PHẦN II
Những chặng đường lên
I
Phía tây, trên dốc núi Hang Ma, mặt trời chiều đang từ từ chìm xuống. Những đụn khói đen ngòm, cao ngất đang bay theo chiều gió tan vào đám mây với rất nhiều hình thù kì dị.
Đinh Trọng Đắc ngồi trên một tảng đá. Người mệt bã. Thực tình, đến phút này, Đắc chưa tĩnh tâm được. Thử thách đầu tiên trong cuộc đời tuổi trẻ đã đưa Đắc trở thành người “lính”, người công nhân đứng giữa chiến trận, trực tiếp cầm súng đánh trả từng trận oanh tạc ác liệt của máy bay giặc Mỹ.
Thật chóng vánh. Như vừa mới hôm nào, từ biệt Dốc Vọng, chia tay ông ngoại, một ông giáo già, nuôi Đắc ba năm. “Người trai” mười sáu tuổi Đinh Trọng Đắc phải về quê cùng bố mẹ gánh vác việc nhà. Gia đình vẫn liên miên bấn túng. Dường như, từ bé tới lúc trưởng thành, Đắc chưa hề có bộ quần áo lành lặn. Đắc vẫn phải gánh “nghiệp nặng” của dân nghèo quê biển, cái công việc xăm đáy, câu cá, câu tôm rồi chạy chợ, cùng người mẹ toát mồ hôi, lo chạy ăn từng bữa.
Bố Đắc vẫn kéo “giể” trên biển xa, mãi tận Hòn Gai. Mẹ yếu. Các em nhỏ, chưa đứa nào cất nổi công việc đỡ đần. Ngày ấy, bao nhiêu nghĩa vụ người nông dân phải đóng góp. Nào ruộng đồng, thủy lợi. Đắp đập, khơi sông.
Bao nợ nần, thúc ép, bắt buộc Đắc, người con trai lớn phải “kéo cày” thay.
Một lần, đến công trường thủy lợi Minh Đức, người phụ trách điểm danh. Đắc xuất hiện. Nhìn Đắc nhỏ gầy, yếu ớt, ban tổ chức kêu trời, xua đuổi Đắc như xua muỗi.
- Cậu là ai ? Cậu về đi. Chúng tôi không nhận trẻ con. Cậu chưa đến tuổi lao động. Chưa gánh vác được công việc xẻ mai, móc máng nặng nhọc này.
“Dào ơi. Đi đào mương, đắp đập chứ phải đâu đến đây để hưởng bổng lộc gì.” Đắc trình bày hoàn cảnh. Bố đi làm xa. Mẹ yếu. Các em nhỏ. Đắc đề nghị. “Khoán phần việc cho anh, hoặc cho anh thử sức.”
“Ồ. Vậy được. Hãy cho cậu thử sức nhé”.
Tại công trường, Đắc “vào chân” móc máng, một công việc vất vả hơn người. Ai dè, hàng tuần trôi qua, Đắc làm giỏi. Ai nấy khen Đắc. Nhưng nhìn Đắc, không ít người đã mang lòng cảm thương, ái ngại.
Quay đi ngoảnh lại, Đắc mười tám tuổi xuân. Thời thơ ấu đã nhanh chóng qua đi. Thời tươi non, hồn nhiên nhưng không ít nhọc nhằn, gian khổ đã lùi về phía sau “người trai mười tám tuổi”. Bây giờ, trong Đắc đang đốt lên ngọn lửa với bao nhiêu mơ ước. Từ ngõ nhỏ quê nhà, bước chân Đắc sẽ nối vào con đường lớn lao của Tổ quốc. Sẽ hiến dâng cho lý tưởng cao đẹp cả bầu máu nhiệt huyết nhất nơi trái tim mình.
Đang mong đợi. Bỗng có đợt tuyển công nhân hằng hải. Năm 1965, vừa mười tám tuổi. Cùng với mười hai thanh niên Lập Lễ, Đắc trúng tuyển. Người mảnh gầy. Nặng “bốn mươi tám kí”. Nhưng “cái nghề” thật hợp với ước nguyện của chàng trai quê biển. Bởi, từ thuở sinh ra, lớn lên, Đắc đã quen sông nước. Đắc đã giống như con cá loi choi bơi ngang, lội dọc, coi biển xa như góc ao nhà. Đắc đã gửi hồn mình vào đại dương, phía mênh mông sóng vỗ từng hơi thở, giấc mơ.
Khẩu hiệu, “Đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần”. Là thanh niên, Đắc sung sướng, hãnh diện làm một người công nhân của Công ty hằng hải, lần đầu tiên khoác lên mình chiếc áo màu xanh. Chiếc áo loang từng vệt mỡ dầu với công việc gõ rỉ và đóng bạc gầu cho tầu cuốc 54. Liền sau đó, Đắc được điều về tầu T.C5, tầu lai kéo sà lan, vận chuyển hàng hóa.
Ngày mồng 5 tháng 8 năm 1964, tại miền Bắc Việt Nam bỗng xảy ra “sự kiện vịnh Bắc bộ.” Tiếp đó, mồng ba, mồng bốn tháng tư năm 1965, máy bay Mỹ ồ ạt lao tới đánh phá cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa. Lần đầu tiên cầu Hàm Rồng bắn rơi 37 máy bay.
Việt Nam tuyên bố, cả nước có chiến tranh.
Những ngày này, Đắc đang cùng đơn vị tầu cuốc trên cảng Đầu Mối. Tàu sơ tán về núi Hang Ma, Quảng Ninh.
Một sớm, khoảng 9 giờ sáng, còi báo động bỗng rú lên ghê sợ. Từ phía biển xa, từng tốp máy bay Mỹ đang gầm rú điên loạn rồi bất ngờ lao xuống trút bom. Những tiếng nổ xé trời. Những cột khói, cột lửa bốc lên cao ngất. Những lá cờ trên tay người chỉ huy vẫy mạnh. Những tiếng hô “Bắn !” Những loạt đạn thi nhau gào thét. Và, những gương mặt người sạm đen, sém lửa. Đắc đang ghì chặt khẩu súng “mười hai ly bảy” (12,7 ly). Trên tàu, trên các ụ pháo, nhiều tiếng súng trường, súng K44 cũng đồng loạt vang lên.
Có tiếng kêu thất thanh :
- Hai đồng chí chúng ta đã bị hy sinh. Hỡi anh em. Hãy trút căm thù lên ngọn súng. Hãy trả thù cho anh em, đồng đội.
Đắc lao nhanh về phía đất đá đang rào rào đổ xuống khoang tàu. Tin khẩn cấp. Sà lan 4 bên cạnh, hai người nữa đã bị trúng bom. Bốn người khác bị thương.
Không khí chiến tranh căng lên, cấp tập. Đắc và mọi người vội vàng cáng người bị thương đi cấp cứu. Rồi, anh lại cùng đồng đội nhanh chóng đào huyệt, an táng cho các đồng chí hy sinh.
Đêm ấy, nhìn núi xẻ Hòn Gai vừa cơi lên hai hàng mộ chí. Nhìn những bông hoa tưởng niệm. Những vòng khói nhang quyện trong gió biển, Đắc đã cùng anh em đơn vị gạt dòng nước mắt, cúi đầu vĩnh biệt những “liệt sĩ anh hùng” rồi nhổ neo tiếp tục ra đi.
Ban chỉ huy lệnh cho tàu H10, kéo con tàu bị thương của đơn vị Đắc về đất cảng Hải Phòng.
Gần sáng, tàu tới Ba Mom. Lệnh khẩn cấp, đưa tàu “lánh vào hườm núi sơ tán”. Mọi người vừa rời khỏi tàu, tiếng còi báo động lại rú lên lần nữa. Liền đó, tiếng rocket tới tấp bắn về phía mũi lái. Những tiếng nổ đinh tai nhức óc. Tàu chạng vạng, trúng đạn. Nước bắn tung tóe. Kho đạn nổ vỡ trời. Nhìn con tàu H10 đang từ từ chìm xuống biển sâu, cả đơn vị nén lòng đau xót.
Những tiếng khóc tiếc thương con tàu, tiếc thương cho cuộc đời người thợ đã trải qua bao năm gắn bó với con tàu trong cuộc sống cần lao, trong bao nhiêu kỷ niệm và chiến công thầm lặng.
Tầu về tới Hải Phòng, đơn vị tổ chức lễ truy điệu cho những người đã anh dũng hy sinh. Hình như đêm ấy, trong mỗi người đang hừng hực mang trong mình nỗi căm thù, oán hận và niềm yêu thương đồng đội với quê hương, đất nước. Ai nấy vung cao cánh tay, hô vang lời tuyên thệ, sẵn sàng bước vào “trận chiến mới”.
II
Sau cuộc chiến đầu tiên diễn ra ở Hang Ma, Đắc cảm thấy đời mình đã bước vào những tháng năm không bao giờ ngờ được. Cả miền Bắc Việt Nam đã đứng trên tuyến lửa, sẵn sàng đánh trả quyết liệt cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ. Đắc không còn là cậu bé của Láng Cáp với những ngày chăn trâu, đuổi cáy, câu tôm trên bãi vắng thuở nào. Trong đội ngũ trùng điệp những chàng trai phơi phới tuổi xuân, Đắc đã đặt bàn chân của mình vào đường lớn đất nước. Trước mặt Đắc, bao làng quê, những chàng trai ngày ngày diễn ra cảnh nối tiếp nhau, chia tay lên đường vào trận.
Những trạm gác phòng không mọc lên. Dọc các lề đường quốc lộ, đường liên thôn, liên xã, chỗ nào cũng dày đặc các hầm trú ẩn. Những khẩu pháo, những dàn tên lửa đặt dưới chân đê, cửa sông, gò đất. Tổ quốc và sự hy sinh, mất còn với mỗi số phận con người luôn diễn ra từng giờ, từng phút.
Đắc vui ở chặng mới, chuyển tiếp. Anh được điều về tầu Hải Châu thuộc Đoạn 2, Hải Phòng. Niềm vui, niềm tự hào hơn nữa, người đoạn trưởng phụ trách tầu anh công tác là Phùng Văn Bằng, một anh hùng đã lập nhiều chiến tích, vừa được nhà nước phong tặng. Ngày ấy, người anh hùng bước ra từ chiến trận mang hình ảnh thật đẹp. Họ thật sự là hình ảnh cao cả, là nghĩa lớn. Là tấm gương năm tháng chung soi.
Nhiệm vụ trọng yếu của đơn vị Đắc lúc này là, vừa sản xuất Ắc Quy vừa bảo vệ ánh sáng các luồng đèn.
Từ đảo Hòn Dáu, Đồ Sơn, Hải Phòng tới đầu Tán Vĩnh Thực giáp biên giới Việt-Trung, không biết bao nhiêu lần, Đắc đã bám tàu, bám biển thường xuyên tiếp tế lương thực, thực phẩm cho các các trạm đảo.
Mấy năm liền vùi mình trong bão giông, sóng to gió lớn, bom đạn liên miên. Đắc nhớ. Riêng đảo Long Châu, có tới 200 lần Mỹ đánh phá dữ dội. Ngồi trên tàu lướt sóng, lánh những làn bom đạn giặc trút xuống, nhìn anh em tay lái, tay súng. Nhìn hệ thống phòng không dầy đặc của Hải Phòng cùng hiệp đồng khống chế. Nhìn tốp phản lực gầm rú nhưng có lúc không dám liều chết, chúng điên cuồng trút hết bom đạn xuống đảo Long Châu cho “nhẹ gánh” rồi vội vã chuồn đi…
Qua những phút giây ấy, Đắc chỉ kịp nghĩ một điều đơn giản : “Thế là lại một trận thử lửa mới. Thế là, lại đi qua một cuộc đối đầu ác liệt nữa. Và, con tàu. Và anh. Và đồng đội, ai mất. Ai vẫn còn sống sót.”
Cái thơ mộng của cuộc đời “lính biển”, với Đắc, đấy là, những ngày bể yên sóng lặng. Những đêm thả sức ngắm nhìn vầng trăng mênh mông trên bầu trời cao rộng. Những phút giương hai mảng ngực trần ngắm những chòm sao trôi trên đầu dạt dào hoa sóng. Rồi, phút vời trông, mặt nước mù khơi, lòng chợt nhớ về quê hương, xóm mạc.
Đắc nhớ ...
Đảo đá tai mèo, cách xa Cát Bà ở phía Đông Nam, nơi có vụng lớn, tầu nhỏ và thuyền thường qua trú bão. Nhớ đảo Long Châu đông, Long Châu tây và nhiều đảo nhỏ khác. Nhớ phía Đông Cát Bà là cồn răng lược, nơi đây được gọi là vây Rồng. Thời xưa, hình ảnh này còn được coi là con Rồng Trắng. Long châu là đầu. Bạch long vĩ là đuôi. Con Rồng trắng nằm giữa mây trời thật mênh mông, vĩ đại. Ai đó đã tưởng tượng dáng hình, “thế quê hương, đất nước” trong con mắt mộng mơ ?
Trong suốt cuộc chiến tranh, Long Châu luôn được trang bị đầy đủ các loại vũ khi ́phòng không. Ba mươi hai người luôn thay đổi nhau giữ ánh sáng cho biển. Có tới 98% đêm đêm, ngọn đèn biển luôn cháy lên, tỏa sáng trong mưa bom, bão đạn. Ngọn đèn đứng gác, thao thức và dẫn đường, xứng đáng là “Con mắt biển” của cửa ngõ Hải Phòng .
Là người lái chính, phụ lái, thường trực chiến đấu, hay bốc vác hàng hóa vào các điểm tập kết. Tuổi trẻ cho Đắc sức coi thường gian khó, hiểm nguy. Đắc thấy mình ham mê, náo nức với những chuyến lênh đênh trên biển kéo dài hàng tháng mới có dịp quay về. Nhớ phút bắt đầu từ Hải Phòng qua các trạm và phao đèn tới Đảo Vĩnh Thực. Nhớ những đêm mải miết ra đi để ban ngày lại tìm vào vách núi Hạ Long hay Bái tử Long lánh địch phát hiện, bắn phá…
Đắc nhớ.
Lần tiếp tế cho đảo Vĩnh thực. Vào chín giờ sáng. Đắc và đồng đội vừa cho tầu đậu ở vụng bò đái, giáp biên giới Việt - Trung. Bỗng tiếng còi báo động vang lên. Ngay phút đó, một tốp máy bay phát hiện, vội trút xuống bốn quả rốckét.
Tiếng người chỉ huy. “Nhanh chóng sơ tán”. “Mọi người sẵn sàng chiến đấu”.
Mùa đông. Trời lạnh cóng. Mọi người nhảy òa xuống nước, bơi vội vào bờ. Tàu lánh kịp vào nơi lánh nạn. Hình như, không còn thấy mục tiêu, máy bay địch vẫn quay cuồng gầm rú. Một vùng trời vẫn ngùn ngụt dâng lên từng cuộn khói đen, cao ngất.
Hôm ấy, mãi tối, con tầu của đơn vị Đắc mới được lệnh quay về bến Hải Phòng. Lúc này, bên đường, dân chúng đốt vàng hương, sì sụp khấn vái. Có lẽ, họ đang cầu nguyện cho những người đã hy sinh, ngã xuống đất này. Cầu nguyện thiên địa độ trì cho cuộc sống an lành, vạn sự luôn được bình yên.
Khuya. Đắc và đồng đội vẫn im lặng nhìn theo những phố phường, những dáng làng, núi non đang từ từ lùi dần về phía sau con tàu băng băng lướt sóng.
III
Cuộc chiến vẫn diễn ra từng ngày trong nhịp xoay chóng mặt. Theo yêu cầu nhiệm vụ mới, Đắc, một Phó Bí thư Đoàn tàu Hải Châu lại được cấp trên tín nhiệm, chọn cử đi học lớp tháo gỡ bom mìn và sử dụng một số vũ khí mới.
Sau lớp học cấp tốc, Đắc được điều về phụ trách đội quan sát thủy lôi bom. Đội của Đắc gồm ba mươi hai người, toàn là nữ. Các cô gái trẻ người Thanh Hóa, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Hải dương. Đây là những công nhân ở tổ gõ rỉ và khâu lá, làm lưới ngụy trang.
Một thử thách mới. Một trọng trách mới đặt lên đôi vai Đắc. Một cái chòi quan sát. Một đôi mắt tinh nhanh. Ba mươi hai “người lính,” đội “quân tóc dài” của anh, làm thế nào phải vững vàng, ngẩng cao đầu trong các trận đánh? Làm thế nào đếm và ghi đầy đủ, chính xác những quả bom quân giặc ném xuống các trọng điểm bắn phá để có được phương án xử lý?
Lời tuyên thệ đã biểu hiện từ cánh tay và tiếng hô vang trong “lễ ra quân”, Đắc chỉ biết quán triệt tới mọi người trong đơn vị. Còn anh ? Với vai trò phụ trách, Đắc tự nhủ, phải gương mẫu đi đầu. Phải sẵn sàng nhận và làm tốt mọi nhiệm vụ.
Tổ “quan sát mắt” của Đắc được trang bị hai ca nô. Bạn Đắc phụ trách từ Hà Đoạn đến Bến Kiền. Đắc lái một ca nô, phụ trách từ Đình Vũ về tới tận Cát Bà.
Thời gian này, máy bay Mỹ liên tục thả bom, phong tỏa các cửa sông, cửa bỉển và bến cảng. Các trạm Cát Bà, Cát Hải, Đình Vũ, Hải Phòng,Vụng Quỳnh, Bến Kiền đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức và sẵn sàng chiến đấu.
Trên các đài quan sát, mỗi tổ được biên chế năm người. Mỗi lần, bom Mỹ thả xuống các luồng lạch, “người lính” trong phiên trực quan sát phải đứng lên giám sát, mặc đất lở, bom rung. Mặc máy bay, tên lửa đan chéo trên đầu. Không ai được bỏ sót. Phải đếm và báo về kịp thời, chính xác, vị trí và số lượng bom rơi để bộ phận tháo gỡ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình.
Những ngày sống, chiến đấu trong tổ quan sát bom mìn, với chiếc ca nô thường xuyên chạy trên tuyến chỉ huy, Đắc và đồng đội đã dũng cảm đếm và ghi đầy đủ vị trí hàng nghìn quả bom dội xuống các trọng điểm bắn phá, giúp lực lượng tiến hành tháo gỡ.
Một sớm, Đắc choáng váng. Anh bước đi không vững khi nghe tin báo. “Tại Vụng Quỳnh, một quả bom còn sót đã nổ. Sáu anh chị em trong tổ quan sát đã bị hy sinh.”
Trời ơi. Đắc nấc lên, cổ nghẹn tắc. Chiến tranh là thế. Mới vài giờ trước đó, khi Đắc chạy ca nô về chuyển kíp, thay người cho Bến Kiền, anh em trong đơn vị vẫn đầy đủ. Mọi người vừa gặp nhau tay bắt mặt mừng.
Trong buổi giao ban chớp nhoáng. Này, cô Đào, tuổi vừa mười chín, mấy lần sặc trong khói bom vẫn bám “đài quan sát”, trụ vững. Này, cô Len vừa nhận được tin vui của người yêu từ mặt trận gửi về. Rồi, cô Na, đẹp như bông hồng, chủ nhật này sẽ có trầu dạm ngõ … Bao nhiêu tiếng cười, tiếng nói, tiếng báo cáo “lập công” của anh chị em sau hàng trăm trận đánh vừa mới đi qua. Vậy mà, mới đó, sáu công nhân, sáu người “lính gác ” của đơn vị Đắc đã vĩnh viễn gửi cả đời mình vào lòng biển quê hương, đất mẹ.
“Quyết biến đau thương thành hành động cụ thể. Hãy trả thù cho anh em đồng đội đã vì nước hy sinh.” Những dòng nước mắt. Những tiếng hô vang trong “đêm truy điệu” làm ai nấy như được tiếp thêm sức lửa.
Ba tháng sau, từ tổ quan sát, Đắc lại tiếp tục ra đi. Anh được điều về làm thủy thủ tầu hút số 8. Tại đây, Đắc được phân công tạm thời rửa nồi supze, nồi hơi nước. Tầu máy hơi đốt bằng than. Hàng ngày, Đắc và một người nữa phải bơm dầu để rửa. Đắc và người bạn đều bị say dầu. Mỗi lần, ra khỏi cửa lò, Đắc chếnh choáng, chân bước đi không vững. Có lần, ngã gục. Anh em thợ máy phải dìu Đắc vào phòng tắm. Sau khi xả nước lạnh, dùng xà phòng và bột tạt xông, Đắc phải ngủ một giấc khá lâu mới dần dần hồi tỉnh.
IV
Đắc ước mơ học nghề máy nhưng lại được điều về làm thủy thủ tầu Hạ Long.
Lại tiếp tục chuyển đổi. Lại tiếp tục một khóa học ba tháng. Đắc trở về làm thủy thủ tầu và phụ trách Phó Bí thư “Chi Đoàn boong.”
Là thanh niên thông minh, nhanh nhẹn, Đắc có tính cách mạnh, cương trực. Quá trình ở tầu TC5 Đắc có nhiều thành tích xuất sắc. Trở về tầu Hạ Long, Đắc liền được chọn, cử đi học ngay lớp cán bộ Đoàn ba tháng.
Người thủy thủ trưởng thấy Đắc làm được mọi công việc, lại đảm đang, quán xuyến, ông tỏ ra quý mến người con trai đất Thủy Nguyên này. Ông dậy nghề cho Đắc hết sức tỷ mỷ.
Tầu Hạ Long mang tính chất công trình. Loại trục vớt cỡ lớn, có nhiều dây rợ và thiết bị phức tạp. Tầu gồm 54 cán bộ, thủy thủ, thợ máy. Đắc ham mê làm giỏi các công việc. Từ thay phao các luồng chính đến việc cứu hỏa, ứng đối các sự cố khi chiến tranh xảy ra. Cả việc y tế, tự băng bó và hỗ trợ người khác…Tất thảy, Đắc đều thành thạo công việc trong các công đoạn cần có của một thủy thủ trên tầu.
Những ngày ở Tầu Hạ Long, chiến tranh ngày thêm khốc liệt. Là Phó Bí thư Đoàn, đối tượng được đơn vị coi như “hạt giống đỏ”, Đắc chỉ biết, trước mặt mình là chân trời rộng lớn, chỉ có tiến không được phép lùi. Đắc luôn xung phong nhận công tác trên các tuyến mũi nhọn.
Phải thường xuyên đi công tác lưu động, sinh hoạt không ổn định. Nhưng Đắc quyết tâm theo học bổ túc văn hóa vào các buổi ban đêm. Lời ông ngoại, “thầy giáo già” căn dặn thuở nào, Đắc luôn khắc ghi trong dạ. “Hãy chịu khó học. Phải tự cứu lấy mình. Chỉ có tri thức. Chỉ có trí tuệ mới nâng người ta lớn lên những tầm vóc mới. Trí tuệ mở ra chân trời rộng dài và sáng đẹp cho con người trong quá trình va đập, nhận biết, đi vào thế giới. Mọi tăm tối, đói nghèo, tội lỗi đều đẻ ra từ ngu dốt đó sao .”
Đắc hiểu lời huấn rụ của ông. Anh vui khi thấy mình luôn được khai sáng rất nhiều từ kiến thức học được qua các trang sách.
Mỗi tuần ba buổi. Hay có tuần liên miên vào các ngày chủ nhật, tại ngã Năm Hải Phòng, dù ốm đau, mưa bão, bạn bè đồng môn không bao giờ thấy Đắc bỏ lớp. Từ lớp Bảy, lớp Tám, lớp Chín, thấm thoắt, Đắc đã học xong chương trình trung học phổ thông. Mấy năm liền, Đắc tự mình ép xác. Mọi cuộc ngao du, hẹn hò, cả những “bóng hồng” nhiều lần quyến rũ, Đắc luôn biết gác về một phía, biết “quên đi,” để vượt lên theo lý tưởng đã chọn.
Đắc học văn hóa. Học võ dân tộc. Học võ từ sách. Học võ từ người “bạn Tàu” chí cốt. Biết có khả năng này, Đắc được công an và tổ chức Đoàn bổ sung vào lực lượng thanh niên cờ đỏ thành phố. Máu thanh niên, Đắc hăng hái tham gia đội triệt phá các ổ tội phạm.
Thành phố Cảng lúc này khá phức tạp. Ba nhóm cao bồi, đầu gấu, gồm Hội Báo Đen ở nhà ga. Hội Rồng Xanh và Hội lá vàng rơi ở chợ An Dương. Hội Hoà Củi ở ngã Năm, đường Lê Lợi. Bọn đầu gấu thường dùng ête và một số vũ khí nguy hiểm để trấn áp, cướp giật mọi người trên các nhà ga, ngả chợ hoặc ngay trên đường phố đông người.
Đắc được tổ chức giao nhiệm vụ kết hợp với các cán bộ, thanh niên miền Nam tập kết như Bẩy Cồ, Sáu Hiếu, Sáu Bèo, Sáu Đáng, những người giỏi võ thuật cùng các võ sỹ : Trần Toàn, Phùng Minh, Bá Tỵ và Nguyễn Giang. (Anh Nguyễn Giang là người nổi tiếng có đám cưới lớn nhất Hải Phòng lúc bấy giờ). Đặc biệt, Đắc được cử theo học khóa huấn luyện và dự thi năm môn vũ trang quốc phòng do Khu đội Ngô Quyền tổ chức.
Ngày ấy, thanh niên “càn quấy”, để tóc dài, mặc quần bó, ống quần không đút lọt chai bia, đều bị cắt, rạch.
Với công việc này, cùng với tổ chức “thanh niên cờ đỏ,” công an khu phố, Đắc đã trải qua nhiều trận xáp mặt hiểm nguy, góp không ít sức mình cùng “đội công tác” triệt phá và xóa sổ nhiều ổ nhóm cờ bạc, buôn lậu thuốc phiện, cướp giật và nhiều tội phạm khác.
Ở đơn vị, những chiến tích của Đắc đã làm sáng lên cái tên người con trai họ Đinh. Một thanh niên trẻ đẹp, giàu nghị lực, tỏa rạng như vì sao lấp lánh. Từ đức thông minh, hiếu học và không chịu khuất phục trước mọi hiểm nguy, Đắc càng được Ban lãnh đạo và anh em quý trọng.
Trong rất nhiều cuộc họp của đơn vị, mỗi lần Đắc đứng lên tham luận, dường như, lúc ấy, mọi người bị thu hút. “Ồ. Đắc lí luận sắc bén. Ý kiến của Đắc hay đấy. Đắc lại có phát hiện mới. Chà. Đắc ! Con người dũng mãnh, dám xả thân.”
Giống như mọi lần, đơn vị bước vào cuộc họp khá căng thẳng. Lần này, khi tình trạng tầu Hải Quân, đơn vị vận chuyển hàng hóa vào Nam gặp sóng lớn. Tầu bị lật tại phao số 4, luồng Nam Triệu, Hải Phòng. Công việc trục vớt được giao cho đơn vị tiến hành. Nhưng, vấn đề lớn được đặt ra. Một chiến sĩ bị chết còn tắc kẹt dưới boong. Hàng hóa xô đẩy đè chặt.
“Ai ? Ai, có khả năng ? Ai xung phong lặn xuống để mò được thân thể người chết ?”
Câu hỏi cứ điệp khúc trong không khí im lặng, chờ đợi. Nhiều mái đầu lặng phắc. Nhiều cặp lông mày trên gương mặt nhíu lại, ưu tư. Một phút, hai phút. Rồi, một cánh tay giơ lên. Một dáng người đứng dậy.
Mọi người thở phào, ồ lên. “Ôi, Trọng Đắc. Lại Đinh Trọng Đắc của chúng ta”.
Trong hội trường, có nhiều tiếng lao xao :
- Phó Bí thư Đoàn có khác. “Thằng cha” đáng nể đấy. Lúc nào cũng gương mẫu đi đầu.
- Ừ. Đắc gớm chứ. Tay võ thuật cừ khôi. Người có công với đội “thanh niên cờ đỏ.” Đã lập nhiều chiến tích đấy.
- Đắc đang là “Hạt giống đỏ,” cảm tình đảng của tầu Hạ Long kia sao.
Đắc đứng dậy giữa những lời rì rầm bàn tán. Anh tiến thẳng lên phía trước hội trường, giọng mạnh mẽ, quả quyết.
“Thưa thủ trưởng. Thưa các đồng chí trong đơn vị. Tôi xin xung phong. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của người thợ lặn”.
Thế là, bắt đầu Đắc, người mở màn. Tiếp đó, lần lượt một hai người thợ lặn nữa cùng Đắc tiến lên xếp thành một hàng làm “kíp” đầu tiên lao mình xuống biển.
Đắc dẫn đầu, lặn xuống tìm buộc từng mối dây vào lô hàng để cẩu. Anh bắt từng chiếc malý cho thật chắc. Mỗi người giữ một vị trí làm công việc trục vớt. Đắc giống như con nhái cá. Anh lao lên lặn xuống, tung hoàng trong lòng biển và trong mỗi khoang tàu. Công việc này với Đắc không mấy khó khăn. Bởi từ nhỏ, nghề đánh cá, sông nước, sóng to, bão lớn, có tới một phần đời, Đắc đã nếm trải bao nhiêu thử thách, trải nghiệm.
Đã hàng tuần liền làm thợ lặn quần nhau với biển, khi hàng bốc vơi dần. Nước được bơm xả. Tầu dần nổi. Đắc nhô lên mặt nước kêu to. “Thấy rồi. Thấy xác đồng đội rồi.”
Trong niềm vui của công việc kiếm tìm, Đắc lại chuồi mình lặn xuống. Đắc sờ lên toàn thân xác chết của người chiến sĩ. Nhưng, chao ôi. Người chiến sĩ nằm đây. Xác bị chèn tắc trong lô hàng đè nặng. Xương còn nguyên vẹn, nhưng thịt đã rữa ra từng mảnh vụn. Đắc cẩn thận nâng người chiến sĩ trên tay, tỉ mẩn rửa sạch sẽ từng đoạn xương, mảnh gẫy, gói vào bọc ny lông đưa thi thể người lính xấu số ấy lên tầu.
Sau buổi lễ truy điệu người thuỷ thủ, chiến sĩ tầu Hải Quân, Trung tá Hoàng Đình Kim trao quyết định khen thưởng tầu Hạ Long đã hoàn thành tốt công việc trục vớt. Riêng Đinh Trọng Đắc, một lần nữa, anh lại được khen tặng và tôn vinh là “Dũng sĩ giao thông”.
Trong niềm vui năm tháng, Đắc luôn nghĩ, cuộc đời “là những chuyến ra đi. Ngoảnh nhìn là đứng im hoặc có khi lùi tụt”. Bởi vậy, Đắc luôn bám vào chuyến đi để con mắt có thêm nhiều vùng quê hương mới lạ. Để qua mỗi chặng đường, anh lại có thêm những lần được mở mắt, nhìn đời.
Theo dõi, giúp đỡ Đắc, người thủ trưởng tầu Hạ Long nhận ra nét đẹp, đáng yêu trong niềm khát khao chân chính của lý tưởng cuộc đời, tuổi trẻ nơi trái tim Đắc, người thanh niên hồn nhiên trong sáng này.
Một buổi, nghe tin dẫn tầu đi thay phao ở cửa Sông Lam, Đắc đã cho đơn vị lên đảo Cô Tô nghỉ ngơi và tổ chức trận bóng đá. Bị nghi là biệt kích. Nhóm công tác của Đắc bị bắt giữ. Người thủ trưởng đã lao đến tận nơi giải oan, cứu Đắc và đơn vị trở về. Trong chiến tranh, mọi cảnh giác phải được đề cao. Đắc bị lãnh đạo khiển trách, nhắc nhở.
Trong lặng sâu, người thủ trưởng vẫn ngầm cất dấu niềm qúy yêu chàng trai Đinh Trọng Đắc. Ông coi Đắc như người của “lòng mình”. Bữa ấy, từ Cô Tô trở về, ông vỗ vai bảo Đắc.
- Tối nay về nhà mình nghỉ đấy. Chúng ta sẽ hàn huyên cho vui.
- Dạ - Đắc tỏ vẻ ngần ngừ, ngại. Giọng ông bỗng quả quyết, mạnh hơn – Mình đã thông báo về nhà. Yên tâm nhé. Chỉ có vui và tốt đẹp mà.
Quả thực, Đắc thấy vui, ấm áp. Cả gia đình thủ trưởng đều tỏ ra cưng chiều Đắc. Đắc được người lãnh đạo trực tiếp của mình mời rượu. Ngồi quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Bà “vợ thủ trưởng” thật vui. Bà săn đón, hỏi han đủ chuyện. Tay bà quạt mát cho Đắc. Thỉnh thoảng bà lại gắp vào bát cho anh miếng ngon rồi tìm kể những câu chuyện thật vui, tế nhị. Cô con gái ngồi đối diện nhìn Đắc e lệ, dịu dàng.
Sớm ấy, Đắc vừa thức dậy, cô gái trong dáng xinh đẹp, nền nã đã bê đến cho Đắc chậu nước đặt trước hiên nhà. Với giọng nói thật nhẹ và mịn, cô mời Đắc rửa mặt.
Nhìn người con gái đứng đó. Nhìn đáy chậu Trung Quốc mới tinh in hình người đẹp. Nhìn chiếc khăn bông trắng thơm với hình con cá chép đang lung linh trong đáy nước, Đắc ngỡ mình như đang đi trong mộng. Đắc bỗng thấy mình giống như nhân vật trong tiểu thuyết tình trường nào đó mà anh từng đọc và mê mẩn ngày nào.
Cô gái vẻ muốn nán lại trò chuyện với Đắc một vài câu bâng quơ. Cô mời Đắc ăn sáng. Ngồi bên người con gái, ngắm gương mặt thật tươi non, dạt dào và sáng. Mỗi lần bắt gặp đôi mắt lung linh ngỡ như không có điểm tận cùng với mùi nước hoa nhẹ thơm, quyến rũ. Không hiểu sao Đắc trở nên lúng túng và sợ.
Sau này Đắc mới hiểu. “Thì ra, thủ trưởng quý yêu có ý “gán” cô gái hiền dịu cho anh”. Nhiều lần nữa tiếp đó, ông thường xuyên kéo Đắc về nhà. Biết được ý định này, Đắc phải nhiều lần tìm mọi cách để lẩn trốn cho khéo.
Đắc tự nhủ. “Mình vốn nhà quê, nghèo. Làm sao hợp được với kiểu cách tư sản ấy. Trông người, phải ngẫm đến ta chứ. Nhìn về xóm biển kia. Bố mẹ Đắc áo nâu, chân đất. Ngôi nhà mái rạ. Bữa ăn con tép, miếng cà. Rồi nữa, cuộc đời Đắc còn chông chênh với bước chân vừa chạm vào đời và hai bàn tay trắng. Đắc lại đang được xếp vào diện “cảm tình đảng, kia sao …”
Đắc tự ép mình. Tự mình tiêu diệt trước bao nhiêu cái muốn của mình để đi theo con đường anh chọn.
Đắc đã thắng chính mình trong không ít sự quyến rũ trước đó. Còn nhớ. Thời kỳ đưa tầu đi sửa chữa ở Quang Hanh, Quảng Ninh. Xưởng Z21 có rất đông phụ nữ làm việc gõ rỉ. Hai cô gái người Hoa giỏi tiếng Việt lại có giọng hát hay. Các cô thường xuống tầu sinh hoạt đoàn với tầu anh Quyết. Anh Quyết là Bí thư, Đắc là phó. Không hiểu do không thắng nổi cái khát vọng phần “con” bị trỗi dậy quá mạnh. Hay cảnh cô đơn trong chiến tranh, trong cái không nén nổi của buổi đương xuân, của lẽ đương nhiên mà ông trời đã sinh ra “nó”. Một lần, hai cô đã sàm sỡ, ra mặt tấn công rồi cưỡng bức Quyết và Đắc.
Đắc đã chống lại và trốn chạy.
Mãi sau này, có tới hàng năm trời, cô có tên là Thư còn theo Đắc về tận cơ quan săn đón.
Như cái duyên ông trời bày đặt. Đắc luôn trốn chạy. Chưa dứt khỏi sợi tơ mành này, Đắc lại gặp tổ con chuồn chuồn khác. Duyên do là, Minh, một người bạn ở ngã Sáu Hải Phòng, một mực ép Đắc phải về nhà thăm mặt một “hoa khôi”. Thực tình, cô gái này chỉ có thân hình vạm vỡ, khỏe. Mái tóc dài chấm gót. Đôi mắt sáng. Nụ cười tươi, dễ thương.
Nhưng, thật khổ. Đắc vẫn chưa hết mặc cảm “gái thành phố.” Lại nữa, lần đắp ụ pháo ở Tân Dương, Thủy Nguyên, bỗng có máy bay và tiếng còi báo động. Rồi, tiếng bom vọng ở khá xa. Nhưng, quá mê Đắc, cô gái đã mượn cớ, vờ ngã ? Hay cô muốn tỏ ra cử chỉ cao cả. Cô đè lên người Đắc và ôm chặt lấy anh. Sự đời khổ vậy. Giá cô gái cứ kiêu sa, lạnh nhạt làm người đàn ông bên mình phải mê say, khao khát. Đằng này, cô luôn chủ động. Cô dẫn Đắc về nhà giới thiệu với cậu mợ. ( Đắc cũng không hiểu người con gái đất thành phố này gọi bố mẹ là cậu mợ. Đắc tự nhiên hỏi, để rồi, ngượng chín mặt, cái chất quê một cục của chàng trai láng Cáp, Thủy Nguyên).
Ý chừng để quyến rũ Đắc, cô gái bỗng nhiên đi cắt tóc, uốn sấy, gọi là “tóc phi giê”. Đắc sợ câu nhà quê, họ đang hát “Cô phi giê là con chó xồm/ Đứng bên anh/ Anh sợ hết hồn … Rồi, “Anh yêu em từ chân đến cổ/ Còn cái đầu vất tổ nó đi”…
Thực ra, tất cả lý do kia, chỉ là cái bên ngoài. Điều quan trọng, Đắc, một trái tim đang lạnh. Đắc dửng dưng với những chuyện hẹn hò, yêu thương, thầm mong, trộm nhớ.
Nhưng, trớ trêu thay, “ sợi tơ mành lại thường vương quấn lên người, lên những kẻ có duyên.”
Đang thoát chạy không được, anh Luyện, người rất thân trong đơn vị lại đưa Đắc về nhà, mai mối cho anh cô cháu gái xinh đẹp.
Đắc chạnh lòng thương người con gái ấy, tên Thiệp. Nhưng, ở đây, Đắc gặp cảnh dì ghẻ, con chồng. Bà dì ghẻ lại hắt hủi Thiệp, ép Đắc với Hường, cô con gái riêng của bà.
Bà mẹ Hường dùng mọi thủ đoạn để phá, không cho Thiệp gặp Đắc. Bà lấy tiền và vàng ra khoe, ý mua chuộc, quyến rũ. Đắc ra mặt coi khinh.
Sau thời gian, biết không chinh phục nổi. Để trả đũa cho thói kiêu, “dởm đời” của Đắc, ngay sau đó, bà đã ép Thiệp gả cho Đức, một thanh niên thuyền chài, kèm theo hai cây vàng làm của “hồi môn”. Bà làm như thế để Đắc, người phụ bạc con gái bà được phen xót lòng, mà mở to đôi mắt.
Nhưng bà dì ghẻ ấy đã lầm, lúc này, Đắc vẫn chưa muốn buộc mình vào bất cứ mối tình nào. Nhất là, Thiệp hay Hường, hai cô là gia đình theo đạo Thiên chúa. Đắc lại đang là đối tượng cảm tình của Đảng. Lòng Đắc thanh thản, không dày vò, suy nghĩ chi nhiều.
Rồi, vẫn là chuyện tình ấy. Lần khác nữa, Đắc cũng đã để lỡ cuộc yêu đương dang dở. Số là, với cái kiểu lừng chừng, Đắc chưa muốn đặt cược mình vào sự ràng buộc nào cụ thể.
Đấy là, lần về quê, chờ đợi kỷ luật của đơn vị, Lê Thị Thu, người bạn gái, con một gia đình giầu có. Thu học lớp kế toán và làm việc cho Hợp tác xã Cấp Tiến, Tiên Thanh, Tiên Lãng, Hải Phòng.
Hàng tuần, Đắc vẫn đón Thu dạo phố. Có tới ba năm, những cuộc gặp, những buổi trò chuyện thật đầm ấm và đẹp. Ngỡ cuộc tình sẽ đi đến hôn nhân. Nhưng, rào cản lớn là Đắc. Đắc mặc cảm. Nào là, nhà Thu giàu. Nào là, tuổi Đắc còn đang trẻ. Nào là, công việc chỗ đứng trong đời…Đắc không hiểu năm tháng sau sẽ là gì khi anh chưa nhìn ra rõ rệt. Thế là, tự Đắc chủ động lánh mặt. Đắc lạnh nhạt, xa dần. Anh buông tay bỏ mặc cho năm tháng trôi đi.
Và, mối tình cứ thế lìa xa, khi nào không biết.