Ngành Giáo dục nước nhà vốn dĩ đã rất rối ren, việc xóa bỏ biên chế là vấn đề quan trọng và rất phức tạp nên xin ông Nhạ hãy cố gắng sáng suốt. Khi không đủ sáng suốt thì phải nhờ cậy vào tư vấn. Nếu không chọn được những cố vấn thật giỏi ở bộ, thì tìm kiếm tư vấn trong xã hội.
Dự định của ông bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Phùng Xuân Nhạ về bỏ biên chế của giáo viên vừa tung ra thăm dò đã bị dư luận phản đối quyết liệt, nên ông vội thay đổi hành vi và mục tiêu ban đầu của ông.
Ông bộ trưởng bào chữa rằng, mọi thứ phải xin ý kiến của Chính phủ, và chỉ thí điểm ở một số trường đại học công lập, chứ chưa áp dụng cho giáo viên ở các trường phổ thông.
Trấn an của ông bộ trưởng làm cho giáo viên phổ thông tạm thở phào nhẹ nhõm, nhưng vẫn canh cánh về số phận tương lai.
Bởi thế, nên có mấy điều xin trao đổi với ông bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo.
1. Ở nhiều nước tiên tiến không có biên chế như ta, nên việc bỏ biên chế là điều cần làm. Vấn đề là lúc nào, và bắt đầu từ đâu.
2. Ở các nước tiên tiến, mọi người phải ký hợp đồng lao động có thời hạn mà không có biên chế suốt đời là xuất phát từ hình thức sở hữu tư nhân. Chủ sở hữu hay đại diện ủy quyền của chủ sở hữu toàn quyền quyết định việc ký hợp đồng lao động xuất phát từ lợi ích của cơ sở lao động.
3. Ở nước ta, là sở hữu toàn dân, thông qua khuôn mặt sở hữu nhà nước. Muốn xóa bỏ biên chế triệt để đúng nghĩa thì phải xóa bỏ sở hữu toàn dân trước một bước.
4. Nếu không xóa bỏ sở hữu toàn dân mà cho người đại diện cơ sở lao động toàn quyền ký hợp đồng lao động có thời hạn thì sẽ xẩy ra nhiều điều tệ hại. Trong số đó:
- a) Vì lợi ích của người có quyền ký hợp đồng lao động mà không vì lợi ích của sở hữu toàn dân;
- b) Từ đó sinh ra tham nhũng lãng phí thất thoát;
- c) Từ đó sinh ra chuyên quyền độc đoán bè phái;
- d) Hệ quả là người lao động không nhận được sự công bằng, xa hơn là bị áp bức trù dập.
- d) Kết quả là cơ sở lao động bị lụn bại.
5. Bởi vậy, khi chưa xóa bỏ sở hữu toàn dân mà ông Nhạ tiến hành thí điểm xóa bỏ biên chế tại các trường đại học công lập thì chắc chắn sẽ nảy sinh ra những mâu thuẫn, những bất công. Sự tha hóa của một bộ phận cán bộ quản lý trong nền kinh tế thị trường hoang dã sẽ đẩy số phận giáo viên vào những hoàn cảnh vô cùng éo le và làm cho nền giáo dục càng thêm thảm hại.
6. Quá trình tư hữu hóa sở hữu toàn dân sẽ tiến hành ở các ngành khác trước. Ngành Giáo Dục thuộc nhóm ngành xóa bỏ biên chế cuối cùng.
7. Khi xóa bỏ biên chế ở Bộ Giáo dục và Đào tạo thì phải bắt đầu từ bộ trưởng và cơ quan bộ, rồi đến lãnh đạo các sở, phòng, và các trường. Không phải bắt đầu từ giáo viên trước. Giáo viên là trụ cột của giáo dục quốc gia. Không được tiên phong đưa giáo viên ra làm vật thí nghiệm cho cải cách biên chế.
8. Nhân sự là một trong những việc cấp thiết cần phải thay đổi. Tuy nhiên, trước hết ông Nhạ phải tiến hành bắt đầu từ cơ quan bộ, tiếp đến là lãnh đạo sở, phòng và ban giám hiệu các trường. Cải cách nhân sự và tiến hành xóa bỏ biên chế phải triển khai ở bộ phận quản lý trước. Làm cho bộ phận quản lý trong sạch và giỏi thì sau đó triển khai ở bộ phận giáo viên mới sòng phẳng trôi chảy. Khi bộ phận quản lý còn đầy rẫy những người yếu kém thì không thể cải cách xóa bỏ biên chế ở bộ phận giáo viên tốt được. Phải loại bỏ các cán bộ quản lý không đạt yêu cầu trước, thì mới loại bỏ được các giáo viên không đạt yêu cầu một cách công bằng đúng đắn.
9. Xóa bỏ biên chế phải tiến hành song song cùng với việc tăng lương theo hiệu quả công việc. Điều chỉnh lương của hàng chục vạn giáo viên là việc rất lớn của Chính Phủ chứ Bộ Giáo Dục và Đào tạo một mình không thể giải quyết được. Mặt khác, xóa bỏ biên chế phải công khai thuật toán với các nguyên tắc xóa bỏ để trở nên công bằng và sòng phẳng cho tất cả. Thuật toán xóa bỏ biên chế phải khoa học và phải được công bố rộng rãi cho mọi người được biết và hiểu rõ trước khi tiến hành xóa bỏ biên chế.
10. Ngành Giáo dục nước nhà vốn dĩ đã rất rối ren, việc xóa bỏ biên chế là vấn đề quan trọng và rất phức tạp nên xin ông Nhạ hãy cố gắng sáng suốt. Khi không đủ sáng suốt thì phải nhờ cậy vào tư vấn. Nếu không chọn được những cố vấn thật giỏi ở bộ, thì tìm kiếm tư vấn trong xã hội.
Nhớ lại tháng 5 năm 2016, nhiều người Việt đã tấm tắc về bài phát biểu của TT Obama tại TT Hội nghị quốc gia, làm cho nhiều người nhớ đến các câu thành ngữ “thần thiêng nhờ bộ hạ” và “ thầy nào trò đấy”.
Những người sáng suốt thì mới chọn được cố vấn giỏi.
Ts Toán Nguyễn Ngọc Chu