừng nhiều lần do chiến tranh phá hại của giặc Mỹ, đến 1976 mới khánh thành. Từ khi sông Chảy bị khuất phục để làm nhà máy thủy điện, vùng hồ Thác Bà trở thành một thắng cảnh đẹp, có thể gọi là “Vịnh Hạ Long trên núi”. Chiều dài của Hồ Thác Bà trên 90km, nơi rộng nhất là 8km, tổng diện tích khoảng 20.000ha. Hồ chứa 6 tỷ khối nước, nơi sâu nhất là 60m. Có 1.300 đồi đảo. Vùng hồ Thác Bà vừa là thắng cảnh, vừa là vùng kinh tế. Tháng 9/1996, vùng hồ Thác Bà được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa.

Khai thác, phục vụ du lịch

Khu vực Sông Chảy - Vùng hồ, có không gian địa lý dài và rộng (2 tỉnh). Cư dân dân tộc thiểu số nơi đây cũng có những đặc trưng riêng biệt trong cùng một dân tộc, ví dụ, nhà sàn Tày bao giờ cũng có cầu thang mặt trước và cầu thang mặt sau, khác hẳn cầu thang nhà sàn vùng Văn Chấn, Trấn Yên (Yên Bái) - chỉ có mặt tiền. Người Dao quần trắng, người Cao Lan đã đưa sông nước vào văn hóa phong tục dân tộc mình qua nhiều làn điệu múa, hát ví, lễ hội. Và ẩm thực người Cao Lan, người Dao trắng vùng đất khác không có được điều này.

Thiên nhiên ưu ái cho vùng đất Sông Chảy tiềm năng khoáng sản, nước và đất, tiềm năng cảnh quan và khí hậu, góp nhặt làm nên nguồn lực lao động của con người từ nghìn năm qua mới có được một vùng sông Chảy hôm nay. Các truyện cổ tích, sự tích, ca dao thành ngữ, và cả câu chuyện lịch sử nói trên, đã khẳng định giá trị văn hóa. Hãy xem đấy là động lực thúc đẩy du lịch. Nếu không nắm bắt được điều này, nếu để giá trị văn hóa và lịch sử nằm ngoài nguồn cảm hứng của du khách, hoặc giả du khách chỉ biết đến cảnh quan sông nước, thì xem như, du lịch mới chỉ đạt một phần nhỏ của yêu cầu.

Xã hội hiện đại, thời 4.0. Kinh tế thị trường và hội nhập. Thiết nghĩ du lịch càng phải về với cội nguồn lịch sử, văn hóa. Và giá trị văn hóa, lịch sử sẽ có tác dụng kích cầu du lịch, làm cho du lịch trở nên cao đẹp, và bền vững.

 

Yên Bái, tháng 6/2018

H.L.K