Trang chủ » Tôi có ý kiến

TÔI ĐỌC XONG "MỐI CHÚA"

Trần Nhương
Thứ hai ngày 16 tháng 10 năm 2017 8:50 PM



Kết quả hình ảnh cho Tiểu thuyết Mối chúa


 

Tuổi U80 đọc điếc mọi thứ đều chậm. May nhân có chuyến nhông tầu hoả về quê Phú Thọ nên đọc xong. Nhẹ cả người. Đọc đến trang cuối thì mừng vì gã Tạ Duy Anh còn yêu dân yêu nước lắm, gã chưa hề thoái hoá biến chất !

Gã vốn thông minh, tôi đọc gã những Mr Ban, Gã lộn ngược, Đi tìm nhân vật...thấy gã vẫn phong độ. Gã viết Mối Chúa sắc nước hơn, hóm hỉnh và cả sex cũng hay hơn.

Gã có tài dẫn dụ người đọc không bỏ được, cứ phải đọc cho hết. Văn lão như có ma và gã tung hoả mù khiến người đọc lạc vào mê trận. Lại có lúc rất kiến hiệp, hình sự như kiểu bộ phim truyền hình vừa chiếu "Người phán xử".

Không gian trong tiểu thuyết là một làng quê yên ả, bờ sôi ruộng mật rồi rối tung lên vì dự án sân gôn. Việt con giai Mr Nam tiếp tục công việc của bố làm dự án và gặp bao trắc trở với dân làng, với hàng ngũ quan chức đủ cấp mà tiêu biểu là Huyện quan. Chuyện trong tiểu thuyết so với đời sống hôm nay chỉ đáng là con tôm con tép so với kình ngư.

Ông Vũ Ngọc Hoàng cựu Phó Trưởng ban Tuyên giáo, trong bài “Lợi ích nhóm” và “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” - cảnh báo nguy cơ" đăng trên TC Cộng sản, có đoạn viết:

“Chủ nghĩa tư bản thân hữu” còn có các cách gọi khác nhau, là “chủ nghĩa tư bản lợi ích”, “chủ nghĩa tư bản bè phái”, “chủ nghĩa tư bản bè cánh”, “chủ nghĩa tư bản lũng đoạn”,... “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” không phải là một giai đoạn của chủ nghĩa tư bản, mà là một hiện tượng, một khuyết tật, một sự tha hóa của chủ nghĩa tư bản. Đây là loại hình “phát triển” mà trong đó các doanh nghiệp dựa vào ưu thế về mối quan hệ với những người có quyền lực để tạo ra nguồn thu tài chính cho cá nhân và đơn vị mình. Các doanh nghiệp này tập trung đầu tư vào “quan hệ”, vào “quan chức” để từ đó mà dùng quyền lực tạo ra lợi nhuận siêu ngạch. Đặc trưng của “chủ nghĩa tư bản thân hữu” là có sự cấu kết, xâm nhập lẫn nhau giữa nhóm đặc quyền kinh tế và nhóm đặc quyền chính trị, người kinh doanh cũng đầu tư vào quyền lực và người có quyền lực cũng tham gia kinh doanh, làm quan chức để làm giàu, họ cùng nhau bóc lột “mềm” toàn xã hội, bóc lột cả dân tộc, họ thâu tóm các nguồn tài chính, của cải và thâu tóm quyền lực chính trị, biến bộ máy nhà nước thành công cụ của một nhóm người (nhân danh nhà nước và đảng cầm quyền) thực hiện độc quyền kinh tế kết hợp với độc quyền chính trị..."

Mối chúa của Tạ Duy Anh có lẽ cũng nói lên tinh thần ấy bằng văn chương

Cái giỏi nhất của gã là xây dựng nhân vật Mr Đại, như có lại như không, thoắt ẩn thoắt hiện, không là gì cả mà quyền lực bách chiến bách thắng. Mr Đại khiến bàn dân thiên hạ khiếp đảm, một đồn mười như kẻ mê muội theo tà giáo nào đó. Đó chính là "bố già", là nhóm lợi ích thân hữu..

Hoá ra Mối chúa kết có hậu, bao nhiêu kẻ ác như Mr Đại, Thần Chết, bọn chó săn đều phải trả giá. Tình đồng đôi những người lính Trường Sơn ngày nào hoạn nạ lại có nhau.

Rồi Nam ông chủ dự án sân gôn cũng thức tỉnh vứt bỏ hết tìm đến tình yêu. Cô sinh viên trường Luật tên Diệu như đại diện cho Thần công lý bị nhóm lợi ích tìm cách tiêu diệt cũng thoát nạn trong một pha giật gân như phim hành động...

Mối chúa không hề có chuyện vi phạm Luật xuất bản, không chống lại Nhà nước XHCN tươi đẹp, không chống lại khối đoàn kết dân tộc, không vi phạm thuần phong mỹ túc..Không biết cơ quan quản lí có ý gì không hay muốn làm cho không khí văn chương bớt ảm đạm ?
.

Chỉ có điều nếu Tạ Duy Anh sống vào thời cụ Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao... thì chắc Mối chúa còn hiện thực hơn nữa, hay hơn nữa. Nhưng trong thời buổi này có được Mối chúa là mừng..

Một điều nữa các nhân vật của Mối chúa chưa anh nào ấn tượng để có thể từ danh từ biến thành tính từ...

Tác phẩm Mối chúa có gì mà phải đình chỉ phát hành. Nó thức tỉnh ối người đang say máu tiền chà đạp lên tất cả đấy chứ !